- 1 Luật thi hành án dân sự 2008
- 2 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự
- 3 Quyết định 810/QĐ-VKSTC năm 2016 Quy chế công tác Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự
- 5 Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2021 quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2659/VKSTC-V11 | Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2021 |
Kính gửi: Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao tại Văn bản số 2348/VKSTC-VP ngày 14/6/2021 về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc qua sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021;
Trên cơ sở nghiên cứu những nội dung khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của VKSND địa phương về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (THADS, THAHC), VKSND tối cao (Vụ 11) giải đáp như sau:
1. Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 810) có một số nội dung không còn phù hợp do việc dẫn chiếu các điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS năm 2014 (gọi tắt là Nghị định số 62), đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 (gọi tắt là Nghị định số 33), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2020.
Trả lời: Các nội dung hướng dẫn tại Quy chế số 810 không mâu thuẫn, không trái với quy định tại Nghị định số 62 và Nghị định số 33. Tuy nhiên, một số điều của Nghị định số 62 được dẫn chiếu tại Quy chế số 810 đến nay không còn phù hợp do các điều này đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33.
Để đảm bảo việc hướng dẫn và áp dụng pháp luật được thống nhất, Vụ 11 sẽ tiến hành rà soát để báo cáo, đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế 810. Trước mắt, Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo công chức, Kiểm sát viên tự nghiên cứu áp dụng điều luật tương ứng của Nghị định số 62 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33 trong quá trình thực hiện kiểm sát THADS.
2. Đối với việc thi hành án mà tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người mua; đương sự trong vụ việc dân sự không nhận lại tiền tạm ứng án phí dẫn đến việc tồn đọng tiền thu tạm ứng án phí, kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án.
Trả lời: Đối với việc thi hành án mà tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người mua thì cơ quan THADS thực hiện việc giảm giá tài sản và tiếp tục thực hiện các thủ tục bán đấu giá hoặc giao tài sản cho người được thi hành án hoặc giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 104 Luật THADS.
Đối với việc đương sự đã được thông báo hợp lệ về thi hành án nhưng không nhận lại tiền tạm ứng án phí (do nhiều nguyên nhân) thì Chấp hành viên thực hiện quy định về việc gửi tiết kiệm và thực hiện “thủ tục sung quỹ nhà nước” theo quy định tại Điều 126 Luật THADS và khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62 (điểm 13 Điều 1 Nghị định số 33).
3. Quy trình kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy trình số 94) có nhiều bất cập, mâu thuẫn với Quy chế số 810, như quy định về phúc tra việc thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát: Theo khoản 8 Điều 32 Quy chế số 810 thì Viện kiểm sát cấp trên có quyền ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới hoặc tự mình phúc tra việc thực hiện Kết luận đã trực tiếp kiểm sát; trong Quy trình số 94 thì không có việc ủy quyền và việc phúc tra phải tiến hành trước khi kết thúc năm nghiệp vụ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Trả lời: Nội dung Quy trình số 94 không có sự trùng chéo, mâu thuẫn với Quy chế số 810 và cả 02 văn bản này đều không quy định về việc “Viện kiểm sát cấp trên ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới phúc tra việc thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát”. Hướng dẫn tại khoản 6 Điều 32 Quy chế số 810 về phúc tra việc thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát được cụ thể hóa tại khoản 5 Điều 11 Quy trình số 94. Theo đó, việc thực hiện “phúc tra” ngang cấp phải được thực hiện trước hoặc trong khi tiến hành trực tiếp kiểm sát định kỳ của kỳ tới; việc thực hiện “phúc tra” đối với cấp dưới được thực hiện trước thời điểm kết thúc năm công tác, sau 06 tháng hoặc sau 01 năm kể từ ngày công bố Kết luận trực tiếp kiểm sát.
Nội dung quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát và phúc tra thực hiện Kết luận trực tiếp kiểm sát, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ hướng dẫn trực tiếp tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát THADS, THAHC trong thời gian tới.
4. Đề nghị VKSND tối cao xây dựng bổ sung thêm mẫu sổ theo dõi vật chứng để đảm hoạt động kiểm sát THADS, THAHC đạt hiệu quả cao; tăng cường tập huấn về kiểm sát THADS, THAHC, đặc biệt là tập huấn nội dung liên quan đến nghiệp vụ kế toán THADS.
Trả lời: Trong thời gian tới, Vụ 11 sẽ phối hợp với Cục 2 và Văn phòng VKSND tối cao xem xét ban hành bổ sung một số mẫu sổ nghiệp vụ về kiểm sát THADS, THAHC.
Trong năm 2019, VKSND tối cao (Vụ 11) đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn Ngành về nghiệp vụ công tác kiểm sát THADS, THAHC; trong đó, có chuyên đề kiểm sát việc quản lý thu, chi tiền thi hành án (nội dung chuyên sâu về nghiệp vụ kế toán THADS). Trong thời gian tới, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ tăng cường hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ về nội dung này và kịp thời thông báo các văn bản mới có liên quan để VKSND địa phương nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn công tác kiểm sát THADS, THAHC.
Trên đây là nội dung giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát THADS, THAHC để Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, thực hiện./.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2415/VKSTC-V11 năm 2019 về kiểm sát hồ sơ xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với người bị kết án phạt tiền thuộc diện miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết 41/2017/QH14 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Hướng dẫn 30/HD-VKSTC năm 2019 về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Kế hoạch 102/KH-VKSTC năm 2020 về tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến Thông tư liên tịch 03/2018, Quy trình tạm thời 264/2020 về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; Giải quyết các vụ án xảy ra tại điểm nóng có khiếu kiện phức tạp; Sơ kết Thông tư liên tịch 06/2018 về phối hợp thực hiện thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành