Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2008/CT-UBND

Huế, ngày 24 tháng 12 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH, THỰC HIỆN KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT HÀNH CHÍNH TRONG CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên nhiều mặt vẫn tồn tại nhiều bất cập. Việc thực hiện các quyết định hành chính của cấp trên trong nhiều trường hợp chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương còn chưa đồng bộ; chế độ thông tin, báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành; chế độ trách nhiệm, kỷ luật, phục vụ nhân dân trong một bộ phận cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn vi phạm... Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhận thức về trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; kiến thức quản lý Nhà nước, năng lực chuyên môn, năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo các ngành, địa phương còn hạn chế; công tác kiểm tra, quản lý cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng; đặc biệt, việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các chủ trương, quyết định đã ban hành chưa được tiến hành thường xuyên và không nghiêm.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính trên địa bàn Tỉnh đi vào nề nếp, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành, các đơn vị, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng các ngành, địa phương, đơn vị) phải tập trung quán triệt các văn bản pháp luật có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức gắn với cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc triển khai học tập phải nghiêm túc, thiết thực. Sau học tập, tất cả cán bộ, công chức phải làm bản cam kết trước Thủ trưởng ngành, địa phương, đơn vị về việc thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và việc hướng dẫn chấp hành các quy định, pháp luật của Nhà nước. Chấn chỉnh kỷ luật hành chính, tạo chuyển biến đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, thành phố và các đơn vị cơ sở, đề cao trách nhiệm, kỷ cương trong điều hành, quản lý. Xử lý kịp thời những trường hợp không chấp hành quyết định của cấp trên hoặc vi phạm pháp luật.

2. Xây dựng và hoàn thiện Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình, nội quy, quy chế quản lý cán bộ, công chức phù hợp với các nội dung của Pháp lệnh cán bộ, công chức. Rà soát, tổ chức, sắp xếp và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn.

Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Qui chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, đảm bảo các chế độ tiêu thức xây dựng cơ quan văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của cán bộ công chức trong thi hành công vụ; hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, kịp thời bổ sung, bồi dưỡng, thay thế những cán bộ, công chức yếu kém và thoái hoá.

3. Chủ động bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình để vừa tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, vừa tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực được phân công; đồng thời chủ động thực hiện hoặc tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, có chất lượng các văn bản của Trung ương giải quyết kiến nghị của địa phương, đơn vị không chờ văn bản giao việc của UBND tỉnh mới triển khai thực hiện.

Tập trung đẩy mạnh công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; mở rộng hình thức lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân, đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, ngành mình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ việc khiếu tố đông người, những vụ việc phức tạp, kéo dài...

4. Thủ trưởng các ngành, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quyết định 1930/2007/QĐ-UBND về cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”: Tiến hành rà soát để đề xuất thay thế, điều chỉnh và hủy bỏ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị không phù hợp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và đề xuất xử lý những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong đó chú trọng thực hiện việc theo dõi và đôn đốc các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế xử lý kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về quy trình, thủ tục hành chính; thực hiện công khai hóa kết quả xử lý các trường hợp vi phạm.

5. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc quy trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng, chứng thực...

6. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng cho UBND tỉnh; Chấn chỉnh và đổi mới công tác thông tin, báo cáo trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương; tăng cường phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin với các sở, ngành và địa phương khác; bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện chủ trương mẫu hóa các báo cáo kiểm tra và tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và xử lý những sai phạm, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện.

7. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng thông tin, trang thông tin điện tử trong chỉ đạo, điều hành trao đổi thông tin ở các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và phục vụ trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực hiện áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001-2000 trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của cơ quan theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh

8. Tổ chức thực hiện:

- Căn cứ Chỉ thị này và các văn bản có liên quan của Ủy ban Nhân dân tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, Thủ trưởng ngành, địa phương, đơn vị chấn chỉnh ngay và có biện pháp kiên quyết trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành, địa phương mình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan đối với tổ chức, đơn vị cán bộ, công chức trực thuộc. Kết quả thực hiện phải báo cáo hàng tháng trong nội dung báo cáo tháng về cho Ủy ban Nhân dân tỉnh.

- Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện Chỉ thị này, báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện của ngành, địa phương, đơn vị.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng ngành, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai ngay và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện của mình. Báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh theo định kỳ hàng quí./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện