Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1197/BTC-ĐT
V/v tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 12 tháng, ước thực hiện 13 tháng kế hoạch năm 2023

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 12 tháng, ước thực hiện 13 tháng kế hoạch năm 2023 như sau:

I. Kế hoạch và tình hình phân bố kế hoạch vốn

1. Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023

1.1. Tổng số vốn năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,4 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 368.403,4 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 343.281 tỷ đồng, trong đó:

- Số vốn đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: 711.559,8 tỷ đồng (vốn NSTW là 368.278,8 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281 tỷ đồng)

- Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 124,6 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 711.559,8 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW là 368.278,8 tỷ đồng, vốn NSĐP là 343.281 tỷ đồng).

1.2. Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 91.837,8 tỷ đồng.

1.3. Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 55.002,3 tỷ đồng, trong đó: NSTW là 29.802,1 tỷ đồng, NSĐP là 25.200,2 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2023 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang): 858.399,9 tỷ đồng. So với báo cáo tháng trước, kế hoạch tăng 14.599,9 tỷ đồng (giao chi tiết bổ sung nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 3.307,5 tỷ đồng, bổ sung vốn kéo dài Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) 137,8 tỷ đồng, các địa phương giao thêm nguồn cân đối là 11.154,7 tỷ đồng).

2. Tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Chi tiết theo Phụ lục số 01 đính kèm)

2.1. Kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ:

Tổng số vốn đã phân bổ789.972,3 tỷ đồng, đạt 111,02% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (711.559,8 tỷ đồng); trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 91.838 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng là 91.838 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 698.134,5 tỷ đồng, đạt 98,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

2.2. Kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ:

18/52 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 13.425,3 tỷ đồng, chiếm 1,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTW 8.251,8 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 5.173,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa phân bổ3.149 tỷ đồng

2.3. Nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn:

a) Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn CTMTQG):

- Vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023, đặc biệt một số dự án mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

- Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương.

- Vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do: chưa hoàn thành thủ tục ký Hiệp định vay (Quảng Trị, Phú Yên, Lào Cai).

- Vốn kế hoạch CTMTQG: các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn; số vốn 1.028 tỷ đồng mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 22/10/2023, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục chưa kịp phân bổ hết.

b) Đối với nguồn vốn cân đối NSĐP:

Vốn cân đối NSĐP là 5.173,5 tỷ đồng do địa phương phân bổ phụ thuộc khả năng cân đối, phụ thuộc nguồn thu nên phân bổ vốn nhiều lần (TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa); địa phương chưa phân bổ hết vốn từ nguồn thu sử dụng đất (Cà Mau), địa phương điều chỉnh giảm do giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất (Bình Phước), địa phương điều chỉnh giảm vốn đầu tư từ nguồn bội chi NSĐP (An Giang).

(Chi tiết theo Phụ lục số 01A ,01B, 01C đính kèm)

II. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn (Phụ lục số 02 đính kèm)

- Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 633.072,4 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 858.399,9 tỷ đồng, đạt 73,75% kế hoạch.

- Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 706.458,7 tỷ đồng, đạt 82,3% kế hoạch, cụ thể:

1. Giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023 (thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2023):

- Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 43.870,5 tỷ đồng, đạt 79,76% kế hoạch (55.002,3 tỷ đồng).

2. Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023:

2.1. Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023.

Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 589.201,9 tỷ đồng, đạt 73,34% kế hoạch (803.397,6 tỷ đồng). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 80.808,44 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).

2.2. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024:

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% kế hoạch (đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch và đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 88.287,12 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (132.867,5 tỷ đồng).

Chi tiết giải ngân theo nguồn vốn đến 31/01/2024 như sau:

ĐVT: Tỷ đồng

STT

Nội dung

Ước thanh toán đến ngày 31/01/2024

Tỷ lệ (%) thực hiện

Tỷ lệ (%) (so với KH TTg giao)

Cùng kỳ năm 2022

Số tiền

Tỷ lệ (%) thực hiện

Tỷ lệ (%) so với KH TTg giao

 

TỔNG SỐ

662.588,2

82,47%

93,12%

539.276,5

80,63%

92,97%

 

VỐN TRONG NƯỚC

648.349,4

83,72%

94,99%

524.586,4

82,71%

96,17%

 

VỐN NƯỚC NGOÀI

14.238,8

49,10%

49,10%

14.690,1

42,47%

42,47%

A

VỐN NSĐP

368.708,6

84,74%

107,41%

329.689,0

83,92%

108,41%

B

VỐN NSTW

293.879,6

79,80%

79,80%

209.587,5

75,95%

75,95%

-

Vốn NSTW đầu tư theo ngành, lĩnh vực

271.512,9

79,19%

79,19%

195.856,6

77,74%

77,74%

+

Vốn trong nước

257.361,2

81,73%

81,73%

181.166,5

83,35%

83,35%

+

Vốn nước ngoài

14.151,8

50,59%

50,59%

14.690,1

42,47%

42,47%

-

Vốn Chương trình MTQG

22.366,7

87,97%

87,97%

13.730,9

57,21%

57,21%

 

Vốn trong nước

22.279,6

91,31%

91,31%

13.730,9

57,21%

57,21%

 

Vốn nước ngoài

87

8,49%

8,49%

-

 

 

Kết quả giải ngân 13 tháng ước đạt 82,4% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cả về tỷ lệ và số tuyệt đối (cao hơn 0,15%, số tuyệt đối cao hơn 123.311,7 tỷ đồng). Trong khi có một số đơn vị hoàn thành kế hoạch giải ngân (đạt 100% kế hoạch) như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Tổng công ty thuốc lá, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, tỉnh Hà Nam; các đơn vị giải ngân cao (từ 95% kế hoạch giao) như Đồng Tháp (99,8%), Quảng Ngãi (99,79%), Long An (99,19%), Bà Rịa- Vũng Tàu (98,08%), Vĩnh Phúc (96,88%), Thái Nguyên (96,65%), Ninh Bình (95,98%), Hưng Yên (95,95%), Tuyên Quang (95,7), Trà Vinh (95%), Bộ Quốc phòng (96,4%, nếu không tính khoản 306 tỷ đồng của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới giao cuối tháng 12/2023 thì tỷ lệ giải ngân của Bộ Quốc phòng là 97,72% kế hoạch), Bộ Giao thông vận tải (95,12%, nếu không tính khoản 2.296 tỷ đồng của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới giao cuối tháng 12/2023 thì tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải là 97,44% kế hoạch). Còn 56/115 đầu bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 13 tháng thấp hơn bình quân của cả nước trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp (16 bộ, cơ quan trung ương1 chỉ giải ngân được dưới 30%).

III. Tình hình thực hiện các dự án trọng điểm

Đến hết ngày 31/12/2023, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 107.317,78 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84,1% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (127.593,72 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 88.899,78 tỷ đồng, đạt 92.2% và vốn ngân sách địa phương là 18.418 tỷ đồng, đạt 59%. Như vậy, kết qu giải ngân vốn ngân sách trung ương các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 12 tháng của cả nước.

(Chi tiết giải ngân của từng dự án, dự án thành phần theo phụ lục số 03 đính kèm).

IV. Tình hình thực hiện các CTMTQG

Bộ Tài chính tổng hợp kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tính đến ngày 31/12/2023 (Theo Phụ lục số 04 đính kèm).

Bộ Tài chính kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTgCP Lê Minh Khái (
để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KHĐT;
- Cổng TTĐTCP (
để đăng tải);
- Bộ trưởng (
để báo cáo);
- KBNN;
- Cục QLN;
-
Vụ; I, NSNN,TCNH;
- Cục THTK (để đăng tải lên Cổng
TTĐT);
- Lưu: VT, ĐT (6b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Cao Anh Tuấn

 

 



1 Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước VN (hỗ trợ lãi suất của NHTM), Ban quản lý KCN Cao Hòa Lạc, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên Minh Hợp tác VN, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, Ủy ban TW Mt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban dân tộc, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng.