Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/2000/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP, THUỶ LỢI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 5 NĂM TỪ 2001-2005

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn số 2666 BKH/TH ngày 11/5/2000 của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Bộ yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Tổng Công ty, Công ty và đơn vị trực thuộc Bộ triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005 của địa phương, và đơn vị với nội dung sau:

I- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Kế hoạch 5 năm 2001-2005 là cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát triển nông nghiệp hàng hoá, đa dạng, bền vững trên cơ sở phát huy cao lợi thế so sánh của mỗi vùng và cả nước; áp dụng nhanh các thành tựu khoa học - công nghệ, thực sự gắn sản xuất, chế biến với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản và khả năng cạnh tranh, đáp ứng vững chắc nhu cầu trong nước về lương thực thực phẩm và chủ động cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường quốc tế; kế hoạch phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu chiến lược và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, tiếp tục quá trình đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn.

- Kế hoạch phát triển các ngành sản xuất của mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và cả nước phải thực sự gắn với thị trường, phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, trong đó đáp ứng nhu cầu trong nước là nhiệm vụ chính đồng thời hướng mạnh ra xuất khẩu. Các hoạt động về xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới quản lý phải gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Kế hoạch phải thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế đa thành phần, phát huy cao mọi nguồn lực trong nước; Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước; Chuẩn bị điều kiện để khai thác tốt nhiều cơ hội do hội nhập quốc tế, trước hết là thực hiện các cam kết với ASEAN, cạnh tranh có hiệu quả ở thị trường trong và ngoài nước.

- Các kế hoạch phát triển nông thôn phải chú trọng phát triển kinh tế nông thôn đa dạng với nông công nghiệp và dịch vụ cùng phát triển hướng tới tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chú ý đúng mức tới phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

II- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 1996 - 2000

- Các địa phương rà soát lại, đánh giá mức độ thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 1996 - 2000 (năm 2000 lấy số liệu ước thực hiện). Phân tích sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Trình độ khoa học - công nghệ thể hiện qua năng suất, chất lượng, hiệu quả của cây trồng, vật nuôi; Chế biến nông lâm sản và ngành nghề ở nông thôn; Mức độ cải thiện về cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống; Đánh giá quá trình đổi mới HTX, doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, bao gồm cả trang trại, kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Về phát triển nông thôn cần phối hợp với các ngành đánh giá về việc làm, thu nhập và đời sống của nông dân; Mức giảm tỷ lệ đói nghèo, tình trạng y tế, văn hóa, giáo dục và việc thực hiện các chương trình mục tiêu trên địa bàn.

- Các Cục, Vụ, Viện theo chức năng nhiệm vụ đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện các kế hoạch đề ra trong lĩnh vực phụ trách; Đánh giá hiệu quả các chương trình dự án chuyên ngành và sự đóng góp vào việc thực hiện các chương trình và mục tiêu của toàn ngành.

- Các doanh nghiệp đánh giá lại quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với thị trường trong và ngoài nước, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làm ra và hiệu quả sản xuất kinh doanh, sự đóng góp của doanh nghiệp vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của ngành.

- Đi đôi với đánh giá cần phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan của những yếu kém, chú ý phát triển những vướng mắc về cơ chế chính sách; Rút ra những bài học về công tác quản lý, chỉ đạo.

III- XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 2001 - 2005

Kế hoạch phát triển các ngành sản xuất kinh doanh phải xuất phát từ thị trường. Các đơn vị phải tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ tình hình thị trường trong và ngoài nước, đánh giá khả năng chiếm lĩnh thị trường để xây dựng các kế hoạch về mục tiêu sản phẩm. Chỉ sản xuất khi nắm chắc có thị trường và có thể cạnh tranh.

Mỗi địa phương, đơn vị tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế. Đồng thời nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để chuyển mạnh sang nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra nhằm đạt tới giá trị cao, không chạy theo số lượng.

1- Đối với nông nghiệp

- Xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhiệm vụ quan trọng của nông nghiệp là phải tiếp tục phát triển sản xuất, đẩy mạnh thâm canh lúa trên cơ sở phát triển thuỷ lợi và áp dụng các giống mới có chất lượng cao phù hợp với yêu cầu đang thay đổi của thị trường trong nước và xuất khẩu. Duy trì sản xuất 4 triệu ha lúa nước, nhất là ở những diện tích đã được tưới tiêu chủ động để đạt sản lượng lúa 32 triệu tấn. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn gạo, mở rộng diện tích ngô lai và hoa màu khác để tăng nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

- Đối với phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, đậu,... phải căn cứ vào yêu cầu của thị trường, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng. Tiến hành tổ chức sản xuất theo qui hoạch các vùng tập trung, gắn với công nghiệp chế biến. Tổ chức tốt công tác khuyến nông và hướng dẫn nông dân trong việc lựa chọn giống, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản,... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm.

- Thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bằng các giải pháp nâng cao chất lượng giống, tổ chức chăn nuôi quy mô thích hợp theo hình thức trang trại, phát triển thị trường, hạ giá thành và nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, thú y. Đối với chăn nuôi theo hình thức tận dụng trong các hộ thì hướng dẫn nông dân sử dụng thêm thức ăn công nghiệp nhằm tăng nhanh năng suất và chất lượng sản phẩm...

2. Về lâm nghiệp

- Chuyển từ lâm nghiệp chủ yếu khai thác tài nguyên rừng sang bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng khôi phục và phát triển rừng để đảm bảo khả năng phòng hộ môi trường, bảo tồn diện tích rừng tự nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ động vật quý hiếm của rừng.

- Chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giống, vốn, đào tạo cán bộ, tăng cường bộ máy quản lý,... thực hiện tốt dự án trồng 5 triệu ha rừng.

- Ưu tiên bố trí vốn đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký với dân, có chính sách để dân hưởng lợi trực tiếp từ rừng thay cho việc trả tiền từ ngân sách Nhà nước.

- Tăng cường cơ sở chế biến gỗ và lâm sản bao gồm phát triển các cơ sở chế biến giấy và bột giấy, ván nhân tạo, sản xuất sản phẩm gỗ cao cấp, sản phẩm công nghệ đáp ứng cho xuất khẩu, sản xuất đồ mộc dân dụng phục vụ tiêu dùng trong nước, xây dựng các cơ sở chế biến song mây, nhựa thông, tinh dầu hội,... qui mô vừa và nhỏ với trang bị hiện đại.

3. Về sản xuất muối

- Cải tạo các đồng muối hiện đang hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng muối ăn của nhân dân.

- Xây dựng các cơ sở sản xuất muối công nghiệp với công nghệ tiên tiến cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân.

4. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản

- Phát triển các ngành bảo quản chế biến nông lâm sản gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu, mở rộng công nghệ chế biến với công nghệ tiên tiến ở các vùng tập trung, phát triển các cơ sở chế biến nhỏ ở các vùng sản xuất không tập trung với quy mô công nghệ phù hợp. Khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công nghiệp chế biến nông lâm sản.

- Kế hoạch 2001-2005 phải thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để thực sự góp phần nâng cấp về chất lượng và giá trị thương mại của nông lâm thuỷ sản.

5- Về thuỷ lợi

Phát triển thuỷ lợi theo hướng lợi dụng tổng hợp, khai thác theo lưu vực sông, phục vụ đa mục tiêu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cho dân sinh, phát điện, giao thông, thuỷ sản, du lịch.

Trong nông nghiệp chuyển mạnh sang đầu tư làm thuỷ lợi phục vụ tưới cà phê, chè, mía và các cây rau mầu khác. Trong việc đầu tư thuỷ lợi cho các vùng, cần chú ý nhiều hơn đến xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ ở miền núi kết hợp với thuỷ luân, thuỷ điện nhỏ bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, lồng ghép với các chương trình mục tiêu để giải quyết nước sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.

6. Về phát triển nông thôn

- Tập trung xây dựng hoàn thành qui hoạch cấp nước và VSMT của các vùng lãnh thổ, đẩy mạnh công tác truyền thông vận động thực hiện xã hội hoá chương trình nước sạch và VSMT.

- Thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ đạo sắp xếp ổn định dân di cư tự do, quan tâm xoá đói giảm nghèo cho đồng bào còn du canh du cư để hạn chế tiến tới chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy.

7. Phát triển khoa học công nghệ

Phát triển nghiên cứu, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới tạo ra các tiến bộ khoa học và công nghệ có năng suất và chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, đa dạng hoá sinh học và bảo vệ môi trường. Kế hoạch 2001-2005 tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp các vùng sinh thái, đáp ứng đa dạng hoá về sinh học và phát triển bền vững.

- Lựa chọn và tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của một số cơ sở đầu ngành phục vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.

- Đổi mới cơ chế chính sách quản lý khoa học, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu triển khai và quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển thông tin khoa học công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.

8. Phát triển nhân lực

Thời gian tới phải nhanh chóng tăng cường các cơ sở đào tạo kể cả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chú trọng hơn tới công tác đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước thuộc ngành, cán bộ hợp tác xã, cán bộ và công nhân kỹ thuật. Có chính sách hỗ trợ con em nông dân, nhất là dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để họ có điều kiện theo học các lớp đào tạo.

9. Quan hệ sản xuất

Phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt quan tâm các nhân tố mới như kinh tế trang trại, hộ nông dân sản xuất hàng hoá, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn trong đó công nghiệp và dịch vụ đạt tốc độ phát triển cao, hiệu quả cao và gắn với nông nghiệp.

Phát triển kinh tế hợp tác với nhiều loại hình khác nhau, đa dạng hoá về đối tượng hợp tác và qui mô hợp tác để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, xây dựng các HTX dịch vụ, HTX tiêu thụ theo luật để phục vụ sản xuất và đời sống nông dân.

Sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp thực hiện chủ trương bán, khoán, cho thuê đối với các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ.

10. Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của Ngành

- Thực hiện quản lý chuyên ngành tại các địa phương, tạo thành mạng lưới thông suốt từ trung ương tới địa phương nhằm hỗ trợ sản xuất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ con người và động thực vật,...

- Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các hệ thống cơ quan của Ngành từ trung ương tới địa phương.

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn kỹ thuật,... làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

- Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn với cơ cấu kinh tế được qui hoạch có luận cứ khoa học, đảm bảo các mối quan hệ chính trị và kinh tế đối ngoại để bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm sản Việt nam trong quá trình hoà nhập vào thị trường thế giới.

11- Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động chuẩn bị và hội nhập khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Chủ động tham gia và thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm làm cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm sản, tiếp thu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiến bộ. Mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp có kế hoạch để chuẩn bị khai thác khả năng do hội nhập đem lại, trước hết là việc tham gia AFTA, APEC…, hạn chế tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập và đời sống của nhân dân.

- Thực hiện tốt các chính sách, khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài, liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế (ODA).

12. Tiếp tục hoàn thiện một bước các chính sách lớn có liên quan trực tiếp tới Ngành như chính sách đất đai, chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách về thuế, chính sách phát triển trang trại, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, chính sách thị trường,... để tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển sản xuất, gắn với thị trường đạt hiệu quả kinh tế cao.

IV- TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Nhận được chỉ thị này Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng công ty, Công ty và đơn vị trực thuộc Bộ cần tập trung chỉ đạo việc tiến hành xây dựng kế hoạch 5 năm 2001-2005 theo nội dung, tiến độ và biểu bảng kèm theo chỉ thị này.

- Bộ giao Vụ Kế hoạch và Qui hoạch là cơ quan đầu mối cùng với các Cục, Vụ, Viện tổng hợp tài liệu xây dựng kế hoạch 5 năm của Ngành để trình Bộ phê duyệt.

- Thời gian: 15/7/2000 các địa phương, đơn vị gửi kế hoạch về Bộ (Vụ Kế hoạch và qui hoạch).

- 15/7 - 30/7 Vụ Kế hoạch và qui hoạch tổ chức phối hợp với các đơn vị để tổng hợp xây dựng kế hoạch ngành 2001-2005 trình Bộ.

- Tháng 8/2000 Bộ trình Nhà nước.

- Bộ sẽ tổ chức nghe một số Sở và đơn vị báo cáo kế hoạch 5 năm của địa phương và đơn vị (có lịch cụ thể sau).

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
 



 
Nguyễn Văn Đẳng