Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/2000/CT-BNN-QLN

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TU BỔ SỬA CHỮA VÀ TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC HỒ CHỨA NƯỚC

Nước ta đã xây dựng và đưa vào khai thác hàng ngàn hồ chứa nước. Riêng các hồ có đập cao trên 10m và dung tích trên 1 triệu m3 đã có gần 500 công trình. Trong mùa mưa lũ, các hồ chứa phải tích nước để tưới đồng thưòi điều tiết làm giảm nhẹ úng lụt cho hạ du. Bên cạnh những mặt lợi to lớn, các hồ cũng tiềm ẩn những nguy cơ khi xảy ra sự cố. Vì thế, việc đảm bảo an toàn các hồ chứa luôn phải coi là nhiệm vụ đầu trong quản lý, vận hành bảo vệ các công trình thuỷ lợi.

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã cố gắng đầu tư nâng cấp, sửa chữa những hư hỏng và tăng cường quản lý bảo vệ các hồ chứa. Sự đầu tư kịp thời và tăng cường quản lý đã góp phần đảm bảo an toàn công trình đặc biệt là các hồ chứa ở miền Trung trong 2 đợt lũ lịch sử tháng 11 và tháng 12 năm 1999.

Tuy nhiên, qua kiểm tra theo dõi thấy còn nhiều hồ chứa bị hư hỏng hoặc tồn tại chưa được xử lý. Sự chỉ đạo đảm bảo an toàn các hồ chứa ở một số nơi chưa được lãnh đạo quan tâm đứng mức, công tác quản lý và chống lũ ở một số hồ cũng còn sơ hở, gặp tình huống phức tạp còn lúng túng, bị động.

Từ thực tế tình hình các hồ chứa và rút kinh nghiệm qua 2 đợt lũ lịch sử ở miền Trung, nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa trong tình hình thời tiết, thuỷ văn diễn biến phức tạp có xu thế cực đoan hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị quản lý khai thác các hồ tổ chức thực hiện tốt các việc sau:

1. Các Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm:

- Lập và bố sung qui trình vận hành hồ chứa trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, tổ chức thực hiện nghiêm theo đúng qui trình đã duyệt.

- Kiểm tra đánh giá hiện trạng các hồ chứa. Sửa chữa ngay hư hỏng đe doạ mất an toàn công trình đặc biệt quan tâm đến các công trình đầu mối (đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước). Trường hợp không thể sửa chữa kịp trước mùa mưa lũ phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giảm lượng nước trữ hoặc tạm ngừng tích nước. Những hồ chứa đang sửa chữa phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ được duyệt.

- Lập phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn công trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục quán triệt và thựuc hiện phương châm 4 tại chỗ; đặc biệt quan tâm đến chuẩn bị vật tư dự trữ như: vải lọc, bao tải, rọ thép, đất, đá, dụng cụ cầm tay....

- Mỗi hồ nhất thiết phải bố trí tràn sự cố và hành lang thoát lũ để chủ động tháo lũ trong trường hợp lũ lịch sử thông báo sớm cho chính quyền và nhân dân địa phương biết, không để xảy ra sự cố gây thảm hoạ đối với người và tài sản vùng hạ du.

- Tổ chức thực hiện công tác phòng chống lũ chặt chẽ bao gồm: quan trắc các yếu tố kỹ thuật, theo dõi dự báo thời tiết, tổ chức việc tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố xẩy ra.

- Thường xuyên thông tin đến các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên, chính quyền sở tại. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng chống lụt bão. Đảm bảo thông suốt phương tiện thông tin liên lạc.

2. Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm:

- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Thẩm định qui trình vận hành và phương án phòng chống lũ các hồ chứa đã phân cấp cho địa phương quản lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Trong mùa mưa lũ cần phân công một số cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tăng cường xuống kiểm tra những địa bàn trọng yếu.

- Tổ chức đào tạo, trao đổi nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực thực hiện của cán bộ, công nhân quản lý hồ, kể cả lực lượng quản lý hồ do dân tự quản.

- Thực hiện nghiêm tuác chế độ trực ban phòng chống lụt bão.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm:

Đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn theo Điều 23 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Đặc biệt cần lưu ý:

- Kiểm tra, đôn đốc và đảm bảo kinh phí để sửa chữa các hồ có dung tích dưới 10 triệu m3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư sửa chữa các hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3.

- Thành lập Ban chỉ huy chống lụt ở các hồ chứa để trực tiếp chỉ huy điều hành trong mùa mưa lũ.

- Kịp thời huy động các lực lượng ứng cứu khi xẩy ra sự cố nhằm khắc phục sự cố công trình đảm bảo an toàn công trình và hạn chế thấp nhất thiệt hại xẩy ra.

- Chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn dân cư vùng hạ lưu công trình đề phòng công trình có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng.

4. Cục Quản lý nước và CTTL có nhiệm vụ:

- Thường trực giúp Bộ chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên phạm vị cả nước.

- Kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các văn bản pháp luật về quản lý hồ chứa và các nội dung trong chỉ thị này.

- Thực hiện chế độ thường trực phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn công trình. Nắm bắt đầy đủ thông tin kịp thời báo cáo Bộ.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBDN các tỉnh, thành phố; Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng Chính phủ(để b/c)
- Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (nt)
- UBND các tỉnh, thành phố có hồ chứa.
- Sở NN&PTNT các tỉnh có hồ chứa
- Các Cty KTCTTL có hồ chứa
- Ban CĐPCLBTW, Phân ban CĐPCLBNB
- Bộ KH-ĐT, Tài chính, Công nghiệp
- Tổng Cty Điện lực VN (để p/hợp chỉ đạo QL
các hồ chuyên phát điện)
- Các Thứ trưởng
- Các Vụ, Cục: KHQH,XDCB-ĐT; KHCN&CLSP;
TCKT, QLN&CTTL,PCLB&QLĐ Đ, KNKL
- Lưu HC Bộ.

BỘ TRUỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT



 
Lê Huy Ngọ