Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1098/NHNN-TD
V/v: triển khai chương trình bình ổn thị trường theo kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố
- Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các TCTD

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ngành ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường và các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, Chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và sự vào cuộc tích cực của ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát, giảm bớt gánh nặng chi cho Ngân sách và đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong thực hiện chương trình, áp dụng cơ chế hỗ trợ tín dụng với lãi suất phù hợp (lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5- 6%/năm) cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, Ngân sách địa phương không phải hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn như trước đây nữa. Chương trình được thực hiện thành công nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành ngân hàng với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận - huyện, phường - xã trong việc triển khai thực hiện chương trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm triển khai Chương trình bình ổn thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhằm nhân rộng, phát huy hiệu quả Chương trình trên phạm vi cả nước, Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các Tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu kỹ, tham khảo cách thức, kinh nghiệm áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ thực tiễn trên địa bàn và hoạt động của từng TCTD để tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố:

1.1. Chủ động phối hợp với Sở Công thương và các Sở, ban ngành tại địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn.

1.2. Cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã được phê duyệt tham gia Chương trình bình ổn và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh, thành phố tích cực tiếp cận các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường và cả các đơn vị ngoài Chương trình nhưng có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với doanh nghiệp bình ổn thị trường để có chính sách cho vay phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Chương trình nhằm giảm bớt cấp bù của Ngân sách địa phương; gắn Chương trình bình ổn giá trong Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để đạt kết quả cao nhất.

1.3. Giám sát, kiểm tra, kiểm soát quá trình tham gia Chương trình bình ổn của các TCTD, đảm bảo các TCTD thực hiện đúng cam kết khi triển khai thực hiện Chương trình.

1.4. Kịp thời báo cáo Ngân hàng nhà nước kết quả và những khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình, đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện chương trình có hiệu quả.

1.5. Tổng hợp kết quả triển khai và thực hiện chương trình định kỳ hàng tháng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua Vụ Tín dụng CNKT trước ngày 10 của tháng kế tiếp (theo đề cương đính kèm) (đề nghị gửi kèm file mềm về địa chỉ email: tindung2@sbv.gov.vn). Bắt đầu từ Quý II/2015, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả triển khai chương trình này theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn.

2. Đối với các TCTD:

2.1. Chỉ đạo chi nhánh trên toàn quốc tích cực tham gia Chương trình bình ổn thị trường với lãi suất phù hợp theo chủ trương của UBND và chỉ đạo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, gắn việc thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường với Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm đạt kết quả cao nhất,

2.2. Hướng dẫn kỹ nội dung, thống nhất việc triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trong toàn hệ thống trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm triển khai thành công của Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố chủ động tiếp cận để cho vay đối với các doanh nghiệp được phê duyệt tham gia Chương trình, có tính đến tính chất đặc thù của các đối tượng khách hàng, các địa phương, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

2.3. Các chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD chủ động kết hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các Sở, ban ngành địa phương để tìm kiếm khách hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường để cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi, áp dụng lãi suất và cơ chế, chính sách phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi kèm theo công văn này Báo cáo của NHNN Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng nghiên cứu và tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- HĐND các tỉnh, thành phố;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố;
- Lưu VP, VTDCNKT (2).
Đính kèm:
Báo cáo số 1822/BC-HCM.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG

I. Tình hình triển khai thực hiện Chương trình

- Công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương

- Phương thức và hình thức phối hợp triển khai thực hiện

- Công tác chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn

II. Kết quả thực hiện Chương trình

1. Số doanh nghiệp được UBND giao nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn; số TCTD đã tham gia hỗ trợ và số khách hàng trên địa bàn được hỗ trợ từ chương trình (trong đó nêu rõ số khách hàng được hỗ trợ cho vay ngắn hạn và trung, dài hạn).

2. Số tiền cam kết cho vay, dư nợ và lãi suất cho vay theo Chương trình đến thời điểm báo cáo:

STT

Ngành hàng

Cam kết cho vay của các TCTD

(tr. Đồng)

Dư nợ

(tr đồng)

Lãi suất phổ biến

(%/năm)

Ngắn hạn

Dài hạn

Ngắn hạn

Dài hạn

Ngắn hạn

Dài hạn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

 

 

 

III. Đánh giá hiệu quả của Chương trình

- Tác động bình ổn thị trường, chênh lệch giá bán hàng bình ổn so với giá thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá bán, đảm bảo an sinh xã hội....

- Tác động khác:....

IV. Khó khăn, vướng mắc

V. Định hướng triển khai trong thời gian tới

VI. Đề xuất, kiến nghị