Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 657-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ NGOÀI QUỐC DOANH

Lâu nay, các đơn vị kinh doanh thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các hộ kinh doanh cá thể hoạt động bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế quản lý theo cơ chế thị trường đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng giao lưu hàng hoá, khai thác được tiềm năng sẵn có của các vùng trong cả nước để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng mặt khác, tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nhất là đối với khối hộ kinh doanh cá thể đang diễn ra nghiêm trọng. Hiện tượng hộ kinh doanh không đúng nội dung đăng ký diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều hộ kinh doanh cá thể đã thoát ly sự quản lý của Nhà nước, buôn bán trái phép, trốn lâu thuế, đầu cơ, phá giá và nhiều lúc, nhiều nơi đã gây hậu quả mất ổn định thị trường.

Các cấp chính quyền địa phương chưa coi trọng việc tổ chức đăng ký kinh doanh, khâu quản lý bị buông lỏng. Các cơ quan thuế vụ chưa làm hết trách nhiêm, bỏ sót việc thu thuế hoặc thu mang tính tượng trưng đối với nhiều hộ kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách, tác động xấu đến sản xuất, trật tự, an toàn xã hội.

Để lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương thực hiện một số công việc sau đây:

1- Bộ thương mại chủ trì, phối hợp với Tổng cục thống kê, và Uỷ ban nhân dân các địa phương triển khai việc rà soát, thống kê đầy đủ các đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh hiện có, tiến hành phân loại theo lĩnh vực, quy mô kinh doanh, xác định số lượng, địa chỉ các đơn vị, hộ kinh doanh đã và chưa đăng ký kinh doanh.

Bộ Thương mại chủ trì bàn với Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, Tổng cục thống kê, Bộ tư pháp và Uỷ ban nhân dân các địa phương để thống nhất ban hành trong cả nước mẫu khai xin đăng ký kinh doanh, mẫu giấy phép đăng ký kinh doanh, quy định rõ điều kiện, trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị, hộ tư nhân khi được phép hoạt động kinh doanh. Quán triệt nguyên tắc, các đơn vị cá nhân phải kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã đăng ký, đúng pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền không gây phiền hà cho các đơn vị kinh doanh.

Bộ thương mại thống nhất với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể đến cấp quản lý cơ sở về quy trình, thủ tục xin và cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thống nhất xây dựng chế độ báo cáo định kỳ của các cấp chính quyền địa phương với các cơ quan quản lý chức năng liên quan. Uỷ ban nhân dân địa phương chịu trác nhiệm tổ chức kê khai, cấp đăng ký kinh doanh thuận tiện, đúng pháp luật.

Trong đợt rà soát lần này, phải giải quyết dứt điểm tình trạng hoạt động kinh doanh không có đăng ký. Đối với những đơn vị, hộ tư nhân đang hoạt động kinh doanh, nhưng không có đăng ký thì xem xét cụ thể từng trường hợp để giải quyết việc cấp giấy phép đăng ký. Đối với những đơn vị, hộ tư nhân cố tình lẩn tránh việc kê khai để trốn thuế thì tuỳ mức độ, phải bị xử lý theo pháp luật. Đối với trường hợp đã có đăng ký kinh doanh thì tiến hành kê khai lại và cấp đăng ký theo mẫu mới. Các Bộ, ngành và địa phương theo nhiệm vụ được giao phải hoàn thành việc rà soát kê khai, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh vào cuối quý II năm 1997.

2- Bộ Thương mại, Bộ tài chính theo chức năng của mình, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các địa phương hướng dẫn, lập kế hoạch và chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trưởng, thuế vụ ở địa phương làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách, luật pháp đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh cố tình trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước để làm ăn phi pháp, kiếm lời bất chính. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, giáo dục đạo đức, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ thừa hành nhiệm vụ ở các đia phương. Những cán bộ, nhân viên vì vụ lợi mà lợi dụng chức trách, quyền hạn để thông đồng hoặc làm ngơ những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân nhà sản xuất kinh doanh thì tuỳ theo mức độ phải bị xử lý từ kỷ luật đến truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luât.

3- Bộ thương mại chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã ghi tại điểm 1 của Chỉ thị này; phối hợp với Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính tổng kết, đánh giá toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ ở khu vực ngoài quốc doanh, rà soát lại những quy định về cơ chế chính sách, biện pháp quản lý, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa chữa, bổ sung những quy định phù hợp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực này.

4- Bộ tài chính cấp kinh phí cần thiết cho việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)