Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2017/BNN-KL
V/v hướng dẫn một số điểm trong Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN.

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2006

 

Kính gửi:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
- Các Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn,

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bình Định, Thanh Hoá, Gia Lai; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Nông, Bình Định, Nghệ An, Bình Thuận đề nghị hướng dẫn áp dụng một số quy định của Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm (sau đây viết tắt là Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN); sau khi xem xét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn như sau:

1. Hướng dẫn áp dụng một số quy định về đóng búa bài cây

a) Mục đích đóng búa bài cây là xác định cây bài chặt trong thiết kế khai thác chính theo phương thức khai thác chọn và khai thác điều chế rừng tự nhiên để tăng cường việc quản lý, giám sát bảo vệ rừng trong một thời gian nhất định. Do vậy, việc đóng búa bài cây vào các đối tượng khác (gỗ tận thu, tận dụng, gỗ khai thác theo phương thức chặt trắng) là không cần thiết, làm tăng chi phí sản xuất, phức tạp về thủ tục hành chính và hạn chế sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ rừng.

b) Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật khi có những quy định khác nhau đối với việc quản lý, sử dụng búa bài cây: quy định tại Khoản 3, Điều 80, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002 là: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Như vậy, những nội dung về đóng búa bài cây tại Quyết định số 40/2005/QĐ- BNN mà trái với Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN thì đương nhiên là không còn hiệu lực.

Búa bài cây chỉ đóng vào các đối tượng gỗ theo quy định tại khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN: “Đối tượng đóng búa bài cây: Búa bài cây chỉ đóng vào cây đứng được bài chặt trong thiết kế khai thác chính theo phương thức khai thác chọn và khai thác điều chế rừng tự nhiên có đường kính từ 25 cen-ti-mét trở lên tại vị trí thân cây cách mặt đất 1,3 mét”.

c) Về quy định khai thác điều chế rừng tự nhiên hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 200/QĐ-KT ngày 31/3/1993 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Việc đóng búa bài cây được thực hiện cùng với quá trình thiết kế điều chế rừng.

2. Hướng dẫn áp dụng một số quy định về đóng búa kiểm lâm

a) Búa kiểm lâm chỉ đóng vào các loại gỗ quy định tại Khoản 2, Điều 7, Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN. Không đóng búa kiểm lâm vào các đối tượng khác kể cả gốc cây.

b) Căn cứ đóng búa kiểm lâm đối với gỗ khai thác tận thu, tận dụng là: đối chiếu lý lịch gỗ với hồ sơ thiết kế, quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 22; và Khoản 3, Điều 24, Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN để xác minh nguồn gốc gỗ đóng búa kiểm lâm; trong trường hợp cần thiết có thể xác minh hiện trường theo quy định hiện hành của Nhà nước.

c) Giải quyết đối với trường hợp vượt khối lượng thiết kế được duyệt: ngoài trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 18 Quyết định số 40/2005/QĐ-BNNĐiểm d, Khoản 1, Điều 8 Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN, công chức kiểm lâm được giao đóng búa kiểm lâm phải lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 139/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

d) Đóng búa kiểm lâm một số loại gỗ xẻ: chủ trương là hạn chế tối đa việc đóng búa kiểm lâm vào gỗ xẻ, tránh đóng búa kiểm lâm nhiều lần đối với một loại sản phẩm rừng. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN , chỉ đóng dấu búa kiểm lâm vào gỗ xẻ hộp khai thác từ rừng tự nhiên. Các loại gỗ xẻ khác không đóng búa kiểm lâm.

đ) Đóng búa kiểm lâm gỗ tròn nhập khẩu trong trường hợp vượt khối lượng so với hồ sơ nhập khẩu gỗ giải quyết theo quy định tại Khoản 4, Điều 8, Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN.

e) Về quy định địa điểm đóng búa kiểm lâm đối với gỗ tròn nhập khẩu quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 9, Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN như sau:

- Đối với gỗ tròn nhập khẩu bằng đường thuỷ: địa điểm đóng búa kiểm lâm là cảng đầu tiên gỗ được bốc lên đất liền sau khi cơ quan Hải quan đã kiểm hoá. Chủ gỗ nhập khẩu trực tiếp báo cáo với Chi cục Kiểm lâm sở tại (nơi bốc gỗ lên đất liền) về địa điểm cụ thể để thực hiện đóng búa kiểm lâm.

- Đối với gỗ tròn được nhập khẩu bằng đường bộ: địa điểm đóng búa kiểm lâm là kho, bãi trên lãnh thổ Việt Nam, nơi chủ gỗ nhập khẩu trực tiếp dỡ hàng lần đầu tiên sau khi cơ quan Hải quan đã kiểm hoá. Chủ gỗ nhập khẩu trực tiếp báo cáo Chi cục Kiểm lâm sở tại (nơi có cửa khẩu nhập gỗ) về địa điểm cụ thể để thực hiện đóng búa kiểm lâm.

g) Về giao búa kiểm lâm đóng vào gỗ tròn nhập khẩu quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN: tuỳ theo tình hình thực tế ở địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quyết định giao búa cho Hạt Kiểm lâm hoặc Đội Kiểm lâm cơ động hoặc cả hai đơn vị này quản lý và đóng búa kiểm lâm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện đúng Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Cục KL, Cục LN;
- Vụ Pháp chế;
- VP Bộ;
- Lưu VT.

KT BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị