Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/CN-GSN
V/v tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm.

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đang tái phát và lây lan nhanh trên cả 3 miền. Đến nay, đã có 12 tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm, số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy lên đến trên 35.000 con. Thực hiện chỉ thị số 395/CT-BNN-TY ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm, Cục Chăn nuôi đề nghị Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số việc sau:

1. Đối với những vùng đang có dịch, cần tăng cường các chốt kiểm dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, đường giao thông ngõ, xóm, các phương tiện ra vào; cách ly triệt để, ngừng xuất nhập các loại gia cầm; phải đảm bảo sau 21 ngày không có dịch tái phát mới cho xuất, nhập gia cầm. Các vùng giáp ranh cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, thực hiện tiêm phòng đầy đủ, khuyến cáo người chăn nuôi tạm thời hạn chế nuôi, nhập mới các loại gia cầm.

2. Chỉ đạo các hộ gia đình chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi thực hiện tổng vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải, làm trong sạch môi trường chăn nuôi; thực hiện mỗi tuần 3 lần tiêu độc, khử trùng toàn bộ trại nuôi, môi trường, dụng cụ chăn nuôi; cách ly triệt để, hạn chế thấp nhất người, động vật, gia súc, gia cầm ra vào trại chăn nuôi.

3. Giống mua mới phải được kiểm dịch, xuất phát từ những vùng không có dịch, có công bố tiêu chuẩn chất lượng. Không mua giống trôi nổi, giống không rõ nguồn gốc, giống chưa được kiểm dịch. Hàng ngày kiểm tra đàn gia cầm, theo dõi việc thu nhận thức ăn, loại thải những con ốm, bệnh. Nếu có dấu hiệu bị dịch, phải kịp thời báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, có biện pháp cách ly, tiêu hủy theo chỉ đạo của cán bộ thú y, không bán chạy gia cầm ốm, bệnh. Thực hiện cùng vào, cùng ra trong chăn nuôi, để trống chuồng tối thiểu 21 ngày trước khi vào nuôi lứa mới. Nếu bị dịch cúm gia cầm, phải để trống chuồng tối thiểu 3 tháng trước khi vào nuôi lứa mới.

4. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, lưu thông, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, các trục đường giao thông chính. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm như vận chuyển không có giấy kiểm dịch, vận chuyển vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm ốm, bệnh hoặc chết; các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Chỉ đạo người chăn nuôi, các trang trại thực hiện, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định tại Quyết định 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm.

6. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của dịch cúm gia cầm, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về nguy cơ của dịch cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống dịch để người dân biết, hiểu và có biện pháp chủ động phòng, chống cúm hiệu quả, tránh để dịch bệnh lây lan.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo về Cục Chăn nuôi để phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT. Cao Đức Phát (để b/c);
- TT. Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- Cục Thú y (để phối hợp thực hiện);
- Các Phó Cục trưởng (để biết);
- Lưu: VT, GSN.

CỤC TRƯỞNG




Hoàng Kim Giao