Hệ thống pháp luật

Chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Công an xã, Trưởng công an xã

Ngày gửi: 09/03/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33735

Câu hỏi:

Em cần hỗ trợ một tình huống như sau: nhà ông A vừa mở dịch vụ kinh doanh karaoke, nhà ông B và các hộ gia đình xung quanh trong một khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn sau 22h, dẫn đến mâu thuẫn giữa A và B và các hộ xung quanh. Một hôm A và B gặp nhau ở quán nhậu, do có mấu thuẫn và say rượu nên có lời qua tiếng lại rồi dẫn đến xô xát. Những người dân có mặt đã kịp thời can ngăn và báo cáo chính quyền xã. Trong trường hợp này ở cương vị một Công an xã cần phải giải quyết tình huống trên như thế nào vậy trong trường hợp này em nên làm thế nào. Từng bước ra sao ạ mong các a chị giúp đỡ e e cảm ơn ạ ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008 quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã như sau:

“Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã

6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an; cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.

7. Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp.

8. Xử phạt vi phạm hành chính; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an….”.

Đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì bạn là Công an xã và địa bàn của bạn có ông A và ông B do có mấu thuẫn và say rượu nên có lời qua tiếng lại rồi dẫn đến xô xát. Trong trường hợp này, bạn sẽ tiếp nhận vụ việc xô xát, kiểm tra người, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của ông A, ông B, bảo quản, thu giữ các vật chứng (nếu có). Bên cạnh đó, bạn có nhiệm vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được và tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý vụ việc.

Ngoài ra,theo điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 12/2010/TT-BCA thì trường hợp hành vi vi phạm đến mức phải xử lý vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm đó thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng Công an xã thì tiến hành xử phạt. Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã thì chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để xử phạt theo quy định. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác thì lập hồ sơ chuyển lên cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, công an xã có quyền xử phạt hành chính, lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm pháp luật trên địa bàn xã. Theo quy định tại Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân. Như vậy, khi phát hiện ông A và ông B có hành vi vi phạm hành chính – vi phạm quy định về trật tự công cộng thì bạn có thể lập biên bản vi phạm hành chính.

Luật sư tư vấn pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã:024.6294.9155

– Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bên cạnh đó, theo Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Ở đây, ông A và ông B có hành vi lời qua tiếng lại rồi dẫn đến xô xát. Như vậy, ông A và ông B có thể sẽ bị xử phạt hành chính về việc vi phạm quy định về trật tự công cộng. Cụ thể, điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

Về thẩm quyền xử phạt: Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân. Theo đó, trưởng công an cấp xã có quyền sau:

– Phạt cảnh cáo;

– Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định;

– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn