THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 528/CĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2013 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM A(H7N9) VÀ A(H5N1)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điện: | - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; |
Bệnh cúm A(H7N9) đang xảy ra tại Trung Quốc, từ cuối tháng 2 năm 2013 đến ngày 14 tháng 4 năm 2013 đã có 60 người bị nhiễm cúm A(H7N9) được xác định qua xét nghiệm thuộc hai thành phố (Thượng Hải, Bắc Kinh) và 4 tỉnh (Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Hà Nam), trong đó 13 người đã chết (tỷ lệ tử vong 20%). Trong nước tình hình cúm A(H5N1) đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương giáp ranh với biên giới Campuchia. Nguyên nhân gây nên bệnh cúm là sự lây nhiễm vi rút cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1), trong đó việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép đang là nguy cơ lớn nhất của việc lây nhiễm. Indonesia đã tuyên bố cấm nhập gia cầm từ Trung Quốc cho đến khi dịch cúm A(H7N9) chấm dứt hoàn toàn ở Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đến nay không có bằng chứng về việc lây truyền cúm gia cầm A(H7N9) từ người sang người và không khuyến cáo việc kiểm soát đặc biệt liên quan đến cúm A(H7N9) tại các cửa khẩu (Thông tin của Tổ chức Y Tế thế giới về cúm gia cầm A(H7N9) xem tại WWW.Who.int/csr/don/en/index.html).
Ngày 02 tháng 4 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các địa phương nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc. Ngày 04 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn số 487/CĐ-TTg gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc tiếp tục triển khai quyết liệt “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2012. Ngày 06 tháng 4 năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống cúm A(H7N9).
Nhằm chủ động ngăn chặn xâm nhập và lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người và gia cầm mắc bệnh và chết do cúm A(H7N9) và A(H5N1) từ cúm gia cầm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và phía Tây nam, cần phải thông tin thường xuyên, cập nhật về tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm tới sức khỏe của bản thân người tham gia vào việc này, sức khỏe của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống và cả nước; tác hại việc làm của họ tới cuộc sống của hàng vạn người nuôi gia cầm cả nước; tạo không khí xã hội lên án, tẩy chay mạnh mẽ người nhập lậu gia cầm và vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu vì lợi nhuận cao mà đồng thời nhập khẩu và phát tán cúm gia cầm cho hàng chục triệu dân và hàng triệu gia cầm.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, Ngành liên quan chỉ đạo việc cấp đủ phương tiện phòng bệnh dịch cúm gia cầm cho tất cả cán bộ nhân viên, các lực lượng có trách nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với gia cầm, không để ai chịu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm mà không có phương tiện phòng ngừa.
3. Mọi người dân ở các xã, phường, các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở xã, phường có trách nhiệm phát hiện và báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân và công an xã, phường hoặc huyện, quận về những người dân sống ở xã, phường tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường trực tiếp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, quận về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Nơi nào Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường; công an xã, phường không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật pháp và chỉ đạo của cấp trên thì bị xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, phải bị thay thế khi không hoàn thành nhiệm vụ một thời gian dài và đã được nhắc nhở mà không khắc phục.
4. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát sao tình hình dịch cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở trong nước và các nước xung quanh để có thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của các loại cúm gia cầm, cách phòng ngừa cúm gia cầm (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thịt gia cầm phải được nấu chín; không tiếp xúc với thịt gia cầm bị bệnh và chết; đeo khẩu trang và găng tay khi phải tiếp xúc trực tiếp với gia cầm có nguy cơ bị cúm); đồng thời người dân không hoang mang, các cơ quan y tế và chính quyền các cấp không lãng phí nguồn lực vào các việc làm không cần thiết.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế bám sát diễn biến của việc di chuyển gia cầm và người qua biên giới vào trong nội địa, hướng dẫn kịp thời các địa phương và các lực lượng chuyên môn của ngành phối hợp với các Bộ: Công Thương, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải để triển khai các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn và xử lý dịch cúm ở gia cầm và ở người nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Tiếp tục hướng dẫn người nuôi chim yến và chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa và xử lý hiệu quả nhất việc chim yến bị nhiễm cúm gia cầm.
6. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng và Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện 487/CĐ-TTg.
7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện quyết liệt “Đề án phòng ngừa việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27 tháng 12 năm 2012 và các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để phòng ngừa và xử lý dịch cúm gia cầm ở địa phương, đặc biệt cần chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các chủ hàng, chủ phương tiện chuyên chở gia cầm theo đúng quy định của pháp luật, phải giữ xe, thuyền có thời hạn và tịch thu đúng quy định của pháp luật khi việc vận chuyển gia cầm qua biên giới là bị cấm như hiện nay.
8. Bộ Tài chính phối hợp Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ bảo đảm kinh phí phục vụ công tác chủ động phòng, chống dịch cúm A (H7N9) và A(H5N1).
9. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên chủ động và tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp, ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ban, Ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) và A(H5N1)./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Công điện 10/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên chim yến do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 2 Công điện 487/CĐ-TTg năm 2013 về tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép
- 3 Công điện 07/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh biên giới giáp với Cam-Pu-Chia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công điện 04/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 5 Công văn 148/CN-GSN tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm do Cục Chăn nuôi ban hành
- 1 Công văn 148/CN-GSN tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm do Cục Chăn nuôi ban hành
- 2 Công điện 04/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 3 Công điện 07/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh biên giới giáp với Cam-Pu-Chia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công điện 10/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên chim yến do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện