BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/CT-VHTT | Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TRONG NGÀNH VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Mấy năn vừa qua, các đơn vị trong ngành Văn hoá - Thông tin bao gồm các Sở Văn hoá - Thông tin và các đơn vị trực thuộc Bộ (gọi tắt là các đơn vị) đều đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành Pháp lệnh "Qui định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy", đồng thời cũng đã tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC), vì vậy từ năm 1991 đến nay các đơn vị trong toàn ngành đã không để xảy ra một vụ cháy, nổ đáng tiếc nào, đó là một thành tích đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nếu nghiêm túc nhìn nhận lại thì thấy rằng, hiện tại ở nhiều đơn vị công tác PCCC có lúc vẫn còn chủ quan lơi lỏng, một số đồng chí thủ trưởng đơn vị còn chưa thường xuyên quan tâm đến công tác PCCC của đơn vị, có nơi chưa trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC; hoặc có nhưng không thường xuyên kiểm tra tình trạng sẵn sàng hoạt động của các phương tiện đó, việc ôn luyện, tập dượt phương án PCCC của các đội cứu hoả chưa làm được thường xuyên v.v...
Để nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 237/TTg ngày 19 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy", đồng thời để thiết thực kỷ niệm 35 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh "Qui định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy" (4/10/1961 - 4/10/1996), Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Chỉ thị:
1- Các đơn vị trong toàn ngành phải tổ chức cho toàn thể CBCNV trong đơn vị quán triệt nội dung pháp lệnh PCCC của Nhà nước, Chỉ thị số 237/TTg ngày 19/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, Chỉ thị của chính quyền địa phương, của ngành về tăng cường công tác PCCC nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác PCCC, đồng thời động viên CBCNV tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các biện pháp PCCC của đơn vị.
2- Các Sở Văn hoá - Thông tin, các đơn vị văn hoá, nghệ thuật trực thuộc Bộ cần thường xuyên thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, triển lãm để tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức cơ bản về PCCC cho toàn dân biết và thực hiện. Trước mắt nên tổ chức các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, thơ, các tác phẩm ca, kịch, điện ảnh và băng từ về đề tài PCCC.
Cục Xuất bản có trách nhiệm lưu ý các nhà xuất bản bắt đầu từ năm 1997 trở đi đưa ngày 4/10 hàng năm vào lịch in là "Ngày phòng cháy chữa cháy toàn dân" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3- Các dơn vị cần tiến hành rà soát lại các phương tiện, thiết bị PCCC hiện có ở đơn vị và lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã quá cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC, đồng thời phải trang bị bổ xung những phương tiện, thiết bị còn thiếu, đặc biệt lưu ý trang bị đủ cho các điểm trọng yếu như kho tàng, những điểm dễ gây cháy, nổ, các nhà bảo tàng, các phòng trưng bày hoặc lưu giữ các hiện vật, tài sản quý v.v... phải có biện pháp bảo quản và kiểm tra thường xuyên các phương tiện, thiết bị PCCC để bảo đảm có thể sử dụng có hiệu quả ngay khi xẩy ra cháy.
Những công trình xây dựng mới phải quan tâm xem xét tới mặt bảo đảm an toàn PCCC ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, đồng thời phải dành một phần kinh phí cho việc trang bị lắp đặt các phương tiện, thiết bị PCCC cần thiết. Khẩn trương củng cố các tổ, đội cứu hoả của cơ quan, đồng thời hàng năm phải tổ chức cho các tổ, đội này diễn tập thuần thục các phương án PCCC cụ thể của từng đơn vị.
4- Giám đốc các Sở Văn hoá - Thông tin, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm trực tiếp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra thực hiện công tác PCCC trong phạm vi đơn vị mình quản lý, trước mắt cần đề ra kế hoạch triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.
Cần kịp thời khen thưởng thích đáng cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC. Từ nay công tác PCCC phải được coi là một mặt công tác quan trọng của mỗi đơn vị và phải là một nội dung trong báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm của các đơn vị.
5- Giao cho Văn phòng Bộ trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC của các đơn vị trong toàn ngành, phản ánh kịp thời với lãnh đạo Bộ các sự việc đột xuất, đồng thời tập hợp tình hình về kết quả thực hiện công tác PCCC hàng năm của toàn ngành.
| Lưu Trần Tiêu (Đã ký) |
- 1 Chỉ thị 02/CT-CNCL năm 1996 Về tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy do Bộ Công nghiệp ban hành
- 2 Chỉ thị 237-TTg năm 1996 về tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 98-TTg năm 1980 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành