- 1 Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước do Quốc hội ban hành
- 2 Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
- 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Quốc hội ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 211/TCT-TCCB | Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2023 |
Kính gửi: | - Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Năm 2022, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế, thương mại trong nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế trong nước trong nửa đầu năm 2022 ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng, nhờ thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế với sự chủ động của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc đánh giá đúng tình hình, khả năng cân đối nguồn lực ngân sách để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội quyết định ban hành những quyết sách sớm về tài khóa, với quy mô lớn ngay từ đầu năm, đồng thời cơ quan thuế các cấp đã tích cực triển khai, khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ về thuế vào cuộc sống, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực quý báu nhanh chóng vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu trên từng địa bàn, giao dự toán phấn đấu thu ngay từ đầu năm, triển khai giao dự toán thu hàng quý phù hợp với tình hình kinh tế của từng địa phương trong điều kiện dịch bệnh. Nhờ đó, ngành thuế đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022. Ket quả thu ngân sách năm 2022 do cơ quan thuế quản lý đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán (tương ứng vượt 285,200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với thực hiện năm 2021.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thực hiện tạo đà cho các năm tiếp theo hoàn thành tốt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, bất ổn toàn cầu gia tăng, đặc biệt là rủi ro về tài chính, tiền tệ. Tổng cục Thuế phát động phong trào thi đua năm 2023 với khẩu hiệu, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện như sau:
Khẩu hiệu thi đua: "Kỷ cương, trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2023."
I. Mục tiêu thi đua
Toàn ngành Thuế tăng cường kỷ luật kỷ cương, trách nhiệm, chủ động thích ứng, tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.
2. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
3. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
4. Triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trọng tâm công tác quản lý thuế là dựa trên nền tảng thuế điện tử với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
5. Duy trì và mở rộng việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế. Triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
6. Tổ chức thành công kỳ thi công chức của ngành thuế năm 2022 để kịp thời bổ sung nguồn công chức trẻ có chất lượng tốt cho ngành thuế, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao của ngành.
II. Thời gian thi đua
III. Nội dung thi đua và giải pháp thực hiện
1. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích, báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu đế kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
2. Tập trung triển khai các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu cho NSNN. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế.
3. Tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: triển khai việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tăng cường ứng dụng CNTT hiện đại hóa hệ thống thuế; triển khai thực hiện tích hợp việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
4. Nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế. Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp khác để hỗ trợ người nộp thuế.
5. Triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
6. Thực hiện rà soát, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023 cho từng Cục Thuế, Chi Cục, Phòng, Đội. Điện tử hóa các thủ tục ban hành thông báo nợ, phân công, phân loại nợ, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các Bộ ngành, đơn vị liên quan trong việc thu hồi tiền thuế nợ. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc.
7. Triển khai nâng cấp phần mềm, hệ thống CNTT đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến. Triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử, kho cơ sở dữ liệu người nộp thuế, trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử... Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân. Đảm bảo hạ tầng CNTT để vận hành hệ thống hóa đơn điện tử được thông suốt 24/7, phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, Cổng thông tin điện tử để kết nối, lưu trữ thông tin và hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử.
8. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thuế năm 2023. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chức năng quản lý thuế, các ngạch công chức chuyên ngành thuế, các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý và tổ chức thực thi công vụ. Tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến.
9. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Quán triệt công chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
10. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ, chi tiêu nội ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, đảm bảo kỷ cương tài chính nội ngành. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức thuế.
11. Thực hiện khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc những gương điển hình tiên tiến trong ngành. Thực hiện phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ công tác thuế năm 2023.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
2. Các Cục, Vụ, đơn vị và các Cục Thuế xây dựng kế hoạch công tác năm 2023, nêu rõ các biện pháp thực hiện và có tiến độ công việc cụ thể. Báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả thu để chính quyền các cấp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
3. Tổ chức quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành nói chung và đơn vị mình nói riêng đến toàn thể công chức thuộc đơn vị. Trên cơ sở đó mỗi tập thể, cá nhân đăng ký các chương trình hành động cụ thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2023.
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thuế trong năm 2023 là rất nặng nề. Với bề dày truyền thống và thành tích đã đạt được, Tổng cục Thuế kêu gọi và đề nghị toàn thể công chức, viên chức ngành Thuế nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đồng sức, đồng lòng quyết tâm, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước do Quốc hội ban hành
- 2 Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
- 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Quốc hội ban hành