Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/2004/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP,NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Thực hiện Chỉ Thị của Thủ tướng Chính phủ số 33/2004/CT-TTg ngày 23 tháng 09 năm 2004 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, để xây dựng tốt kế hoạch phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn 5 năm tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt một số vấn đề sau :

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2006 – 2010 cần đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và toàn diện, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẹ về nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa xã hội cho nông dân, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Do vậy, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc Bộ cần :

1. Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, xu thế phát triển khoa học công nghệ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, kinh tế nông thôn tỉnh, thành phố, quy hoạch phát triển ngành hàng và các sản phẩm chủ lực đối với các Tổng công ty, Công ty. Các quy hoạch phát triển phải xác định các mục tiêu cho giai đoạn 5 năm 2006-2010, nhưng phải có tầm nhìn xa hơn đến năm 2015, 2020.

2. Mục tiêu của kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2006-2010 của địa phương và các Tổng công ty, Công ty phải dựa trên Chiến lược phát triển ngành, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi, phát triển nông thôn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ các cam kết đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế.

3. Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện yêu cầu - Thực hiện các cam kết của nước ta trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), các hiệp định song phương nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp, đảm bảo khai thác có hiệu quả cơ hội và đối phó với các thách thức mới đặt ra.

4. Kế hoạch 5 năm phải đặc biệt quan tâm việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật làm cơ sở nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các khâu từ sản xuất nông lâm nghiệp tới bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

5. Kế hoạch 5 năm phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nông lâm nghiệp, trong đó chú ý hơn tới đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, tiếp tục phát triển thủy lợi, giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, phát triển các hệ thống cấp thoát nước nông thôn. Trong phát triển thủy lợi hướng tới phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đa dạng trên mỗi địa bàn.

6. Kế hoạch 5 năm phải tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ, Cục chuyển mạnh sang thực hiện đầy đủ hơn các chức năng quản lý Nhà nước trong cơ chế quản lý kinh tế mới, tăng cường phân công, phân cấp, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch.

II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH NÔNG LÂM NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

Nội dung kế hoạch nông lâm nghiệp, nông thôn 5 năm 2006-2010, cần chú trọng các vấn đề sau :

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp, nông thôn 5 năm 2001-2005 :

Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 3 năm 2001-2003, ước thực hiện năm 2004 và dự kiến kế hoạch năm 2005, các địa phương và đơn vị tiến hành đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau :

1.1. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

- Đánh giá tình hình và kết quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nêu rõ sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành và sản phẩm. Đánh giá sự phát triển về số lượng (diện tích, quy mô, tốc độ phát triển từng ngành hàng), phân tích đánh giá về chất lượng tăng trưởng; năng suất, chất lượng hàng hóa, giá thành, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đánh giá kết quả phong trào xây dựng nhiều cánh đồng, trang trại, hộ nông dân đạt và vượt giá trị sản lượng 50 triệu đồng/ha/năm.

- Đánh giá tình hình phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

- Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, tình hình phát triển lâm nghiệp.

- Đánh giá tình hình phát triển nghề muối.

- Đánh giá tình hình kinh doanh nông lâm sản, nhất là xuất, nhập khẩu.

1.2. Đánh giá tình hình phát triển thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai.

- Tình hình đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, tình hình quản lý các hệ thống thủy lợi.

- Tình hình đầu tư, tu bổ, nâng cấp các hệ thống đê điều, quản lý đê điều.

- Tình hình thiên tai và kết quả phòng chống.

1.3. Đánh giá tình hình phát triển nông thôn.

- Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân : chương trình 143, 135, định canh định cư, di dân kinh tế mới…

- Đánh giá tình hình phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Đánh giá tình hình xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông thôn mới.

1.4. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt tập trung vào :

- Tình hình thực hiện Chương trình Giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp, kết quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, công nghệ sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.

- Kết quả thực hiện các giải pháp ổn định thị trường trong nước, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, tình hình và kết quả thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

- Tình hình đổi mới quan hệ sản xuất : đổi mới và nâng cao hoạt động của hợp tác xã, sắp xếp, đổi mới hoạt động của nông lâm trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, trang trại, kinh tế tư nhân v.v…

Các Tổng công ty, Công ty tập trung đánh giá tình hình sắp xếp đổi mới, thực hiện cổ phần hóa, áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, tình hình triển khai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các đơn vị sự nghiệp đánh giá tình hình đổi mới cơ chế hoạt động, kết quả nghiên cứu, đào tạo đáp ứng cho yêu cầu của thực tiễn đóng góp cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành, thực hiện Quyết định số 192 của Chính phủ về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, Nghị định số 10 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

- Tình hình và kết quả thực hiện Chương trình Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt trên các lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng, quản lý chất lượng sản phẩm v.v…

2. Mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2006-2010

2.1. Mục tiêu phát triển

Mục tiêu tổng quát là : Tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, phát triển với tốc độ cao, bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa có cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển, đời sống nông dân được nâng cao cả về vật chất và văn hóa tinh thần.

2.2. Định hướng và nhiệm vụ chủ yếu

Bộ yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu sau :

(1) Về sản xuất nông lâm, diêm nghiệp

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu gắn với xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm 4 - 4,5%.

- Hoàn chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Phát triển mạnh các loại sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng và có thị trường tiêu thụ. Tiếp tục chuyển một phần diện tích trồng lúa và cây trồng có năng suất thấp, thị trường khó khăn, sang nuôi trồng thủy sản và trồng các cây trồng khác nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, kể cả trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp có giá trị cao.

- Quy hoạch xây dựng các vùng rừng nguyên liệu gắn với các cơ sở chế biến bột giấy, giấy, ván nhân tạo, cung cấp gỗ cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu, gỗ xây dựng, gỗ gia dụng… Áp dụng phương thức quản lý rừng bền vững, tạo lâm phần ổn định lâu dài. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng kinh tế hiệu quả cao. Tiếp tục triển khai việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng hiện có.

- Đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành muối, nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch, tạo ra năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp, tiến tới không nhập khẩu muối nguyên liệu công nghiệp.

- Có kế hoạch về các biện pháp phòng, chống thiên tai và lũ lụt, hạn hán, cháy rừng.

(2) Về phát triển công nghiệp nông thôn.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản để tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân và tăng nhanh giá trị sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh quốc tế, như : gạo, cà phê, cao su, chè, hạt điều, tiêu và một số loại rau quả, đảm bảo nhịp độ tăng trưởng không thấp hơn 12%/năm.

Đối với chế biến lâm sản, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ ở các cơ sở hiện có, khuyến khích xây dựng mới một số nhà máy mới chế biến lâm sản có giá trị gia tăng cao. Tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển các cơ sở chế biến lâm đặc sản, nhựa thông, cánh kiến, quế, hồi, …

- Có chính sách hỗ trợ tích cực để phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng.

- Thực hiện xã hội hóa dịch vụ ở nông thôn, thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế để đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân nông thôn.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sau thu hoạch, dịch vụ. Hỗ trợ tạo lập các cụm công nghiệp dịch vụ với quy mô thích hợp ở các huyện, làng nghề lớn.

(3) Về phát triển nông thôn

- Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đặc biệt hỗ trợ các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn để xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, cải thiện đời sống. Thực hiện các Chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, các chương trình 135, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn : lồng ghép các chương trình trên từng địa bàn để đạt hiệu quả cao hơn.

- Tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, ưu tiên các công trình có hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của nông dân.

- Quy hoạch và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp xây dựng nông thôn mới, có hạ tầng phát triển, văn hóa lành mạnh, an ninh trật tự được giữ vững.

(4) Về khoa học công nghệ và đào tạo

- Xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp mạnh và đồng bộ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra ngày càng nhiều các tiến bộ kỹ thuật có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

- Đổi mới có chế quản lý khoa học, gắn khoa học với sản xuất.

- Trong 5 năm tới việc nghiên cứu khoa học công nghiệp cần tập trung vào : Nghiên cứu chọn tạo các giống cây con có hàng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng, các biện pháp thâm canh cây trồng, nuôi dưỡng gia súc, công nghệ sau thu hoạch, những vấn đề kinh tế, quản lý trong cơ chế thị trường. Chú trọng nghiên cứu các kỹ thuật phù hợp cho miền Trung và vùng miền núi.

- Tăng cường hệ thống khuyến nông, đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới. Mỗi Viện, Trường cần xây dựng điểm trình diễn công nghệ mới, công nghệ cao.

- Các trường đào tạo hướng vào nội dung phát triển nguồn nhân lực co công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đa dạng hóa đối tượng đào tạo, ưu điên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

- Tăng cường công tác thú ý, bảo vệ thực vật, hệ thống quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và phân bón.

(5) Tăng cường công tác thị trường tiêu thụ nông sản trên cơ sở hội nhập kinh tế quốc tế.

- Chú trọng mở rộng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, miền núi, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các vùng trong cả nước. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chắp nối bạn hàng và đối tác kinh doanh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước.

- Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thương mại tư nhân (cá nhân và hộ kinh doanh) cùng hợp tác xã tạo thành mạng lưới đại lý tiêu thụ chủ yếu và là đối tác cơ bản ký hợp đồng với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp và hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn nông thôn.

- Tập trung triển khai các cam kết với ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là an ninh lương thực, xúc tiến thương mại, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp : chuẩn bị thực hiện các cam kết với WTO về nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật thú y với các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam.

- Hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm sản, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quản lý chất lượng nông sản hàng hóa, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa.

- Tăng cường công tác thông tin và dự báo thị trường để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư và phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, nông dân.

(6) Định hướng đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đầu tư

Trong 5 năm tới, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và từ các nguồn khác vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm 2006-2010 phải được tiếp tục điều chỉnh theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa và hiệu quả sản xuất, hướng cụ thể là :

- Tiếp tục dành ưu tiên cho các chương trình, dự án chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo, các dự án ĐCĐC, Chương trình 135, Chương trình Nước  sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác thông tin thị trường.

- Về thủy lợi : Ưu tiên bố trí vốn đầu tư để tu bổ các hệ thống đê, các công trình an toàn hồ chứa các công trình đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống và các công trình có thể sớm hoàn thành phát huy tác dụng với hiệu quả cao, đầu tư cho thủy lợi phục vụ sản xuất các cây hoa mầu, cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, đảm bảo kỷ cương trong công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi Ngành ở tất cả các cấp, các đơn vị, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.

(7) Tiếp tục đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp

- Tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển trên nguyên tắc khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ khó khăn sản xuất xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

- Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường quốc doanh, hoàn thành kế hoạch xắp sếp doanh nghiệp nhà nước công nghiệp và dịch vụ.

III. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM 2006 – 2010 VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Về tiến độ xây dựng kế hoạch

- Tháng 10 năm 2004 các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai Chỉ thị đến các cơ sở và tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm. Vụ Kế hoạch phối hợp với các Cục, Vụ xây dựng khung các chỉ tiêu chủ yếu.

- Tháng 11 năm 2004 các Sở và các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010. Đến 15 tháng 11 năm 2004 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tổng hợp kế hoạch từ các huyện, thị và các đơn vị trực thuộc Sở, tổ chức các cuộc thảo luận, hội thảo với các cơ quan nông lâm nghiệp địa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Đến ngày 05 tháng 12 năm 2004 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ gửi báo cáo kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 về Bộ (Vụ Kế hoạch), để kịp tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

- Tháng 12 năm 2004 Vụ Kế hoạch tổng hợp cân đối xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2006 – 2010 toàn ngành, phối hợp với các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ tổ chức các cuộc thảo luận, hội thảo với các nhà khoa học, quản lý, một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đại diện cho các vùng, các đơn vị trực thuộc, đầu tháng 01  năm 2005 trình dự thảo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ tổng hợp.

2. Phân công thực hiện

- Vụ kế hoạch chủ trì phối hợp với các Cục, Vụ xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 tòan ngành, tổ chức thảo luận, hội thảo xin ý kiến và hòan thiện. 

- Các Cục xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010 bao gồm từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đầu tư xây dựng cơ bản toàn ngành thuộc lĩnh vực do Cục phụ trách, tổng hợp gửi về Vụ kế họach để theo tiến độ trên.

- Các Vụ chức năng xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách, gửi về Vụ Kế hoạch để tổng hợp theo tiến độ trên.

Xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chuẩn bị các yếu tố cần và đủ cho quá trình phát triển toàn ngành trong những năm tới, đóng góp tích cực vào việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Do vậy, Bộ yêu cầu các đồng chí Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 
 


Cao Đức Phát