BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02-CT-LBXD-CĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH XÂY DỰNG
Công tác bảo hộ lao động trong Ngành xây dựng có vị trí hết sức quan trọng, với quan điểm "con người là vốn quý" để sản xuất đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho người lao động.
Nhưng năm vừa qua, công tác bảo hộ lao động trong ngành đã được các đơn vị quan tâm chỉ đạo, cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, góp phần đẩy mạnh sản xuất hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy vậy thời gian gần đây công tác bảo hộ lao động có biểu hiện buông lỏng, tình hình tai nạn lao động nặng, chết người xảy ra nghiêm trọng, năm 1989, 1990 số người chết, mang thương tật vì tai nạn lao động trong ngành chiếm tỷ lệ cao, bệnh nghề nghiệp đã và đang phát triển. Qua phân tích các vụ tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu: Do ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân chưa cao, vi phạm quy trình, quy phạm, nội quy an toàn lao động. Sự chỉ đạo, kiểm tra chưa chặt chẽ, việc xử lý các vụ việc vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh.
Để tăng cường chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, ngăn ngừa tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban thường vụ Công đoàn xây dựng Việt Nam yêu cầu: Thủ trưởng và Ban thường vụ Công đoàn các đơn vị trong ngành cần thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Mỗi cán bộ công nhân viên viên chức trong ngành phải có ý thức đầy đủ về vị trí, yêu cầu, nội dung công tác bảo hộ lao động với quan điểm "con người là vốn quý", "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất" với cương vị công tác được giao mỗi người phải làm tốt công tác bảo hộ lao động trong sản xuất. Thủ trưởng đơn vị là người chỉ đạo trực tiếp phải có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn đồng cấp chỉ đạo tốt công tác bảo hộ lao động.
2. Khi lập và chỉ đạo kế hoạch sản xuất, nhất thiết phải có kế hoạch, biện pháp bảo hộ lao động, đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn vệ sinh, trang bị phòng hộ cho người lao động. Nghiêm cấm việc khoán trắng và chi trả trang bị bảo hộ lao động và đơn giá tiền lương như quy định tại Thông tư 02/LĐ-TBXH ngày 19 -1 -1990 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
3. Thực hiện nghiêm túc chế độ huấn luyện, tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công nhân các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp phòng chống bệnh nghề nghiệp, các chính sách về bảo hộ lao động, chế độ trách nhiệm mỗi người. Bồi dưỡng xây dựng màng lưới an toàn vệ sinh viên ở các tổ sản xuất. Nghiêm chỉnh thực hiện quy phạm Nhà nước "14 -79" trong xây dựng, quy phạm về điện, máy trục, quy phạm nồi hơi và các thiết bị chịu áp lực, cấm việc sử dụng vận hành các thiết bị chịu áp lực chưa được Bộ cấp giấy phép.
4. Duy trì thường xuyên chế độ kiểm tra của quần chúng về kỹ thuật an toàn vệ sinh công nghiệp, việc thực hiện các chế độ chính sách về bảo hộ lao động theo 7 nội dung do thông báo của Thông tư 08 TT/LB Lao động, Y tế, Nội vụ, Tổng liên đoàn. Qua kiểm tra cần chú ý có biện pháp cụ thể chăm lo sức khoẻ cho những cán bộ, công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, công nhân bị thương tật do tai nạn lao động. Đặc biệt là phải quan tâm đối với gia đình công nhân viên chức chết vì tai nạn lao động với trách nhiệm tình nghĩa "uống nước nhớ nguồn".
5. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác thống kê, điều tra, khai báo phân tích tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, báo cáo nhanh tai nạn lao động, báo cáo định kỳ quý, năm theo Quyết định 45 QĐ/LB ngày 20-3-1982 về Bộ và Công đoàn ngành. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn lao động cho người và thiết bị. Đồng thời quan tâm động viên khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích về công tác bảo hộ lao động.
Để giúp Bộ và Công đoàn xây dựng Việt Nam theo dõi chỉ đạo công tác này, Bộ trưởng và Ban thường vụ Công đoàn xây dựng Việt Nam giao trách nhiệm cho Vụ tổ chức lao động chỉ đạo Trung tâm kiểm định thiết bị áp lực - nồi hơi, Trung tâm y tế phối hợp với Ban lao động tiền lương Công đoàn xây dựng Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong ngành thực hiện các nội dung trong chỉ thị. Năm 1991 tiến hành kiểm tra một số trọng điểm xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng để rút kinh nghiệm, qua đó nghiên cứu đề xuất bổ sung chế độ chính sách về công tác bảo hộ lao động trong ngành xây dựng. Bộ và Công đoàn xây dựng sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề bảo vệ lao động vào cuối quý 3 -1991.
Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với công đoàn, có kế hoạch tự kiểm tra theo các nội dung trong chỉ thị và có biện pháp cụ thể chấn chỉnh, chỉ đạo tốt công tác bảo hộ lao động.
Nhận được chỉ thị này, các đồng chí Thứ trưởng phối hợp với Ban thường vụ công đoàn cùng cấp có kế hoạch triển khai nghiêm túc chỉ thị này.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|
- 1 Chỉ thị 13/1998/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị liên bộ 169/LT-BXD-CĐ năm 1992 thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động trong ngành xây dựng do Bộ Xây dựng và Công đoàn xây dựng Việt nam ban hành
- 3 Thông tư 02-LĐTBXH-TT năm 1990 về chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Thông tư 04-LĐ/TT năm 1961 về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trên các công trường xây dựng do Bộ Lao Động ban hành.
- 1 Thông tư 04-LĐ/TT năm 1961 về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trên các công trường xây dựng do Bộ Lao Động ban hành.
- 2 Chỉ thị 13/1998/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị liên bộ 169/LT-BXD-CĐ năm 1992 thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động trong ngành xây dựng do Bộ Xây dựng và Công đoàn xây dựng Việt nam ban hành