Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99-TCHQ/GSQL

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯƠNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, QUẢN LÝ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ ĐƯA VÀO VÀ ĐƯA RA KHỎI KHO NGOẠI QUAN

- Sau khi Chính phủ ban hành Quy chế Kho ngoại quan kèm theo Quyết định số 104-TTg ngày 16-3-1994, Tổng cục Hải quan đã cấp giấy phép thành lập Kho ngoại quan cho một số doanh nghiệp, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan nhằm đưa các hoạt động của Kho ngoại quan đi vào nề nếp. Trên thực tế, hoạt động của các Kho ngoại quan đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời gian gầy đây, qua công tác kiểm tra, nổi lên một số hiện tượng bất bình thường. đó là mặt hàng ôtô loại dưới 15 chỗ ngồi gửi Kho ngoại quan sau đó được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường biển tái xuất sang Campuchia, rồi từ Campuchia lại vận chuyển trở về Việt Nam bán cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hợp đồng thương mại. Khi nhập trở lại Việt Nam, các xe ôtô này được các chủ hàng khai hạ đời xe, năm sản xuất xe và xe otô mới 100% trở thành xe ôtô đã qua sử dụng gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Để đảm bảo sự thống nhất chỉ đạo quản lý hiện tượng ôtô nhập khẩu nêu trên, nhằm chống việc lợi dụng sơ hở để trốn lậu thuế. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ thị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện một số quy định sau đây:

1- Tổ chức quán triệt lại nội dung Quy chế Kho ngoại quan ban hành kèm theo Quyết định số 140-TTg ngày 16-3-1994 của Chính phủ, Thông tư 533/TCHQ-GSQL ngày 26-5-1994 và các văn bản hướng dẫn khác của Tổng cục Hải quan để thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản đó, bảo đảm đúng chính sách, đúng pháp luật.

2- Đối với xe ôtô, xe gắn máy gửi Kho ngoại quan sau đó chuyển đi nước thứ 3 (những nước có chung đường biên giới về đường bộ, đường sông với Việt Nam), yêu cầu chủ hàng phải khai báo cụ thể chi tiết số khung, số máy (kể cả hàng chữ trước và sau các số khung, số máy) đời xe, năm sản xuất xe. Không chấp nhận khai báo chung chung, như: Các xe ôtô sản xuất từ năm 1990 trở lên (1990 up); chỉ khai số khung, số máy mà không khai các chữ cái, các con số trước và sau số khung, số máy. Nếu chủ hàng từ chối không khai báo đúng yêu cầu của Hải quan thì dứt khoát không cho làm thủ tục gửi Kho ngoại quan. Sau khi chủ hàng khai báo, Hải quan phải kiểm tra đối chiếu và ghi chính xác kết quả kiểm tra vào tờ khai về đời xe, năm sản xuất xe, số khung, số máy.

3- Trên các vận tải đơn (Bill of Lading), phải được thể hiện người được gửi hàng là người ký hợp đồng thuê Kho ngoại quan người nhận hàng là chủ Kho ngoại quan.

4- Xe ôtô gửi Kho ngoại quan chuyển đi nước thứ 3, khi qua cửa khẩu, Hải quan của Kho ngoại quan phải nộp Hải quan cửa khẩu tái xuất một bộ hồ sơ đầy đủ (bản sao). Hải quan cửa khẩu tái xuất có trách nhiệm theo dõi và phát hiện kịp thời khi những xe này nhập trở lại Việt Nam. Khi có xe nhập trở lại Việt Nam qua cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu phải đối chiếu với hồ sơ do Hải quan Kho ngoại quan đã nộp trước đó. Sau khi kiểm tra đối chiếu và xác định là xe đã tái xuất trước đó, nay nhập trở lại thì phải báo cáo với lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể việc làm thủ tục cho nhập khẩu. Trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hải quan cửa khẩu chưa được phép làm thủ tục cho giải phóng hàng. Những vấn đề Cục Hải quan tỉnh, thành phố xét thấy cần bàn bạc, thống nhất với Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có Kho ngoại quan có liên quan cũng phải được bàn bạc, thống nhất trước khi chỉ đạo cho Hải quan cửa khẩu giải phóng hàng.

Đề nghị Cục Hải quan các địa phương có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời về Tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)