Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2665/BKHĐT-TH
V/v báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Căn cứ quy định Điều 70 Luật Đầu tư công, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội (dưới đây gọi tắt là bộ, cơ quan trung ương và địa phương) tổ chức triển khai xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc, yêu cầu và nội dung như sau:

I. NGUYÊN TẮC, YÊU CẦU ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Bảo đảm các nguyên tắc đánh giá kế hoạch đầu tư công quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

2. Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp (đối với các địa phương) về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết của Chính phủ, các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có so sánh với các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

II. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (NSNN)

Nội dung đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Đầu tư công, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

1. Công tác điều hành, quản lý đầu tư công

(1) Công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm, các giải pháp đã triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(2) Đánh giá việc chấp hành các quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm từ năm 2021 đến năm 2023.

(3) Đánh giá việc tuân thủ thời gian phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư hằng năm (trước 31/12 năm kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công); việc đáp ứng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, phân bổ ngân sách trung ương hằng năm, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đánh giá mức độ đạt được so với kế hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình quản lý đầu tư công

a) Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong 3 năm từ 2021-2023

(1) Tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW từ năm 2021 đến hết năm 2022 và dự kiến thực hiện và giải ngân năm 2023 (bao gồm cả số vốn NSTW được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang các năm tiếp theo).

(2) Tổng số dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn NSTW hằng năm; số dự án đã hoàn thành, số dự án dự kiến tiếp tục hoàn thành trong năm 2023, so sánh số dự án dự kiến đến hết năm 2023 hoàn thành với mục tiêu ban đầu về số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; năng lực tăng thêm của các dự án.

(3) Số lần điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW trong năm giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương (chi tiết vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), số lượng dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư ban đầu; số lượng dự án thực hiện chậm tiến độ so với quyết định đầu tư và kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt.

(4) Các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng: Đánh giá kết quả thực hiện, triển khai dự án; khó khăn, vướng mắc.

(5) Tổng số vốn NSTW đã bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước đến hết năm 2023 (trong đó chi tiết nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương).

(6) Đánh giá kết quả đạt được theo từng ngành, lĩnh vực so với kế hoạch Quốc hội đã quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2022/QH15.

b) Tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương trong 3 năm từ 2021-2023: Ngoài các nội dung nêu trên, đề nghị các địa phương báo cáo rõ số vốn ngân sách địa phương được giao hằng năm so với số vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, kết quả thực hiện bội chi ngân sách địa phương dự kiến thu, chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, việc sử dụng tăng thu ngân sách địa phương hằng năm cho đầu tư, việc thực hiện cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương cho các dự án liên vùng, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương.

3. Tác động của kế hoạch đầu tư công trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác và kết quả phát triển kinh tế - xã hội

(1) Số dự án, số vốn có sự tham gia của nhà đầu tư, các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để thực hiện dự án; tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn trên.

(2) Tác động tới việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực hàng năm và 05 năm 2021-2025 của cả nước và của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thực hiện 03 đột phá chiến lược, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

4. Tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và các giải pháp xử lý

(1) Hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch, quy định pháp luật về đầu tư công;

(2) Các nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân.

(3) Bài học kinh nghiệm.

5. Tính khả thi của kế hoạch đầu tư công

(1) Đánh giá huy động nguồn lực đầu tư, nguồn ngân sách nhà nước so với kế hoạch đề ra.

(2) Trên cơ sở kết quả đạt được trong 3 năm, dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết nghị.

(3) Dự kiến khả năng giải ngân của từng dự án thuộc từng nguồn vốn, ngành, lĩnh vực, phân theo từng năm 2024, 2025.

(4) Kiến nghị các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục tồn tại, hạn chế bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị.

6. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia: trách nhiệm, trình tự, tổ chức thực hiện, nội dung đánh giá giữa kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

III. ĐÁNH GIÁ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG VỐN TỪ NGUỒN THU HỢP PHÁP CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP DÀNH ĐỂ ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức lập kế hoạch đầu tư trung hạn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư với các nội dung quy định tại Điều 70 Luật Đầu tư công, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định.

IV. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Do thời gian gấp, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo chuẩn bị báo cáo theo các nội dung hướng dẫn nêu trên, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 18/4/2023 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị định của Chính phủ: số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 và số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 được thực hiện trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công (https://dautucong.mpi.gov.vn) theo tài khoản được cấp; riêng đối với báo cáo số liệu mật, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi bằng văn bản giấy theo quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác và thống nhất về thông tin, số liệu, nội dung báo cáo; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp báo cáo gửi chậm so với thời gian quy định

Trong quá trình triển khai xây dựng Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đơn vị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị có báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c TTg và các PTTg);
- Bộ Tài chính (để phối hợp);
- Sở KHĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ KH&ĐT: Lãnh đạo Bộ, các đơn vị: Cục KTHT, PTHT&ĐT, KTNN, KTCNDV, LĐVHXH, KTĐN, QPAN, KTĐPLT, KHGDTN&MT, TCTT,
- Lưu VT, Vụ THKTQD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Phương