BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8862/BNN-TY | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: | Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi cá rô phi. |
Theo cảnh báo của Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương (NACA), Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), gần đây đã có sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh mới do Tilapia lake virus (TiLV) gây ra trên cá rô phi tại 03 châu lục, đặc biệt là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bệnh này có thể lây lan qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác; hiện tại, bệnh đã chính thức được công bố tại 08 nước trên thế giới (gồm có: Cô-lôm-bia, Ecuador, Ai Cập, Israel, Thái Lan, Đài Loan, Ma-lay-xi-a và Ấn Độ); cá rô phi nhiễm bệnh có tỷ lệ chết từ 20 - 90% chủ yếu ở giai đoạn nhỏ từ 01-03 tháng tuổi. Theo nhận định của OIE, FAO và NACA, Việt Nam là nước thuộc diện có nguy cơ rất cao đối với bệnh này.
Trước tình hình trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương tổ chức điều tra xác minh tình hình dịch bệnh, chủ động lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV trên cá rô phi giống và cá rô phi nuôi thương phẩm. Kết quả cho thấy: (1) Từ năm 2015 đến nay có một số cơ quan nghiên cứu, trung tâm giống thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu cá rô phi từ các nước Israel, Trung Quốc, Phi-líp-pin, Vương quốc Anh, Thái Lan, Đài Loan về làm giống hoặc thực phẩm. Trong đó, Thái Lan và Đài Loan đã chính thức công bố có dịch bệnh do TiLV; Vương quốc Anh và Phi-líp-pin được đưa vào danh mục nước có nguy cơ cao xuất hiện bệnh này; Trung Quốc mặc dù chưa công bố dịch bệnh này, nhưng theo phân tích và nhận định của nhiều chuyên gia trên thế giới cho thấy mầm bệnh này đã và đang lưu hành rất rộng; (2) Bệnh do TiLV là bệnh mới, chưa có trong danh sách các bệnh phải công bố dịch theo quy định của OIE và pháp luật hiện hành của Việt Nam. Ngoài ra, trong danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản) chưa có quy định phải kiểm dịch đối với tác nhân gây bệnh này. Do đó, nguy cơ TiLV xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua đường nhập khẩu cá rô phi giống là rất cao; (3) Tình hình nhập khẩu bất hợp pháp cá rô phi giống từ các nước láng giềng vào Việt Nam còn phổ biến, chưa được kiểm soát triệt để; bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển cá rô phi giống từ tỉnh này sang tỉnh khác không qua kiểm dịch cũng rất phổ biến; (4) Kết quả chủ động lấy mẫu giám sát cá rô phi giống và nuôi thương phẩm (mặc dù còn hạn chế về số lượng mẫu và phạm vi giám sát) cho thấy đã có sự lưu hành TiLV ở một số địa phương; trong đó đã xuất hiện hiện tượng cá rô phi giống và nuôi thương phẩm phát bệnh.
Ngày 03/10/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với FAO tổ chức Hội nghị phòng, chống bệnh mới do Tilapia Lake Virus trên cá rô phi. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các Viện nghiên cứu, trường Đại học, cơ quan quản lý thú y, thủy sản các tỉnh phía Bắc và người nuôi cá rô phi. Hội nghị đã khẳng định nguy cơ xuất hiện, lưu hành TiLV tại một số tỉnh nuôi cá rô phi là rất cao, các địa phương cần chung tay phối hợp, chủ động giám sát phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh do TiLV.
Để chủ động ứng phó nguy cơ dịch bệnh do TiLV bùng phát, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, nuôi cá rô phi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi cá rô phi chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách sau:
1. Tăng cường chỉ đạo kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vận chuyển, nhập khẩu cá rô phi giống bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam, từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
2. Tăng cường kiểm tra tình hình sản xuất, lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV ở cơ sở sản xuất cá rô phi giống.
3. Tăng cường thông tin tuyên truyền đến người nuôi về dịch bệnh mới nguy hiểm này để có biện pháp chủ động phòng chống bằng cách tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người từ bên ngoài vào cơ sở (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng). Chỉ mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.
4. Tăng cường các biện pháp quản lý, chăm sóc, nuôi đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản, đặc biệt lưu ý ở các giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển nắng nóng phù hợp cho dịch bệnh phát triển.
5. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường chế độ giám sát, phát hiện sớm hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường; nếu phát hiện phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
6. Xây dựng, bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản chủ động nói chung và trên cá rô phi nói riêng trên địa bàn theo Công văn số 8468/BNN-TY ngày 09/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản, triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh Quốc gia năm 2018.
7. Chỉ đạo Trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về sản xuất, nuôi cá rô phi an toàn: Thả mật độ thưa, sử dụng quạt nước trong những ngày nắng nóng, sử dụng thuốc đúng, đủ theo hướng dẫn, có trách nhiệm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 8468/BNN-TY năm 2017 về xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản, triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh Quốc gia năm 2018 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Chỉ thị 3634/CT-BNN-TY năm 2011 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, sản phẩm động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 2 Thông báo số 144/TB-VPCP về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát giá cả thị trường do Văn phòng Chính phủ ban hành.
- 3 Chỉ thị 3634/CT-BNN-TY năm 2011 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, sản phẩm động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành