BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 36/1998/CT-TW | Hà Nội, Ngày 25 tháng 6 năm 1998 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường của nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu, đã xuất hiện những gương người tốt, việc tốt về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường ở nước ta hiện chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nhìn chung môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái, có nơi nghiêm trọng. Việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa nghiêm minh. Ý thức tự giác bảo vệ và giữ gìn môi trường công cộng chưa trở thành thói quen trong cách sống của đại bộ phận dân cư.
Rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề, khoáng sản bị khai thác bừa bãi. Đất đai bị xói mòn và thoái hoá; đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm. Nguồn nước mặt và nước ngầm đang ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt, vùng biển đã bắt đầu bị ô nhiễm. Nhiều đô thị và khu công nghiệp bị ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải rắn... Điều kiện vệ sinh môi trường ở nông thôn quá thấp kém, tiêu chuẩn an toàn lao động và an toàn thực phẩm bị vi phạm. Các sự cố môi trường ngày càng gia tăng.
Việc gia tăng dân số, việc di dân tự do diễn ra ồ ạt và không kiểm soát được, việc khai thác có tính chất huỷ diệt các nguồn lợi sinh vật trên cạn và dưới nước, việc phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng liên quan đến môi trường mà Nghị quyết Đại hội VIII đã đề ra cho năm 2000 như: phủ xanh 40% diện tích rừng, bảo đảm 80% dân số được cung cấp nước sạch, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm... đang là những thách thức gay gắt đối với nước ta hiện nay.
Các vấn đề môi trường toàn cầu, như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô-zôn, dâng cao mực nước biển, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm chất lượng nước của các dòng sông lớn và các thảm rừng chung biên giới, hiện tượng mưa a-xít, hiện tượng ElNino... ngày càng ảnh hưởng xấu đến môi trường nước ta.
Tình trạng trên đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính:
- Các cấp uỷ đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa kịp thời có kế hoạch và biện pháp bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường.
- Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương chậm trễ và kém hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Luật bảo vệ môi trường và "Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000"; các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường vừa thiếu vừa chồng chéo, lại không đồng bộ; đầu tư cho môi trường còn thấp.
- Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn Đảng và toàn dân, toàn quân chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng, các phong trào quần chúng về bảo vệ môi trường.
- Công tác quản lý nhà nước về môi trường ở cả trung ương và địa phương chưa đáp ứng với yêu cầu.
Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường của những nơi, những vùng đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu đến năm 2000 phải đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường mà Đại hội VIII của Đảng đã đề ra.
- Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
- Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
- Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
C - ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TRÊN CẦN TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP SAU ĐÂY:
Tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản bảo vệ môi trường.
Động viên hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng.
Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường như phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, Vườn - Ao - Chuồng (VAC), Vường - Ao - Chuồng - Rừng (VACR), Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, gia đình văn hoá, vệ sinh tốt ...
2- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh thi hành Luật bảo vệ môi trường.
Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật, bảo đảm nâng cao hiệu lực của luật.
Ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích áp dụng các công nghệ sạch.
Thể chế hoá việc đóng góp chi phí bảo vệ môi trường.
Thể chế hoá việc phối hợp giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường: trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có các chỉ tiêu, biện pháp bảo vệ môi trường. Tính toán hiệu quả kinh tế, so sánh các phương án phải tính toán cả chi phí về bảo vệ môi trường.
3- Chủ động phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường.
Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật bảo vệ môi trường về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc xét duyệt cấp phép các quy hoạch, các dự án đầu tư. Nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường không được chấp nhận thì không cho thực hiện các quy hoạch, dự án này.
- Áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng.
Chính phủ khẩn chương thông qua kế hoạch quốc gia ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển, kế hoạch nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hoá học dùng trong chiến tranh đối với môi trường và con người.
4- Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên.
Áp dụng các biện pháp kinh tế và luật pháp cần thiết tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện nghiêm chỉnh lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ rừng đi đôi với việc giải quyết định canh định cư, giải quyết việc làm và cung cấp đầy đủ lương thực cho dân sinh sống với rừng; mở rộng diện tích các khu bảo tồn động thực vật hoang dã, các vườn quốc gia bảo vệ đa dạng sinh học.
Nhanh chóng chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây lãng phí tài nguyên, huỷ hoại rừng, suy thoái đất và ô nhiễm môi trường.
Chấm dứt ngay việc sử dụng các biện pháp có tính huỷ diệt (như điện, xung điện, chất nổ, chất đốt...) để khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản.
Tăng cường các biện pháp quản lý tổng hợp nguồn nước theo lưu vực sông, khẩn trương nghiên cứu các phương án đối phó với nguy cơ thiếu nước trong những năm tới.
5- Tăng cường và đa dạng hoá đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Có chính sách và cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực từ các ngành, các thành phần kinh tế và của người dân để bảo vệ môi trường.
Ngay từ kế hoạch nhà nước năm 1999, Chính phủ, các ngành và các địa phương cần có khoản mục kế hoạch về bảo vệ môi trường với kinh phí để thực hiện kế hoạch này.
Chính phủ quy định mức đầu tư cho bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho bảo vệ môi trường của Việt Nam.
6- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương.
Nâng cấp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở trung ương, tạo điều kiện cần thiết về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật để cơ quan này đủ sức thực hiện tốt chức năng quản lý môi trường, kết hợp chặt chẽ với việc tư vấn hoạch định các chủ chương chính sách về phát triển bền vững, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi thuỷ sản.
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các địa phương.
Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường, đánh giá và dự báo diễn biến môi trường của cả nước.
Hình thành hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường.
Tổ chức hệ thống đào tạo cán bộ, chuyên gia thuộc lĩnh vực môi trường với các cấp trình độ, các loại ngành nghề đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường.
Chú trọng hình thành và phát triển ngành công nghệ môi trường phù hợp với điều kiện nước ta.
8- Mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường.
Tham gia các chương trình hợp tác có mục tiêu để giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ môi trường chung với các quốc gia có liên quan (chung biên giới, chung vùng biển, vùng trời, chung dòng sông...).
Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương và tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường.
Các cấp uỷ đảng và chính quyền cần lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp việc kết hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với công tác bảo vệ môi trường, phát động phong trào quần chúng rộng rãi, liên tục tham gia công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, xây dựng nếp sống sạch, đẹp, văn minh trên địa bàn mình.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và gương mẫu, tích cực tham gia mọi hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động lãnh đạo quần chúng bảo vệ môi trường.
| Phạm Thế Duyệt (Đã ký) |
- 1 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác bảo vệ môi trường nước và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 2 Công văn về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị
- 3 Công văn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
- 4 Luật Bảo vệ môi trường 1993