ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3012/CTr-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 18 tháng 7 năm 2007 |
CHƯƠNG TRÌNH
XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ, BẾN CÁ NINH THUẬN THỜI KỲ 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện chiến lược phát triển toàn diện kinh tế biển của cả nước và khu vực, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh có kinh tế biển phát triển hàng đầu với một số chương trình, dự án lớn, nằm trong hệ thống các công trình trọng điểm quốc gia. Vì vậy vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Thuận là tập trung quy hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cảng cá, bến cá trở thành các trung tâm nghề cá thương mại của tỉnh và khu vực, là động lực thúc đẩy nghề cá vươn ra đánh bắt hải sản xa bờ gắn với phát triển du lịch biển, bảo vệ môi trường nguồn lợi thuỷ sản và an ninh quốc phòng, …
Phần thứ I
NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ, BẾN CÁ TỈNH NINH THUẬN
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, nằm ở vị trí trung điểm giao thông Quốc lộ 1A, đường sắt thống nhất Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, là địa bàn kinh tế trọng điểm phiá Nam. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh 3.358km2 với 6 huyện, thành phố; dân số năm 2005 là 564.403 người, chiếm 1,04% diện tích đất tự nhiên và 0,64% dân số so với cả nước. Bờ biển Ninh Thuận dài 105km, vùng đặc quyền kinh tế 24.480km2, diện tích vùng biển nội thuỷ 1.800km2.
2. Địa hình: địa hình lãnh thổ tương đối dốc, thấp dần từ Tây sang Đông và từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bao gồm: miền núi, vùng đồi gò bán sơn địa và vùng đồng bằng ven biển. Bờ biển Ninh Thuận có dạng bờ kiểu Riac nguyên sinh đang bị mài mòn; đồng thời có những đầm, vũng ăn sâu vào đất liền như: đầm Nại, đầm Cà Ná, đầm Sơn Hải, đầm Vĩnh Hy và dọc bờ biển có các sông, suối ngắn đổ ra các vũng, đầm tạo nên những nơi đậu tàu thuyền tự nhiên khá thuận lợi.
3. Khí hậu thuỷ văn trong đất liền: khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa điển hình, ít mưa và nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, với các đặc trưng là khô hanh, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh từ 1.670 đến 1.827mm. Nhiệt độ trung bình năm là 27,40C; có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.
4. Một số nét thuỷ hải văn vùng biển: theo báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang thì vùng biển Ninh Thuận nằm trong khu vực nước trồi mạnh nhất. Hệ sinh thái nước trồi năng suất sinh học cao, giàu có và phong phú sinh vật phù du, thực vật và động vật làm thức ăn cho nhuyễn thể, động vật cấp thấp, cấp cao có giá trị kinh tế. Vì vậy, vùng nước trồi thường có ngư trường lớn với nhiều đối tượng nguồn lợi hải sản khai thác có giá trị kinh tế cao.
Với điều kiện tự nhiên về vị trí địa lý, vùng biển, khí hậu thuỷ văn như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thuỷ sản Ninh Thuận phát triển thông qua việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá và giao lưu kinh tế với các tỉnh Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải Miền Trung.
II. Tài nguyên nguồn lợi vùng biển tỉnh Ninh Thuận
1. Tài nguyên nguồn lợi vùng biển: nguồn lợi hải sản vùng biển Ninh Thuận được xác định trữ lượng ở độ sâu từ 200 mét nước trở vào khoảng 120.000 tấn, khả năng khai thác tối đa hằng năm cho phép 60.000 tấn. Về chủng loài hải sản được phân bố theo quần đàn, đa dạng, phong phú, di trú ổn định. Nếu tính khả năng vươn ra xa bờ ở Biển Đông và Trường Sa thì khả năng khai thác có thể lớn hơn.
2. Các lợi thế so sánh:
2.1. Lợi thế: nằm ở trung tâm vùng nước trồi, nguồn lợi hải sản phong phú, có nhiều bãi cá đáy, cá nổi ổn định và nhiều bãi rạn san hô là nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn. Ngư trường nước sâu (đường đẳng sâu 50m nằm sát bờ) nằm trên đường di cư của các loài hải sản có nguồn gốc đại dương (thu, ngừ) nên thuận lợi cho việc sản xuất quanh năm (cả vụ Bắc và vụ Nam). Có cửa biển nước sâu (đầm Vĩnh Hy sâu 5m trở lên) làm nơi trú đậu tàu thuyền lớn công suất 1.000 CV trở lên và một số cửa lạch (biển) khá thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm nghề cá như: Cà Ná, Đông Hải, Khánh Hội;
2.2. Hạn chế: dọc theo bờ biển có nhiều bãi ngang, ít đầm vịnh. Vùng biển không có hải đảo nên hạn chế đến việc mở rộng ngư trường và thực hiện các chương trình biển đông, tuyến đảo của Nhà nước.
III. Hiện trạng về tàu cá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cảng, bến cá tỉnh Ninh Thuận đến năm 2005
1. Hệ thống cơ sở năng lực tàu cá và dịch vụ thuỷ sản
1.1. Về năng lực tàu cá: tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 1.810 chiếc với tổng công suất 83.500CV, bình quân 46,1CV/chiếc, tăng 788 chiếc/67.600 CV so với thời điểm chia tách tỉnh (1992). Cơ cấu tàu cá loại dưới 50CV có 1.264 chiếc/25.368CV, loại từ 50CV trở lên 546 chiếc/58.132CV. Đội tàu có công suất lớn 90CV trở lên đánh bắt xa bờ 328 chiếc/44.175CV chiếm 18,1% số thuyền và 52,9% công suất; đồng thời phát triển được một số nghề chủ lực như nghề vây rút chì, rê các loại, ... Năng lực tàu cá năm 2005 đang được phân bố cụ thể cho các khu vực địa phương như sau:
- Xã Phước Diêm (cảng cá Cà Ná), huyện Ninh Phước: 498 chiếc/39.350CV.
- Xã Phước Dinh (bến cá Sơn Hải), huyện Ninh Phước: 182 chiếc/4.957CV.
- Phường Đông Hải (cảng cá Đông Hải), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 402 chiếc/15.126CV.
- Phường Mỹ Đông (cảng cá Đông Hải), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 84 chiếc/4.382 CV.
- Thị trấn Khánh Hải (cảng Ninh Chữ), huyện Ninh Hải: 243 chiếc/7.420CV.
- Xã Tri Hải (cảng Ninh Chữ), huyện Ninh Hải: 71 chiếc/4.650CV.
- Xã Thanh Hải (bến cá Mỹ Tân), huyện Ninh Hải: 239 chiếc/6.426CV.
- Xã Vĩnh Hải (đầm Vĩnh Hy), huyện Ninh Hải: 91 chiếc/1.189CV;
Ngoài ra hằng năm còn có khoảng 500 - 700 tàu cá ngoài tỉnh vào đánh bắt, tiêu thụ và tiếp nhận cung ứng dịch vụ hậu cần tại các cảng, bến cá trong tỉnh.
1.2. Dịch vụ thuỷ sản: hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm nghề cá Đông Hải, Cà Ná và Ninh Chữ. Tính đến nay toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng sửa tàu cá, 31 cây dầu, 43 cơ sở gia công cơ khí, 30 cơ sở mua bán ngư lưới cụ, 7 cửa hàng bán thiết bị hàng hải, 127 cơ sở chế biến cá khô hấp, 89 cơ sở thu mua và sơ chế, ... và 1 tàu dịch vụ hậu cần đánh cá vùng khơi gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi, tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra các chủ nậu vựa, cơ sở thu mua tôm giống, sơ chế biến, ... đã đầu tư trên 45 chiếc xe bảo ôn và mua sắm, chuyển đổi 40 chiếc tàu loại từ 45 - 75CV/chiếc sang nghề kinh doanh dịch vụ trên biển như: cung ứng nước đá, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, … và thu mua hải sản. Về cơ bản đã đáp ứng được một phần nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.
2. Hệ thống các công trình hạ tầng cảng cá, bến cá
Sau ngày tái lập tỉnh bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và bến cá Mỹ Tân đủ sức tiếp nhận mỗi cảng trên dưới 500 chiếc tàu dưới 200CV ra vào thuận lợi quanh năm, trú ẩn gió bão an toàn.
2.1. Cảng cá Đông Hải: khởi công năm 1994, đưa vào quản lý sử dụng tháng 10/1996 với tổng giá trị đầu tư 36,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Các hạng mục đầu tư: bến cập tàu dài 265m, luồng chạy tàu (-2,9m), vũng đậu tàu (-3,2 m), diện tích vũng đậu tàu 15.900m2, hệ thống kè bảo vệ D1 - D2 - D3 và kè khoá K1, kè hướng dòng T, đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, … Quy mô công suất cảng phục vụ 336 - 400 chiếc tàu cá loại dưới 140CV. Thực tế hiện nay có khoảng 500 - 600 chiếc tàu cá trong và ngoài tỉnh thường xuyên ra vào neo đậu;
2.2. Cảng cá Cà Ná: khởi công năm 1996, đưa vào quản lý sử dụng cuối năm 2000 với tổng giá trị đầu tư 22,11 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Các hạng mục đầu tư: bến cập tàu dài 200 m, luồng chạy tàu và vũng đậu tàu (-3,6 m), diện tích vũng đậu tàu 5 ha, hệ thống kè bảo vệ đê hữu ngạn - tả ngạn, đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, … Quy mô công suất cảng phục vụ tối đa 500 chiếc tàu cá loại dưới 140CV, trong khi đó thực tế năm 2005 có khoảng 600 - 800 chiếc tàu cá trong và ngoài tỉnh thường xuyên ra vào neo đậu, vì vậy Nhà nước đang triển khai thực hiện đầu tư dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Cà Ná;
2.3. Cảng Ninh Chữ: là một cửa biển nước khá sâu và kín gió được khởi công năm 1999, đưa vào quản lý sử dụng tháng 7/2003 với tổng giá trị đầu tư 44,262 tỷ đồng bằng nguồn vốn biển Đông và hải đảo. Các hạng mục đầu tư: bến cập tàu dài 120m, luồng chạy tàu và vũng đậu tàu (-4 m), diện tích vũng đậu tàu 15.900m2, hệ thống kè bảo vệ đê Nam, đê Bắc chắn cát, đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, … Quy mô công suất cảng phục vụ khoảng 600 chiếc tàu cá loại dưới 200 CV và tàu hàng có trọng tải 300 - 500 tấn;
2.4. Bến cá Mỹ Tân: khởi công đầu năm 2001, đưa vào quản lý sử dụng cuối năm 2002 với tổng giá trị đầu tư 8,138 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Các hạng mục đầu tư: bến cập tàu dài 52,41m, luồng và vũng đậu tàu (-3,2 m), diện tích vũng đậu tàu 18.000m2, kè bảo vệ, đèn chiếu sáng, … Quy mô công suất bến phục vụ khoảng 250 chiếc tàu cá loại dưới 140CV.
Ngoài ra còn có bến cá Sơn Hải và Vĩnh Hy chưa thực hiện đầu tư.
IV. Sự cần thiết phải xây dựng chương trình
Ninh Thuận là một tỉnh có thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng biển và nguồn lợi hải sản. Trong những năm qua hệ thống cơ sở hạ tầng cảng, bến cá tỉnh Ninh Thuận đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tạo điều kiện khá thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng, bến cá, nhất là neo đậu trú bão trong mùa mưa bão. Thông qua đó cùng với chương trình đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ đã tạo ra động lực thúc đẩy ngư dân đầu tư phát triển mạnh tàu cá, đến nay có 1.810 chiếc/83.500CV (tăng 788 chiếc/67.600CV so với 1992) đặc biệt là loại tàu cá có công suất lớn 90CV trở lên có 328 chiếc. Năm 2005 tổng sản lượng hải sản khai thác được 44.800 tấn (tăng 32.150 tấn so với năm 1992 và 16.150 tấn so với năm 2000), trực tiếp giải quyết việc làm cho 13.115 lao động biển và trên 5.000 lao động chế biến, dịch vụ nghề cá với mức thu nhập ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số tồn tại, đó là: hệ thống cảng cá, luồng lạch và vũng đậu tàu chưa được đầu tư đồng bộ, còn cạn và hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển tàu thuyền khai thác hải sản, nhất là tàu thuyền lớn và trú ẩn trong mùa mưa bão, trong khi xu hướng phát triển tàu cá ngày càng lớn hơn (loại 150CV trở lên có 72 chiếc). Ngoài ra hằng năm còn có 500 - 700 chiếc tàu cá công suất lớn của các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Kiên Giang vào khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy hệ thống các cảng cá, bến cá trong tỉnh trở nên quá tải không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tàu thuyền ra vào cảng neo đậu, chưa kể khi có gió bão xảy ra.
Dự báo đến năm 2010 lực lượng tàu cá toàn tỉnh phát triển lên 1.900 - 2.000 chiếc với tổng công suất 100.000 - 120.000CV, thu hút khoảng 1.200 - 1.800 tàu cá ngoài tỉnh công suất lớn từ 200 - 600CV vào khai thác tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nhằm giải quyết những bức xúc nói trên và từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế thuỷ sản gắn với an ninh quốc phòng, du lịch, dân sinh vùng ven biển nói chung và nghề khai thác hải sản nói riêng, đi đôi với việc cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, … thì việc xây dựng chương trình nâng cấp các cảng cá, bến cá để tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các trung tâm nghề cá hình thành khu dịch vụ hầu cần nghề cá trong tỉnh và khu vực theo Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI là cần thiết và khách quan cho sự phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận.
Phần thứ II
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CẢNG, BẾN CÁ NINH THUẬN THỜI KỲ 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
I. Các căn cứ xây dựng chương trình
Căn cứ Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phương phướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2010 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 10/2005/QĐ-UB ngày 02/02/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 70/2002/QĐ-UB ngày 25/6/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch phát triển kinh tế ngành thuỷ sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Chương trình hành động số 328/CT-39 ngày 03/02/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 39/CT của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2010.
II. Định hướng xây dựng hệ thống cảng, bến cá đến năm 2020
Quy hoạch đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng hệ thống các cảng cá, bến cá trở thành các trung tâm nghề cá thương mại thuỷ sản làm bàn đạp vươn ra khai thác vùng biển khơi gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và động lực thúc đẩy kinh tế thuỷ sản, du lịch phát triển. Định hướng đến năm 2020 cho từng cảng cá, bến cá như sau:
1. Cảng cá Đông Hải: quy hoạch đầu tư nâng quy mô năng lực cảng cá lên 100 lượt/600CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ qua cảng lên 30.000 tấn/năm.
2. Cảng cá Cà Ná: quy hoạch đầu tư nâng quy mô năng lực cảng cá lên 100 lượt/600CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ qua cảng lên 50.000 tấn/năm.
3. Cảng Ninh Chữ: quy hoạch đầu tư nâng quy mô năng lực cảng lên 100 lượt/1.000CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ qua cảng lên 30.000 tấn/năm.
4. Bến cá Mỹ Tân: quy hoạch đầu tư nâng quy mô năng lực bến cá lên 50 lượt/300CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ qua bến lên 10.000 tấn/năm.
5. Bến cá Sơn Hải: quy hoạch đầu tư nâng quy mô năng lực bến cá lên 50 lượt/300CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ qua bến lên 10.000 tấn/năm.
6. Bến cá Vĩnh Hy: quy hoạch đầu tư gắn với phát triển du lịch nâng quy mô năng lực bến lên 50 lượt/1.000CV và lượng hàng hoá hải sản, dịch vụ hậu cần qua bến lên 10.000 tấn/năm.
III. Các mục tiêu phát triển đến năm 2010
1. Mục tiêu tổng quát: huy động các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng lợi thế về biển để phát triển khai thác hải sản xa bờ, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thuỷ sản bền vững gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển du lịch và dân sinh vùng ven biển.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đầu tư xây dựng từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các cảng, bến cá trong tỉnh theo các tiêu chuẩn ngành tạo ra động lực phát triển mạnh tàu cá vươn ra đánh bắt hải sản xa bờ ở các vùng lãnh hải của tổ quốc; bảo đảm phục vụ cho khoảng 3.600 - 3.800 tàu cá (loại từ 600CV trở xuống) trong và ngoài tỉnh cập bến cảng và neo đậu an toàn, nhất là trong mùa bão, lũ;
2.2. Hình thành các khu neo đậu tàu cá tránh trú bão và trung tâm dịch vụ hậu cần thương mại nghề cá của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ, đi đôi với cung ứng nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu, tạo ra các làng nghề chế biến các sản phẩm truyền thống như: nước mắm, cá khô, … với các thương hiệu sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế gắn với việc phát triển du lịch ven biển;
2.3. Phấn đấu bảo đảm duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế thuỷ sản thời kỳ 2006 - 2010 bình quân hằng năm là 8 - 9% và đến năm 2010 tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 50.000 - 55.000 tấn.
IV. Nhiệm vụ cụ thể của chương trình xây dựng và nâng cấp các cảng cá, bến cá Ninh Thuận thời lỳ 2006 - 2010 và hướng đến năm 2020
1. Cảng cá Cà Ná (xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước)
1.1. Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná được Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản phê duyệt tại Quyết định số 969/QĐ-BTS ngày 30/10/2003 và điều chỉnh tại Quyết định số 954/QĐ-BTS ngày 03/8/2005; phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công - tổng dự toán 33.794.758.000đồng tại Quyết định số 1306/QĐ-BTS ngày 16/11/2005;
1.2. Chủ đầu tư: Ban Quản lý đầu tư dự án cơ sở hạ tầng các dự án của Bộ Thuỷ sản tại tỉnh Ninh Thuận;
1.3. Mục tiêu: tiếp tục đẩy mạnh tiến độ và chất lượng đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná với mục tiêu cụ thể: phục vụ cho cộng đồng ngư dân của Tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ đến năm 2010 và các năm tiếp theo. Đưa tổng sản lượng bốc xếp thuỷ hải sản từ 15.000 tấn/năm lên mức 27.000 tấn/năm cho quy mô tàu 400CV. Tạo điều kiện neo đậu, tránh, trú bão cho khoảng 1.000 - 1.200 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh. Tạo cơ sở hạ tầng ban đầu để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển chế biến - dịch vụ hậu cần nghề cá. Thời kỳ 2011 - 2020 hướng đưa quy mô năng lực cảng cá lên 100 lượt/600 CV và khối lượng hàng hoá dịch vụ qua cảng 50.000 tấn/năm.
1.4. Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm: nạo vét luồng 90.790m3 (chiều dài 952m, rộng đáy 40m) và vũng đậu tàu 447.883m3 (khu nước mở rộng 333.453m3 và hiện hữu 114.430m3). San lấp mặt bằng khu hậu cần 538.673m3 xây dựng hình thành Chợ cá đầu mối, khu dịch vụ thương mại nghề cá mới 193.261m2, gồm: bãi tập kết 10.008m2, kho đông lạnh 7.488m2, khu chế biến thuỷ hải sản 1 - 2 - 3 diện tích 45.700m2, cửa hàng bách hoá ngư lưới cụ 2.880m2, khu căn tin giải trí 2.880 m2, nhà máy sản xuất nước đá 7.488m2, trạm cấp xăng 2.303m2, trạm cấp nước 1.200m2, khu cơ khí sửa chữa đóng mới tàu thuyền 57.200m2, dự phòng 56.114m2. Xây dựng mới bến cập tàu 400CV ở vũng B có chiều dài 120m, rộng 12m. Hệ thống kè bảo vệ bờ: tuyến K1 dài 630m, tuyến K2 dài 442m và tuyến K3 dài 150m. Các hạng mục khác gồm: đường nội bộ khu hậu cần có tổng chiều dài 2.145m và chiều rộng 12m - 15m - 18m; nhà làm việc của Ban quản lý Cảng có diện tích 200m2; nhà vệ sinh công cộng 67,2m2; một trạm biến áp có công suất 350KVA; hệ thống cột báo hiệu; bể chứa nước ngọt dung tích 300m3; cổng và hàng rào bảo vệ dài 1.650m; thiết bị phòng chữa cháy và hệ thống điện; đền bù giải toả và tái định cư;
1.5. Tổng mức đầu tư là 34.142.865.000đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương của Bộ Thuỷ sản đầu tư trực tiếp;
1.6. Thời gian thực hiện đầu tư 4 năm, từ quý III năm 2004 đến quý III năm 2008.
2. Cảng Ninh Chữ (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận)
2.1. Dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ninh Chữ - Ninh Thuận được Bộ Thuỷ sản phê duyệt tại Quyết định số 264/QĐ-BTS ngày 27/3/2006;
2.2. Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án của Bộ Thuỷ sản tại tỉnh Ninh Thuận;
2.3. Mục tiêu đầu tư: thời kỳ 2006 - 2010 xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ninh Chữ và các tỉnh lân cận trong khu vực Nam miền Trung với năng lực tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền loại 600CV. Tạo cơ sở hạ tầng ban đầu để thu hút các nhà đầu tư cho khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Giai đoạn 2011 - 2020 đưa quy mô năng lực cảng lên 100 lượt/1.000CV và khối lượng hàng hoá dịch vụ qua cảng lên 30.000 tấn/năm;
2.4. Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm: nạo vét luồng chạy và vũng đậu tàu: nạo vét luồng chạy tàu dài 3,4km, rộng 60m, cao trình đáy luồng -4,4m; nạo vét vũng đậu tàu từ 20 - 60CV cao trình (-2,3m), vũng đậu tàu từ 90 - 250CV cao trình (-3,2m), vũng đậu tàu trên 400CV cao trình (-4,0m) và vũng quay tàu đường kính 130m. Kè bờ có chiều dài toàn tuyến 2,069km. Hệ thống trụ neo dưới nước 40 trụ và trên cạn 21 trụ. Đèn báo hiệu và hệ thống phao tiêu dẫn luồng áp dụng theo Tiêu chuẩn ngành 22TCN: 269 – 2000;
2.5. Địa điểm xây dựng: huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (toàn bộ cửa lạch Ninh Chữ từ cầu Tri Thuỷ ra đến vịnh Phan Rang);
2.6. Diện tích sử dụng: toàn bộ lạch Ninh Chữ từ cầu Tri Thuỷ ra đến vịnh Phan Rang;
2.7. Loại cấp công trình: công trình đường thuỷ, cấp III;
2.8. Tổng mức đầu tư 64.194.333.000 đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ Thuỷ sản đầu tư trực tiếp 60.133.970.262 đồng (gồm các hạng mục: nạo vét luồng và vũng đậu tàu, kè bờ, hệ thống trụ neo, đèn báo hiệu, phao tiêu dẫn luồng) và nguồn vốn địa phương 4.060.362.500 đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, thiết bị, dự phòng);
2.9. Thời gian thực hiện đầu tư 4 năm từ năm 2006 đến năm 2009, trong đó năm 2006 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
3. Cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm)
Cảng cá Đông Hải nằm ở cửa biển sông Dinh nên hằng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp rất lớn của lũ lụt, mặt khác do nhiều năm trước đây tình trạng lấn chiếm lòng sông làm đìa nuôi tôm đã dẫn đến tốc độ bồi lắng nhanh và nghiêm trọng hơn là làm biến động luồng lạch cửa biển và khu vực dân cư. Mặc dù trong những năm qua đã được Nhà nước quan tâm đầu tư khắc phục các sự cố bằng các dự án: kè bảo vệ cồn Tân Thành (gò Đông Ba), kè chống xói lở tại khu vực Đông Hải, kè chống xói lở D3, kè khoá K1, cầu Tân Thành, … và hằng năm phải chi phí khoảng 600 - 800 triệu đồng để duy tu nạo vét luồng, vũng chạy tàu với khối lượng 30.000 - 40.000m3.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, theo quy hoạch (điều chỉnh) của tỉnh Ninh Thuận được phê duyệt (tháng 02/2005) và Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó có danh mục vị trí khu neo đậu tránh trú bão tỉnh Ninh Thuận: cửa sông Dinh (sông Cái), phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Do vậy, trong năm 2007 cần tiến hành khảo sát quy hoạch lập dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Hải - Ninh Thuận với quy mô 1.000 chiếc, loại 200 CV và tổng mức đầu tư dự kiến 50 - 70 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thuộc chương trình tránh trú bão.
3.1. Mục tiêu đầu tư: thời kỳ 2006 - 2010 xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Hải và khu vực lân cận của tỉnh Ninh Thuận đủ năng lực tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền loại 200CV. Sau năm 2010 nghiên cứu quy hoạch bố trí lại cụm cảng tạo thêm cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư cho khu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng: tập trung nghiên cứu lạch Hải Chữ, do sau khi thi công cầu Tân Thành tàu cá không vào được và khu vực này trở thành nơi chứa nước đọng gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần xem xét các giải pháp đồng bộ về tiêu thoát lũ hệ thống sông Dinh để san lấp lạch Hải Chữ bằng khối lượng nạo vét luồng lạch cửa biển Đông Hải. Từ đó theo Đồ án quy hoạch thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để quy hoạch khu dân cư tại mặt bằng lạch Hải Chữ và di chuyển dân cư ở cồn Tân Thành (gò 31) sang khu tái định cư lạch Hải Chữ; đồng thời quy hoạch cồn Tân Thành thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá (mở rộng phạm vi cảng cá Đông Hải); đưa quy mô năng lực cảng cá lên 100 lượt/600CV và khối lượng hàng hoá dịch vụ qua cảng 30.000 tấn/năm;
3.2. Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm: nạo vét mở rộng luồng, vũng đậu tàu; nâng cấp bến cập tàu, hệ thống kè bờ, hệ thống trụ neo dưới nước và trên cạn, đèn báo hiệu và hệ thống phao tiêu dẫn luồng áp dụng theo tiêu chuẩn Ngành 22TCN: 269 - 2000; đường nội bộ, …;
3.3. Loại cấp công trình: công trình đường thuỷ, cấp III;
3.4. Thời gian thực hiện đầu tư 4 năm từ năm 2007 đến năm 2010, trong đó năm 2007 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
4. Bến cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải)
Trong năm 2006 tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng bến cá Mỹ Tân do Ban Quản lý dự án ngành thuỷ sản làm chủ đầu tư.
4.1. Mục tiêu: xây dựng một khu neo đậu tàu thuyền 300 - 350 chiếc, loại 200CV; mở rộng bến cá khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá ở địa phương. Sau năm 2010 đầu tư đưa quy mô năng lực bến cá lên 50 lượt/300CV và lượng hàng hoá dịch vụ qua bến 10.000 tấn/năm.
4.2. Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm: công trình chắn cát giảm sóng, gồm: đê Tả Ngạn dài 417m và đê Hữu Ngạn. Công trình bến 200CV dài 97m, rộng 10,5m. Kè bờ K1 dài 103m. Nạo vét luồng chạy tàu (dài 300m, rộng đáy 40m, cao trình đáy -3,2m) và vũng đậu tàu (diện tích hiện hữu 19.900m2, mở rộng 25.057m2 và cao trình nạo vét -3,2m), vũng quay tàu (đường kính 100m, cao trình -3,2m). Hệ thống phao tiêu báo hiệu. Công trình khu lấn biển gồm: kè lấn biển dài 3.987,45m, san lấp mặt bằng và đê bao, đường giao thông, hệ thống thoát nước, nhà văn phòng, tường rào, cổng, nhà bảo vệ, …;
4.3. Địa điểm xây dựng: xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận;
4.4. Diện tích sử dụng: khoảng 9 ha, trong đó vùng nước 4 ha và khu đất lấn biển làm khu dịch vụ hậu cần nghề cá 5 ha (khu chế biến khoảng 22.900m2 và khu dịch vụ 16.300m2);
4.5. Loại cấp công trình: công trình đường thuỷ, cấp III;
4.6. Tổng mức đầu tư: khoảng 44,961 tỷ đồng, bằng nguồn vốn chương trình biển Đông và hải đảo hoặc nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn chống sạt lở bảo vệ đê điều bờ biển;
4.7. Thời gian thực hiện đầu tư: 4 năm từ năm 2006 đến năm 2009, trong đó năm 2006 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
5. Dự án đường, hệ thống thoát nước và điện Bến cá Mỹ Tân
Trong năm 2006 tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư do Ban Quản lý dự án ngành thuỷ sản làm chủ đầu tư:
5.1. Mục tiêu: bảo đảm ánh sáng cho khu vực bến; lưu thông hai chiều suốt tuyến từ bến cá ra đến đường tỉnh lộ; thoát nước, nước sinh hoạt cho khu vực bến và khu dân cư;
5.2. Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm: đường dài 688,9m; nền rộng 9 - 19,5m; hệ thống thoát nước 414m và hệ thống điện chiếu sáng;
5.3. Địa điểm xây dựng: thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận;
5.4. Diện tích đất sử dụng bao gồm nền, lề và đường: 5.303,8m2;
5.5. Loại cấp công trình: công trình đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp IV;
5.6. Tổng mức đầu tư 6,7 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách địa phương;
5.7. Thời gian thực hiện đầu tư 2 năm từ năm 2006 đến năm 2007.
6. Bến cá Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước)
Bến cá Sơn Hải nằm ở phía bắc Mũi Dinh, trước làng cá Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. Bến cá này chưa được đầu tư và chịu sự bồi lấp do ảnh hưởng trực tiếp của sóng gió mùa bắc nên tàu thuyền chỉ có thể ra vào và neo đậu ở khu vực bãi ngang trong vụ cá Nam. Trong 5 năm qua lượng tàu cá ở khu vực này khá phát triển, hiện có 173CV/4.141CV (tăng 76 chiếc so với năm 2000), trong đó tàu 50CV đến 300CV có 20 chiếc. Ngoài ra hằng năm có 50 - 100 chiếc tàu cá ở các tỉnh vào đánh bắt neo đậu. Vì vậy theo quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành thuỷ sản được phê duyệt từ năm 2002 và thực tiễn phát triển nghề khai thác hải sản thì trong năm 2008 cần tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư bến cá Sơn Hải là cần thiết và khách quan. Dự án do Ban Quản lý dự án ngành thuỷ sản làm chủ đầu tư.
6.1. Mục tiêu: xây dựng một khu neo đậu tàu thuyền có quy mô công suất bến cá phục vụ khoảng 300 chiếc, loại tàu 200CV và khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá ở địa phương. Sau năm 2015 đầu tư đưa quy mô năng lực bến cá lên 50 lượt/300CV và lượng hàng hoá dịch vụ qua bến 10.000 tấn/năm;
6.2. Các hạng mục chính đầu tư: bến cập tàu, nạo vét luồng và vũng đậu tàu, hệ thống kè bảo vệ, giao thông, đèn chiếu sáng, …;
6.3. Loại cấp công trình: công trình đường thuỷ, cấp III;
6.4. Tổng mức đầu tư khoảng 25 - 30 tỷ đồng bằng nguồn vốn biển Đông và hải đảo hoặc nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn chống sạt lở bảo vệ đê điều bờ biển;
6.5. Thời gian thực hiện 3 năm từ năm 2008 đến 2010, trong đó năm 2008 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
V. Một số giải pháp chủ yếu
1. Công tác quy hoạch: Sở Thuỷ sản phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản thuộc Bộ Thuỷ sản thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chương trình số 280/CTr-UBND ngày 22/01/2007 về công tác trọng tâm thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007.
2. Công tác đầu tư xây dựng
2.1. Các Ban Quản lý dự án tập trung củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ kỹ thuật, quản lý dự án; lựa chọn và phối hợp với các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín tập trung khảo sát lập các dự án đầu tư theo chương trình kế hoạch và các nguồn vốn mục tiêu của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương;
(chi tiết theo Phụ lục số 1)
2.2. Đẩy mạnh tiến độ thi công xây dựng, tăng cường công tác quản lý giám sát chất lượng công trình, nâng cấp hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các cảng cá, bến cá trong tỉnh theo đúng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật chuyên ngành và các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng công trình;
2.3. Tổng mức đầu tư hệ thống cảng, bến cá trong tỉnh của giai đoạn 5 năm (2006 - 2010) khoảng 238 - 240 tỷ đồng, trong đó:
- Nguồn vốn Bộ Thuỷ sản trực tiếp đầu tư trên địa bàn: 82,451 tỷ đồng.
- Nguồn vốn ngân sách địa phương: 10,76 tỷ đồng.
- Nguồn vốn tránh trú bão tàu cá (theo Quyết định số 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): 70 tỷ đồng.
- Nguồn vốn biển Đông và hải đảo hoặc vốn vay hoặc chống sạt lở bảo vệ đê điều, khác: 74,961 tỷ đồng.
(chi tiết theo Phụ lục số 2)
3. Công tác giải phóng mặt bằng: các Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương huyện, thành phố, xã, phường trong vùng dự án thực hiện tốt công tác áp giá, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng theo các quy định hiện hành và bàn giao cho đơn vị thi công kịp thời, đúng tiến độ. Chú ý vấn đề giá đền bù và hệ số điều chỉnh để kịp thời điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành.
4. Quản lý khai thác sử dụng hệ thống cảng, bến cá sau đầu tư của Ban Quản lý khai thác các công trình thuỷ sản
4.1. Thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn và công nghệ để phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng sửa tàu cá, cơ khí và dịch vụ hậu cần thương mại thuỷ sản để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên các cảng, bến cá thành các trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực;
4.2. Hằng năm thực hiện theo dõi, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện kịp thời chính sách chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bến bãi, đường nội bộ, mặt bằng, mặt nước tại các cảng cá, bến cá tỉnh Ninh Thuận;
4.3. Xây dựng kế hoạch trung hạn, hằng năm về quản lý phát triển hệ thống quản lý, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý khai thác hạ tầng sau đầu tư. Tổ chức duy tu nạo vét luồng lạch, vũng đậu tàu, bảo vệ an ninh trật tự, sắp xếp tàu cá cập cảng và bến bãi neo đậu, nhất là trong mùa bão, lụt để thu hút tàu cá ngoài tỉnh vào tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.
VI. Tổ chức thực hiện
Nhằm bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng và nâng cấp các cảng, bến cá trong tỉnh từ việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá đến quản lý khai thác duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình cảng, bến cá đạt hiệu quả thì cần có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh, Bộ Thuỷ sản và sự phân công, tham gia phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, địa phương liên quan trong tỉnh như sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo chương trình và các quy định hiện hành của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.
2. Đối với ngành Thuỷ sản: Sở Thuỷ sản là cơ quan chủ trì, hằng năm có trách nhiệm tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai cho các Ban Quản lý dự án, Ban Quản lý khai thác các công trình thuỷ sản và các đơn vị trực thuộc, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương liên quan trong việc thực hiện toàn bộ kế hoạch nội dung của chương trình. Định kỳ hằng tháng, quý, năm đánh giá kết quả và báo cáo đề xuất các biện pháp khả thi để nâng cao hiệu quả của chương trình.
3. Đối với các ngành chức năng: theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành để phối hợp hỗ trợ ngành thuỷ sản trong thẩm định trình phê duyệt hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng và cơ chế chính sách quản lý sau đầu tư để đưa công trình dự án vào khai thác sử dụng đạt hiệu quả.
4. Đối với các địa phương nghề cá có liên quan: phối hợp hỗ trợ ngành thuỷ sản trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các công trình dự án thi công trên địa bàn và trong quá trình quản lý khai thác sử dụng cơ sở hạ tầng các dự án sau đầu tư xây dựng công trình./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC SỐ 1
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ, BẾN CÁ TỈNH NINH THUẬN THỜI KỲ 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Chương trình số 3012/CTr-UBND ngày 18/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Số TT | Nội dung dự án đầu tư | Cơ quan chủ trì thực hiện | Thời gian hoàn thành |
1 | Dự án Đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná. | Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án của Bộ Thuỷ sản tại tỉnh Ninh Thuận. | từ quý III/2004 đến quý III/2008 |
2 | Dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ninh Chữ. | Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án của Bộ Thuỷ sản tại tỉnh Ninh Thuận. | 2006 - 2009 |
3 | Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Hải. | Ban Quản lý dự án ngành Thuỷ sản. | 2007 - 2010 |
4 | Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng bến cá Mỹ Tân. | Ban Quản lý dự án ngành Thuỷ sản. | 2006 - 2009 |
5 | Dự án đầu tư bến cá Sơn Hải. | Ban Quản lý dự án ngành Thuỷ sản. | 2008 - 2010 |
6 | Dự án đường, hệ thống thoát nước, điện bến cá Mỹ Tân. | Ban Quản lý dự án ngành Thuỷ sản. | 2006 - 2007 |
PHỤ LỤC SỐ 2
DANH MỤC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ, BẾN CÁ TỈNH NINH THUẬN THỜI KỲ 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Chương trình số 3012/CTr-UBND ngày 18/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
ĐVT: triệu đồng
Số TT | Danh mục dự án đầu tư | Giá trị vốn đầu tư | Phân nguồn vốn đầu tư | |||
Bộ Thuỷ sản | Ngân sách tỉnh | Tránh trú bão tàu cá | Vay, chống sạt lở bảo vệ đê điều bờ biển, Biển Đông và hải đảo. | |||
Tổng số | 238.172 | 82.451 | 10.760 | 70.000 | 74.961 | |
1 | Dự án Đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Cà Ná. | 22.317 | 22.317 |
|
|
|
2 | Dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ninh Chữ. | 64.194 | 60.134 | 4.060 |
|
|
3 | Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Hải. | 70.000 |
|
| 70.000 |
|
4 | Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng bến cá Mỹ Tân. | 44.961 |
|
|
| 44.961 |
5 | Dự án đầu tư bến cá Sơn Hải. | 30.000 |
|
|
| 30.000 |
6 | Dự án đường, hệ thống thoát nước, điện bến cá Mỹ Tân. | 6.700 |
| 6.700
|
|
|
- 1 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thuộc thành phố Đà Nẵng
- 2 Quyết định 20/2012/QĐ-UBND về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng cảng cá, bến bãi tại Cảng cá Ninh Cơ tỉnh Nam Định
- 3 Quyết định 218/2008/QĐ-UBND về mức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí cảng cá, bến cá, phí sử dụng bến bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 4 Nghị quyết 08/2008/NQ-HĐND quy định mức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 13 ban hành
- 5 Quyết định 340/2007/QĐ-UBND quy định tạm thời chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tại các cảng cá, bến cá tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 6 Quyết định 10/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 288/2005/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Quyết định 70/2002/QĐ-UB về phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2001 - 2010 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 1 Quyết định 340/2007/QĐ-UBND quy định tạm thời chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tại các cảng cá, bến cá tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 2 Quyết định 218/2008/QĐ-UBND về mức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí cảng cá, bến cá, phí sử dụng bến bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 3 Nghị quyết 08/2008/NQ-HĐND quy định mức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 13 ban hành
- 4 Quyết định 20/2012/QĐ-UBND về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng cảng cá, bến bãi tại Cảng cá Ninh Cơ tỉnh Nam Định
- 5 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thuộc thành phố Đà Nẵng