Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 47/2002/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 21/2002/NĐ-CP NGÀY 28/2/2002; NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG SỐ 53/2002/NĐ-CP NGÀY 13/05/2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH DANH MỤC HÀNG HOÁ VÀ THUẾ SUẤT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH VỀ ƯU ĐÃI THUẾ QUAN CÓ HIỆU LỰC CHUNG (CEPT) CỦA CÁC NƯỚC ASEAN CHO NĂM 2002

Thực hiện Nghị định thư về việc tham gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Hiệp định về Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) để thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) (sau đây được gọi là Hiệp định CEPT/AFTA), ký tại Băng cốc ngày 15/12/1995;

Thi hành Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 của Chính phủ về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho năm 2002; Nghị định số 53/2002/NĐ-CP ngày 13/05/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 của Chính phủ về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho năm 2002;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I/ PHẠM VI ÁP DỤNG

Hàng hoá nhập khẩu thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi CEPT, quy định tại Điều 1 của Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Nằm trong Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho năm 2002 ban hành kèm theo Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 của Chính phủ; và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 53/2002/NĐ-CP ngày 13/05/2002 của Chính phủ.

2. Được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam, bao gồm các nước sau:

- Bru-nây Đa-ru-sa-lam;

- Vương quốc Cam-pu-chia;

- Cộng hoà In-đô-nê-xi-a;

- Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào;

- Liên bang My-an-ma;

- Cộng hoà Phi-lip-pin;

- Cộng hoà Sin-ga-po; và

- Vương quốc Thái Lan;

3. Thoả mãn yêu cầu xuất xứ ASEAN, được xác nhận bằng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN - Mẫu D (quy định tại phần III của Thông tư này); và

4. Được chuyển thẳng từ nước xuất khẩu là thành viên của ASEAN đến Việt Nam.

II/ THUẾ SUẤT NHẬP KHẨU ÁP DỤNG:

1. Mức thuế suất nhập khẩu áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu thuộc diện hưởng thuế suất ưu đãi CEPT theo quy định tại Phần I của Thông tư này là thuế suất CEPT được quy định tại Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho năm 2002 ban hành kèm theo Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002).

Riêng đối với 4 nhóm mặt hàng cụ thể gồm phomát (nhóm 0406), cà phê (nhóm 0901), động cơ xe (nhóm 8407, 8408), mức thuế suất nhập khẩu áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu thuộc diện hưởng thuế suất ưu đãi CEPT là thuế suất CEPT được quy định tại Danh mục sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo Nghị định số 53/2002/NĐ-CP ngày 13/05/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2002/NĐ-CP.

2. Trường hợp mức thuế suất MFN của một mặt hàng quy định trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành trong năm 2002 được điều chỉnh thấp hơn so với mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002 thì mức thuế suất nhập khẩu áp dụng cho mặt hàng này sẽ là mức thuế suất MFN thấp hơn đó.

Khi mức thuế suất MFN quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng này được điều chỉnh cao hơn mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002 thì mức thuế suất nhập khẩu áp dụng sẽ là mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002.

3. Trường hợp hàng hoá do doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí - điện - điện tử vừa đủ điều kiện để áp dụng mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002, vừa đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá theo các quy định hiện hành thì doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn trong hai mức thuế suất trên.

4. Trường hợp có thay đổi đối với những mặt hàng trong các văn bản pháp lý của các nước ASEAN ban hành để thực Hiệp định CEPT/AFTA làm ảnh hưởng đến quyền được hưởng thuế suất ưu đãi của Việt Nam quy định tại Phần I, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

III/ GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ VÀ KIỂM TRA GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

1. Các quy tắc để hàng hoá được công nhận là có xuất xứ từ các nước ASEAN được quy định tại Quy chế xuất xứ dùng cho Hiệp định CEPT/AFTA (Phụ lục 1, 3 và 5) của Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 416/TM-ĐB ngày 13/05/1996, Quyết định số 0878/1998/QĐ-BTM ngày 30/07/1998, Quyết định số 1000/1998/QĐ-BTM ngày 03/09/1998, Quyết định số 0034/2000/QĐ-BTM ngày 10/01/2000, Quyết định số 0492/2000/QĐ-BTM ngày 20/03/2000 và Quyết định số 1448/2001/QĐ-BTM ngày 25/12/2001 của Bộ Thương mại.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký và con dấu phù hợp với mẫu chữ ký và con dấu chính thức do các Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hàng hoá ASEAN - Mẫu D của các nước thành viên ASEAN sau đây cấp:

- Tại Bru-nây Đa-ru-sa-lam là Bộ Công nghiệp và Tài nguyên;

- Tại Vương quốc Cam-pu-chia là Bộ Thương mại;

- Tại Cộng hoà In-đô-nê-xi-a là Bộ Thương mại và Công nghiệp;

- Tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là Bộ Thương mại;

- Tại Ma-lay-xi-a là Bộ Ngoại thương và Công nghiệp;

- Tại Liên bang My-an-ma là Bộ Thương mại;

- Tại Cộng hòa Phi-líp-pin là Bộ Tài chính;

- Tại Cộng hòa Sin-ga-po là Cục Phát triển Thương mại;

- Tại Vương quốc Thái Lan là Bộ Thương mại; và

- Tại Việt Nam là Bộ Thương mại và các Ban quản lý Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất được Bộ Thương mại uỷ quyền.

3. Trong trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực và chính xác của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN - Mẫu D thì Cơ quan Hải quan có quyền:

- Yêu cầu kiểm tra lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN - Mẫu D. Cơ quan Hải quan sẽ gửi yêu cầu tới Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ này của nước xuất khẩu để đề nghị xác nhận.

- Đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002 và tạm thu theo mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thông thường hiện hành.

- Yêu cầu người nhập khẩu cung cấp thêm tài liệu (nếu có) để chứng minh hàng hoá thực sự có xuất xứ từ các nước ASEAN trong thời hạn chậm nhất không quá 01 (một) năm.

- Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra lại, vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục để giải phóng hàng theo các quy định nhập khẩu thông thường.

- Khi có đủ tài liệu chứng minh đúng là hàng có xuất xứ từ ASEAN, Cơ quan Hải quan có trách nhiệm tiến hành các thủ tục thoái trả lại cho người nhập khẩu khoản chênh lệch giữa số tiền thuế tạm thu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thông thường hiện hành và số tiền thuế tính theo mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002.

IV/ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Các quy định về căn cứ tính thuế, chế độ thu nộp thuế, chế độ miễn, giảm thuế, chế độ hoàn thuế, xử lý vi phạm và các quy định khác thực hiện theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

V/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2002 và thay thế cho Thông tư số 52/2001/TT/BTC ngày 02/7/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/2001/NĐ-CP ngày 06/6/2001 ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA cho năm 2001.

Đối với những trường hợp thuộc diện được hưởng các thuế suất ưu đãi CEPT theo hiệu lực thi hành của Nghị định số 21/2002/NĐ-CP ngày 28/2/2002 và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 53/2002/NĐ-CP ngày 13/05/2002 của Chính phủ nhưng đã thu thuế theo thuế suất ưu đãi CEPT của năm 2001 (theo Nghị định số 28/2001/NĐ-CP ngày 06/6/2001) hoặc thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thông thường hiện hành, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ và thoái trả lại số tiền chênh lệch về thuế nhập khẩu cho người nhập khẩu mà không truy thu trong trường hợp có sự chênh lệch giữa thuế suất đã áp dụng để tính thuế và mức thuế suất ưu đãi CEPT 2002.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính có hướng dẫn bổ sung cho phù hợp.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)