Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/2002/KHXX

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 134/2002/KHXX NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2002 VỀ VIỆC THAY ĐỔI VIỆC NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum

Sau khi nghiên cứu Công văn số 67/CV-TA ngày 04-4-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

1. Căn cứ vào quy định tại Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì trong trường hợp cụ thể mà quý Toà nêu tại Công văn số 67/CV-TA ngày 04-4-2002 nói trên, khi xem xét đơn yêu cầu của người chồng (người có đơn yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con) về việc xin thay đối người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, quý Toà lưu ý đề nghị người chồng làm rõ các lý đo của việc xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuỳ vào kết quả cụ thể mà có đường lối xử lý như sau:

a. Nếu người chồng khiếu nại quyết định của bản án phúc thẩm và nêu lý do thay đổi người trực tiếp nuôi con là việc Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi là không đúng với các quy định của pháp luật, không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con, thì theo tinh thần quy định tại Điều 71 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, trường hợp này là một trong những căn cứ để xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm; do đó, trong trường hợp này Toà án cần hướng dẫn cho người chồng gửi đơn khiếu nại đến Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

b. Nếu người chồng không khiếu nại quyết định của bản án phúc thẩm mà có các chứng cứ mới chứng minh là sau khi có bản án phúc thẩm người vợ không có đủ điều kiện để bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con (như: sau khi có bản án phúc thẩm người vợ bị lâm bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn nghiêm trọng, xuất cảnh đi nước ngoài để con lại không có người nuôi dưỡng...) nên không thể tiếp tục việc trực tiếp nuôi con và người chồng mới có đơn yêu cầu Toà án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, thì Toà án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

2. Trong trường hợp thuộc điểm b mục 1 trên đây, thì đây là một vụ án hoàn toàn mới phát sinh sau khi có bản án phúc thẩm; do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì Toà án có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con 1à Toà án cấp huyện, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều này.

Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong khi giải quyết vụ án cụ thể ở địa phương.

 

Đặng Quang Phương

(Đã ký)