Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5404/BCT-TTTN
V/v báo cáo Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai năm 2013

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Thông báo số 79/TB-VPCP ngày 22 tháng 02 năm 2013 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đánh giá tình hình Tết và triển khai công tác sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013;

Theo ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 2947/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 4 năm 2013 về việc tổ chức hội nghị, ngày 29 tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai năm 2013. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Sở Công Thương, Sở Tài chính các địa phương triển khai chương trình, một số doanh nghiệp tham gia chương trình, các cơ quan báo chí... Nội dung chính của Hội nghị tập trung vào việc: i) Đánh giá tình hình thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả năm 2012, Tết Nguyên Đán 2013 và tác động của chương trình; ii) Định hướng triển khai chương trình trong năm 2013; iii) Trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất các giải pháp để chương trình ngày càng đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới. Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng kết quả Hội nghị như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2012

1. Tổng quan Chương trình

- Năm 2012 có 45/63 địa phương triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả (sau đây gọi tắt là Chương trình), tăng 9 địa phương so với năm 2011 với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp.

- Về hình thức hỗ trợ: Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình được địa phương tạm ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi với lãi suất 0% hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng hoặc được vay vốn với lãi suất 0% thông qua Quỹ Đầu tư - Phát triển tỉnh, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã...

- Về đối tượng tham gia Chương trình: Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế được các địa phương lựa chọn thực hiện, có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa (thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Chương trình), bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác của Chương trình.

- Về danh mục mặt hàng bình ổn: Tập trung vào những hàng hóa thuộc nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân như: Lương thực (39 địa phương lựa chọn đưa vào danh mục), đường (26 địa phương), dầu ăn (26 địa phương), thực phẩm tươi sống (28 địa phương), trứng gia cầm (20 địa phương), sách giáo khoa và dụng cụ học tập (6 địa phương), thuốc chữa bệnh (3 địa phương)...một số bình ổn hàng tư liệu sản xuất như: phân bón (4 địa phương), giống cây trồng (4 địa phương)...

- Về giá bán hàng trong Chương trình: Doanh nghiệp đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, khi điều chỉnh giá phải báo cáo cơ quan quản lý xem xét.

- Về thời gian thực hiện: Khoảng 3-5 tháng (dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán), một số địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ...) có thời gian thực hiện dài hạn hoặc thực hiện cả năm. Kết thúc thời gian thực hiện Chương trình, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi vốn, hoàn trả lại Ngân sách địa phương.

- Về công tác kiểm tra giám sát: Được Ủy ban nhân dân (UBND) các địa phương, các sở ngành liên quan thường xuyên kiểm tra trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các địa phương về việc triển khai Chương trình.

2. Một số nét nổi bật của Chương trình trong năm 2012

- Quy mô Chương trình tiếp tục được mở rộng (về số địa phương triển khai, doanh nghiệp tham gia, đối tượng mặt hàng, thời gian thực hiện...): Từ chỗ rải rác một số địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện, tới năm 2012 đã có 45 địa phương triển khai Chương trình (tăng 9 địa phương so với năm 2011) với khoảng 300 doanh nghiệp tham gia (kể cả cơ sở và hộ kinh doanh). Từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong các dịp Tết Nguyên đán, đến nay một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lai Châu, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai) đã mở rộng bình ổn đối với các mặt hàng khác như giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa...

- Hình thức triển khai Chương trình ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện ngày càng được cải tiến nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.

Từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay nhiều địa phương đã hướng tới tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng, Bắc Giang). Thông qua Chương trình đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối, người tiêu dùng; tạo lập được liên kết giữa các doanh nghiệp trong chương trình với nhau, giữa các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Năm 2012, một số tỉnh, thành phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long) cũng đã ký thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và đang triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản....

Từ chỗ bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đã tổ chức ngày càng nhiều các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, miền núi...đồng thời thiết lập nhiều điểm bán cố định tại các khu công nghiệp, các chợ truyền thống, khu vực nông thôn.

Đối tượng hưởng lợi của Chương trình hiện không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (thông qua hỗ trợ về cơ chế tài chính để sản xuất, cung ứng hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng, quảng bá hàng hóa...) mà cả người tiêu dùng được tiếp cận hàng bình ổn với chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý.

- Mức độ xã hội hóa của Chương trình ngày càng mạnh mẽ. Tiếp tục có nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia mà không cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước.

Từ chỗ 100% các doanh nghiệp tham gia Chương trình nhận vốn vay trong những năm đầu triển khai, đến nay tại nhiều địa phương (TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Lạng Sơn...) ngày càng nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước. Năm 2012 có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp không nhận hỗ trợ về vốn của Nhà nước (chiếm 20% trong tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình). Năm 2012 tại TP Hồ Chí Minh có 32/48 doanh nghiệp tham gia Chương trình không ứng vốn; Hà Nội có 02/17 doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần vay vốn; tại Đồng Nai có 12/32 doanh nghiệp, tại Lạng Sơn có 1/5 doanh nghiệp tham gia không nhận vốn.

- Chương trình tiếp tục được nhân rộng, phát huy vai trò định hướng dẫn dắt giá hàng hóa, tạo mặt bằng giá tương đối ổn định trên địa bàn các đô thị lớn. Năm 2012 số lượng các địa phương triển khai Chương trình là 45 so với con số 36 địa phương năm 2011. Ngoài lượng hàng hóa dự trữ được vay vốn, các doanh nghiệp còn tự nguyện đưa vào Chương trình số lượng hàng hóa cao hơn. Đồng thời với giá bán thấp hơn từ 5-10% so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường Chương trình góp phần tạo định hướng cho thị trường, hạn chế mức tăng giá chung, ngăn ngừa tâm lý đầu cơ, găm hàng, nhất là tại các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính CPI của cả nước, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát (năm 2012 CPI của TP Hồ Chí Minh là 4,07%, CPI của Hà Nội là 6,29% thấp hơn khá nhiều mức tăng CPI cả nước là 6,81%).

Hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia Chương trình đã trở thành đối trọng kiềm chế sự tăng giá bất hợp lý ngoài thị trường tại một số địa phương. Cụ thể trong tháng 1/2013, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, mặt hàng trứng gia cầm của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty Emivest liên tục tăng giá, gây bất ổn thị trường, Bộ Công Thương cùng với các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội) đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tập trung, tăng cường lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối; bình ổn thị trường; tổ chức đoàn công tác làm rõ nguyên nhân tăng giá; chỉ đạo các siêu thị không nhận phân phối mặt hàng trứng gia cầm của các doanh nghiệp tăng giá bán bất hợp lý... Các hệ thống phân phối trứng gia cầm của thành phố (như Saigon Coop, Satra, Vissan, Citimart, Maximark...) một mặt đã không nhận phân phối trứng của CP, Emivest, một mặt đã sẵn sàng không nhận chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung ứng trứng gia cầm khác, hỗ trợ vận chuyển cung ứng cùng với nhà sản xuất. Với sự đồng thuận, kiên định của các doanh nghiệp phân phối, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm (mức giá bán buôn trứng gà công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh giảm từ 29.000 đ/chục xuống còn 21.500 đ/chục từ ngày 16 tháng 01 năm 2013; tại Hà Nội giảm từ 24.000 đ/chục xuống còn 21.000 đ/chục từ ngày 25 tháng 01 năm 2013), thị trường trứng gia cầm đã nhanh chóng ổn định trở lại.

Ngoài ra, trong những ngày giáp Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình còn kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn hoặc mở cửa sớm sau Tết, đã tạo tâm lý an tâm cho thị trường, giảm đầu cơ, mua tích trữ. Một số địa phương, ngoài các điểm bán bình ổn còn vận động các tiểu thương đăng ký tham gia Chương trình bán hàng bình ổn trong dịp Tết.

- Chương trình tiếp tục góp phần phát triển hệ thống phân phối, chú trọng cho các đối tượng có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp và khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận được hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. Mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn được nhân rộng và tập trung cho các vùng nông thôn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp... các chương trình đưa hàng bình ổn về nông thôn kết hợp thực hiện cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt được các doanh nghiệp hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ.

Các điểm bán hàng bình ổn được ưu tiên phát triển. Năm 2011, số lượng điểm bán hàng bình ổn của cả nước đạt khoảng 6.400 điểm, trong đó TP Hồ Chí Minh có khoảng 4.230 điểm bán, Hà Nội có khoảng 688 điểm bán. Đến năm 2012, số lượng điểm bán cả nước ước khoảng 8.000 điểm bán1, trong đó TP Hồ Chí Minh có khoảng 5.662 điểm (tăng hơn 1.400 điểm so với 2011), trong đó khu vực ngoại thành là 785 điểm bán, 11/13 khu công nghiệp, khu chế xuất có điểm bán hàng bình ổn. Tại Hà Nội số điểm bán hàng bình ổn năm 2012 là 710 điểm bán, trong đó có 345 điểm bán tại khu vực ngoại thành (tăng 22 điểm so với năm 2011) và đưa hàng tới 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn tập thể.

Trong quá trình triển khai Chương trình, các địa phương cũng gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn”, chương trình xúc tiến thương mại nội địa. Đối tượng mặt hàng bình ổn tập trung vào các hàng hóa sản xuất trong nước, thông qua chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân tiếp cận được nguồn hàng chất lượng bảo đảm, giá cả phải chăng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời định hướng, khuyến khích thói quen tiêu dùng hàng Việt. Cụ thể, năm 2012, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức gần 1.185 chuyến bán hàng lưu động (tăng hơn 300 chuyến so với năm 2011) kết hợp các phiên chợ công nhân, phiên chợ sinh viên...đưa hàng hóa phục vụ nhân dân tại các huyện ngoại thành, quận ven, công nhân tại các khu CN khu chế xuất). Hà Nội đã tổ chức được 605 chuyến bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các huyện. Tại các địa phương khác như Cần Thơ cũng tổ chức được 6 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và 27 đợt bán hàng lưu động; Đồng Nai tổ chức được 26 chuyến hàng Việt về nông thôn và 7 phiên chợ công nhân; Hậu Giang tổ chức được 46 chuyến hàng Việt về nông thôn; Ninh Bình tổ chức được 9 hội chợ thương mại và 2 chuyến hàng Việt về nông thôn. Nghệ An đã tổ chức được 12 chuyến, Tây Ninh đã tổ chức 26 lượt bán lưu động và 3 chuyến hàng về nông thôn, Thừa Thiên Huế tổ chức được 27 chuyến hàng Việt về nông thôn...

2. Đánh giá chung về Chương trình

Từ thực tế triển khai và qua đánh giá của các địa phương cho thấy Chương trình đã đạt được những kết quả sau:

2.1. Những mặt tích cực

- Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu: Chương trình đã góp phần tăng cung trong những dịp tiêu dùng cao điểm2, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bán hợp lý. Phần lớn các mặt hàng tham gia Chương trình là hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, những mặt hàng cầu kém co giãn trong khi nguồn cung thiếu tính ổn định do bị tác động bởi yếu tố thời tiết, mùa vụ. Thông qua Chương trình mô hình kết nối giữa Nhà sản xuất - Doanh nghiệp phân phối - Người tiêu dùng đã được hình thành, phát triển, tạo lập được chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững. Sự liên kết này vừa bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng với cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, lại vừa góp phần tạo điều kiện sản xuất, tạo đầu ra ổn định, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, qua đó tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường.

- Là một trong những công cụ để các địa phương chủ động trong công tác điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá tùy tiện, góp phần giảm áp lực tăng giá trong các dịp cao điểm. Đồng thời việc triển khai Chương trình mạnh mẽ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (có tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và là nơi phát luồng hàng đi các tỉnh lân cận) đã tạo ra sức lan tỏa lớn cho cả khu vực và trên cả nước, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, Chương trình đã khẳng định được sức lan tỏa, tác động tích cực đối với thị trường, giá bán của Chương trình đã trở thành mức giá tham chiếu cho doanh nghiệp ngoài chương trình tham khảo, định giá bán sản phẩm của mình;

- Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và góp phần phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, đặc biệt là mạng lưới bán hàng bình ổn tại các khu vực tập trung người lao động có mức thu nhập thấp và trung bình, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, vùng núi...

Việc hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi đã giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc khai thác nguồn hàng, ký kết hợp đồng sản xuất, dự trữ, quay vòng vốn cũng như mở rộng mạng lưới bán hàng trên thị trường. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, lưu thông hàng hóa thông suốt.

Việc chú trọng phát triển các điểm bán hàng bình ổn, mở rộng chuỗi phân phối, các siêu thị, cửa hàng tiện ích... đã góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới phân phối văn minh, hiện đại của các địa phương, từ đó từng bước xóa dần các điểm mua bán tự phát.

- Góp phần đảm bảo an sinh xã hội nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Các hoạt động trong Chương trình như đưa hàng về nông thôn, phiên chợ, tổ chức điểm bán hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng núi, vùng sâu vùng xa...cũng đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình mà không cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước, cho thấy việc gắn trách nhiệm xã hội với lợi ích cộng đồng của các doanh nghiệp tham gia Chương trình tiếp tục được nâng cao.

2.2. Những hạn chế, tồn tại

+ Tại phần lớn các địa phương lượng hàng dự trữ còn ít so với nhu cầu của thị trường, ảnh hưởng tới tác động mong muốn của Chương trình.

+ Tuy số lượng các điểm bán hàng tiếp tục được mở rộng nhưng việc phân bố các điểm bán còn chưa đồng đều, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng tới lợi ích của các đối tượng cần thụ hưởng.

+ Do hạn chế về nguồn vốn nên diện mặt hàng bình ổn còn hạn hẹp, đồng thời thời gian thực hiện ngắn nên gây khó khăn cho công tác tạo nguồn hàng nhất là trong dịp cuối năm.

+ Tính liên kết, phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc tạo nguồn hàng còn chưa chủ động.

+ Việc hỗ trợ vốn vay mới chỉ tập trung chủ yếu cho các doanh nghiệp phân phối dự trữ hàng hóa thành phẩm, chưa hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhất là các đối tượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo đầu ra ổn định, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

+ Việc tổ chức phê duyệt giá bán hàng bình ổn của các sở ban ngành thực hiện còn chậm, dẫn đến việc một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh chưa được chính xác đầy đủ về Chương trình, ảnh hưởng tới mục đích và ý nghĩa của Chương trình đối với xã hội.

II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI PHỐI HỢP CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

1. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012, ngày 05 tháng 10 năm 2012, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

2. Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương và chỉ đạo các Sở Công Thương triển khai tích cực và không ngừng nâng cao hiệu quả Chương trình. Đã có Công văn số 11272/BCT-TTTN ngày 21 tháng 11 năm 2012 về việc “Hướng dẫn thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả”. Theo đó, Bộ chỉ đạo các Sở chú trọng bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, gắn kết hiệu quả với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Chương trình theo hướng tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển; tập trung vào việc tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng hàng hóa, qua đó sẽ giúp bảo đảm nguồn cung hàng hóa lâu dài, tạo thuận lợi cho lưu thông, giảm bớt các chi phí trung gian, góp phần bình ổn thị trường.

3. Trong tháng 1/2013, Bộ Công Thương tổ chức các đoàn công tác liên bộ (Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã làm việc với 8 địa phương (Quảng Nam, Vĩnh Long, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Thái Nguyên) về Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, chỉ đạo các địa phương tiếp tục chú trọng tới việc phát triển điểm bán tới các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp.

4. Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên cung cấp trao đổi thông tin với các địa phương, hướng dẫn một số địa phương mới thực hiện Chương trình cách thức triển khai Chương trình theo mô hình của các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác về Chương trình hoặc làm việc với các cơ quan thông tin đại chúng về các vấn đề liên quan nhằm phản ánh được đầy đủ, toàn diện và chính xác hơn về các nội dung của Chương trình.

5. Thường xuyên tổng hợp các báo cáo về Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

III. PHƯƠNG HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Mặc dù trong thời gian qua kết quả triển khai chương trình được nhìn nhận là nhằm hạn chế tác động tăng giá trong các dịp cao điểm, lễ tết, trong giai đoạn lạm phát cao, tuy nhiên thông qua Chương trình mô hình kết nối giữa Nhà sản xuất - Doanh nghiệp phân phối - Người tiêu dùng đã được hình thành, phát triển, tạo lập được chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững đối với một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, qua đó tạo nguồn cung bền vững cho thị trường. Sự liên kết này vừa bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng lại vừa góp phần tạo điều kiện sản xuất, tạo đầu ra ổn định và bảo đảm lợi ích cho người sản xuất. Vì vậy trong bối cảnh hiện nay (lạm phát đang được kiểm soát tốt, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, giá nhiều mặt hàng giảm hoặc ở mức thấp) thì Chương trình vẫn cần được duy trì với hướng tập trung phát triển chuỗi cung ứng bền vững thông qua tăng cường kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình, các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về phương hướng cần tập trung trong thời gian tới, cụ thể:

1. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành:

+ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô (Lãi suất, tỷ giá, kiểm soát tốt giá các yếu tố đầu vào...), thực hiện tốt việc ngăn chặn hàng nhập lậu nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng.

+ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần quan tâm hỗ trợ công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường (kể cả trong bối cảnh hàng hóa cung đang vượt cầu); chú ý đối với các địa phương thường xuyên bị bão lũ, tạo điều kiện về mặt chủ trương cho các địa phương thực hiện Chương trình.

+ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các địa phương có chính sách khuyến khích việc xã hội hóa Chương trình thông qua các chính sách ưu đãi (về thuế, về mặt bằng...) đối với các đơn vị tham gia Chương trình không nhận vốn vay từ ngân sách hoặc tạo điều kiện để các doanh nghiệp được vay với lãi suất ưu đãi từ NHTM trên địa bàn.

+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay của các địa phương đồng thời giám sát việc giải ngân vốn vay của các địa phương.

+ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thường xuyên cung cấp thông tin về cung cầu, giá cả hàng hóa nhằm giúp các địa phương linh hoạt hơn trong việc tạo lập nguồn hàng, bình ổn thị trường.

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh trong đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cần ưu tiên bảo đảm mặt bằng kinh doanh cho các điểm bán hàng bình ổn.

+ Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với các bộ, ngành chức năng cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong xã hội về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, hạn chế thông tin cá biệt, không đầy đủ, thông tin thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng tới hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình.

2. Đối với các địa phương triển khai Chương trình:

+ UBND cấp tỉnh cần có sự quan tâm, sâu sát đối với Chương trình; trong các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cần ưu tiên tạo thuận lợi về mặt bằng kinh doanh cho phát triển các điểm bán hàng bình ổn; tiếp tục chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa Chương trình, có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình; chỉ đạo các sở, ngành liên quan làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vừa tạo điều kiện để người dân biết, tham gia Chương trình, vừa khuếch trương được ý nghĩa, mục đích của Chương trình; triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể tại địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích trong triển khai Chương trình.

+ Sở Công Thương địa phương cần bám sát thực tế để tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường (về lựa chọn mặt hàng, hình thức hỗ trợ, phương thức thực hiện...); cần tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn theo hướng tiếp tục mở rộng ra các địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đưa hàng bình ổn vào các chợ truyền thống; tăng cường hoạt động liên kết, xây dựng mô hình kết nối từ các doanh nghiệp sản xuất đến các nhà phân phối, đặc biệt các nhà phân phối lớn (có quy mô kinh doanh trên nhiều tỉnh, thành phố) với người tiêu dùng và với các địa phương trong việc xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các Sở Công Thương để hỗ trợ công tác bình ổn thị trường trên diện rộng khi có biến động bất thường.

Trên đây là báo cáo kết quả Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai năm 2013, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TTTN(03).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Thị Kim Thoa

 

PHỤ LỤC

CÁC ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN DỰ TRỮ HÀNG HÓA BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG NĂM 2012 VÀ TẾT QUÝ TỴ

STT

Địa phương

Giá trị hỗ trợ (tỷ đồng)

Hình thức & thời gian HT

Các mặt hàng tham gia Chương trình

Ghi chú

1

HÀ NỘI

376

Ứng vốn NS (HTLS) 5/2012 - 4/2013

Lương thực, thực phẩm CB-thủy hải sản, trứng gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, đường, giấy vở học sinh...

2/17 doanh nghiệp tham gia CT không nhận vốn hỗ trợ; tại 710 điểm bán bình ổn và 1,500 điểm tại đại lý, của hàng, bếp ăn tập thể.

2

TP.HỒ CHÍ MINH

282.08

Ứng vốn NS (HTLS) Từ 1/4/2013

Lương thực, thực phẩm CB-thủy hải sản, trứng gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, đường, giấy vở học sinh, sữa, dược phẩm.

32/48 doanh nghiệp tham gia CT không nhận vốn hỗ trợ; có hơn 5.662 điểm bán bình ổn.

3

AN GIANG

110

Nguồn vốn xã hội hóa

Lương thực, thực phẩm tươi sống, đường, dầu ăn...

Kinh phí thực hiện chương trình do các doanh nghiệp tự nguyện tham gia

4

BÀ RỊA-VŨNG TÀU

6.894

Ứng vốn NS (HTLS)

Lương thực, thực phẩm thiết yếu, gas.

Chương trình thực hiện đối với huyện Côn Đảo

5

BẮC GIANG

40

Ứng vốn NS (HTLS) 5/11/2012-5/3/2013

Lương thực, dầu ăn, đường, bánh mứt kẹo, bột canh và hàng hóa khác.

04 doanh nghiệp tham gia chương trình, thực hiện tại 22 điểm bán bình ổn

6

BẮC KẠN

5.5

Ứng vốn NS (HTLS)

Muối iod, dầu hỏa, lương thực, bánh mứt kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia vị...

Ngoài vốn được hỗ trợ, các doanh nghiệp tự bình ổn hàng hóa trị giá 11.5 tỷ đồng.

7

BẠC LIÊU

47

Ứng vốn NS (HTLS) 28/12/2012-28/3/2013

Lương thực, dầu ăn, đường, bánh mứt kẹo, sữa, bột ngọt...

06 doanh nghiệp tham gia chương trình

8

BẮC NINH

30

Ứng vốn NS (HTLS)

Lương thực, thực phẩm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột canh, bánh kẹo, nước ngọt...

03 doanh nghiệp tham gia chương trình

9

BẾN TRE

10

Ứng vốn NS (HTLS) 03 tháng dịp Tết

Lương thực và sách giáo dục

02 doanh nghiệp tham gia chương trình

10

BÌNH ĐỊNH

20

Ứng vốn NS (HTLS) 1/1/2013-31/3/2013

Dầu ăn, đường, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm

Ngoài vốn được hỗ trợ tham gia chương trình, tạm ứng 03 tỷ đồng cho 03 huyện miền núi đảm bảo dự trữ hàng hóa.

11

BÌNH DƯƠNG

67.65

Ứng vốn NS (HTLS)

Lương thực, thực phẩm, sách vở dụng cụ học tập, dược phẩm...

08 doanh nghiệp tham gia chương trình, thực hiện tại 146 điểm bán bình ổn

12

BÌNH THUẬN

22

Ứng vốn NS (HTLS) 15/11/2012-15/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đường, sữa, dầu ăn, muối...

04 doanh nghiệp tham gia chương trình, thực hiện tại 44 điểm bán bình ổn

13

CẦN THƠ

40

Ứng vốn NS (HTLS) 1/6/2012-31/3/2013

Lương thực, đường, bột ngọt, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm...

08 doanh nghiệp tham gia chương trình, thực hiện tại 57 điểm bán bình ổn

14

ĐÀ NẴNG

4

Hỗ trợ lãi suất 9/2012-3/2013

Thực phẩm tươi sống

Thực hiện chương trình tại 15 điểm bán bình ổn.

15

ĐĂK LĂK

6.5

Ứng vốn NS (HTLS) 11/2012-3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…

 

16

ĐỒNG NAI

84

Ứng vốn NS (HTLS) 1/6/2013-31/5/2013

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

12/32 doanh nghiệp tham gia chương trình không nhận vốn hỗ trợ; 31/32 doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng;

Thực hiện tại 96 điểm bán bình ổn.

17

HÀ TĨNH

67.4

Hỗ trợ lãi suất 22/12/2012-22/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ quả, dầu ăn, đường, thực phẩm công nghệ và mặt hàng thuộc lĩnh vực sản xuất.

09 doanh nghiệp tham gia chương trình, thực hiện tại 91 điểm bán bình ổn.

18

HẢI DƯƠNG

23.7

Ứng vốn NS (HTLS)

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, dầu ăn, đường...

01/02 doanh nghiệp tham gia chương trình, không nhận vốn hỗ trợ; thực hiện tại 22 điểm bán bình ổn.

19

HẢI PHÒNG

10

Ứng vốn NS (HTLS) 1/6/2013-31/5/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm.

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; ngoài ra các doanh nghiệp tự dự trữ hàng hóa khoảng 65 tỷ đồng.

20

HẬU GIANG

14

Ứng vốn NS (HTLS) 1/2013-5/2013

Lương thực, đường, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, muối...

03 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 15 điểm bán bình ổn.

21

HÒA BÌNH

50

Ứng vốn NS (HTLS) 1/12/2012-31/3/2013

Lương thực, thực phẩm, dầu ăn, nước chấm, bột ngọt...

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 16 điểm bán bình ổn.

22

KHÁNH HÒA

35.6

Ứng vốn NS (HTLS) 03 tháng, từ 1/12/2012

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, đường, dầu ăn.

06 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 24 điểm bán bình ổn.

23

KIÊN GIANG

40

Ứng vốn NS (HTLS) 1/12/2012-31/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, rau củ quả, sữa, dầu ăn, gia vị, bánh kẹo

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 25 điểm bán bình ổn.

24

KON TUM

16

Ứng vốn NS (HTLS) 1/1/2012-15/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 11 điểm bán bình ổn.

25

LAI CHÂU

29

Ứng vốn NS (HTLS) Hết ngày 30/9/2013

Lương thực, thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến và các mặt hàng phục vụ sản xuất.

08 doanh nghiệp tham gia chương trình

26

LÂM ĐỒNG

 

Hỗ trợ lãi suất 12/2012-3/2013

Lương thực, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ quả, trứng gia cầm...

HTLS vốn vay cho 05 doanh nghiệp tham gia chương trình, tại 9 điểm bán bình ổn.

27

LẠNG SƠN

20

Ứng vốn NS (HTLS) 12/2012-31/5/2013

Lương thực, dầu ăn, đường, muối iod, dầu hỏa, bánh mứt kẹo, nước mắm...

01/05 doanh nghiệp tham gia chương trình, không nhận vốn hỗ trợ; Ngoài lượng vốn vay, các doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình với số lượng trị giá 138 tỷ đồng; thực hiện tại 27 điểm bán bình ổn

28

LONG AN

12

Ứng vốn NS (HTLS) 1/1/2013-31/3/2013

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

03 doanh nghiệp tham gia chương trình

29

NGHỆ AN

16.48

Ứng vốn NS (HTLS) 16/12/2012-15/3/2013

Lương thực, dầu ăn

02/06 doanh nghiệp tham gia chương trình nhưng không nhận vốn hỗ trợ.

30

NINH BÌNH

12

Ứng vốn NS (HTLS) 03 tháng dịp Tết

Bánh kẹo, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, thực phẩm công nghệ...

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 48 điểm bán bình ổn.

31

NINH THUẬN

15

Ứng vốn NS (HTLS) 1/12/2012-28/2/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường

03 doanh nghiệp tham gia chương trình

32

PHÚ YÊN

20

Ứng vốn NS (HTLS) 11/2012-4/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dầu ăn, đường, bột ngọt, muối iod...

02 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 26 điểm bán bình ổn.

33

QUẢNG NAM

28

Ứng vốn NS (HTLS) 02 tháng, đến 5/2/2013

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

09 doanh nghiệp tham gia chương trình

34

QUẢNG NGÃI

28

Ứng vốn NS (HTLS) 21/1/2013-14/2/2013

Luơng thực, đường, dầu ăn, gia vị, thực phẩm chể biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả...

04 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 20 điểm bán bình ổn.

35

QUẢNG NINH

29.4

Ứng vốn NS (HTLS) Đến 31/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, đường, miến...

12 doanh nghiệp và 01 hộ kinh doanh tham gia chương trình; thực hiện tại 47 điểm bán bình ổn

36

QUẢNG TRỊ

20

Ứng vốn NS (HTLS)

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

03 doanh nghiệp tham gia chương trình

37

SÓC TRĂNG

 

Hỗ trợ lãi suất 1/1/201-3-28/2/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường.

UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

38

TÂY NINH

9.26

Ứng vốn NS (HTLS) 8/2012-15/3/2013

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và mặt hàng sách giáo khoa

06/09 doanh nghiệp tham gia chuơng trình không nhận vốn hỗ trợ; thực hiện tại 43 điểm bán bình ổn.

39

THÁI NGUYÊN

20

Ứng vốn NS (HTLS) 1/2013-6/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống (gia cầm) dầu ăn, đường, bánh kẹo, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp.

05 doanh nghiệp tham gia chương trình

40

TIỀN GIANG

28.4

Ứng vốn NS (HTLS) 04 tháng dịp Tết

Lương thực, thực phẩm tươi sống, dầu ăn, đường, bột ngọt...

07 doanh nghiệp tham gia chương trình

41

TRÀ VINH

31

Ứng vốn NS (HTLS)

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

06 doanh nghiệp tham gia chương trình

42

TT- HUẾ

13.86

Hỗ trợ lãi suất + Chi phí liên quan 1/8/2012-30/3/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, giấy vở học sinh.

08 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 7 điểm bán bình ổn.

43

VĨNH LONG

28

Ứng vốn NS (HTLS) 20/11/2012-20/2/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, bánh mứt kẹo, đồ uống...

Ứng vốn ngân sách 27 tỷ đồng cho 05 doanh nghiệp tham gia chương trình; 01 tỷ đồng cho các huyện.

44

VĨNH PHÚC

17

Ứng vốn NS (HTLS) 15/1/2012-15/7/2013

Lương thực, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, dầu ăn.

03 doanh nghiệp tham gia chương trình; thực hiện tại 06 điểm bán bình ổn.

45

YÊN BÁI

22.5

Ứng vốn NS (HTLS)

Lương thực và các mặt hàng phục vụ trong mùa mưa bão.

Ngân sách tạm ứng cho các doanh nghiệp bao gồm cả thực hiện chương trình bình ổn thị trường và phục vụ mùa mưa bão.

 

Tổng giá trị HT (tỷ đồng)

1,808.2

 

 

 

 



1 Nếu tính cả các điểm bán lưu động trong dịp Tết thì số ước tính trên 8.500 điểm

2 Ngoài lượng hàng dự trữ được hỗ trợ vốn vay, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp đưa vào chương trình còn cao hơn nhiều (tại TP Hồ Chí Minh tổng nguồn vốn giải ngân cho Doanh nghiệp thực hiện Chương trình Bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là 265,98 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 3.436,4 tỷ đồng).