Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14028/TC/TCT
Về việc thuế suất thuế nhập khẩu

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14028 TC/TCT NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2002  VỀ VIỆC THUẾ SUẤT THUẾ NHẬP KHẨU

Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản phẩm tiêu dùng TOSHIBA Việt Nam

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 2010/FA ngày 22/10/2002 của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam về việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo chính sách nội địa hoá và theo Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN. Về việc này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1- Về thuế suất CEPT đối với sản phẩm máy thu hình màu:

Mặt hàng máy thu hình màu sẽ được đưa vào Danh mục thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo CEPT/AFTA vào năm 2003, với thuế suất thuế nhập khẩu CEPT dự kiến là 20%. Năm 2003 là năm cuối cùng Việt Nam phải đưa toàn bộ các mặt hàng vào Danh mục thực hiện giảm thuế CEPT, trong đó có ti vi màu. Theo quy định của ASEAN, mức thuế suất khi đưa vào thực hiện CEPT phải được cắt giảm xuống bằng hoặc thấp hơn 20%, và được giảm xuống 0-5% vào năm 2006. Bộ Tài chính dự kiến lộ trình giảm thuế của mặt hàng ti vi màu theo CEPT như sau: 2003: 20%; 2004: 20%; 2005: 20% và 2006: 5%.

2- Về giá tính thuế: Theo quy định tại Thông tư số 08/2002/TT-BTC ngày 23/1/2002 của Bộ Tài chính; Quyết định số 164/2000/QĐ-BTC ngày 10/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; thì: mặt hàng máy thu hình màu hiện không thuộc Danh mục các nhóm mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, nếu có đủ điều kiện áp dụng giá tính thuế theo hợp đồng thì được áp dụng mức giá ghi trên hợp đồng, trường hợp mức giá ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá kiểm tra thì doanh nghiệp phải chứng minh tính trung thực của mức giá ghi trên hợp đồng.

Đối với các hàng hoá nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hoá của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT sẽ được thực hiện theo Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06/6/2002 của Chính phủ về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3- Về áp dụng chính sách thuế trong trường hợp nhập khẩu bộ linh kiện (không đồng bộ) để thực hiện chính sách nội địa hoá, nhưng trong đó có những linh kiện có đủ điều kiện hưởng thuế suất CEPT thì có được áp dụng mức thuế ưu đãi theo CEPT cho những linh kiện đó và ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá cho phần linh kiện còn lại hay không.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 47/2002/TT-BTC ngày 28/5/2002 của Bộ Tài chính; thì nếu như toàn bộ số linh kiện nhập khẩu để thực hiện chính sách nội địa hoá mà doanh nghiệp đã đăng ký, có đủ điều kiện thực hiện thuế suất ưu đãi CEPT thì doanh nghiệp được lựa chọn theo mức thuế thấp hơn.

Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện chính sách nội địa hoá thì phải áp dụng chung một mức thuế ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá cho toàn bộ Danh mục các chi tiết nhập khẩu, trường hợp trong Danh mục các chi tiết nhập khẩu, có những chi tiết thuộc Danh mục cắt giảm thuế CEPT thì không áp dụng mức thuế CEPT riêng cho các chi tiết đó.

Trường hợp doanh nghiệp không đăng ký thực hiện chính sách nội địa hoá thì có thể nhập khẩu các chi tiết để lắp ráp (không đồng bộ) thì phải nộp thuế theo mức thuế quy định cho từng chi tiết đó (theo hướng dẫn tại Thông tư số 37/1999/TT-BTC ngày 07/4/1999 của Bộ Tài chính). Khi đó, nếu có những chi tiết có mức thuế nhập khẩu theo Biểu thuế cao hơn mức thuế theo tỷ lệ nội địa hoá thì doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế theo mức cao, những chi tiết nào đủ điều kiện áp dụng thuế suất CEPT thì thực hiện theo CEPT.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện đồng bộ để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh thì phải nộp thuế theo mức thuế quy định cho sản phẩm nguyên chiếc theo hướng dẫn tại Công văn số 11052 TC/TCT ngày 19/11/2001 của Bộ Tài chính (không tách riêng các chi tiết đủ điều kiện áp dụng thuế suất CEPT để áp dụng theo CEPT).

Bộ Tài chính thông báo để Công ty trách nhiệm hữu hạn sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam được biết và thực hiện.

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)