BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3634/CT-BNN-TY | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT; KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT
Từ đầu năm 2011 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn 71 xã thuộc 40 huyện của 21 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 99.780 con (gồm: 37.558 con gà, 61.171 con vịt và 1.051 con ngan). Số gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy là 132.667 con. Bệnh Tai xanh đã xảy ra ở 168 xã, 39 huyện của 16 tỉnh, thành phố với 20.406 lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu hủy là 15.656 con. Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra ở 1.767 xã, 234 huyện của 16 tỉnh, thành phố với 77.629 trâu, 8.578 bò và 41.692 lợn mắc bệnh, số gia súc đã tiêu hủy là 6.889 trâu bò, 31.642 lợn và 213 dê. Trong thời gian qua, dịch bệnh động vật đã cơ bản được khống chế, không phát sinh các ổ dịch mới. Tuy nhiên, vào thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, thời tiết diễn biến bất thường cùng với sự lưu thông buôn bán động vật, sản phẩm động vật phục vụ Tết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại, phát tán, do vậy nguy cơ dịch tiếp tục xảy ra là rất cao. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại nhiều địa phương bị buông lỏng, nhiều vụ vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ; đặc biệt một số vụ còn có sự tiếp tay của cán bộ kiểm dịch thú y.
Để ngăn ngừa, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với động vật như bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh … đảm bảo nguồn cung thực phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nhâm Thìn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường việc quản lý, giám sát dịch bệnh động vật, việc vận chuyển gia súc, gia cầm; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn, trong đó chú trọng một số điểm sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chính quyền các cấp, các ban, ngành tại địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành thành việc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong đó chú trọng thực hiện các nội dung sau:
a) Đối với dịch cúm gia cầm:
Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngăn chặn gia cầm vận chuyển ra ngoài ổ dịch. Tuyên truyền cho mọi người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh, không tiếp xúc, ăn gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc, sớm khai báo khi có gia cầm nghi bị dịch. Riêng đối với các tỉnh Nam bộ phải thường xuyên thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, tạm miễn dịch khép kín cho đàn gia cầm, yêu cầu kết quả tiêm phòng phải đạt tỷ lệ trên 80% trên tổng đàn.
b) Đối với bệnh tai xanh:
Tăng cường công tác kiểm tra phát hiện dịch, khi có dịch xảy ra cần áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt như: tiêu hủy ngay lợn chết, lợn bệnh, công bố dịch, thành lập Ban chống dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài huyện có dịch, sử dụng vắc xin tai xanh phòng bệnh, tránh để dịch lan rộng và lây lan sang các địa phương khác.
c) Đối với bệnh Lở mồm long móng:
Tăng cường công tác giám sát chủ động trên địa bàn, nhằm phát hiện kịp thời ổ dịch khi mới xuất hiện để xử lý triệt để, không để lây lan; giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y; vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân dùng tham gia;
Tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM đợt II/2011 trong Chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM năm 2011, yêu cầu phải đạt trên 80% so với tổng đàn; đối với các địa phương không thuộc vùng khống chế và vùng đệm của Chương trình quốc gia, yêu cầu tiêm phòng tại các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao.
d) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước. Việc kiểm dịch phải được thực hiện tại nơi nuôi cách ly kiểm dịch, nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật trước khi vận chuyển theo đúng quy định, nghiêm cấm việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho chủ hàng, hoặc cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không trực tiếp kiểm tra và không rõ nguồn gốc và mục đích sử dụng.
đ) Chỉ đạo các cơ quan hữu quan như Công an, Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Thú y địa phương, các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các ban, ngành trong tỉnh như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Y tế, Thú y, Giao thông vận tải, … kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Nếu phát hiện động vật, sản phẩm động vật (đặc biệt là gia cầm sống, nội tạng và các sản phẩm khác từ gia súc, gia cầm) nhập lậu từ các nước láng giềng vào Việt Nam phải xử lý triệt để theo quy định.
3. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan kiểm dịch động vật quản lý, giám sát chặt chẽ đối với hàng thực phẩm đông lạnh có nguồn gốc động vật tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đảm bảo toàn bộ hàng hóa phải được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về việc tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với hàng thực phẩm đông lạnh.
4. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thú y, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong nước.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền ở Trung ương và địa phương tuyên truyền sâu rộng các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, đặc biệt thông tin kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển trong nước, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
a) Cục Thú y chỉ đạo:
- Tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn và qua biên giới, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn;
- Tăng cường thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm dịch, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; kiểm soát quy định ghi nhãn mác, xuất xứ sản phẩm đối với thực phẩm xuất khẩu.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và hoạt động của các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm.
b) Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Thú y tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giết mổ động vật; công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu, vận chuyển trong nước tại một số địa bàn trọng điểm.
Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị này và báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 9167/BNN-TY năm 2017 về xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 8862/BNN-TY năm 2017 về chỉ đạo áp dụng biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh mới do TiLV gây ra trên cá rô phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Công văn 9167/BNN-TY năm 2017 về xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 8862/BNN-TY năm 2017 về chỉ đạo áp dụng biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh mới do TiLV gây ra trên cá rô phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành