Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178 /QLCL-TTPC
V/v đơn giản hóa TTHC dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 187/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối

Thực hiện Văn bản 417/BNN-PC ngày 15/01/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đơn giản hóa TTHC dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có ý kiến như sau:

Liên quan đến hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Cục được giao đầu mối thực hiện Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu; Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT ngày 16/3/2011 hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu; Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; qua rà soát điều kiện, hồ sơ, thời gian thực hiện các TTHC, nhận thấy:

1. Đối với việc thực hiện Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT (kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu):

a) Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ đăng ký của nước xuất khẩu, công nhận cơ sở sản xuất của nước xuất khẩu vào danh sách được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam và kiểm tra tại nước xuất khẩu.

Qua 04 năm triển khai thực hiện Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT, không gặp khó khăn, vướng mắc; cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, đối tác xuất khẩu và nhập khẩu không có phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính trong Thông tư (Cục QLCLNLS&TS đã công nhận 61 nước (có sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam). Việc quy định về hồ sơ, thời gian xem xét để công nhận nước xuất khẩu đủ điều kiện được phép xuất khẩu vào Việt Nam là cơ sở để Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS chủ trì, phối hợp với Cục Thú y thẩm định và thông báo kết quả thẩm định, công nhận; việc thẩm định hồ sơ, công nhận nước xuất khẩu theo Thông tư 25 hiện tại không thu phí, lệ phí, hiện tại còn phù hợp.

b) Việc kiểm tra, chứng nhận lô hàng nhập khẩu được giao cho Cục Thú y; Cục không có ý kiến về việc thực hiện TTHC này.

2. Đối với việc thực hiện Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT (kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu):

a) Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản được phân công nhiệm vụ thẩm định hồ sơ đăng ký của nước xuất khẩu, công nhận nước xuất khẩu vào danh sách được phép xuất khẩu sản phẩm thực vật vào Việt Nam và kiểm tra tại nước xuất khẩu.

Từ 2011 đến nay, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã công nhận 32 nước được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Quy định về thời gian xem xét công nhận là cơ sở để Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS chủ trì, phối hợp với Cục BVTV thẩm định và thông báo kết quả thẩm định, công nhận. Việc thẩm định hồ sơ, công nhận không thu phí, lệ phí, hiện tại còn phù hợp.

b) Hiện tại, Cục QLCLNLS&TS đang chủ trì, phối hợp với Cục BVTV rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT, trong đó có đề xuất nhằm đơn giản hóa như sau:

- Đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, nếu đã được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế thì không bắt buộc nước xuất khẩu làm hồ sơ đăng ký để được công nhận;

- Sửa đổi, bổ sung quy định nước nhập khẩu không phải đăng ký hồ sơ đối với hàng hóa đã qua chế biến bao gói sẵn;

- Bỏ quy định về “yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu”; sửa đổi và quy định chi tiết phương thức kiểm tra thông thường, phương thức kiểm tra chặt.

c) Việc kiểm tra, chứng nhận lô hàng nhập khẩu được giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục không có ý kiến về việc thực hiện TTHC này.

3. Đối với Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT:

Khi ban hành Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/12/2013 về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT, Cục đã nghiên cứu các thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, đã rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu, cụ thể hóa như sau:

a) Về thời gian và cơ hội:

Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT đã phân loại doanh nghiệp thành 2 nhóm dựa trên điều kiện bảo đảm ATTP là nhóm các doanh nghiệp có điều kiện bảo đảm ATTP tốt (trong danh sách ưu tiên) và nhóm các doanh nghiệp có điều kiện bảo đảm ATTP chưa tốt (ngoài danh sách ưu tiên). Các doanh nghiệp trong danh sách ưu tiên được áp dụng chế độ giám sát quá trình sản xuất kết hợp lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát ATTP các lô hàng sản xuất của doanh nghiệp làm cơ sở cho việc cấp chứng thư xuất khẩu, không dựa trên kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng xuất khẩu. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cả về thời gian và cơ hội, cơ quan kiểm tra có thể cấp chứng thư ngay (trong vòng 1 ngày) mà không cần thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm lô hàng (thường là 7 ngày theo Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT), qua đó đã tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngay của doanh nghiệp.

b) Về giấy tờ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính:

- Giảm giấy tờ trong Hồ sơ đăng ký: Không yêu cầu bảng kê chi tiết lô hàng, giấy chứng nhận CL, ATTP đối với lô nguyên liệu nhập khẩu;

- Quy định về bản sao có chứng thực đối với giấy tờ trong Hồ sơ đăng ký đã thực hiện theo đúng Chỉ thị 5591/CT-BNN-PC ngày 17/07/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

c) Về chi phí:

Theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, các doanh nghiệp trong danh sách ưu tiên, tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra được giảm đáng kể, qua đó đã giảm chi phí kiểm nghiệm cho doanh nghiệp như:

- Đối với các doanh nghiệp trong danh sách ưu tiên có điều kiện bảo đảm ATTP tốt nhất (tương đương các cơ sở kiểm tra giảm theo Thông tư 55) sẽ được áp dụng chế độ lấy mẫu thẩm tra đặc biệt, tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra ATTP chỉ là 2% hoặc 5% tùy theo mức độ nguy cơ của sản phẩm (thay cho 10% và 20% như quy định tại Thông tư 55 trước đây);

- Đối với các cơ sở khác trong danh sách ưu tiên, tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra ATTP thấp nhất là 10% và tỷ lệ lấy mẫu cao nhất là 25%, đã giảm nhiều so với Thông tư 55 (thấp nhất là 20%, cao nhất là 50%).

Cụ thể, chi phí trung bình để cấp chứng thư theo yêu cầu thị trường nhập khẩu cho một lô hàng xuất khẩu khi thực hiện Thông tư 55 là 3,63 triệu đồng (tính trên cơ sở tổng số lô hàng xuất khẩu và tổng số thu phí, lệ phí trong năm); khi thực hiện Thông tư 48, chi phí trung bình này là 1,65 triệu đồng.

Trên đây là một số ý kiến của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, gửi Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối tổng hợp báo cáo Bộ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các PCT (để biết);
- Lưu VT, TTPC.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Như Tiệp