BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1939/TCT-HTQT | Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: | - Công ty TNHH Hwa Seung Vina; |
Tổng cục Thuế nhận được công văn của Quý Công ty đề nghị hướng dẫn về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước/vùng lãnh thổ (sau đây gọi là Hiệp định thuế) đối với hoạt động xuất-nhập khẩu tại chỗ. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc xác định cơ sở thường trú
Khoản 1, Điều 5 của Hiệp định thuế quy định như sau:
“1. Theo Hiệp định này, thuật ngữ “cơ sở thường trú” có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó xí nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.”
Việc doanh nghiệp nước ngoài thuê một doanh nghiệp Việt Nam sau khi thực hiện gia công tại Việt Nam thay mặt doanh nghiệp nước ngoài giao/vận chuyển hàng hóa đó cho một doanh nghiệp khác cũng tại Việt Nam; hoặc doanh nghiệp nước ngoài mua hàng hóa từ doanh nghiệp tại Việt Nam và bán lại cho các doanh nghiệp độc lập khác tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, trong đó, doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp đã bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài) thay mặt doanh nghiệp nước ngoài tiến hành các hoạt động như: làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ, giao hàng theo chỉ định của doanh nghiệp nước ngoài, lưu kho hàng hóa tại Việt Nam trong thời gian chưa giao được hàng hóa, nhập lại kho hàng hóa trong trường hợp hàng hóa không đảm bảo chất lượng được coi là doanh nghiệp nước ngoài đã tiến hành sản xuất/kinh doanh tại Việt Nam qua một cơ sở cố định (là doanh nghiệp nhận gia công hoặc doanh nghiệp bán hàng).
Do đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Hiệp định thuế nêu trên, doanh nghiệp nước ngoài được coi là có một cơ sở thường trú tại Việt Nam.
2. Về nghĩa vụ thuế đối với cơ sở thường trú
Điều 7 của Hiệp định thuế quy định như sau:
“1. Lợi tức của xí nghiệp tại một Nước ký kết sẽ chỉ chịu thuế tại Nước đó, trừ trường hợp xí nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia. Nếu xí nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi tức của xí nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước kia, nhưng chỉ trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú đó.
2. Thể theo các quy định tại khoản 3, khi một xí nghiệp của một Nước ký kết tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia thì tại mỗi Nước ký kết sẽ có những khoản lợi tức được phân bổ cho cơ sở thường trú nói trên mà cơ sở đó có thể thu được, nếu nó là một xí nghiệp riêng, tách biệt cùng tham gia vào các hoạt động tương tự trong cùng những điều kiện như nhau hay tương tự và có quan hệ hoàn toàn độc lập với xí nghiệp mà cơ sở được coi là cơ sở thường trú.
3. Trong khi xác định lợi tức của một cơ sở thường trú, cơ sở này sẽ được phép khấu trừ tất cả các khoản chi phí phát sinh phục vụ cho hoạt động kinh doanh của cơ sở thường trú đó bao gồm cả chi phí điều hành và chi phí quản lý chung, mặc dù chi phí đó phát sinh tại Nước nơi cơ sở thường trú đó đóng hoặc ở bất kỳ nơi nào khác.
4. Không có nội dung nào tại Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng bất kỳ luật nào của một Nước ký kết liên quan tới việc xác định nghĩa vụ thuế của một đối tượng trong các trường hợp mà thông tin cung cấp cho nhà chức trách có thẩm quyền của Nước đó không đủ để xác định lợi tức được phân bổ cho cơ sở thường trú, với điều kiện là luật này sẽ được áp dụng phù hợp với các nguyên tắc tại Điều này, trong phạm vi thông tin cung cấp cho nhà chức trách có thẩm quyền cho phép.”
Theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn này, doanh nghiệp nước ngoài được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam đối với thu nhập thu được từ việc thực hiện hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua-bán hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất-nhập khẩu tại chỗ trên phần lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 của Hiệp định thuế nêu trên.
Các nguyên tắc phân bổ lợi tức cho cơ sở thường trú quy định tại Khoản 2, 3 và 4, Điều 7 của Hiệp định thuế nêu trên được thể hiện tại nội luật - Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:
i) Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN: thực hiện theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
ii) Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu hoặc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu: nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 1% trên doanh thu tính thuế theo hướng dẫn tại điểm 2.a), Điều 13, Mục 3, Chương II, Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính.
Tổng cục Thuế thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 951/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 7683/TCHQ-GSQL năm 2013 thủ tục hải quan và thuế đối với loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Công văn 939/TCT-KK hướng dẫn về thuế nhà thầu đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ phát sinh trước ngày 01/01/2009 do Tổng cục Thuế ban hành
- 4 Thông tư 60/2012/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- 1 Công văn 939/TCT-KK hướng dẫn về thuế nhà thầu đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ phát sinh trước ngày 01/01/2009 do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 7683/TCHQ-GSQL năm 2013 thủ tục hải quan và thuế đối với loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Công văn 951/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ do Tổng cục Thuế ban hành