BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2001/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2022 |
Kính gửi: | - Văn phòng Chính phủ; |
Thực hiện yêu cầu tại Công điện số 306/CĐ-VPCP ngày 28/2/2022 của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi rà soát, Bộ GTVT gửi báo cáo về các kết quả triển khai Luật Quy hoạch như sau:
1. Về việc lập các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Luật quy hoạch và thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ GTVT được giao nhiệm vụ tổ chức lập 05 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực GTVT.
Bộ GTVT đã quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác lập các quy hoạch này, đến tháng 10/2021, 4/5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 01 quy hoạch trong lĩnh vực hàng không đã được Hội đồng thẩm định và Thường trực Chính phủ thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ GTVT đã tổ chức công bố các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết luật Quy hoạch để các địa phương tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; đã gửi dữ liệu các quy hoạch cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cập nhật trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định.
(Chi tiết tình hình thực hiện theo phụ lục kèm theo)
2. Về xây dựng văn bản pháp luật thực hiện Luật Quy hoạch:
- Bộ GTVT đã xây dựng, trình và được Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực GTVT trong Luật sửa đổi 37 luật có liên quan đến quy hoạch (Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019).
- Bộ GTVT đã ban hành Thông tư hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải (Thông tư 33/2021/TT-BGTVT ngày 15/12/2021).
Đồng thời, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật số 35/2018/QH14 ngày
20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH ngày 16/8/2019 về giải thích một số điều của luật Quy hoạch; xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch1.
- Về rà soát, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ và ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành để thay thế : Bộ GTVT đã gửi Bộ KH&ĐT danh mục các quy hoạch sản phẩm, dịch vụ hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14293/BGTVT-KHĐT ngày 19/12/2018 của Bộ GTVT;
Bộ GTVT đã giao các Tổng cục, các Cục chuyên ngành công bố danh mục các quy hoạch hết hiệu lực và nghiên cứu ban hành hoặc trình Bộ GTVT ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (nếu cần thiết) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm bị bãi bỏ2.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa phải ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn bổ sung và không có vướng mắc phát sinh.
3. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập các quy hoạch ngành quốc gia
- Theo trình tự thông thường, quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019, các quy hoạch được lập đồng thời. Số liệu đầu vào trong quy hoạch 05 chuyên ngành, đặc biệt kết quả dự báo nhu cầu vận tải phụ thuộc nhiều vào định hướng phát triển của các điểm phát sinh lưu lượng (khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch…), trong khi các định hướng này vẫn đang được triển khai, chưa có kết quả cuối cùng nên có thể ảnh hưởng đến kết quả quy hoạch mạng lưới đường bộ.
- Đây là quy hoạch đầu tiên được triển khai theo Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019; thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập quy hoạch được thực hiện theo các quy định mới nên các cơ quan, đơn vị mất nhiều thời gian xem xét kỹ lưỡng bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành nên tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 11 /NQ-CP ngày 05/2/2018 của Chính phủ.
- Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài (từ cuối năm 2019 đến nay) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch đặc biệt là công tác khảo sát, thu thập số liệu đầu vào và ảnh hưởng đến công tác tổ chức hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến về quy hoạch.
Bộ GTVT xin gửi nội dung báo cáo về tình hình triển khai công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch để Quý cơ quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
CHI TIẾT QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC LẬP QUY HOẠCH NGÀNH TRONG LĨNH VỰC GTVT
Tuân thủ khoản 2 Điều 16 Luật Quy hoạch về quy trình lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ được triển khai như sau:
1. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 giao Bộ GTVT là cơ quan tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan lập quy hoạch. Sau khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, Bộ GTVT lấy ý kiến của các Bộ, ngành về nhiệm vụ quy hoạch, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập 05 quy hoạch.
2. Trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan lập quy hoạch) tổ chức lựa chọn nhà thầu Tư vấn lập quy hoạch (TEDI và Viện Chiến lược và phát triển GTVT) và tổ chức xây dựng quy hoạch, làm việc và lấy ý kiến của 63 tỉnh/thành phố về nội dung quy hoạch.
3. Sau khi hoàn thành hồ sơ quy hoạch, tháng 12/2020, Bộ GTVT đã tổ chức 03 Hội thảo Quy hoạch tại các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; lấy ý kiến của các Cục, Vụ liên quan trong Bộ GTVT và các Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường, Hiệp hội vận tải. Căn cứ khoản 2 Điều 30 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, Bộ GTVT gửi hồ sơ quy hoạch lấy ý kiến theo chức năng nhiệm vụ đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
4. Thực hiện khoản 1 Điều 19 Luật Quy hoạch, Bộ GTVT có văn bản số gửi hồ sơ quy hoạch để lấy ý kiến của 16 Bộ, ngành, các cơ quan liên quan (Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) và 63 tỉnh/thành về nội dung Quy hoạch. Đồng thời, tổ chức hội thảo tại Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam với sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến tham gia góp ý của 63/63 tỉnh/thành phố, 16/16 bộ, ngành và một số cơ quan liên quan.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các địa phương, các Hội nghề nghiệp, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.
5. Tháng 6-7/2021, Hội đồng thẩm định quy hoạch đã họp thông qua nội dung 04 quy hoạch với 100% phiếu thông qua. Báo cáo thẩm định đã được Chủ tịch hội đồng phê duyệt. Cơ quan lập quy hoạch đã hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch và Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Tháng 7-8/2021, Thường trực Chính phủ đã họp thông qua nội dung quy hoạch, Bộ GTVT đã giải trình, tiếp thu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định phê duyệt quy hoạch. Như vậy, các quy hoạch đã tuân thủ đúng quy trình pháp lý lập quy hoạch ngành quốc gia, được Hội đồng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đánh giá cao.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ, khoa học giữa quy hoạch mạng lưới đường bộ với các quy hoạch khác, Bộ GTVT đã triển khai một số nội dung:
- Về kịch bản phát triển: Căn cứ các định hướng, mục tiêu đặt ra trong Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, các dữ liệu thống kê, điều tra khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, Bộ GTVT đã xây dựng 3 kịch bản về đầu tư hạ tầng chung của cả ngành (cao, trung bình, thấp tương ứng nhu cầu vốn khoảng 2.100 - 2.200 nghìn tỷ đồng, 1.800 - 1.900 nghìn tỷ đồng và 1.400 - 1.500 nghìn tỷ đồng). Sau khi phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của từng kịch bản, Bộ GTVT đã lựa chọn kịch bản trung bình với tổng nhu cầu vốn khoảng 1.800 - 1.900 nghìn tỷ đồng là phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trong bối cảnh hiện nay, các đánh giá trong đề án cao tốc, các yếu tố kinh tế vĩ mô và vẫn đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp.
- Về dự báo nhu cầu vận tải, tư vấn đã dùng mô hình và các phương pháp dự báo hiện đại, được sử dụng phổ biến trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu xây các kịch bản, đã kết hợp với tư vấn quốc tế đang lập Nghiên cứu tổng thể phát triển GTVT Việt Nam (VITRANSS 3) và tham vấn các ý kiến chuyên gia để đưa ra kết quả dự báo tổng nhu cầu vận tải và nhu cầu vận tải của từng chuyên ngành, cơ bản phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Để bảo đảm tích hợp đồng bộ, khoa học, phân công hợp lý giữa các chuyên ngành GTVT, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện dự báo tổng nhu cầu vận tải của cả nước; dựa trên quy hoạch và tổ chức các không gian phát triển kinh tế trên phạm vi cả nước, hoạch định 30 hành lang vận tải trong đó có 11 hành lang vận tải có từ 2 phương thức trở lên; phân định vai trò, lợi thế từng phương thức vận tải để tính toán thị phần của từng phương thức trên từng hành lang. Quy hoạch này đã được tích hợp với quy hoạch 4 chuyên ngành còn lại đảm bảo tính đồng bộ, kết nối giữa các phương thức vận tải. Đây là điểm mới, lần đầu tiên các quy hoạch 5 chuyên ngành được thực hiện đồng thời, có phân công phân định rõ ràng vai trò từng phương thức, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.
- 1 Luật Quy hoạch 2017
- 2 Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch do Chính phủ ban hành
- 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 4 Quyết định 995/QĐ-TTg năm 2018 về giao nhiệm vụ cho Bộ tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 56/2019/NĐ-CP hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch
- 6 Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 7 Thông tư 33/2021/TT-BGTVT hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành