Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 454/TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT VÀ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trong cả nước đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện tốt Nghị định 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị. Nhìn chung, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đô thị đã có những chuyển biến tích cực, được mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đồng tình ủng hộ.

Trong khi đó, trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ như: xây dựng lấn chiếm lòng sông, đăng đáy trên sông, phương tiện vận tải không theo tiêu chuẩn quy phạm, không đăng ký, không dăng kiểm, người lái không có bằng cấp phù hợp với loại phương tiện... đang là những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông đường thuỷ. Trên các tuyến đường sắt, tình hình vi phạm trật tự an toàn chạy tàu chưa giảm, tình trạng lẫn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt còn nhiều, mở đường ngang đường sắt trái quy định, không chấp hành nghiêm túc các quy trình, quy phạm khai thác đường sắt, trẻ em ném đất đá lên các đoàn tàu đang chạy, chăn thả súc vật, chơi đùa trên đường sắt... gây nguy hiểm cho an toàn chạy tàu.

Để nhanh chóng lập lại trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 39/CP và số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa. Nhằm thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay những việc sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện Nghị định 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đô thị, xác định đây là công tác lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải kiên trì, tích cực tìm nhiều biện pháp vừa cơ bản vừa thiết thực để kết quả thu được thật sự ổn định và vững chắc. Đồng thời cần rút kinh nghiệm từ việc chỉ đạo thực hiện Nghị định 36/CP để tổ chức việc triển khai thực hiện nghị định về trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa có hiệu quả ngay từ những ngày đầu.

2. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành có liên quan xác định những địa bàn xung yếu, có tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ, đường sắt phức tạp để tập trung chỉ đạo nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực ở những nơi đó.

Phải thường xuyên bố trí đủ lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông trên các tuyến và địa bàn xung yếu.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Thuỷ sản, và các ngành có phương tiện vận tải đường thuỷ ngay trong năm 1996 phải hoàn thành tổng kiểm tra, kiểm kê phương tiện chuyên ngành bao gồm từ việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đến bằng, chứng chỉ của người lái tàu thuyền... với yêu cầu là mọi phương tiện hoạt động trên đường giao thông công cộng phải bảo đảm an toàn cho tài sản và con người.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc giải phóng hành lang bảo vệ đường sắt và đường thuỷ nội địa theo quy định hiện hành và áp dụng các biện pháp chống tái lấn chiếm có hiệu quả.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Uỷ ban nhân dân huyện (quận), xã (phường) nơi có đường sắt, đường thuỷ nội địa đi qua chịu trách nhiệm trước tiên về việc bảo vệ an toàn các công trình đường sắt, đường thuỷ nội địa trên địa bàn lãnh thổ, tổ chức việc phối hợp các lực lượng cảnh sát nhân dân, các đoàn thể quần chúng, trường học, cụm dân cư, hộ gia đình tham gia bảo vệ các công trình đường sắt, đường thuỷ nội địa.

5. Bộ Tài chính chuẩn bị đội ngũ cán bộ và các điều kiện để bố trí các điểm thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành.

6. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương liên quan đến hoạt động giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa phải tổ chức cho cán bộ, công nhân viên trong ngành, trong cơ quan quán triệt đầy đủ nội dung nghị định của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị định này; hàng tháng tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và bổ sung các biện pháp thích hợp nhằm tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn giao thông nói chung trong cả nước. 7. Các cơ quan thông tin tuyên truyền, báo chí trung ương và địa phương có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa bằng những hình thức phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ để toàn dân biết và nghiêm chỉnh thực hiện.

Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương tổ chức chỉ đạo thực hiện chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả đạt được lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)