Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2279/UBND-VX
Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; và các quận, huyện;
- Các doanh nghiệp thuộc Thành phố.

Thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép và Công văn số 1691/VPCP-KGVX ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về việc áp dụng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg;

Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội” nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung như sau:

1. Thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 09 tháng 7 năm 2021 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện triệt để đối với từng địa bàn, khu vực quản lý. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất.

2. Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ.

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại Mục 4 của Văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.

Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

3. Tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn Thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 09 tháng 7 năm 2021.

4. Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.

5. Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Khi tổ chức các cuộc họp phải được người đứng đầu phê duyệt, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chương trình công tác, tổ chức giao việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021; đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định).

Từng cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch đối với người ra vào trụ sở, vận hành hiệu quả Tổ COVID-19 của cơ quan mình, chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly, phong tỏa.

6. Sở Giao thông vận tải

Tổ chức triển khai hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố với các nội dung chủ yếu sau:

- Dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô. Hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân; trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.

- Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”).

- Chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh lân cận, tổ chức giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, được lưu thông thuận lợi.

- Tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng). Đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ. Đối với các phương tiện thủy nội địa, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định)

- Chủ động kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Sở Y tế

7.1. Tăng cường truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 sớm, tránh lây lan trong cộng đồng

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Công nghệ thông tin truyền thông của Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm y tế đánh giá các vùng dịch tễ dựa trên số liệu các ca bệnh, lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch và phân vùng nguy cơ tại các địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm cũng như quyết định khu vực nào cần phong tỏa, xét nghiệm tầm soát diện rộng hơn để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.

- Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR; đồng thời, triển khai hướng dẫn cách ly F1 tại nhà.

- Tại các ổ dịch trên địa bàn: thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty.... Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR và tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

- Thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch) có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

7.2. Mở rộng các khu cách ly tập trung đạt công suất 50.000 giường và đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly, kiểm soát không để lây nhiễm ra cộng đồng.

7.3. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đáp ứng điều trị khi Thành phố có 20.000 trường hợp mắc COVID-19, khẩn trương mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế, không để các cơ sở y tế thiếu trang thiết bị y tế trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh; điều chỉnh hệ thống các cơ sở điều trị phù hợp với tình hình mới, ưu tiên nguồn lực cho điều trị bệnh nhân nguy kịch với 1.000 giường hồi sức.

7.4. Tiếp tục tăng cường kiểm soát, sàng lọc người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm người mắc COVID-19; xét nghiệm tầm soát định kỳ nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân điều trị nội trú.

7.5. Tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn để sớm đạt tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó kiểm soát lâu dài sự lây lan của dịch bệnh đặc biệt là đối với các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh cũng như phòng ngừa phát sinh các chủng đột biến mới.

Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố theo hướng cụ thể hóa các công việc, các nhiệm vụ triển khai từng ngày (từ ngày 09 tháng 7 đến ngày 23 tháng 7 năm 2021).

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và vận động để Nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động thông tin xuyên tạc, gây nghi ngờ, làm rối nội bộ, nhất là các hành vi, biểu hiện cực đoan, kích động.

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân Thành phố nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.

- Hướng dẫn cơ quan, đơn vị sử dụng công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại nhà; trong việc quản lý các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo quy định, trong việc quản lý phân tích kết quả xét nghiệm, truy vết, công tác tiêm vắc xin và các hoạt động phòng, chống dịch khác.

- Xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố.

9. Sở Nội vụ

- Tham mưu thực hiện Mục 5 của Văn bản này.

- Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan công sở.

10. Sở Du lịch

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất khung tiêu chí, vận động các khách sạn đủ điều kiện cách ly y tế đối với F1 để hướng dẫn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quyết định đưa vào sử dụng khách sạn trên địa bàn thực hiện cách ly y tế.

11. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh,...), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu của người dân Thành phố.

- Yêu cầu tiểu thương và thương nhân tại 03 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các chằn vựa, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống; tham mưu hình thành các điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh và Thành phố.

- Tổ chức kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân.

- Phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị Mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương.

- Phát huy mạnh mẽ các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; đồng thời, tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.

- Phối hợp Sở Y tế hướng dẫn cách thức xử lý, thực hiện khử trùng, sát khuẩn, cách ly và thay đổi các ca, nhóm làm việc, các điều kiện bắt buộc thực hiện đối với các chợ đầu mối, chợ truyền thống và địa điểm kinh doanh bị tạm ngừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm để sớm đưa vào hoạt động trở lại bình thường.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện ưu tiên cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra và hướng dẫn hoạt động của các chợ truyền thống, tổ chức các giải pháp cung cấp bổ trợ hàng hóa cho người dân, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các sở, ngành Thành phố khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Công văn số 2209/UBND-KT ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

- Rà soát, tổ chức cho người lang thang, cơ nhỡ, sống tại nơi công cộng vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý kiểm soát, phòng chống dịch.

13. Sở Xây dựng

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố vị trí xây dựng khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Nghiên cứu và thực hiện thiết kế mẫu về cấu tạo nhà bạt, lều, nhà vệ sinh dã chiến (vật liệu nhẹ) dễ thực hiện cho việc xây dựng khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị.

- Đảm bảo các điều kiện sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch đối với việc tận dụng các khu nhà ở tái định cư của Thành phố.

14. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố, không để tình trạng ứ đọng rác gây ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao được ưu tiên xử lý theo phương pháp an toàn.

15. Công an Thành phố

- Tăng cường chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, thẩm quyền của lực lượng Công an.

- Tổ chức lại hoạt động của 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 do Thành phố kiểm soát.

- Bố trí lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại: các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh; các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn Thành phố

- Phối hợp truy vết các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố.

16. Bộ Tư lệnh Thành phố

- Quản lý và điều hành các khu cách ly tập trung của Thành phố; phối hợp Sở Y tế sắp xếp, mở rộng các khu cách ly tập trung của Thành phố.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện vai trò Trưởng ban điều hành các khu cách ly y tế tập trung của địa phương.

- Phối hợp Công an Thành phố đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

17. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao và Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung

- Nêu cao tinh thần “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”; khẩn trương thẩm định cho các doanh nghiệp đã đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất, theo đó: những nơi an toàn, đáp ứng yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch thì tiếp tục cho tổ chức sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phương án tạo điều kiện cho công nhân ăn nghỉ trong khuôn viên nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp... với những yêu cầu cụ thể, phù hợp; doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì không cho tổ chức thực hiện.

- Phát huy hiệu quả của Tổ COVID-19, Tổ an toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn công nhân, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Triển khai test nhanh COVID-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 01 lần/tuần.

- Rà soát các khu vực nhà xưởng, nhà kho chưa sử dụng để trưng dụng làm nơi cách ly tạm thời chờ phân loại các trường hợp F0, F1 để ngành y tế đưa đi cách ly tập trung và điều trị theo quy định.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung.

18. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

- Quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị của địa phương và người dân trên địa bàn; có kế hoạch cụ thể triển khai trên địa bàn, phối hợp tổ chức lực lượng và nguồn lực để triển khai.

- Phát huy tính chủ động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ quận, huyện, Thành phố Thủ Đức đến phường, xã thị trấn. Nêu cao vai trò của đồng chí Bí thư chi bộ các ấp, khu phố trong việc phòng chống dịch; tổ chức lại Tổ COVID-19 cộng đồng theo hướng cứ 100 hộ dân có một tổ COVID-19 cộng đồng và kèm danh sách cụ thể các hộ dân để kiểm tra, giám sát.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ diễn ra trên địa bàn; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc triển khai phương án điều tiết hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân tại địa phương mình. Triển khai thực hiện Công văn số 2268/UBND-KT ngày 07 tháng 7 năm 2021 và Phương án số 2270/PA-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về điều tiết hàng hóa thiết yếu đến với người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp có qui mô lớn không thuộc quản lý của các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung.

- Thành lập các chốt kiểm soát tại các khu phố, ấp và ở những tuyến đường trọng điểm, khu vực trọng điểm.

- Tổ chức tuần tra thường xuyên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, không chấp hành những quy định trong Văn bản đã nêu trên.

- Rà soát và tăng cường năng lực cách ly y tế tập trung trên địa bàn để đáp ứng với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, với các giải pháp đồng bộ theo quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Thành phố.

- Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh theo mẫu và trên hệ thống một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố.

19. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố

Tập trung năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đảm bảo đúng quy định; báo cáo kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu giải pháp nhằm đảm bảo chất thải phát sinh trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố được xử lý theo phương pháp an toàn.

20. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các tổ COVID-19 cộng đồng phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời quan tâm chăm lo các đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội; triển khai giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố, đảm bảo cho người dân được nhận kịp thời và đúng đối tượng.

21. Hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh nhưng nguồn lực phòng chống dịch của Thành phố vẫn đảm bảo, Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. Thành phố đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố; phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”; đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ ngành mình quản lý tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch, phương án triển khai trên địa bàn Thành phố, thực hiện trước ngày 09 tháng 7 năm 2021; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng,
chống dịch COVID-19; (để báo cáo)
- Bộ Y tế; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Trung tâm Báo chí;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, VNga (VX).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Phong