THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 331-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1993 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM RƯỢU, BIA, NƯỚC GIẢI KHÁT
Trong thời gian qua, việc sản xuất lưu thông rượu, bia, nước giải khát (dưới đây gọi chung là đồ uống) phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng và phong phú, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng còn nhiều sản phẩm chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh vẫn lưu hành trên thị trường; hiện tượng sản xuất, lưu thông hàng giả vẫn phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng và an ninh trật tự xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số biện pháp sau đây:
1. Các cơ quan cấp đăng ký kinh doanh coi chất lượng hàng hoá và vệ sinh trong sản xuất, lưu thông các đồ uống là điều kiện quan trọng trong việc xem xét cấp đăng ký kinh doanh; phải thường xuyên kiểm tra các đơn vị và cá nhân (dưới đây gọi chung là các cơ sở) kinh doanh đồ uống; tuỳ theo mức độ vi phạm mà đình chỉ kinh doanh tạm thời hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm về chất lượng và vệ sinh thực phẩm theo luật định.
2. Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm chỉ đạo, rà soát lại các tiêu chuẩn ngành về đồ uống hiện có, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn mới khi cần thiết; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các Tiêu chuẩn Việt Nam, quy định vệ sinh (do Bộ Y tế ban hành), đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng, có chứng nhận vệ sinh và xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm của mình; tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các cơ quan quản lý khác trong kiểm tra, thanh tra về đăng ký kinh doanh, chất lượng và vệ sinh.
3. Ban chỉ đạo quản lý thị trường các cấp chủ trì việc kiểm tra, xử lý hàng giả theo Nghị định 140-HĐBT ngày 25 tháng 4 năm 1991 về kiểm tra và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả; các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy chế trong kinh doanh đồ uống trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh.
4. Bộ Y tế ban hành các quy định về vệ sinh thực phẩm đối với đồ uống, bao gồm các chỉ tiêu vi sinh gây bệnh, các loại phụ gia được phép sử dụng, hàm lượng các chất độc hại (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...); tiến hành việc cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm (dưới đây gọi là chứng nhận vệ sinh thực phẩm) cho các cơ sở sản xuất, lưu thông các sản phẩm đồ uống: tăng cường hệ thống thanh tra vệ sinh thường xuyên thanh tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh trong sản xuất, lưu thông và sử dụng đồ uống (bao gồm vệ sinh cơ sở, vệ sinh cá nhân tham gia sản xuất, lưu thông và các chỉ tiêu vệ sinh của nguyên liệu và sản phẩm phụ), ngăn chặn việc xuất hiện và phát triển dịch bệnh trên quy mô lớn.
Cơ quan thanh tra y tế về vệ sinh cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác trong quá trình thanh tra và xử lý vi phạm.
5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát, sửa đổi và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam hiện có về đồ uống; chỉ cấp đăng ký chất lượng cho các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất những sản phẩm đồ uống có chất lượng, có chứng nhận vệ sinh thực phẩm và có đăng ký kinh doanh; chấn chỉnh hệ thống thanh tra Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường - chất lượng từ Trung ương đến địa phương để ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm đồ uống kém chất lượng.
6. Các cơ sở kinh doanh đồ uống phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước về quản lý kinh doanh - thị trường chất lượng và vệ sinh, đồng thời có trách nhiệm:
Đối với các cơ sở trực tiếp sản xuất:
- Phải đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng, có chứng nhận vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm chất lượng hàng hoá của mình trước người tiêu dùng và pháp luật đúng như cam kết trong đăng ký chất lượng; thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hoá của mình;
- Áp dụng các biện pháp chống làm giả hàng hoá của mình sản xuất ra (ghi nhãn đầy đủ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác...); chủ động phát hiện hàng giả, đồng thời phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước kiểm tra, xử lý việc sản xuất, lưu thông hàng giả trên thị trường.
Đối với các cơ sở kinh doanh thương nghiệp:
- Chỉ được kinh doanh các đồ uống có nguồn gốc rõ ràng, có đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng và có chứng nhận vệ sinh thực phẩm;
- Phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật về chất lượng đồ uống mà mình kinh doanh.
7. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Y tế, có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
| Nguyễn Khánh (Đã ký)
|