Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2430/VPCP-NN
V/v tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1756/TTr-BNN-KH ngày 02 tháng 03 năm 2018 về Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:

1. Đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản nêu trên về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm (2013-2018) thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (dự kiến vào tháng 10 năm 2018).

2. Để việc tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Hội nghị toàn quốc sơ kết thiết thực, hiệu quả, yêu cầu:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước hoặc trên địa bàn được giao sâu sắc, toàn diện, thực chất.

+ Gửi Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, phục vụ Hội nghị sơ kết toàn quốc bằng văn bản và qua email: vptccnn.tw@mard.gov.vn trước ngày 15 tháng 8 năm 2018; đề cương báo cáo tại phụ lục đính kèm.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp tài liệu, chuẩn bị tốt nội dung và công tác hậu cần, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi tổ chức Hội nghị,

- Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lịch để Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- VPCP; BTCN, PCN Nguyễn Cao Lục, các Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg, các Vụ: KTTH, TH, TKBT, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, NN (02). PMC

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo công văn số 2430/VPCP-NN ngày 15 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

I. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Các Quyết định các bộ, ngành, địa phương đã ban hành về:

- Phê duyệt Đề án, kế hoạch hành động Tái cơ cấu nông nghiệp.

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án (cấp tỉnh).

- Các cơ chế, chính sách đã ban hành để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn.

2. Nhận thức về cơ cấu lại nông nghiệp; công tác thông tin, tuyên truyền về đề án, kế hoạch hành động Tái cơ cấu nông nghiệp.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Các địa phương căn cứ Mục tiêu, định hướng và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp Tái cơ cấu nông nghiệp đã được phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt các Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực cụ thể, chuẩn bị báo cáo với các nội dung chính sau:

1. Về đề án, quy hoạch

Kết quả rà soát, Điều chỉnh đề án, quy hoạch sản xuất theo định hướng cơ cấu lại, trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường, cụ thể:

- Các đề án, quy hoạch được phê duyệt: Quy hoạch tổng thể; quy hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi; quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung…; xác định các đối tượng sản phẩm chủ lực.

- Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch.

2. Cơ cấu lại trong các lĩnh vực

2.1. Căn cứ vào quan điểm, định hướng, Mục tiêu, các chỉ số trong Đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu của Tỉnh đã phê duyệt để đánh giá kết quả các hoạt động đã triển khai, thực hiện (có số liệu so sánh với trước khi ban hành Đề án Tái cơ cấu năm 2013)

a) Lĩnh vực trồng trọt: Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 tập trung vào các nội dung: chuyển dịch cơ cấu cây trồng; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực và phát triển theo các vùng sinh thái.

Quá trình thực hiện: Đổi mới và cải tạo giống cây trồng; ứng dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng năng suất; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất...

- Kết quả phát triển trồng trọt; so sánh với kết quả trước khi thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.

- Những kết quả cụ thể như: Thực hiện chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng; kết quả thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn; kết quả các hoạt động chế biến, bảo quản, áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch...

- Các kết quả khác: Thu nhập/ha trồng trọt, thu nhập tăng thêm...

b) Lĩnh vực Chăn nuôi: cơ cấu lại theo các nội dung: (1) đối tượng vật nuôi; (2) phương thức tổ chức sản xuất chăn nuôi; (3) vùng chăn nuôi và (4) tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng.

Quá trình thực hiện: cải tạo đàn giống; cải tiến quy trình nuôi và chăm sóc; hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi; công tác giám sát và phòng trừ dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...

- Kết quả phát triển chăn nuôi; so sánh với kết quả trước khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013).

- Những kết quả cụ thể như: Tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng chăn nuôi; tái cơ cấu đàn vật nuôi; cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi và đổi mới hệ thống giết mổ (chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại); tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng...

- Các kết quả khác.

c) Lĩnh vực Lâm nghiệp: Cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp tập trung vào 4 nhiệm vụ lớn: (1) Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; (2) Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và Phát triển thị trường; (3) Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; (4) Sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh và phát triển dịch vụ môi trường rừng.

- Kết quả phát triển lâm nghiệp; so sánh với kết quả trước khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013).

- Những kết quả cụ thể: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; triển khai các dự án quy hoạch chuyển đổi loài cây trồng rừng phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển dịch vụ môi trường rừng...

- Các kết quả khác.

d) Lĩnh vực Thủy sản: tập trung cơ cấu lại theo các hướng chính: (1) Chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa đối tượng nuôi; (2) Tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chủ lực, sản phẩm chế biến; (3) Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá; (4) Quy hoạch, đầu tư nâng cấp các hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần...

- Kết quả phát triển thủy sản; so sánh với kết quả trước khi có đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu của địa phương.

- Những kết quả cụ thể: Chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển; giảm tổn thất sau thu hoạch, đa dạng hóa đối tượng nuôi; tỷ trọng sản phẩm chủ lực, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao; tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết sản xuất, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ...

- Báo cáo tổng hợp thực hiện các chính sách: Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, 68/2013/QĐ-TTg, Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 67...

- Các kết quả khác: Thu nhập bình quân/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản...

e) Công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường: cơ cấu lại lĩnh vực chế biến tập trung vào các nội dung: (1) Tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh; (2) Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến năm 2020 mức tổn thất sau thu hoạch giảm 50%; (3) Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ; (4) Đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến; (5) Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

- Kết quả phát triển chế biến, bảo quản, cơ giới hóa, thị trường; so sánh với kết quả trước khi có đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu của địa phương.

- Kết quả cụ thể: Tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh để nâng GTGT của sản phẩm; đồng thời nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; các biện pháp và kết quả giảm tổn thất trong nông nghiệp trên các mặt hàng chính; nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản...; số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn.

- Các kết quả khác.

g) Tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy lợi tập trung vào 5 vấn đề lớn: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi; (2) Phát triển tưới cho cây trồng cạn; (3) Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; (4) Nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ chứa và (5) Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.

- Kết quả phát triển thủy lợi; so sánh với kết quả trước khi có đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu của địa phương.

- Kết quả cụ thể: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi; phát triển tưới cho cây trồng cạn (diện tích, công nghệ tưới...); phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ chứa; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai...

- Kết quả phát triển hạ tầng khác.

2.2. Căn cứ Quyết định 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, đề nghị nghiên cứu, tính toán các tiêu chí cấp địa phương, báo cáo và phân tích kết quả thực hiện; báo cáo khó khăn vướng mắc khi thực hiện, đề xuất biện pháp khắc phục hoặc định hướng sửa đổi ở Trung ương và địa phương.

3. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Tác động của cơ cấu lại đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới: Kết quả chính (số liệu) các xã, huyện thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, so sánh với thời gian trước khi thực hiện cơ cấu lại (2013); thu nhập bình quân/năm của người dân nông thôn ở địa phương.

4. Về kết quả thực hiện các giải pháp

a) Đổi mới cơ chế, chính sách

- Đánh giá tổng hợp thực hiện các chính sách TW đã ban hành.

- Những chủ trương, chính sách được Tỉnh ban hành trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp;

- Đánh giá cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể trước và sau khi có đề án tái cơ cấu (về quản lý sử dụng đầu tư công; huy động vốn xã hội; phát triển các ngành hàng chủ lực; các chính sách khác...)

- Các kết quả khác.

b) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ

Tập trung đánh giá kết quả thực hiện đối với các nội dung sau:

- Sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh.

- Về phát triển các HTX, các hình thức hợp tác liên kết: liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; mô hình hợp tác liên kết sản xuất quy mô lớn...;

- Về thu hút đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp; đánh giá kinh tế hộ gia đình ở nông thôn...

- Các kết quả khác.

c) Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công

Đánh giá tình hình thực hiện, cơ cấu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công phân bổ cho ngành nông nghiệp ở địa phương để phục vụ tái cơ cấu.

d) Công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông

- Hoạt động nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công tác giống, các gói kỹ thuật, chế biến và bảo quản,...; tác động của khoa học công nghệ đến thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn.

- Đánh giá kết quả công tác hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

- Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật.

- Các mô hình trình diễn giới thiệu chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.

- Các kết quả khác

e) Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm

g) Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đào tạo của địa phương cho nguồn nhân lực ngành nông nghiệp; trong đó kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (kết quả 2013-nay, so sánh với trước thời gian cơ cấu lại).

h) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cho ngành

Kết quả thực hiện các Quyết định, Thông tư... liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho ngành.

i) Các kết quả khác

III. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

a) Ưu điểm

b) Hạn chế

c) Nguyên nhân

IV. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CƠ CẤU LẠI NÔNG NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Định hướng, Mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020 (bám sát định hướng phát triển tại Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ)

2. Đề xuất danh Mục sản phẩm chủ lực của địa phương

3. Đề xuất những giải pháp dài hạn, ngắn hạn có tính đặc thù của địa phương.

V. KIẾN NGHỊ

- Đề xuất những nội dung cần được giải quyết hoặc hỗ trợ trong quá trình thực hiện, như: Tổng hợp, phân tích những điểm thiếu đồng bộ của các chính sách, văn bản pháp luật cấp trung ương (trong và ngoài ngành nông nghiệp), gây khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu của Tỉnh; tập trung theo các nhóm chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, thương mại các các chính sách hỗ trợ...

- Những kiến nghị khác.

* Thông tin chi tiết liên hệ Văn phòng thường trực Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ĐT 024.38234277).