Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2675/BHXH-CSXH
V/v: hướng dẫn thực hiện chế độ TNLĐ theo Công văn số 1592/LĐTBXH-BHXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2015

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Công văn số 1592/LĐTBHXH-BHXH ngày 05/5/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Công văn số 145/TLĐ ngày 03/02/2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc giải quyết vướng mắc về chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) trước năm 1995, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sao gửi Công văn số 1592/LĐTBHXH-BHXH, Công văn số 145/TLĐ (phụ lục đính kèm) để BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) thực hiện và thực hiện rõ thêm một số điểm sau đây:

1. Về 24 trường hợp đang hưởng trợ cấp mất sức lao động (nêu tại Mục II Phụ lục 12 gửi kèm Công văn số 145/TLĐ): Đối với các trường hợp đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì không thuộc diện hưởng trợ cấp TNLĐ. Khi người lao động có yêu cầu thì BHXH tỉnh hướng dẫn họ đến Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố để được giải thích, trả lời theo thẩm quyền.

2. Về 25 trường hợp đã được Tổng Công đoàn cấp Giấy chứng nhận thương tật, sổ trợ cấp thương tật TNLĐ, BNN (nêu tại Mục III Phụ lục 12 gửi kèm Công văn số 145/TLĐ) và 16 trường hợp chưa được giám định thương tật hoặc chưa được xem xét, giải quyết chế độ TNLĐ, BNN (nêu tại Mục V Phụ lục 12 gửi kèm Công văn số 145/TLĐ). Các trường hợp nêu trên đều thuộc diện giải quyết tồn tại đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Công văn số 908/TLĐ ngày 25/7/1996 hướng dẫn, nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 1595/LĐTBXH-BHXH ngày 05/5/2015 gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giải quyết vướng mắc về TNLĐ, BNN trước năm 1995. Nội dung trong Công văn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, cơ quan BHXH và các cơ quan có liên quan thẩm định lập hồ sơ giải quyết như đối với các trường hợp tồn đọng cá biệt.

Tuy nhiên, các trường hợp vướng mắc này rất phức tạp hồ sơ và chính sách thay đổi qua các thời kỳ, cơ quan BHXH không có thẩm quyền hướng dẫn lập lại hồ sơ. Vì vậy, sau khi các cơ quan có thẩm quyền tập hợp hồ sơ và đề xuất phương án giải quyết, BHXH tỉnh cần nghiên cứu kỹ vụ TNLĐ xảy ra vào thời gian nào để đề xuất phương án giải quyết cụ thể: Về hồ sơ, thời điểm hưởng và chế độ hưởng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì tổ chức thực hiện.

3. Về 07 trường hợp người lao động đã chết (nêu tại Mục IV Phụ lục 12 Công văn số 145/TLĐ): Do hồ sơ không đủ theo quy định nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết chế độ TNLĐ, BNN đối với trường hợp người lao động đã chết.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Website;
- Lưu VT, CSXH (2b).

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương