Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4249-TM/QLTT

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 4249 TM/QLTT NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 1998 VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 657/TTG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân,
- Sở Thương mại,
- Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Vừa qua các tỉnh, thành phố đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh và Thông tư số 16/TT-LB ngày 25/10/1996 của liên Bộ Thương mại - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Tư pháp và Tổng cục Thống kê hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 657/TTg. Tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị 657/TTg trên cả nước, thay mặt liên Bộ, Bộ Thương mại đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các địa phương (số 2441/TM-QLTT ngày 13/4/1998). Nhìn chung các địa phương triển khai đồng bộ, có những biện pháp tích cực thực hiện Chỉ thị số 657/TTg, đạt được những yêu cầu cơ bản của Thủ tướng Chính phủ là nắm được thực trạng phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp ngoài quốc doanh và sự quản lý nhà nước đối với thành phần kinh tế này.

Nhưng sau khi tổng kết thực hiện Chỉ thị số 657/TTg, nhiều địa phương xem như đã kết thúc việc triển khai thực hiện Chỉ thị nói trên, trong khi tình hình thực hiện đăng ký và đăng ký lại hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh còn quá chậm, tỷ lệ đăng ký và đăng ký lại kinh doanh rất thấp so với số cơ sở kê khai, bình quân cả nước mới đạt khoảng 60%, chưa có những giải pháp quản lý hữu hiệu đối với hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên từng địa bàn, chưa gắn việc thực hiện Chỉ thị số 657/TTg với thực hiện Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới.

Để khắc phục tình hình trên đây và thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1933/VPCP ngày 22/5/1998 của Văn phòng Chính phủ) thay mặt liên Bộ, Bộ Thương mại đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương quán triệt và làm tốt một số việc nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 657/TTg như sau:

1. Mặc dù các địa phương đã tổng kết thực hiện Chỉ thị số 657/TTg, nhưng không có nghĩa là đã kết thúc việc thực hiện Chỉ thị này. Kết quả kê khai, thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thực trạng chấp hành pháp luật và sự quản lý nhà nước đối với thành phần kinh tế này mới chỉ là một trong những yêu cầu của việc thực hiện Chỉ thị số 657/TTg. Mục tiêu quan trọng của Chỉ thị số 657/TTg là phải đề ra được những biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, tạo môi trường điều kiện cho khu vực kinh tế này phát triển, đồng thời hướng hoạt động kinh doanh theo đúng luật pháp, trước hết là việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng đăng ký, thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

2. Tiếp tục tổ chức việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh đã kê khai hoặc mới ra kinh doanh. Việc tổ chức đăng ký và đăng ký lại hoạt động kinh doanh cần có sự chỉ đạo tập trung, thực hiện khẩn trương, dứt điểm trên từng địa bàn. Khi làm việc này cần lưu ý:

- Tiến hành phân loại đối với loại hộ cá nhân và nhóm kinh doanh theo Nghị định số 66/HĐBT và nhất là đối với hộ kinh tế gia đình theo Nghị định 29/HĐBT thành hai loại: loại thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành thì thực hiện dứt điểm việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh; loại thuộc diện kinh tế gia đình, hàng rong, quà vặt có vốn và thu nhập thấp (hộ quá nhỏ) theo tinh thần của Luật thương mại thì tạm thời chưa làm đăng ký kinh doanh, chờ việc triển khai theo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thương mại về quản lý đối với các hộ kinh doanh nhỏ này.

- Chỉ đạo, đôn đốc các ngành có chức năng ở địa phương trong việc cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh ngành nghề mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo Nghị định số 02/CP của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành ở Trung ương đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh. Việc thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh có điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh cần thuận tiện, nhanh chóng, phù hợp với đặc điểm cụ thể từng đối tượng kinh doanh, ngành nghề, mặt hàng kinh doanh và địa bàn kinh doanh.

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện rà soát lại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh đã kê khai, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh trên từng địa bàn phường, xã. ở những xã, phường nào có tỷ lệ đăng ký kinh doanh thấp thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện cần có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các ngành chuyên môn ở quận, huyện bố trí cán bộ cùng phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi đó tập trung làm dứt điểm việc đăng ký kinh doanh trên từng địa bàn. Những nơi nào còn tình trạng kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì Uỷ ban nhân dân phường, xã nơi đó phải chịu trách nhiệm.

- Tổng hợp tình hình đăng ký và đăng ký lại kinh doanh của kinh tế ngoài quốc doanh theo Chỉ thị 657/TTg đến ngày 30/6/1998 (theo mẫu kèm theo) gửi về Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) trước ngày 20/7/1998.

3. Tổ chức các đoàn phúc tra liên ngành Sở Thương mại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Thống kê và Chi cục Quản lý thị trường nắm lại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNTN, CTy THHH, CTyCP, HTX) trên địa bàn tỉnh, thành phố để xác định số doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, số doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ, số doanh nghiệp đã hoặc chưa đăng ký và đăng ký lại kinh doanh. Việc phúc tra cũng có thể tiến hành theo từng ngành hàng kinh doanh. Trên cơ sở kết quả phúc tra, lập sổ bộ theo dõi đối tượng kinh doanh và có biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp này theo pháp luật.

4. Chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải coi việc nắm đối tượng kinh doanh ngoài quốc doanh trên địa bàn và tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại, trước hết là thực hiện chế độ đăng ký kinh doanh của thành phần kinh tế này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, của lực lương Quản lý thị trường hiện nay và Thanh tra thương mại sau này. Để làm tốt việc này, các Chi cục quản lý thị trường cần:

- Giao trách nhiệm cho các Đội quản lý thị trường địa bàn lập sổ bộ theo dõi đầy đủ các đối tượng kinh doanh trên địa bàn được phân công phụ trách.

- Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phân công phụ trách về các nội dung: đăng ký kinh doanh, kinh doanh theo nội dung đăng ký, kinh doanh ngành nghề mặt hàng kinh doanh có điều kiện, địa điểm, cửa hàng, cửa hiệu hoặc trụ sở giao dịch kinh doanh, biển hiệu, bảng hiệu cơ sở kinh doanh. Việc kiểm tra này Chi cục giao trách nhiệm cho các Đội quản lý thị trường địa bàn đến từng Tổ kiểm soát viên thị trường phụ trách, kiểm tra thường xuyên theo ngành hàng hoặc đối tượng kinh doanh hoặc theo từng xã, phường. Kết thúc từng đợt kiểm tra có sơ kết rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả kèm theo những kiến nghị đề xuất của Đội với Uỷ ban nhân dân quận, huyện sở tại và Chi cục.

- Việc xử lý vi phạm về đăng ký kinh doanh nhất là đối với các hộ kinh doanh nhỏ chủ yếu nhắc nhở, thuyết phục chính nhằm tạo điều kiện và hướng dẫn cho các hộ này thực hiện đăng ký kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh trung bình và lớn, các doanh nghiệp cố ý không chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký. .. cần xử lý nghiêm theo pháp luật.

5. Trên cơ sở pháp luật hiện hành và tuỳ tình hình cụ thể ở địa phương, các Sở Thương mại chủ động xây dựng các quy chế quản lý hoạt động đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, theo hướng:

- Mục tiêu và yêu cầu là đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn có sự quản lý của Nhà nước, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế ngoài quốc doanh phát triển theo định hướng của địa phương và theo pháp luật.

- Nội dung quản lý đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh gồm việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh, việc đảm bảo điều kiện hành nghề kinh doanh đối với những ngành nghề, mặt hàng, địa bàn kinh doanh có điều kiện, việc chấp hành chế độ chứng từ hoá đơn, sổ sách, kế toán thống kê, việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế và việc chấp hành pháp luật thương mại trong kinh doanh.

- Phương pháp quản lý gồm: xây dựng chế độ báo cáo định kỳ để doanh nghiệp thực hiện; tổ chức các hội nghị doanh nghiệp để đánh giá tình hình chấp hành pháp luật hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết về thị trường trong nước, khu vực và thế giới, đồng thời phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật nhà nước cần thiết; tổ chức các hội ngành nghề kinh doanh...

- Phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý hoạt động các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn.

 

Hồ Huấn Nghiêm

(Đã ký)

 

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH...
 SỞ THƯƠNG MẠI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:........., ......, ngày... tháng... năm 1998
Kính gửi: Bộ Thương mại
(Cục quản lý thị trường)

BÁO CÁO
Tình hình đăng ký và đăng ký lại kinh doanhtheo chỉ thị số 657/ttg ngày 13/9/1996 của thủ tướng chính phủ
(Theo Công văn số...-TM/QLTT ngày.../6/1998 của Bộ Thương mại)

STT

Quận, huyện, thị

Doanh nghiệp

(DNTN, CTyTNHH, CTyCP, HTX)

Hộ kinh doanh
(Cá nhân, nhóm kinh doanh theo NĐ 66/HĐBT và hộ kinh tế gia đình theo NĐ 29/HĐBT)

 

 

Số cơ sở kê khai

Số cơ sở đã đăng ký lại kinh doanh

Tỷ lệ %

Số cơ sở kê khai

Số cơ sở đã đăng ký lại kinh doanh

Tỷ lệ
%

Số hộ quá nhỏ tạm thời chưa ĐKKD

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng toàn tỉnh, TP

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP BIỂU GIÁM ĐỐC SỞ THƯƠNG MẠI