Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1863/TCHQ-KTTT
V/v: Các biện pháp hoàn thiện Biểu thuế nhập khẩu và xử lý vướng mắc

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2001

 

Kính gửi: - Văn phòng Chính phủ

Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 1792 VPCP/KTTH ngày 27/4/2001 đề nghị có ý kiến bằng văn bản về các đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 3662TC/TCT ngày 20/4/2001, Tổng cục Hải quan xin có ý kiến như sau:

Về cơ bản Tổng cục Hải quan thống nhất với Bộ Tài chính việc cần phải cải cách tổng thể Danh mục Biểu thuế XNK hiện hành, tiến hành hoàn thiện cơ chế chính sách và chấn chỉnh việc thực hiện Biểu thuế XNK. Với trách nhiệm là cơ quan triển khai thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này với Chính phủ và Bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khi đi vào phân tích nguyên nhân cụ thể của các vướng mắc và biện pháp hoàn thiện, Tổng cục Hải quan xin có ý kiến như sau:

1) Về những nguyên nhân làm phát sinh vướng mắc thực hiện Biểu thuế nhập khẩu:

Đánh giá về những nguyên nhân làm vướng mắc thực hiện Biểu thuế nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thấy rằng cần đề cập một cách toàn diện các nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thực hiện Biểu thuế XNK. Theo đó, cần đề cập thêm một số nguyên nhân sau đây:

+ Danh mục Biểu thuế XNK hiện hành mặc dù về cơ bản dựa trên Danh mục HS 96, tuy nhiên thực tế chưa hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc giải thích Hệ thống Điều hoà. Ví dụ: Biểu thuế nhập khẩu hiện hành vẫn còn nhiều mặt hàng chưa mã hóa được mà được ghi thành mục “Riêng” khi chi tiết thành mã 8 số; đồng thời Biểu thuế quy định chưa đảm bảo nguyên tắc một mặt hàng chỉ được phân loại vào một mã số, ví dụ: mặt hàng con suốt được định danh ở ba mã số khác nhau và có mức thuế suất khác nhau: mã 442190.10, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 10%, mã số 844833.00, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%, và mã số 392340.20, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Đồng thời chưa có hệ thống các chú giải pháp lý của Danh mục HS đi kèm với Biểu thuế.

+ Trong quá trình thực hiện Biểu thuế, Bộ Tài chính liên tục ban hành các Quyết định sửa đổi, bổ sung. Kể từ ngày 11/12/1998, ngày ban hành Biểu thuế thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi cho đến nay (10/5/2001), Bộ Tài chính đã ban hành đến hơn 40 Quyết định sửa đổi, bổ sung Biểu thuế. Việc sửa đổi, bổ sung đó phản ánh tính chưa hoàn thiện của Biểu thuế, do đó gây khó khăn khi áp dụng Biểu thuế cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

2) Biện pháp hoàn thiện Biểu thuế XNK, cơ chế chính sách và chấn chỉnh việc thực hiện Biểu thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và quản lý các hoạt động nhập khẩu:

2.1) Từ những nguyên nhân làm phát sinh vướng mắc Biểu thuế nhập khẩu nói trên, Tổng cục Hải quan thấy rằng Bộ Tài chính cần phải sớm có kế hoạch cụ thể để tiến hành cải cách Biểu thuế XNK trên cơ sở Danh mục HS, đồng thời nội luật hóa các chú giải pháp lý của Danh mục HS đi kèm với Biểu thuế. Đây là phần không thể tách rời của Danh mục HS và nếu không được quy định rõ ràng, đồng bộ thì việc thực hiện Biểu thuế nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng cải cách Biểu thuế XNK mới này. Đồng thời sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp tuyên truyền, công bố công khai, rộng rãi và hướng dẫn thực hiện Biểu thuế XNK mới.

2.2) Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Tổng cục Hải quan đang tích cực xây dựng các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang hoạt động và nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan Hải quan. Trong đó, văn bản pháp lý cao nhất đối với Ngành Hải quan là Luật Hải quan đang được soạn thảo và sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Đồng thời với Luật Hải quan, các dự thảo Nghị định như: Nghị định về HS, Nghị định quy định về Kiểm tra sau thông quan, Nghị định về thủ tục Hải quan và Nghị định về Trị giá Hải quan cũng đã được hoàn thiện và đang chờ thông qua.

Riêng vấn đề nêu tại điểm 1 công văn 3662 TC/TCT của Bộ Tài chính: Tổng cục Hải quan đã dự thảo Nghị định về HS đến lần thứ 8, bản dự thảo lần này đã nghiên cứu, chỉnh lý và tiếp thu các ý kiến tham gia của Bộ Tư pháp (tại công văn số 01/TPPLQT-HTQT ngày 2/1/2001) và của Bộ Tài chính tại công văn số 5328 TC/TCT ngày 21/12/2000.

- Về vấn đề nêu tại điểm 4, công văn số 3662 TC/TCT, Tổng cục Hải quan đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính theo tinh thần Thông tư 06/1999/TTLT-BTC-TCHQ ngày 15/1/1999 hướng dẫn xử lý nợ đọng, truy thu và phạt chậm nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB của hàng nhập khẩu.

2.3) Về vấn đề vướng mắc trong việc giám định hàng hóa và hướng xử lý nêu tại điểm 2 công văn 3662 TC/TCT của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhất trí với Bộ Tài chính đây là vấn đề nhức nhối mà nhiều năm qua, các ngành đã đề cập mà chưa có hướng xử lý triệt để, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Biểu thuế XNK và gây khó khăn trong việc làm thủ tục cho hàng hóa XNK. Về hướng xử lý, cần khẳng định lại là Bộ Thương mại chủ trì phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường sửa đổi, bổ sung các quy định về giám định hàng hóa, vì Bộ Thương mại mới là cơ quan quản lý Nhà nước về giám định hàng hóa. Cần cụ thể hóa nội dung Nghị định 20/1999/NĐ-CP về giám định hàng hóa phục vụ quản lý Nhà nước. Vấn đề này Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3) Về thời gian thực hiện các vấn đề trên:

Tổng cục Hải quan nhất trí với ý kiến đề xuất của Bộ Tài chính cần triển khai gấp. Tuy nhiên, một số vấn đề có liên quan đến giám định hàng hóa có liên quan đến một số Bộ, ngành nên cần có thời gian để xem xét tham gia thực hiện thích hợp.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Hải quan về đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn 3662 TC/TCT. Kính gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng