Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 2200/BKHĐT-KTĐN
V/v giải trình đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vốn ADB

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2017

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại văn bản số 1775/VPCP-QHQT ngày 28/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về một số ý kiến liên quan đến đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã có văn bản giải trình số 824/UBND-TH ngày 08/3/2017, số 595/UBND-TH ngày 09/3/2017, số 922/UBND-TH ngày 08/3/2017, số 167/UBND-KTN ngày 07/3/2017). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp ngày 10/3/2017 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan: Văn phòng Chính phủ; các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn nội dung làm rõ những nội dung theo yêu cầu chỉ đạo (Biên bản cuộc họp đính kèm).

Trên cơ sở ý kiến giải trình của UBND các tỉnh, ý kiến của các cơ quan liên quan tại cuộc họp ngày 10/3/2017; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Sự cần thiết đầu tư và các hạng mục của dự án

1.1. Sự cần thiết đầu tư

Các tỉnh Đông Bắc bao gồm 04 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn là các tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở mức 18,14% (năm 2014), gấp đôi mức trung bình của cả nước (9,45%). 17/43 huyện của các tỉnh là huyện nghèo, chiếm gần 1/4 tổng số huyện nghèo của cả nước, trong đó có 13 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-TTg ngày 05/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù có địa hình tiếp giáp nhưng kết nối giao thông của 04 tỉnh còn rất hạn chế, chỉ một số quốc lộ chính được đầu tư nâng cấp; hạ tầng giao thông nội tỉnh giữa các huyện, xã cũng trong tình trạng yếu kém, hư hỏng và không được nâng cấp thường xuyên. Hệ thống giao thông trong khu vực Đông Bắc rất lạc hậu do phần lớn các tỉnh là miền núi, vùng sâu và vùng xa, phân bổ dân cư không tập trung. Trong khu vực không có đường hàng không và đường thủy nên giao thông gần như hoàn toàn phụ thuộc vào vận tải đường bộ.

Tỷ lệ cư dân nông thôn tại các tỉnh được sử dụng nước sạch còn thấp, nhiều vùng sâu vùng xa vẫn dựa vào hệ thống nước tự chảy. Một số huyện còn xảy ra tình trạng thiếu nước (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn). Do các địa bàn này là vùng nghèo, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế nên khu vực tư nhân cũng không quan tâm tham gia đầu tư.

Phương thức canh tác nông nghiệp tại các xã huyện nghèo còn lạc hậu, giá trị gia tăng thấp và thiếu kết nối với thị trường. 03 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đã được IFAD hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong khi đó tỉnh Lạng Sơn chưa được tiếp cận mô hình này.

Bên cạnh đó, một đặc thù riêng của Lạng Sơn là kinh tế cửa khẩu, du lịch và dịch vụ đóng vai trò là nguồn thu, động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên không phát huy được toàn diện lợi thế này.

Do vậy, với mục đích nhằm giải quyết các nút thắt phát triển, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong phát triển của 04 tỉnh Đông Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tỉnh, cơ quan liên quan và ADB xây dựng dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vay vốn ADB.

1.2. Các hạng mục dự án

Dự án được thiết kế gồm các hợp phần sau:

- Hợp phần 1 - Hệ thống giao thông liên kết vùng: Bao gồm xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường nhằm tăng cường kết nối giữa các địa phương và nội tỉnh, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, giao thương.

- Hợp phần 2 - Cấp nước sinh hoạt và sản xuất: Tập trung xây dựng các hệ thống cấp nước sạch và sinh hoạt cho các xã nghèo, nhằm nâng cao đời sống nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.

- Hợp phần 3 - Cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị nông nghiệp (ARCV): Là hợp phần hỗ trợ riêng cho Lạng Sơn theo mô hình dự án IFAD đang được triển khai tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn.

- Hợp phần 4 - Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn: Là hợp phần hỗ trợ riêng cho tỉnh Lạng Sơn, vay vốn OCR nhằm phát triển cơ sở hạ tầng phía Đông Nam thành phố Lạng Sơn, đầu tư nâng cấp hạ tầng các tuyến đường ra cửa khẩu nhằm thúc đẩy triển giao thương, hạ tầng du lịch dịch vụ, tạo cú hích cho đầu tư tư nhân và tạo nguồn thu cho công tác trả nợ dự án.

Phân bổ cho các tỉnh cụ thể như sau:

Đơn vị: Triệu USD

STT

Nguồn vốn

Lạng Sơn

Hà Giang

Cao Bằng

Bắc Kạn

Tổng

1

ADF/COL

48,75

33,75

33,75

33,75

150

2

OCR/MOL

50

-

-

-

50

3

Vốn đối ứng

17,5

5,88

5,88

5,95

35,21

 

Tổng

116,25

39,63

39,63

39,70

235,21

2. Ý kiến các cơ quan liên quan

Tại cuộc họp ngày 10/3/2017 về triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các cơ quan có ý kiến như sau:

a) Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án. Về một số hạng mục liên quan đến phạm vi quản lý ngành, Bộ có ý kiến như sau:

- Hạng mục cấp nước: Việc cấp nước sạc cho sản xuất và sinh hoạt là vấn đề lớn của các tỉnh Đông Bắc. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đầu tư cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch cho các tỉnh này thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa. Việc xã hội hóa cấp nước nước sạch nhìn chung phù hợp với các khu vực đô thị, nhưng đối với các xã nghèo vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Hạng mục Cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị nông nghiệp cho tỉnh Lạng Sơn: Hiện nay cả 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đều đang được IFAD hỗ trợ mỗi tỉnh khoảng 20 triệu USD cho việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp đồng bào vùng sâu vùng xa tiếp cận tư duy sản xuất mới, đầu tư nâng cao chất lượng của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp có kết nối với thị trường. Việc thực hiện dự án đã bước đầu mang lại kết quả tích cực. Để nhân rộng kết quả của mô hình phát triển nông nghiệp của IFAD đồng thời đảm bảo việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội như mục tiêu đặt ra của dự án, hỗ trợ của ADB cho Lạng Sơn là cần thiết.

b) Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Ủng hộ sự cần thiết đầu tư và các nội dung dự án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các văn bản số 5702/NHNN-HTQT ngày 27/7/2016, số 6892/NHNN-HTQT ngày 14/9/2016 góp ý đề xuất dự án.

- Về tiến độ tiếp nhận dự án: Hiệp định dự án dự kiến sẽ ký vào tháng 11/2017, như vậy sẽ cần đàm phán dự án trước ngày 30/6/2017, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 4/2017. Như vậy, thời gian còn lại để tiếp nhận dự án là rất gấp, đề nghị UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

c) Ý kiến của Bộ Giao thông vận tải

Nhất trí sự cần thiết và các hạng mục đầu tư của dự án.

3. Cơ chế tài chính dự án

- Tại văn bản số 14780/BTC-QLN ngày 20/10/2015 góp ý Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư, Bộ Tài chính đã đề nghị cơ chế tài chính đối với phần vốn ODA cho dự án đầu tư là vay lại 10%

Tại tờ trình số 635/BKHĐT-KTĐN ngày 23/01/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất dự án vốn vay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế tài chính sơ bộ của dự án là cấp phát một phần, vay lại một phần. Tỷ lệ vay lại cụ thể sẽ được xác định tại thời điểm trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Hạn mức vay của các tỉnh: UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã có báo cáo giải trình Bộ Tài chính để thẩm định hạn mức vay nợ và khả năng trả nợ của địa phương. Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn cũng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 9/12/2016, số 85/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016, số 66/2016/NQ-HĐND ngày 11/12/2016, số 61/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 về dự toán ngân sách địa phương năm 2017, theo đó: Trong năm 2017, UBND các tỉnh Lạng Sơn sẽ bố trí 381 tỷ đồng; Cao Bằng 175,180 tỷ đồng; Hà Giang 321 tỷ đồng; Bắc Kạn 157,7 tỷ đồng để thanh toán dư nợ về hạn mức cho phép trước khi đàm phán, ký kết khoản vay.

- Vốn đối ứng: UBND các tỉnh Đông Bắc tự đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phẩn bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo và kính trình Thủ trướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP; Bộ TC, NN&PTNT, GTVT; NHNNVN;
- UBND các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn;
- Các vụ; KCHT&ĐT; KTĐP<
- Lưu: KTĐN, VT(L14)

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

 

BIÊN BẢN CUỘC HỌP

ĐỀ XUẤT DỰ ÁN “HẠ TẦNG CƠ BẢN PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CÁC TỈNH ĐÔNG BẮC: HÀ GIANG, CAO BẰNG, BẮC KẠN, LẠNG SƠN” VAY VỐN ADB

I. Mục đích cuộc họp:

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại văn bản số 1775/VPCP-QHQT ngày 28/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cụ thể:

- Rà soát lại, làm rõ sự cần thiết, nội dung các hoạt động của dự án; các hoạt động thuộc trách nhiệm hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt đối với 02 hợp phần 3 và 4 của tỉnh Lạng Sơn.

- Xác định sơ bộ cơ chế tài chính của dự án, làm cơ sở để tính toán tổng kinh phí Chính phủ vay để cấp phát cho các tỉnh; khả năng bảo đảm hạn mức vay nợ và khả năng trả nợ của dự án.

II. Thành phần tham dự:

- Chủ trì cuộc họp: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương.

- Tham dự cuộc họp: Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Ủy ban nhân dân UBND các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Bộ Tài chính do bận công tác khác không tham dự cuộc họp.

(Danh sách đại biểu tham dự đính kèm)

III. Thời gian và địa điểm:

- Cuộc họp bắt đầu từ lúc 15:00 - 16:30 ngày 10/3/2017 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 6B Hoàng Diệu Hà Nội.

IV. Tài liệu của cuộc họp:

- Văn bản số 1775/VPCP-QHQT ngày 28/02/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vay vốn ADB.

- Văn bản giải trình của UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn số 824/UBND-TH ngày 08/3/2017, số 595/UBND-TH ngày 09/3/2017, số 922/UBND-TH ngày 08/3/2017, số 167/UBND-KTN ngày 07/3/2017.

V. Nội dung cuộc họp:

1. Khai mạc cuộc họp:

- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Nguyễn Thị Thanh Phương báo cáo về mục đích, nội dung cuộc họp; các vấn đề liên quan đến nội dung đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” vay vốn ADB.

- Đại diện Văn phòng Chính phủ, Ông Hồ Anh Tài, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế thông báo vắn tắt về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về đề xuất dự án và đề nghị cuộc họp lưu ý các nội dung sau:

+ Sự cần thiết đầu tư, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi để hỗ trợ các tỉnh.

+ Hợp phần cấp nước: Khả năng tham gia của khu vực tư nhân, có thể thực hiện cơ chế vay lại được không?

+ Hợp phần hạ tầng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: Lý do đầu tư riêng cho Lạng Sơn.

+ Cơ chế tài chính dự án, thẩm định năng lực vay trả nợ của các tỉnh: Bộ Tài chính cần có ý kiến chính thức.

+ Hỗ trợ vốn đối ứng: Căn cứ Bắc Kạn đề xuất hỗ trợ 80%? Cần nâng cao trách nhiệm vay trả nợ của địa phương.

2. Thảo luận:

2.1. Ý kiến của các tỉnh:

Đại diện UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn báo cáo về dự án, tập trung vào các nội dung Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu làm rõ. Ý kiến cụ thể như sau:

a) Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn (Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh):

- Đối với hạng mục cấp nước sạch: Địa bàn đầu tư là vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không tại thời điểm này không thể huy động đầu tư của khu vực tư nhân, việc bán nước sạch thu phí là không khả thi.

- Đối với hạng mục phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp: Phần lớn kinh phí của hợp phần này (13/15 triệu USD) là nhằm đầu tư hạ tầng cơ sở cho ngành nông nghiệp (giao thông, thủy lợi nhỏ,...).

- Đối với hạng mục phát triển không gian xanh: Đây là chiến lược phát triển của tỉnh để thúc đẩy đầu tư tư nhân, kinh tế dịch vụ du lịch và cửa khẩu. Lạng Sơn sẽ nỗ lực để việc chuẩn bị đầu tư hợp phần này không làm chậm tiến độ chung của dự án.

b) Đại diện UBND tỉnh Hà Giang (Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh): Hà Giang đã có ý kiến tại văn bản giải trình số 824/UBND-TH ngày 08/3/2017, theo đó:

- Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo, khó khăn nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, do vậy các tiểu dự án đề xuất đầu tư tại tỉnh Hà Giang là rất cần thiết và phù hợp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo của tỉnh.

- Số dư nợ gốc tiền vay thời điểm 31/12/2016 là 638 tỷ đồng, đến ngày 09/3/2017 tỉnh đã hoàn trả là 225,65 tỷ đồng, số dư nợ còn phải tiếp tục trả trong năm 2017 là 93,35 tỷ đồng để số dư nợ của tỉnh về mức trần hạn mức theo quy định của Luật NSNN năm 2015 (319 tỷ đồng). UBND tỉnh Hà Giang cam kết sẽ tiếp tục trả nợ gốc tiền vay số tiền 93,35 tỷ đồng xong trước ngày 31/3/2017 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có cơ sở thẩm định dự án.

c) Đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn (Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ):

- Bắc Kạn là tỉnh đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn, giao thông đi lại yếu kém, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp, chủ yếu dựa vào hệ thống nước tự chảy không đảm bảo vệ sinh, trong khi nguồn ngân sách của tỉnh chủ yếu do ngân sách Trung ương cấp không đáp ứng được nhu cầu, do đó việc đầu tư dự án là cần thiết.

- Về cơ chế tài chính, căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định “địa phương thuộc diện ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối từ 50% trở lên thì được hỗ trợ tối đa không quá 80% mức vốn đối ứng của dự án”, do đó đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% vốn đối ứng của dự án.

d) Đại diện UBND tỉnh Cao Bằng (Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh):

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 38,6%. Cơ sở hạ tầng yếu kém, cách xa trung tâm của cả nước, giao thông đi lại khó khăn. Do vậy, việc tiếp tục được vay các khoản vay từ nguồn vốn ODA để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất cần thiết và quan trọng. Các tiểu dự án tỉnh Cao Bằng được lựa chọn là các hạng mục thực sự cấp thiết và chưa được đầu tư bằng các nguồn vốn khác, đáp ứng tiêu chí theo quy định của ADB và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh Cao Bằng cam kết tiếp tục bố trí nguồn trả nợ trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đảm bảo đúng mức dư nợ của tỉnh theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước năm 2015.

2.2. Ý kiến của các cơ quan liên quan:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án. Đối với 02 hạng mục liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ:

- Hạng mục cấp nước: Đây là vấn đề lớn của các tỉnh Đông Bắc. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đầu tư cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch cho các tỉnh này thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa. Việc xã hội hóa cấp nước sạch nhìn chung phù hợp với các khu vực đô thị, nhưng đối với các xã nghèo vùng xa vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Hạng mục Cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị nông nghiệp cho tỉnh Lạng Sơn: Hiện nay cả 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang đều đang được IFAD hỗ trợ mỗi tỉnh khoảng 20 triệu USD cho việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp đồng bào vùng sâu vùng xa tiếp cận tư duy sản xuất mới, đầu tư nâng cao chất lượng của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp có kết nối với thị trường. Việc thực hiện dự án đã bước đầu mang lại kết quả tích cực. Để nhân rộng kết quả của mô hình phát triển nông nghiệp của IFAD đồng thời đảm bảo việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội như mục tiêu đặt ra của dự án, hỗ trợ của ADB cho Lạng Sơn là cần thiết.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ủng hộ sự cần thiết đầu tư và các nội dung dự án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các văn bản số 5702/NHNN-HTQT ngày 27/7/2016, số 6892/NHNN-HTQT ngày 14/9/2016 cho ý kiến góp ý về một số nội dung dự án.

Về tiến độ tiếp nhận dự án: Hiệp định dự án dự kiến sẽ ký vào tháng 11/2017, như vậy sẽ cần đàm phán dự án trước ngày 30/6/2017, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 4/2017. Như vậy, thời gian còn lại để tiếp nhận dự án là rất gấp, đề nghị UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

c) Bộ Giao thông: Nhất trí sự cần thiết đầu tư và các hợp phần dự án.

VI. Kết luận của chủ toạ cuộc họp

Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, chủ toạ cuộc họp - Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận cuộc họp:

- 04 tỉnh Đông Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) là các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hạ tầng kết nối hạn chế. Việc hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho các tỉnh sẽ đóng góp rất nhiều cho thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đề ra.

- Đối với các hợp phần 3, 4 của tỉnh Lạng Sơn:

Lạng Sơn là một tỉnh có kinh tế cửa khẩu phát triển, tuy nhiên theo quy định của Luật Ngân sách phần lớn nguồn thu này nộp về Trung ương. Chính vì vậy, hiện nay Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo thuộc diện Ngân sách Trung ương hỗ trợ 82%.

(i) Về hợp phần 3: Văn bản giải trình của tỉnh, ý kiến tại cuộc họp đã khẳng định sự cần thiết đầu tư nhằm đảm bảo sự hỗ trợ toàn diện, giúp Lạng Sơn tiếp cận được mô hình phát triển nông nghiệp mà 03 tỉnh tham gia dự án đã được IFAD đầu tư và mang lại hiệu quả.

(ii) Về hợp phần 4: Văn bản giải trình của UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn khẳng định mong muốn vay 50 triệu USD. Việc phát triển hạ tầng khu đô thị phía Nam, hạ tầng phục vụ kinh tế cửa khẩu và du lịch sẽ giúp Lạng Sơn thúc đẩy kinh tế du lịch - dịch vụ là một thế mạnh của tỉnh, tạo nguồn thu trả nợ cho dự án.

- Về cơ chế tài chính: Cơ chế tài chính sơ bộ của dự án là cấp phát một phần, vay lại một phần. Cơ chế tài chính cụ thể cần được các tỉnh phối hợp với Bộ Tài chính xác định trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án

Cuộc họp kết thúc lúc 16:30./.

 

Thư ký cuộc họp





Trần Ngọc Lân

Chủ tọa cuộc họp
Thứ trưởng




Nguyễn Thế Phương