Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1220/BHXH-KHĐT
V/v hướng dẫn thực hiện dự toán thu, chi năm 2015

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2015

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-BHXH ngày 06/02/2015 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc giao dự toán thu, chi năm 2015. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh), Văn phòng và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (đơn vị dự toán cấp 3) thực hiện dự toán thu, chi năm 2015 như sau:

I. DỰ TOÁN THU

Dự toán thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giao cho BHXH tỉnh trên cơ sở dự toán thu, chi BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 của BHXH Việt Nam được Chính phủ giao, trong đó:

1. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN

Số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN giao cho BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ vào dân số, số lao động trên địa bàn, số lao động và số người đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN và khả năng phát triển đối tượng tham gia.

2. Về tiền lương bình quân

Dự toán tiền lương bình quân của đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN giao cho BHXH các tỉnh được xác định trên cơ sở tiền lương bình quân thực hiện năm 2014 và tiền lương cơ sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.150.000 đồng; lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

3. Về tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN

- Tỷ lệ đóng BHXH là 26% mức tiền lương, tiền công của đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

- Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện là 22% mức thu nhập tháng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn;

- Tỷ lệ đóng BHYT là 4,5% mức tiền lương, tiền công của đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên và thân nhân người lao động, tỷ lệ đóng là 3% mức tiền lương cơ sở;

- Tỷ lệ đóng BHTN là 2% mức tiền lương, tiền công của đối tượng tham gia BHTN.

4. Các khoản ghi thu, ghi chi

4.1. Các khoản ghi thu, ghi chi

Là số tiền đóng BHYT của những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN hàng tháng theo quy định.

4.2. Các khoản ghi thu

- Kinh phí ngân sách Trung ương đóng BHYT cho học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý;

- Kinh phí 2% đơn vị sử dụng lao động giữ lại theo quy định để chi ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau điều trị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

II. DỰ TOÁN CHI

1. Dự toán chi BHXH, BHTN

- Dự toán chi các chế độ BHXH, BHTN theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng tính đủ cho 12 tháng, trong đó đã bao gồm số ghi thu, ghi chi: Kinh phí trích đóng BHYT cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp BHTN hàng tháng; kinh phí đóng BHYT cho thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày và người từ đủ 80 tuổi trở lên đang được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT;

- Dự toán chi BHXH, BHTN từ nguồn quỹ BHXH, BHTN đã bao gồm kinh phí điều chỉnh tăng lương 8% theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc;

- Dự toán chi BHXH bắt buộc từ nguồn NSNN đảm bảo chưa bao gồm kinh phí điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp 8% theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP. BHXH Việt Nam cấp ứng kinh phí để BHXH tỉnh chi trả kịp thời cho người hưởng theo quy định và giao bổ sung dự toán cho đơn vị sau khi Bộ Tài chính giao bổ sung dự toán cho BHXH Việt Nam;

- Dự toán chi BHTN chưa bao gồm kinh phí chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đối với người sử dụng lao động có đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Điều 47 Luật Việc làm. BHXH Việt Nam thực hiện giao bổ sung dự toán sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm về BHTN;

- Kinh phí thực cấp cho BHXH các tỉnh để tổ chức thực hiện chi các chế độ BHXH, BHTN không bao gồm kinh phí đóng BHYT của người hưởng và kinh phí BHXH được giữ lại tại các đơn vị sử dụng lao động theo quy định.

2. Dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT

a) Dự toán chi KCB BHYT năm 2015 giao cho BHXH các tỉnh gồm:

- Chi chăm sóc sức khỏe ban đầu của đối tượng học sinh, sinh viên; trẻ em dưới 6 tuổi; y tế cơ quan theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT;

- Chi KCB BHYT nội tỉnh: Chi KCB BHYT của người có thẻ BHYT do BHXH tỉnh phát hành, KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh;

- Chi KCB đa tuyến đến ngoại tỉnh: Chi KCB BHYT của người có thẻ BHYT do BHXH tỉnh khác phát hành, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

b) Dự toán chi KCB BHYT giao cho các đơn vị đã bao gồm chi phí KCB do mở rộng quyền lợi, tăng mức hưởng của một số đối tượng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, gồm:

- Cựu chiến binh: Tăng mức hưởng từ 80% lên 100%;

- Người thuộc diện bảo trợ xã hội: Tăng mức hưởng từ 95% lên 100%;

- Thân nhân người có công: Tăng mức hưởng từ 80% lên 100% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; tăng mức hưởng từ 80% lên 95% đối với các thân nhân khác của người có công với cách mạng;

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn; người sinh sống tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người xã đảo, huyện đảo: Tăng mức hưởng từ 80%, 95% lên 100%;

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Tăng mức hưởng từ 80% lên 95%;

- Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương tối thiểu: Được hưởng 100%;

- Trẻ em đủ 72 tháng tuổi đến khi nhập học (30/9) và điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

c) BHXH Việt Nam thực hiện cấp kinh phí chi KCB BHYT theo quy định tại Điều 15, Quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong KCB ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

d) Trường hợp quỹ KCB BHYT của tỉnh không đủ để điều tiết cho các cơ sở y tế, BHXH các tỉnh có trách nhiệm thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định nguyên nhân vượt quỹ về BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết theo quy định.

3. Dự toán chi quản lý bộ máy

Dự toán chi quản lý bộ máy năm 2015 giao cho các đơn vị trên cơ sở dự toán được giao tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và tiêu chí định mức phân bổ dự toán chi quản lý bộ máy của ngành BHXH, trong đó đã bố trí đủ kinh phí thực hiện các nội dung chi (chi thường xuyên, chi thường xuyên đặc thù và chi không thường xuyên) theo Quy chế chi tiêu nội bộ đối với các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-BHXH ngày 26/9/2012 của Tổng Giám đốc,

3.1. Chi thường xuyên

a) Chi tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và các khoản đóng góp:

- Tiền lương và các khoản phụ cấp lương bố trí đủ theo số biên chế được Tổng Giám đốc giao (với mức lương cơ sở 1.150.000 đồng), bao gồm mức lương, thu nhập (theo Quyết định số 37/2012/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015) và kinh phí do nâng lương khi đến hạn, chuyển ngạch;

- Đối với kinh phí thực hiện theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: BHXH Việt Nam đã phân bổ dự toán năm 2015 cho BHXH tỉnh (theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 31/12/2014). Trường hợp năm 2015 có phát sinh thêm, Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ vào các quy định hiện hành chịu trách nhiệm phê duyệt danh sách công chức, viên chức được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP , báo cáo kết quả về BHXH Việt Nam để bổ sung dự toán.

b) Chi quản lý hành chính:

- Chi quản lý hành chính phân bổ trên cơ sở số biên chế được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao cho các đơn vị theo tiêu chí định mức. Đối với chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ đã được BHXH Việt Nam giao, mức hỗ trợ chi quản lý hành chính bằng 50% định mức theo quy định. Bố trí đủ kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa theo Công văn số 4903/BHXH-TCCB ngày 12/12/2014 và kinh phí bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức theo Công văn số 1808/BHXH-TCCB ngày 28/5/2014 của BHXH Việt Nam;

- Kinh phí mua bảo hiểm trụ sở làm việc của toàn Ngành năm 2015 được phân bổ giao dự toán cho Văn phòng BHXH Việt Nam thực hiện. Trường hợp trong năm, trụ sở làm việc của các đơn vị bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lụt... các đơn vị chủ động phối hợp với công ty bảo hiểm trên địa bàn, khu vực để giải quyết theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam;

- Kinh phí chi thi đua, khen thưởng BHXH Việt Nam đã bố trí trong dự toán chi thường xuyên để các đơn vị chi công tác thi đua và khen thưởng các danh hiệu theo quy định;

- Kinh phí giao cho các đơn vị năm 2015 đã thực hiện giảm trừ kinh phí tiết kiệm 10% theo Thông tư số 211/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, BHXH Việt Nam có văn bản thông báo cụ thể số kinh phí phải tiết kiệm của các đơn vị.

3.2. Chi thường xuyên đặc thù

Căn cứ Thông tư số 134/2011/TT-BTC ngày 30/9/2011 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam, Quy chế chi tiêu nội bộ đối với các đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1288/QĐ-BHXH , BHXH tỉnh và các đơn vị dự toán cấp 3 thực hiện chi các nội dung theo quy định. Một số lưu ý trong tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên đặc thù:

a) Chi phục vụ công tác thu

- Chủ động bố trí kinh phí trong dự toán được giao đầu năm để thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; các hoạt động phối hợp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thu BHXH, BHYT, BHTN, chống thất thoát thu, nợ đọng;

- Đối với chi thù lao cho tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ lập danh sách cấp thẻ, trả thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (nội dung chi này không thực hiện theo Công văn số 1498/BHXH-BC ngày 25/4/2013 của BHXH Việt Nam về việc chi thù lao cho tổ chức, cá nhân lập danh sách cấp thẻ, trả thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi):

+ Trường hợp năm 2014, dự toán chi thù lao cho tổ chức, cá nhân lập danh sách cấp thẻ, trả thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được BHXH Việt Nam giao không đủ để chi theo thực tế phát sinh thì BHXH tỉnh được sử dụng dự toán năm 2015 (nội dung chi phục vụ công tác thu) để chi đủ số kinh phí còn thiếu theo quy định;

+ Trường hợp năm 2014, dự toán chi thù lao cho tổ chức, cá nhân lập danh sách cấp thẻ, trả thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được BHXH Việt Nam giao cho BHXH tỉnh còn dư so với thực tế phát sinh, BHXH tỉnh thực hiện chuyển kinh phí sang năm 2015 để chi hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND xã) thực hiện lập danh sách người tham gia BHYT theo quy định.

- Đối với kinh phí chi thù lao cho UBND xã để thực hiện lập danh sách người tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 12 của Luật BHYT (mức chi năm 2015 bằng 1.500 đồng/người), BHXH Việt Nam thực hiện phân bổ kinh phí cho BHXH các tỉnh sau khi có văn bản hướng dẫn quy trình lập danh sách và hồ sơ thanh quyết toán;

- Đối với kinh phí chi thù lao đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng theo quy định: BHXH tỉnh thực hiện mức chi cho đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng bằng 4% trên tổng số tiền thu BHXH tự nguyện, BHYT của các đối tượng này (không tính phần ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng). Không thực hiện chi 1% hoa hồng đại lý thu BHXH tự nguyện và BHYT trên tổng số tiền thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng (không tính phần ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng), trong đó giao cho Văn phòng BHXH Việt Nam chi 0,2% và BHXH tỉnh chi 0,8% cho các hoạt động phối hợp tổ chức thực hiện: Sơ kết, tổng kết, tập huấn, đào tạo đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng; khen thưởng cho đại lý thu làm tốt công tác thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng; chi cho công tác kiểm tra, giám sát đại lý thu theo hướng dẫn tại Công văn số 383/BHXH-TCKT ngày 03/02/2015 của BHXH Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho UBND cấp xã để thực hiện lập danh sách người tham gia BHYT trên địa bàn và chi thù lao đại lý thu.

b) Chi in sổ BHXH, thẻ BHYT, chi phí in, mua biểu mẫu, chứng từ báo cáo dùng cho công tác chuyên môn

- Kinh phí in phôi sổ BHXH, thẻ BHYT toàn Ngành: Bố trí kinh phí và giao cho Văn phòng BHXH Việt Nam thực hiện. Căn cứ kế hoạch sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh (do Ban Sổ - Thẻ tổng hợp, trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt) và dự toán kinh phí được giao, Văn phòng BHXH Việt Nam tổ chức in phôi sổ BHXH, thẻ BHYT chuyển cho BHXH tỉnh. BHXH tỉnh quản lý, sử dụng theo đúng quy định;

- Kinh phí in sổ BHXH, thẻ BHYT và in biểu mẫu chứng từ báo cáo dùng cho công tác chuyên môn: BHXH Việt Nam đã bố trí đủ kinh phí trong nội dung chi thường xuyên đặc thù để BHXH các tỉnh thực hiện;

- Kinh phí chi cho việc in thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT cho người tham gia BHXH, BHYT hàng năm (bao gồm: Giấy in, mực in, phong bì, tem thư, chi phí nhân công) theo quy định tại Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT: BHXH Việt Nam đã bố trí đủ kinh phí trong nội dung chi thường xuyên đặc thù để BHXH các tỉnh thực hiện.

c) Chi tuyên truyền phổ biến chế độ, chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT

Các đơn vị căn cứ vào dự toán kinh phí tuyên truyền được giao thực hiện xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền và chủ động phân bổ thực hiện. Đối với nội dung này BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn riêng.

d) Lệ phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp

- BHXH Việt Nam thực hiện trích quỹ dự phòng rủi ro trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quyết định số 669/QĐ-BHXH ngày 28/5/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định trích lập, quản lý và quản lý quỹ dự phòng rủi ro trong công tác chi trả các chế độ BHXH;

- BHXH các tỉnh căn cứ vào nguồn lệ phí chi được giao và nội dung chi tại Thông tư số 134/2011/TT-BTC , Quyết định số 1288/QĐ-BHXH và Công văn hướng dẫn của BHXH Việt Nam đảm bảo kinh phí tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng các chế độ BHXH cho người hưởng; thực hiện chi trả cho cơ quan bưu điện theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

đ) Dự toán giao năm 2015 cho các đơn vị đã bố trí đủ kinh phí để thực hiện mua giá, hộp lưu trữ hồ sơ, tài liệu; chi án phí, tư vấn pháp luật; kinh phí hỗ trợ thẩm định hồ sơ đối tượng hưởng.

3.3. Chi không thường xuyên

- Chi đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức: Bố trí trong dự toán giao cho các đơn vị để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; lý luận chính trị; chuyên môn nghiệp vụ; ngoại ngữ, tin học...;

- Chi thuê trụ sở làm việc: Đối với các đơn vị đi thuê trụ sở làm việc đã được BHXH Việt Nam phê duyệt phương án, BHXH Việt Nam bố trí đủ kinh phí thuê trụ sở trong dự toán chi quản lý bộ máy năm 2015 của BHXH tỉnh. Trường hợp trong năm có phát sinh thuê trụ sở, BHXH tỉnh xây dựng phương án báo cáo BHXH Việt Nam để phê duyệt và bổ sung dự toán;

- Chi sửa chữa trang thiết bị: BHXH Việt Nam bố trí kinh phí cho các đơn vị sửa chữa trang thiết bị làm việc, sửa chữa xe ô tô trong dự toán năm 2015. Đối với kinh phí sửa chữa trụ sở của một số BHXH tỉnh đã tạm ứng từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của Ngành năm 2014, BHXH Việt Nam đã bố trí vào dự toán năm 2015 và giao cho BHXH tỉnh. BHXH tỉnh thực hiện chuyển kinh phí đã tạm ứng thành kinh phí đã cấp từ dự toán kinh phí chi quản lý bộ máy năm 2015 giao cho đơn vị;

- Đối với BHXH các tỉnh có thành lập BHXH huyện mới (Hà Nội, Bình Dương, Tiền Giang, Quảng Bình, Sóc Trăng, Sơn La): Năm 2014, BHXH Việt Nam đã ứng trước từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của Ngành. Dự toán năm 2015, BHXH Việt Nam đã bố trí đủ kinh phí từ nguồn chi quản lý bộ máy để các đơn vị thực hiện và trừ vào kinh phí cấp năm 2015 của các đơn vị;

- Kinh phí thuê dịch vụ bưu điện nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được bố trí trong dự toán năm 2015 và giao ngay từ đầu năm để các đơn vị chủ động chi. BHXH các tỉnh căn cứ vào văn bản các hướng dẫn để ký hợp đồng với cơ quan bưu điện theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

3.4. Tiết kiệm chi quản lý bộ máy

Cuối năm, căn cứ nguồn kinh phí tiết kiệm quản lý bộ máy, sau khi bổ sung thu nhập cho công chức, viên chức theo quy định, các đơn vị thực hiện trích quỹ khen thưởng phúc lợi theo hướng dẫn tại Công văn số 4555/BHXH- BC ngày 07/01/2013 của BHXH Việt Nam, mức trích tối đa bằng 10% của 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm của đơn vị, trong đó:

- Các đơn vị được sử dụng tối đa 90% của 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm của đơn vị để chi theo quy định tại quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi đối với các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1718/QĐ-BHXH ngày 10/12/2012 của Tổng Giám đốc;

- Chuyển 10% của 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm của công chức, viên chức từ quỹ khen thưởng, phúc lợi đã trích tại đơn vị về BHXH Việt Nam để lập quỹ khen thưởng, phúc lợi của Ngành;

- Số kinh phí còn lại sau khi bổ sung thu nhập và trích quỹ khen thưởng phúc lợi các đơn vị chuyển về BHXH Việt Nam để trích lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của Ngành và quỹ Dự phòng ổn định thu nhập theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân bổ và công khai dự toán

Căn cứ vào hướng dẫn của BHXH Việt Nam và chỉ tiêu dự toán được giao, BHXH các tỉnh thực hiện phân bổ dự toán thu, chi năm 2015 cho các đơn vị trực thuộc và thực hiện công khai dự toán theo hướng dẫn tại Công văn số 71/BHXH-BC ngày 10/01/2012 của BHXH Việt Nam.

2. Về thu BHXH, BHYT, BHTN

BHXH các tỉnh căn cứ dự toán thu BHXH, BHYT, BHTN được giao, thực hiện phân bổ dự toán thu BHXH, BHYT, BHTN cho các đơn vị trực thuộc phải đảm bảo việc thực hiện hoàn thành, vượt kế hoạch thu do BHXH Việt Nam giao, đồng thời triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Thường xuyên báo cáo, tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp để phát triển đối tượng tham gia; giảm nợ BHXH, BHYT. Tiếp tục phấn đấu phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Kế hoạch số 2961/KH-BHXH ngày 31/7/2013 đã được BHXH Việt Nam ban hành;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan Thuế để nắm bắt, rà soát số doanh nghiệp, số lao động, tiền lương, tiền công lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo luật định. Đồng thời, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Kiên quyết khởi kiện ra Tòa án các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài;

- Triển khai tốt Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT và phần mềm quản lý thu, cấp sổ, thẻ. Tiếp cận kịp thời những đơn vị có khó khăn trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và những đơn vị nợ đọng để nắm rõ tình hình và có biện pháp nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng quy định.

3. Về chi BHXH, BHTN, KCB BHYT

BHXH các tỉnh căn cứ vào dự toán chi BHXH, BHTN, KCB BHYT được giao, thực hiện phân bổ cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo đủ kinh phí và sát với tình hình thực hiện tại các địa phương.

4. Về chi quản lý bộ máy

a) Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán, trường hợp số thu, chi BHXH, BHTN có sự biến động so với dự toán được giao ảnh hưởng đến số chi hoạt động bộ máy, BHXH tỉnh kịp thời báo cáo về BHXH Việt Nam để xem xét.

b) Năm 2015, BHXH Việt Nam thực hiện mua sắm tập trung trang bị máy chủ, máy trạm và máy in chuyên dùng cho các đơn vị theo Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Do vậy, BHXH các tỉnh không dùng kinh phí chi quản lý bộ máy đã được phân bổ để mua sắm các trang thiết bị nêu trên, trong trường hợp cấp thiết báo cáo BHXH Việt Nam.

c) Kinh phí bố trí cho các nội dung chi sau đây các đơn vị không được sử dụng vào mục đích khác:

- Chi thù lao cho đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng;

- Chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT;

- Kinh phí thuê dịch vụ bưu điện nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

- Chi các nội dung tuyên truyền BHXH, BHYT.

Trường hợp những kinh phí này còn dư không được tính là kinh phí tiết kiệm trong năm, đơn vị phải thuyết minh chi tiết từng nội dung để chuyển kinh phí sang năm sau tiếp tục thực hiện.

Đề nghị các đơn vị căn cứ dự toán được giao và các nội dung hướng dẫn trên tổ chức thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo về BHXH Việt Nam (qua Ban Kế hoạch và Đầu tư) để kịp thời tháo gỡ, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Các Ban: Thu, TCKT, CSYT, Tuyên truyền, KTNB;
- Lưu: VT, KHĐT (03 bản),

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Đình Khương