Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1705/BNN-QLCL
V/v xây dựng QCKT đối với thực phẩm và kiểm tra cơ sở sau khi công bố hợp quy

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2013

 

Kính gửi: Bộ Y tế

Để triển khai hiệu quả một số hoạt động phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm theo phân công tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số ý kiến như sau:

1. Về việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm

Thông qua trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm (địa chỉ: http://vfa.gov.vn/du-thao-gop-y/du-thao-quy-chuan-vn-ve-thuc-pham-30.vfa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được biết hiện Cục An toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) đang chủ trì xây dựng một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm. Về việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy:

- Hiện nay có rất nhiều sản phẩm thực phẩm, khó có thể xây dựng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm cụ thể, do vậy, để phù hợp với điểm b khoản 1, Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, đề nghị Bộ Y tế cân nhắc xây dựng 01 quy chuẩn kỹ thuật quy định danh mục các chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn cho từng nhóm sản phẩm thay cho việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm cụ thể.

- Để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trong quy chuẩn kỹ thuật chỉ quy định các chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn bắt buộc phải tuân thủ liên quan đến an toàn thực phẩm. Nội dung này cũng phù hợp với điểm b khoản 1, Điều 62 Luật An toàn thực phẩm quy định Bộ Y tế có trách nhiệm "ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm". Do vậy, đề nghị không đưa các nội dung về chỉ tiêu chất lượng; phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử (thuộc trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành) vào dự thảo quy chuẩn kỹ thuật.

- Nội dung "Tổ chức thực hiện" trong các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật cần được chỉnh sửa phù hợp với phân công trách nhiệm của Bộ Y tế quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm; việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 63, 64 Luật An toàn thực phẩm.

- Các văn bản tham chiếu trong quy chuẩn cần được rà soát, cập nhật. Ví dụ: quy định về dư lượng thuốc thú y tại Thông tư số 29/2010/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không còn phù hợp do nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế theo quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm.

- Riêng đối với dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm, để phù hợp với thực tiễn sản xuất tại Việt Nam, cần phân biệt cụ thể nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống (lên men tự nhiên của cá và muối) và nước chấm sản xuất theo phương pháp công nghiệp (làm loãng nước mắm nguyên liệu, bổ sung chất tạo màu, hương và bảo quản); đồng thời cần bổ sung quy định về chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn thực phẩm đối với vi sinh vật gây bệnh.

2. Về việc kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản sau khi công bố hợp quy

Theo quy định tại Điều 12, Thông tư 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: "Cơ quan tiếp nhận đăng ký và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn có thẩm quyền tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm, chế độ kiểm nghiệm định kỳ đối với sản phẩm đã công bố". Nội dung nêu trên không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do các văn bản này không quy định việc kiểm tra sau khi công bố; đồng thời, theo phản ánh từ địa phương, gây chồng chéo với hoạt động kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các Bộ quản lý ngành theo phân công tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP.

Do hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (trong đó bao gồm kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế thống nhất, hướng dẫn các Cơ quan chức năng của ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố thông báo tới Cơ quan chức năng của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đã được xác nhận công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết hợp tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, tránh trường hợp một số cơ sở phải chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý về cùng một nội dung.

Đề nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét các ý kiến trên đây./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, QLCL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu