Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2741/BGDĐT-BPTTr
V/v Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT;
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Các trường: ĐHSP Hà Nội; ĐHSP Hà Nội 2;
Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên;
ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh; ĐHSP Huế;
Đại học Vinh; CĐSP Hà Nội; CĐSP Hòa Bình; CĐSP Nghệ An;
- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
- Học viện Quản lý Giáo dục.

Chương trình (CT) giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) hiện hành được biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội về đổi mới CT giáo dục phổ thông và đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 – 2003 đến nay.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 đã có các đợt đánh giá, giám sát về chất lượng và hiệu quả thực hiện đổi mới CT, SGK, cụ thể là: Đánh giá của ngành giáo dục cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và của một số tổ chức khác (năm 2006 và năm 2008); đánh giá theo yêu cầu của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và CT, SGK giáo dục phổ thông” của Ủy ban thường vụ Quốc hội (năm 2012); đánh giá để phục vụ Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (2013); đánh giá kết quả thực hiện CT thể hiện trong các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học hằng năm của các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW1, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đổi mới CT giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT hướng dẫn các đơn vị tiếp tục đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

a) Mục đích: Tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 làm cơ sở đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông.

b) Yêu cầu: Đánh giá kết quả việc thực hiện đổi mới CT giáo dục phổ thông trên cơ sở đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10 và đối chiếu với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Cụ thể:

- Đánh giá ưu điểm, kết quả nổi bật đạt được so với yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10 và Nghị quyết số 29-NQ/TW; nguyên nhân của những ưu điểm, kết quả đạt được.

- Chỉ rõ những hạn chế so với yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10; nguyên nhân của những hạn chế.

- Xác định những bất cập so với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW; nguyên nhân của những bất cập.

- Từ các kết quả đánh giá trên rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các nội dung đổi mới cơ bản CT, SGK giai đoạn sau năm 2015.

2. Nội dung đánh giá

a) Chương trình giáo dục phổ thông

Mục tiêu giáo dục; chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ; nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.

b) Sách giáo khoa

Việc cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình của các môn học ở mỗi lớp; cấu trúc sách giáo khoa; phương pháp giáo dục (thông qua khả năng của SGK hỗ trợ việc học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên); hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục học sinh; tính mỹ thuật, kĩ thuật của sách giáo khoa.

c) Điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện CT, SGK

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục; chế độ, chính sách đối với nhà giáo.

d) Công tác chỉ đạo, quản lý việc thực hiện đổi mới CT, SGK

Chỉ đạo, quản lý việc biên soạn và triển khai thực hiện CT, SGK; đảm bảo các điều kiện thực hiện CT, SGK.

3. Tổ chức thực hiện

a) Các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và các nội dung đánh giá nêu tại mục 2, xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của đơn vị.

b) Các trường ĐHSP, Cao đẳng sư phạm: Căn cứ các nội dung đánh giá nêu tại mục 2, xây dựng báo cáo tập trung vào các nội dung: Đánh giá kết quả việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới CT giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 40/2000/QH10; đề xuất đổi mới CT đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới CT giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015.

c) Các sở GDĐT: Xây dựng báo cáo các nội dung nêu tại mục 2; đề xuất nội dung đổi mới cơ bản của CT giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ/TW; các điều kiện của địa phương đảm bảo thực hiện các nội dung được đề xuất; đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông.

Các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT, các trường ĐHSP, Cao đẳng sư phạm và các Sở GDĐT gửi báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về Bộ phận thường trực đổi mới CT, SGK và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi tắt là Bộ phận thường trực) theo đường công văn và theo địa chỉ email: bcd15@moet.edu.vn; thời gian gửi trước ngày 10/6/2014.

d) Bộ phận thường trực:

Tổng hợp các báo cáo của các đơn vị; dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10.

Trên đây là hướng dẫn tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (thực hiện);
- Các Thứ trưởng;
- Các Vụ: GDTrH, GDTH, KH-TC, TCCB, HSSV (thực hiện);
- Các cục: KTKĐ, NGCB, CSCV; Viện KHGD VN; Học viện QLGD (thực hiện);
- Nhà xuất bản giáo dục VN (thực hiện);
- Lưu VT, VP BPTTr, VP

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 



1 Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.