Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN KHOA GIÁO
********

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 375/CV.KG/TW
Về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW “về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 1998

 

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Ban Khoa giáo Trung ương hướng dẫn Ban Cán sự Đảng thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, sau khi đã thống nhất với Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ các tỉnh thành uỷ tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/TW của Bộ Chính trị như sau:

I. TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT CÁC NỘI DUNG CỦA CHỈ THỊ 36-CT/TW

Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn ở các bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội, Thường vụ tỉnh, Thành uỷ phối hợp với các cấp chính quyền tương ứng tổ chức quán triệt Chỉ thị bảo vệ môi trường có liên hệ tình hình bảo vệ môi trường ở Bộ, ngành, địa phương phụ trách và nêu Mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2000 và những năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, tổ chức phổ biến rộng rãi nội dung và tinh thần của Chỉ thị tới các doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và trong toàn dân về:

...Thực trạng môi trường nước ta hiện nay, nguyên nhân của thực trạng trên. Qua đó, cần liên hệ với hiện trạng môi trường của từng địa phương và cơ sở.

- Mục tiêu, quan Điểm bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Những giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới, từ đó tìm các giải pháp phù hợp với đơn vị, ngành địa phương mình phụ trách để thực hiện.

- Các nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể về công tác bảo vệ môi trường ở từng ngành và địa phương mình phụ trách.

Ngay trong năm 1998 cần tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của toàn Đảng và toàn dân về công tác bảo vệ môi trường.

II. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ 36-CT/TW

Trong chương trình hành động thực hiện Chỉ thị, cần chú trọng các nội dung sau:

1. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tìm hiểu về Luật bảo vệ môi trường, chương trình hành động quốc gia và Chỉ thị về bảo vệ môi trường trong toàn Đảng, toàn dân. Từ đó đề ra các biện pháp bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các Điều Khoản đã ghi trong Luật.

Một số việc có thể tổ chức làm ngay như:

- Triển khai đề án trồng rừng và bảo vệ rừng, vấn đề định canh định cư.

- Bảo vệ nguồn nước.

- Chấm dứt tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi.

- Chấm dứt việc dùng điện, xung điện, chất nổ... để đánh bắt thuỷ sản.

2. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ môi trường ở từng địa phương và cơ sở: Thực hiện nếp sống văn hoá sạch, hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh công cộng, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo vệ rừng, dùng nước sạch, gia đình văn hoá và vệ sinh tốt. Cần phải có sự chuyển biến rõ rệt về vệ sinh ở làng xóm và nơi công cộng, vệ sinh ăn uống ở từng gia đình. Ngay từ quý III năm 1998 phát động phong trào và đồng thời có biện pháp duy trì phong trào.

3. Các cấp uỷ Đảng thường xuyên chỉ đạo việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong các kế hoạch kinh tế, các quy hoạch, các dự án đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường, có biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời phải có dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

4. Kiểm tra, hạn chế ô nhiễm do các cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ra. Từ đó phân loại các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn và lên kế hoạch xử lý phù hợp:

- Cơ sở nào gây ô nhiễm quá mức cho phép thì quy định thời gian cụ thể để xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

- Cơ sở nào gây ô nhiếm môi trường nghiêm trọng thì kiên quyết di chuyển địa Điểm hoặc đình chỉ sản xuất.

- Đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh xây dựng mới chỉ có thể được triển khai khi đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn phải nghiêm chỉnh giải quyết các trường hợp vi phạm theo pháp luật hiện hành.

5. Đối với đô thị, khu công nghiệp và các khu du lịch cần có kế hoạch cụ thể nhằm tập chung xử lý chất thải, nhất là chất thải bệnh viện và chất thải độc hại.

6. Kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo chuyên gia cũng như hợp tác quốc tế về hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Tìm giải pháp nhằm huy động và đa dạng hoá các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban tuyên giáo tỉnh, thành uỷ hướng dẫn thực hiện và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 36 của các cấp, các ngành và cơ sở. Kết quả thực hiện Chỉ thị được báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm cho Ban Khoa giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ KHCN & MT để tổng hợp báo cáo lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

 

Đặng Hữu

(Đã ký)