BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3175/BNN-KHCN | Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Phúc đáp Công văn số 880/UBKHCNMTQH13 ngày 5 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc phối hợp sơ kết thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) theo Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Nông nghiệp và PTNT xin báo cáo như sau:
1. Ban hành chiến lược, chính sách KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương về Nông nghiệp, nông dân nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tại các văn bản sau:
Cùng với các Bộ ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Hội nghị lần VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;
Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông;
Quyết định số 3246/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020 để cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;
Thông tư 67/2010/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 11 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thông tư số 15/2013/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 2 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 2 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2012 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài chính và Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Quyết định số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013-2020;
Quyết định số 1259/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chương trình khung nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020;
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2012 phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015;
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Đã trình Chính phủ Đề án “Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, chuyên giao KHCN và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn.
2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học
2.1. Vốn ĐTXDCB thực hiện các dự án giống
- Giai đoạn 2008-2010: vốn ĐTXDCB phân bổ cho các dự án giống là 331,33 tỷ, trong đó trồng trọt là 117,93 tỷ, chăn nuôi là 108,3 tỷ, lâm nghiệp là 48 tỷ và thủy sản là 57,1 tỷ.
- Giai đoạn 2011-2013: vốn ĐTXDCB phân bổ cho các dự án giống là 406,4 tỷ, trong đó trồng trọt là 92,6 tỷ, chăn nuôi là 141,4 tỷ, lâm nghiệp là 28,7 tỷ và thủy sản là 143,3 tỷ.
Năm 2011: Nguồn vốn đầu tư XDCB được phân bổ cho Chương trình giống 195 tỷ; Bộ đã phân bổ cho các dự án giống giai đoạn 2006-2010 chưa hoàn thành được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện.
Năm 2012: Vốn đầu tư XDCB được phân bổ 110,4 tỷ đồng để triển khai 11 dự án: Mở mới 04 dự án trồng trọt 28 tỷ đồng; Thực hiện chuyển tiếp 04 dự án chăn nuôi (3 dự án giai đoạn 2006-2010 và 01 dự án giai đoạn 2011-2015) 41,4 tỷ đồng; Mở mới dự án lâm nghiệp 10 tỷ đồng; Thủy sản phân bổ 30 tỷ đồng để hoàn thành 02 dự án và mở mới 01 dự án giai đoạn 2011-2015.
Năm 2013: Vốn đầu tư XDCB được phân bổ 101 tỷ đồng để triển khai 17 dự án; trong đó các dự án chuyển tiếp 12 dự án, mở mới 05 dự án.
2.2. Vốn ĐTXDCB nguồn KHCN (khối Viện):
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho khoa học công nghệ giai đoạn 2008-2013 là 959,3 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2008-2010 là 783,49 tỷ đồng (196,09 tỷ đồng từ vốn trong nước và 587,4 tỷ đồng từ vốn nước ngoài-ADB-Chương trình phát triển ngành nông nghiệp); giai đoạn 2011-2013 là 175,8 tỷ đồng.
3. Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Giai đoạn 2008-2013, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 3.930,445 tỷ đồng, trong đó lương và bộ máy là 1.257 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp nhà nước là 848,238 tỷ đồng, nhiệm vụ cấp Bộ là 1.414 tỷ đồng, (chi tiết tại phụ lục 1)
Trong giai đoạn 2008-2013 Chính phủ đã đầu tư cho hoạt động khuyến nông với tổng kinh phí xấp xỉ 1.275 tỷ đồng, bình quân khoảng 210 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng kinh phí đầu tư hàng năm bình quân đạt 10,7%/năm; thấp hơn so với cam kết của Chính phủ Việt Nam với ADB là đầu tư cho khuyến nông tăng bình quân 12%/năm. Cơ cấu kinh phí đầu tư theo các lĩnh vực hoạt động khuyến nông: khuyến nông trồng trọt chiếm 24,6%, khuyến nông chăn nuôi 18,2%, khuyến lâm 10,6%, khuyến công 9,8%, khuyến ngư 13,2%, thông tin tuyên truyền 10,8%, đào tạo huấn luyện 10,8%, quản lý 2% (chi tiết tại phụ lục 2).
4. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trong nông nghiệp, đặc biệt là trí thức trẻ
Trong những năm gần đây Bộ đã đầu tư đào tạo nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao cho các viện, các trường từ các nguồn kinh phí khác nhau (kinh phí ngân sách nhà nước, chương trình công nghệ sinh học, các chương trình học bổng từ các tổ chức quốc tế...). Hiện tại có hơn 1.000 cán bộ khoa học trẻ từ các viện và trường đại học thuộc Bộ đang được đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài.
- Các viện: 789 cán bộ đang được đào tạo sau đại học: 468 đào tạo thạc sĩ (51 ở nước ngoài và 417 ở trong nước); 321 đào tạo tiến sĩ (127 ở nước ngoài và 194 ở trong nước)
- Các trường đại học: 298 cán bộ đang được đào tạo sau đại học: 101 đào tạo thạc sĩ (29 ở nước ngoài và 72 ở trong nước); 197 đào tạo tiến sĩ (154 ở nước ngoài và 43 ở trong nước).
5.1. Hệ thống tổ chức nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn
5.1.1. Hệ thống tổ chức và cán bộ nghiên cứu KHCN thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT
Về hệ thống tổ chức:
Hệ thống tổ chức nghiên cứu KHCN của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã được sắp xếp lại theo lĩnh vực và hướng tập trung nguồn lực, gồm: viện chuyên đề và viện vùng. Trước năm 2005, có 23 viện nghiên cứu thuộc Bộ (16 viện nghiên cứu về nông nghiệp, 2 viện nghiên cứu về thủy lợi, 1 viện nghiên cứu về lâm nghiệp và 4 viện nghiên cứu về thủy sản). Năm 2012, hệ thống nghiên cứu này được tổ chức lại còn 11 viện, các viện nghiên cứu này được hưởng lương sự nghiệp khoa học. Lĩnh vực nông nghiệp có 5 viện, gồm: Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó: Viện Khoa học nông nghiệp (KHNN) Việt Nam có 18 viện thành viên; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có 14 viện thành viên; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có 13 viện thành viên và 4 Viện nghiên cứu về Thủy sản, Hải sản.
Tham gia nghiên cứu KHCN nông nghiệp còn có 4 Viện quy hoạch (Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp và Thủy sản) và các trường Đại học và Cao đẳng.
Hệ thống đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT gồm 39 trường, trong đó có 2 trường Đại học (Đại học Thủy lợi và Đại học Lâm nghiệp), 2 trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT, 28 trường Cao đẳng (12 trường Cao đẳng chuyên nghiệp và 16 trường cao đẳng nghề), 7 trường Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Ngoài ra còn có 3 Viện và Trung tâm nghiên cứu thuộc Tập đoàn, Tổng công ty/Công ty trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hệ thống tổ chức nghiên cứu ứng dụng phân bố không đồng đều giữa các vùng, có 8/11 Viện thuộc Bộ trụ sở đặt tại vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, mỗi vùng chỉ có một viện nghiên cứu về nông nghiệp trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Về năng lực nghiên cứu của các tổ chức KHCN
Trong thời gian qua đã nghiên cứu tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu và được ứng dụng trong sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng nông lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản; đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, tăng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cung cấp luận cứ khoa học cho xây dựng chiến lược, chính sách và định hướng phát triển ngành.
Năng lực và trình độ nghiên cứu của một số tổ chức KHCN trong các lĩnh vực đã ngang tầm một số nước trong khu vực và trên thế giới, như chọn tạo giống ngô, giống lúa thuần, kỹ thuật thâm canh lúa, ngô, chọn tạo giống thủy sản, một số cây công nghiệp như cà phê, cao su, giống cây trồng lâm nghiệp.
Về cán bộ khoa học và công nghệ:
Trong thời gian qua đã đào tạo và thu hút được một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ cán bộ KHCN trực tiếp nghiên cứu, đào tạo và phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, thủy lợi, thủy sản và lâm nghiệp của 11 Viện, Trung tâm và 2 trường Đại học (Thủy lợi và Lâm nghiệp) có 10.895 người, trong đó có 134 giáo sư và phó giáo sư, 600 tiến sỹ khoa học và tiến sỹ, 1801 thạc sỹ, 5444 đại học, số còn lại là trung cấp và công nhân kỹ thuật. Trong đó: cán bộ KHCN làm việc trong 11 Tổ chức KHCN trực thuộc Bộ là 7954 người, gồm: 67 giáo sư và phó giáo sư, 426 tiến sỹ khoa học và tiến sỹ, 1268 thạc sỹ, 3809 đại học và cao đẳng, số còn lại là trung cấp và công nhân kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, số người được hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp khoa học của nhà nước là 4861 người, chiếm tỷ lệ 58,54%.
Số lượng cán bộ khoa học đông nhưng có nhiều bất cập: Cán bộ khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư phần lớn tuổi cao (trung bình trên 55 tuổi); tỷ lệ cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả tốt lại thấp và sẽ hẫng hụt trong trong những năm trước mắt; một số tổ chức KHCN ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15%, nhiều bộ môn thiếu cán bộ đầu đàn, chưa thật sự toàn tâm với nghề nghiệp; một số lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao (công nghệ sinh học, vắc xin, vật liệu mới...) thiếu cán bộ khoa học giỏi, đặc biệt là các viện nghiên cứu nông nghiệp đóng tại địa bàn vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Việc thu hút cán bộ KHCN giỏi gặp khó khăn, không thực sự hấp dẫn cán bộ KHCN. Cán bộ KHCN nông nghiệp thu nhập thấp. Hệ số lương của giáo sư và phó giáo sư bình quân là 5,99 tương ứng là 4,97 triệu đồng, tương tự đối với tiến sỹ là 4,82 và 4,00 triệu đồng, thạc sỹ là 3,49 và 2,90 triệu đồng. Điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn, không có hoặc ít có điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Do vậy, việc tuyển dụng nhân tài gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp sau khi được đào tạo ở trình độ cao và người có năng lực nghiên cứu xin chuyển sang cơ quan khác. Một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp, v.v đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu nghiêm trọng. Mặt khác, cơ chế thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến tâm huyết và sự say mê của nhà khoa học.
Thị trường công nghệ chậm phát triển, các kết quả nghiên cứu được tạo ra khó giữ được bản quyền. Đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu là nông dân, người có thu nhập thấp nên việc chuyển nhượng gặp khó khăn, kinh doanh trong nông nghiệp gặp rủi ro cao... nên khó có điều kiện để nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học.
Chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đầu vào thấp, trong quá trình đào tạo chưa gắn lý thuyết với thực hành. Nhiều cơ sở đào tạo không có hoặc thiếu các phòng thí nghiệm, trạm, trại thực nghiệm cho sinh viên thực tập, rèn nghề như trước đây. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên vào làm việc tại các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cần đào tạo lại mới có thể đáp ứng được công việc nghiên cứu và chuyển giao.
5.1.2. Các tổ chức nghiên cứu thuộc các Bộ, ngành khác
Các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm Huế; Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ; Đại học Tây nguyên, v.v) đã thành lập các Viện, Trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp. Các viện nghiên cứu thuộc các Bộ, ngành khác: Viện nghiên cứu thuốc lá, Viện nghiên cứu Bông và cây có sợi, Viện nghiên cứu máy nông nghiệp, Viện nghiên cứu nguyên liệu giấy thuộc Bộ Công Thương; Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, v.v thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Số lượng cán bộ KHCN trong hệ thống nghiên cứu, đào tạo nói trên rất lớn và có trình độ cao nhưng tham gia nghiên cứu vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn rất ít.
5.1.3. Các Trung tâm, Trạm, Trại nghiên cứu, thực nghiệm thuộc tỉnh, thành phố có nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN và TBKT trong nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập tổ chức KHCN dưới hình thức: Trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng và chuyển giao TBKT vào nông nghiệp, nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở KHCN.
5.1.4. Các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp thuộc các Hội, Hiệp hội, Tổ chức đoàn thể.
Nhiều Hội khoa học, Hiệp hội ngành hàng, Hội nghề nghiệp, tổ chức đoàn thể quần chúng đã thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, tư vấn chuyển giao KHCN và TBKT trong nông nghiệp và PTNT.
Việc đề xuất và tham gia tuyển chọn đề tài nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ, các trường Đại học, Cao đẳng, Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân còn rất ít.
Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành khác đều gửi Công văn cho các đơn vị trực thuộc, các Sở quản lý chuyên ngành và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu và tham gia tuyển chọn đề tài. Nhưng việc đề xuất và tham gia tuyển chọn chủ yếu vẫn là các tổ chức KHCN công lập.
6.1. Cơ chế tài chính
Theo quy định của Luật Ngân sách, các đơn vị được thụ hưởng ngân sách, cuối năm phải quyết toán kinh phí được giao. Quy định này trong thực tế đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập:
- Đề tài, dự án thường thực hiện 3 năm đến 5 năm, giá cả vật tư biến động nhưng không được điều chỉnh, cấp bổ sung khoản chênh lệch;
- Khi thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đối với đề tài, dự án KHCN tiến hành trên một năm thì chưa thể có sản phẩm cuối cùng hoàn chỉnh để thực hiện quyết toán;
- Đối tượng nghiên cứu của nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi sản xuất theo mùa vụ, nhiều loại cây trồng vật nuôi gieo trồng năm kế hoạch nhưng năm sau mới thu hoạch. Nếu quyết toán vào cuối năm kế hoạch sẽ dẫn đến tình trạng chứng từ hóa đơn thanh toán không đúng với thực tế;
- Chưa có quy định để chủ nhiệm đề tài, dự án làm căn cứ lập dự toán cho việc đào tạo cán bộ nghiên cứu tham gia thực hiện đề tài để nâng cao trình độ;
- Thủ tục, hóa đơn, chứng từ quyết toán còn nhiều phức tạp.
6.2. Về quyền sở hữu và bản quyền tác giả công trình khoa học
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Chuyển giao công nghệ thì kết quả nghiên cứu tạo ra bằng ngân sách nhà nước do nhà nước sở hữu. Cũng tại Khoản 1 Điều 40 Luật Chuyển giao công nghệ quy định: “Nhà nước giao quyền chủ sở hữu công nghệ đối với kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nghiên cứu và phát triển công nghệ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Các quy định nói trên chưa đề cập đến việc giao quyền chủ sở hữu và sử dụng cho cá nhân chủ trì đề tài, dự án; chưa đề cập đến quyền sở hữu kết quả nghiên cứu vừa sử dụng ngân sách nhà nước vừa sử dụng ngân sách của các tổ chức, cá nhân.
- Phân chia thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước:
Tại Khoản 2 và 3 Điều 42 Luật Chuyển giao công nghệ quy định việc phân chia thu nhập như sau: Tập thể, cá nhân tạo ra công nghệ được hưởng 20%-35% số tiền thu được từ hợp đồng chuyển giao công nghệ; số tiền còn lại, 50% được sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng. Tại Mục c, Khoản 1 Điều 29 Nghị định 104/2006/NĐ-CP quy định tác giả được hưởng 30% số tiền bản quyền thu được. Các quy định nói trên chưa đề cập đến quyền lợi của Tổ chức, cá nhân trực tiếp chuyển giao công nghệ; tỷ lệ tác giả được hưởng còn thấp.
- Luật Chuyển giao công nghệ chưa quy định rõ trình tự, thủ tục xác định giá trị của công nghệ và chưa đề cập đầy đủ các hình thức chuyển giao công nghệ (ví dụ: bán công nghệ).
6.3. Về các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao TBKT vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn
- Chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích đối với các tổ chức khác (Hội, Hiệp hội, các tổ chức tư nhân, cá nhân...) tham gia vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao TBKT trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Chưa có chính sách ưu đãi về tín dụng cho các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập vay để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao TBKT trong nông nghiệp, nông thôn.
6.4. Về chính sách đối với cán bộ KHCN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn
- Nhà ở cho các cán bộ KHCN và chuyển giao TBKT trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập. Sau khi nhà nước bỏ chế độ phân phối nhà, cán bộ công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp rất nhiều khó khăn; việc tuyển dụng mới cán bộ công chức, viên chức cũng gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được với doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực hoặc tổ chức khác có điều kiện tốt hơn. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới và khu vực vẫn duy trì nhà công vụ cho cán bộ khoa học trong thời gian làm việc tại các tổ chức khoa học công nghệ và chuyển giao TBKT.
- Chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ khoa học có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội.
- Điều kiện và môi trường làm việc của cán bộ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu trên đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi, xa các trung tâm văn hóa, chính trị, thu nhập lại thấp so với các ngành khác. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để đào tạo nâng cao trình độ và tạo điều kiện tốt cho họ gắn bó với nghề nghiệp lâu dài, thu hút được những thế hệ trẻ làm công tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN và TBKT lâu dài trong nông nghiệp, nông thôn.
II. THỰC TRẠNG KH&CN TRONG NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN
A. Thực trạng KH&CN trong nông nghiệp
1. Quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
1.1. Căn cứ xây dựng quy hoạch
- Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
- Căn cứ vào kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Căn cứ quy hoạch vùng rừng phòng hộ, đặc dụng.
1.2. Các văn bản phục vụ cho công tác quy hoạch
- Thông tư số 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
- Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
- Chiến lược phát triển các điểm dân cư nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Tổng quan bố trí dân cư các vùng thiên tai (sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ ống, lũ quét, ngập lũ đến năm 2020);
- Chỉ đạo 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn;
- Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai: vùng trung du miền núi Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá chung
a) Những mặt được:
- Khoa học công nghệ đã có đóng góp không nhỏ trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng nông lâm sản, góp phần thay đổi các tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh xuất khẩu. Trong 5 năm qua, về cơ bản đã chủ động về giống cây trồng, vật nuôi: đã có 396 giống cây trồng được công nhận (công nhận chính thức 145 giống, sản xuất thử 251 giống). Nhiều công trình nghiên cứu phát triển giống thủy sản đã được thực hiện: sản xuất giống tôm sú sạch bệnh, chọn giống nâng cao sinh trưởng cá rô phi nuôi ở vùng nước lợ mặn ven biển, sản xuất giống cá song hổ, cá chiên, mực,... Từ năm 2008 đến nay, đã có 162 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng. Nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất một số loại vacxin (tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn, kép nhược độc tụ huyết trùng, xoắn trùng vô hoạt dạng nước...).
- Hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang…, đem lại kết quả tốt (thu nhập 500-700 triệu/ha).
b) Về hạn chế, yếu kém:
- Nông nghiệp vẫn phổ biến là sản xuất manh mún, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, hàm lượng khoa học công nghệ/sản phẩm thấp so với một số nước trong khu vực Châu Á; chưa thích ứng với biến động của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại của nước ngoài.
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và thời vụ ở nhiều địa phương còn chậm, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sơ chế, bảo quản và chế biến sâu còn thấp.
- Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (tỷ trọng ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa cao) chưa có chuyển biến rõ rệt, chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, chưa tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông lâm sản.
- Công nghệ sau thu hoạch đa số còn thấp kém. Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn kém phát triển, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu nên chất lượng nhiều loại nông sản thấp, phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp, nhiều loại nông lâm thủy sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
2. Trong lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực trồng trọt và BVTV có 209 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN với tổng kinh phí là 305,725 tỷ đồng. Trong đó nghiên cứu về cây lúa có 34 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 53,21 tỷ đồng; về cây ngô có 7 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 12,2 tỷ đồng; đậu đỗ có 15 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 22,7 tỷ đồng; cây rau có 14 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 18,43 tỷ đồng; cây có củ 13 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 18,95 tỷ đồng; cây ăn quả có 22 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 30,02 tỷ đồng; cây công nghiệp có 31 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 48,195 tỷ đồng; cây hoa có 6 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 10,19 tỷ đồng; bảo vệ thực vật có 27 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 38,7 tỷ đồng; đất phân bón có 27 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 34,26 tỷ đồng và các nhiệm vụ nghiên cứu khác có 13 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 18,87 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 3). Sau đây là một số kết quả nổi bật của lĩnh vực trồng trọt-bảo vệ thực vật giai đoạn 2008-2013.
2.1. Chọn tạo giống mới:
- Chọn tạo giống lúa: 102 giống lúa mới được công nhận cho sản xuất (39 giống lúa cho các tỉnh phía Bắc và 63 giống cho các tỉnh phía Nam) trong đó có 35 giống chính thức và 67 giống công nhận cho sản xuất thử.
Chọn tạo giống ngô: có 27 giống ngô đã được công nhận cho sản xuất (11 giống mới và 16 giống công nhận cho sản xuất thử các giống ngô tạo ra có năng suất trung bình đạt 7 - 10 tấn/ha, có những giống đạt năng suất tới 12 tấn/ha (LVN61), tương đương so với các giống do các công ty nước ngoài giới thiệu vào Việt Nam. Ngoài ra, 12 giống ngô lai mới có tiềm năng năng suất 10-12 tấn/ha đã được khẳng định trong thử nghiệm và sản xuất.
Cây đậu đỗ: có 25 giống đậu đỗ đã được công nhận cho sản xuất (15 giống được công nhận chính thức và 10 giống công nhận cho sx thử) trong đó có 10 giống lạc, 13 giống đậu tương và 2 giống vừng và đậu xanh. Một số giống lạc thích hợp cho vùng thâm canh cho năng suất 40 - 50 tạ/ha. Các giống đậu tương có năng suất đạt trên năng suất đạt từ 21 - 25 tạ/ha, ở những nơi thâm canh tốt có thể đạt 26 - 28 tạ/ha, cao hơn các giống phổ biến tại địa phương từ 10 - 20%
Cây có củ: Đã có 13 giống cây có củ đã được chọn tạo và chuyển giao vào sản xuất, gồm 4 giống khoai tây; 4 giống khoai lang, 01 giống dong giềng và 2 giống sắn và 2 giống khoai môn. Các giống khoai tây có năng suất bình quân đạt 20 - 25 tấn/ha, có hàm lượng chất khô cao, thích hợp cho ăn tươi và chế biến. Các giống khoai lang có năng suất đạt 15 - 20 tấn/ha, 3 giống khoai lang rau có chất lượng tốt thích hợp với ăn rau tươi phù hợp với sản xuất vụ xuân và đông ở ĐBSH, vụ xuân ở Bắc Trung bộ. Giống sắn NA1 năng suất cao 55 -70 tấn/ ha đứng đầu các giống sắn ở Việt Nam hiện nay thích hợp cho vùng Bắc Trung bộ và miền núi.
Giống rau: Có 15 giống rau được công nhận trong nước phù hợp với một số vùng sinh thái trong nước gồm 7 giống cà chua; 3 giống dưa chuột; 2 giống dưa hấu và 3 giống bí xanh, mướp đắng giống ớt lai. Các giống cà chua, dưa chuột mới tạo ra trong nước có năng suất cao, chống chịu khá với sâu bệnh hại chính.
Giống Nấm: 10 giống nấm ăn đã được công nhận và giới thiệu cho sản xuất. Các giống nấm được tuyển chọn có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện nuôi trồng ở các mùa vụ và các vùng trong cả nước nấm Mỡ, nấm Sò, nấm Kim châm, nâm Chân dài, và mộc nhĩ...
Giống hoa: Đã chọn tạo và cung cấp cho thị trường 26 giống hoa mới, gồm 8 giống công nhận chính thức và 18 giống công nhận cho sản xuất thử các chủng loại hoa được công nhận là đa dạng phù hợp với mùa vụ trồng và thị hiếu của người tiêu dùng.
Giống cây ăn quả: Đã tuyển chọn và giới thiệu được 20 giống cây ăn quả cho cả nước bao gồm 3 giống nhãn, 2 giống vải, 2 giống xoài, 5 giống cam bưởi, 01 giống dứa, 01 giống chuối, 4 giống bơ, và 01 giống thanh long ruột đỏ.
Giống cây công nghiệp: 43 giống cây công nghiệp đã được chọn tạo, tuyển chọn giới thiệu ra ngoài sản xuất bao gồm: 9 giống chè, 8 giống cà phê, 2 giống ca cao, 14 giống mía, 2 giống cao su, 4 giống điều và 4 giống dâu lai cùng 39 tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.
2.2. Các Tiến bộ kỹ thuật
- TBKT trong trồng trọt: Từ năm 2008 tới nay đã có 39 tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép áp dụng vào sản xuất. Nhiều quy trình kỹ thuật làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân như Quy trình ghép cải tạo vườn xoài năng suất thấp làm tăng năng suất từ 1,5-2,5 lần. Kỹ thuật cắt tỉa sau thu hoạch và điều khiển ra hoa cho giống xoài GL6 trồng một số tỉnh miền Bắc, năng suất đạt 24 tấn/ha, cao hơn sản xuất 5-6 lần. Quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng và hoa cúc bằng phương pháp giâm cành, nâng tỷ lệ sống của hoa hồng từ 50 lên 90%, của hoa cúc từ 70 lên 100%. Quy trình xử lý, bảo quản hoa cắt cành: nâng cao giá trị sử dụng hoa, thời gian bảo quản kéo dài từ 7-10 ngày, chất lượng hoa sau bảo quản tương đương với hoa không bảo quản. Quy trình sử dụng xác hữu cơ chế phủ cho sản xuất lạc. Quy trình che phủ đất bằng vật liệu hữu cơ trong canh tác đất dốc bền vững.
- TBKT về bảo vệ thực vật: Một số chế phẩm phân bón và bảo vệ thực vật đã được công nhận và giới thiệu ra ngoài sản xuất như: Chế phẩm thảo mộc CE-02 và CE-03 trừ ốc bươu vàng có hiệu quả cao; bả Protein (Entopro) có hiệu quả cao trong phòng trừ ruồi; chế phẩm Pheromone trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu keo da láng có hiệu quả cao; qui trình phòng trừ ruồi đục quả, rầy chổng cánh trên các loại cây ăn quả chủ lực; qui trình IPM phòng trừ bệnh Vàng lá Greening trên cây cam quýt, qui trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn, phòng trừ kiến trên cây thanh long, bệnh xì mủ trên cây sầu riêng và cam quýt, bưởi; quy trình PTTH bệnh phấn trắng, nấm hồng trên cây cao su. Các loại chế phẩm sinh học: SOFRI - Protein trừ ruồi đục quả, SOFRI - Trừ Kiến, SOFRI - Trichoderma, SOFRI - Streptomyces trừ bệnh hại rễ cây ăn quả, rau và hoa, SOFRI - Paecilomyces trừ rầy chổng cánh rệp sáp, chế phẩm vi sinh BTEC giúp cây cố định đạm và phân giải lân trong đất hữu dụng cho cây trồng; chế phẩm sinh học SH-1 phòng trừ tuyến trùng và nấm bệnh hại rễ cà phê, hồ tiêu.
3. Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực chăn nuôi có 504 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN và chuyển giao công nghệ và TBKT với tổng kinh phí là 279,44 tỷ đồng, trong đó: các nghiên cứu về gia cầm, thủy cầm và đà điểu có 156 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 101,432 tỷ đồng; về lợn có 146 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 88,918 tỷ đồng; về bò thịt, bò sữa có 141 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 64,304 tỷ đồng; về trâu có 30 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 11,732 tỷ đồng; về dê, cừu có 31 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 13,054 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 4a,b).
Trong 5 năm qua lĩnh vực chăn nuôi đã có 134 công trình nghiên cứu khoa học nổi bật và phần lớn đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại các vùng sinh thái trên cả nước. Đã có 48 TBKT, trong đó có 4 dòng, giống lợn mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 4 dòng vịt mới, 2 tổ hợp lai đà điểu, 1 tổ hợp bò lai hướng thịt và một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bền vững, trồng cỏ và chế biến thức ăn chăn nuôi đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực thú y có 41 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN và chuyển giao công nghệ và TBKT với tổng kinh phí là 46,12 tỷ đồng.
Một số sản phẩm KHCN nổi bật 5 năm qua đã chuyển giao vào sản xuất như sau:
3.1. Các giống gia cầm, thủy cầm
Tổ hợp lai giữa gà hướng thịt giống nội (gà Mía, Móng, Hồ) với LV tạo con lai có màu lông giống gà địa phương, lớn nhanh so với các giống gà nội địa phương. Năng suất thịt 84-91 ngày vượt 30-40%, sản phẩm thịt đồng đều, xuất bán cùng thời gian đã tạo được các vùng nuôi gà chăn thả thâm canh gọi là gà đồi có quy mô hàng triệu con đảm bảo vùng sản xuất an toàn sinh học tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Một số giống gà như VCN-G15, Gà Ai cập, tổ hợp lai giữa gà nội và ba giống gà nhập HW, RID và Pgi; dòng gà lai TP1, TP2, TP3 và TP4 và nhóm LV1; LV2 và LV3 cũng đang được thị trường ưa chuộng do có năng suất cao và chất lượng thịt thơm ngon mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Theo tính toán sơ bộ chăn nuôi giống gà này tại các hộ gia đình thu lợi nhuận 15-20% góp phần xóa đói giảm nghèo ở các tính vùng sâu vùng xa.
Tạo ra 4 dòng vịt siêu thịt cho năng suất và chất lượng cao tăng được 10% năng suất trứng, tăng được 7 - 12% năng suất thịt, khối lượng vịt thương phẩm đạt 3 - 3,6kg, so với vịt của Anh và Pháp đạt 97-100%. Tạo ra được 4 dòng vịt siêu trứng năng suất trứng tăng 10%, năng suất trứng đạt 270 - 285 quả/mái/năm. Tạo được 6 dòng ngan siêu thịt có năng suất tương đương ngan Pháp nhập nội. Kết quả đã giảm được rất nhiều kinh phí nhập giống từ nước ngoài giá thành bằng 30% nhập ngoại. Hiện nay hàng nghìn mô hình ấp trứng đã và đang xây dựng và chuyển giao để cung cấp con giống cho người chăn nuôi trên toàn quốc, hạn chế nhập lậu giống.
Xây dựng thành công quy trình nuôi thủy cầm đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt là phương thức nuôi vịt trên khô không cần nước bơi lộ để phục vụ cho đồng bào miền Trung du miền núi là những vùng không có diện tích ao hồ, sông ngòi nhiều mà vẫn chăn nuôi được vịt ngan.
Áp dụng thành công lần đầu tiên ở Việt Nam công nghệ thụ tinh nhân tạo ngan - vịt đã tạo con lai ngan vịt cho năng suất thịt rất cao 3,6-4kg; kỹ thuật nhồi lấy gan béo cho khối lượng gan béo từ 400-1200g là loại thực phẩm cao cấp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
3.2. Các giống lợn
Các dòng lợn nguồn gốc PIC sau 13 năm nuôi giữ có năng suất vẫn được ổn định: số con sơ sinh sống là 11,3 con; số con cai sữa/ổ là 10,3 con; số lứa đẻ/nái/năm là 2,21 lứa; chi phí thức ăn cho kg tăng trọng đã giảm đáng kể (2,8kg thức ăn/kg tăng trọng năm 2001 giảm còn 2,6kg/kg tăng trọng năm 2009); bình quân số lợn con cai sữa/nái/năm: 23-24 con. Đã nghiên cứu tạo ra 2 dòng nái tổng hợp và 2 dòng đực tổng hợp chất lượng cao. Lợn nái Bố mẹ và lợn thịt thương phẩm của các dòng này luôn được đánh giá là phù hợp với chăn nuôi trang trại của Việt Nam.
3.3. Các giống bò sữa, bò thịt
- Đàn bò sữa: Áp dụng các TBKT đã tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý và nuôi dưỡng bò sữa năng suất cao. Đánh giá tiềm năng năng suất sữa của bò đực giống qua đời sau; xây dựng đàn hạt nhân bò sữa cao sản.
- Đàn bò thịt: Các tổ hợp lai giữa các giống bò chuyên thịt như Red Angus và Drought Master với bò lai zêbu đã nâng cao rõ rệt khả năng tăng trọng, tỷ lệ thịt xẻ của bò lai F1 - cao hơn 30% so với bò lai zêbu với bò vàng địa phương.
3.4. Các giống dê, cừu
Sử dụng dê chuyên thịt Boer lai với dê (Bách Thảo x cỏ) phát triển ra trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Năng suất dê lai giữa dê Boer với dê (Bách Thảo x Cỏ) lúc 9 tháng tuổi cao hơn dê (Bách Thảo x Cỏ) là 6-7kg. Các giống dê này cho năng suất cao dê thịt lúc trưởng thành nặng tới 100-120kg, tỷ lệ thịt xẻ 54-55% cao hơn nhiều so dê nội và dê lai trước đây. Dê chuyên sữa Saanen khả năng cho sữa cao trung bình 2,8-3,2 lít/ngày (có con cao sản cho 4-4,5 lít/ngày). Sữa dê lần đầu tiên xuất hiện thành sản phẩm hàng hóa được ưa chuộng ở Việt Nam và có giá 25.000-26.000 đ/lít.
Hiện nay một số giống cừu ngoại như Suffort và Dopper đã được nhập về từ Úc và giống cừu Ả rập cũng được đưa vào nước ta để nuôi thích nghi, đáp ứng cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu đặc biệt là sang thị trường Ả Rập.
3.5. Các kết quả bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi Việt Nam
Đã bảo tồn được 28 giống vật nuôi có nguy cơ truyệt chủng. Một số giống khác đã và đang được phát triển thành sản phẩm hàng hóa như cừu Phan Rang từ 1000 con (1990) tăng lên 120000 (2012) con. Hàng năm có 3,5 triệu gà H’Mong thương phẩm được sản xuất. Hiện đã có 34 tỉnh thành nuôi gà này.
3.6. Các kết quả nghiên cứu về Thú y và vi sinh
Đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất một số loại vacxin: Vacxin tụ huyết trùng trâu bò, sản xuất từ vi khuẩn Pasteurella multocida chủng Iran, sử dụng tiện lợi, an toàn và hiệu lực cao. Vacxin dịch tả lợn đông khô: sản xuất từ virut dịch tả lợn nhược độc chủng C, có tính ổn định cao về an toàn và hiệu lực. Vacxin dịch tả lợn nhược độc đông khô phòng bệnh dịch tả cho lợn sau cai sữa. Vacxin kép nhược độc tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn đông khô: có tính ổn định cao về an toàn và hiệu lực, rất tiện lợi cho việc sử dụng. Vacxin xoắn trùng vô hoạt dạng nước phòng bệnh xoắn trùng cho trâu, bò, lợn, miễn dịch kéo dài 6 tháng. Vacxin tụ huyết trùng trâu bò, Vacxin kép nhược độc tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn đông khô, Vacxin viêm gan vịt-ngan nhược độc đông khô. Khẳng định được tính năng và hiệu quả của vacxin phòng chống bệnh Lở mồm long móng (LMLM) Nhị type O-ASEAN của công ty Công nghệ sinh học Lan Châu Trung quốc để đưa vào chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM. Thu thập được 4 chủng virus Bệnh lở mồm long móng gây bệnh ở địa phương (O, Ox, A và Asia 1), phân lập được virus LMLM từ 8 ổ dịch. Đã phân lập và định type của 337 chủng virut cúm lưu hành trong đàn gia cầm ở Việt Nam.
- Chế phẩm sinh học: Kháng thể khác loài phòng trị bệnh tiêu chảy bò, bê do vi khuẩn E.coli và Salmonella gây ra, giá thành hạ, hiệu quả khỏi 70-80% bê nghé bị bệnh sau 3-5 ngày điều trị. Kháng nguyên chất tiết sán lá gan lớn đã tinh chế, được Hội đồng Bộ nghiệm thu và công nhận đưa vào TBKT và cho phép dùng để chẩn đoán bệnh Sán lá gan lớn ở gia súc và người. Sản xuất thành công sản phẩm probiotic dạng bột và dạng lỏng phục vụ các thí nghiệm trên lợn và gia cầm. Các sản phẩm Probiotic dạng lỏng và dạng bột đã làm giảm chi phí thức ăn/kg tăng trọng lợn, gia cầm từ 15 - 20%. Kháng thể bột lòng đỏ trứng gà phòng trị bệnh tiêu chảy, phù đầu lợn do vi khuẩn E.coli gây ra, hiệu quả khỏi 80-90% sau 2-3 ngày điều trị. Kháng nguyên chất tiết sán lá gan lớn đã tinh chế được công nhận TBKT và cho phép dùng để chẩn đoán bệnh Sán lá gan lớn ở gia súc và người.
3.7. Kết quả chuyển giao TBKT và thương mại hóa sản phẩm
- Về giống gia súc: Trung bình mỗi năm đã chuyển giao vào sản xuất khoảng 1700 con lợn giống ông bà, bố mẹ, sản xuất được 600.000 liều tinh bò; bảo quản tinh bò đông lạnh 1.300.000 liều, sản xuất và tiêu thụ môi trường pha loãng và bảo tồn tinh dịch lợn 12.000 lít, cung cấp cho sản xuất hơn 450 dê giống, 6500 thỏ giống và 150 con cừu giống cho sản xuất, 1.000 liều tinh trâu.
- Về giống gia cầm: Hàng năm, đã cung cấp cho thị trường 13.786.047 gà các loại; vịt các loại 1.559.225 con; ngan giống 229.795 con; trứng các loại 12.097.754 quả; 6.000 chim trĩ giống.
- Đào tạo, huấn luyện
Đã tổ chức 65 - 75 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật Chăn nuôi cho 120.000 - 200.000 học viên. Tổ chức tập huấn và hội nghị đầu bờ trên 100-200 đợt, có từ 10.000 -18.000 lượt người tham dự về giống mới và kỹ thuật chăn nuôi; về chăn nuôi bền vững và quản lý hợp lý nguồn tài nguyên đất và nước, giảm ô nhiễm môi trường;...
- Chuyển giao các TBKT lĩnh vực thú y
Đã cấp phép sản xuất gần 50 loại vacxin phòng cho trâu bò, lợn, dê, thỏ, gia cầm, thủy cầm trên địa bàn cả nước.
Hiện nay, một số sản phẩm vacxin mới đã được nghiên cứu thành công và sẵn sàng chuyển giao phục vụ công tác phòng bệnh cho lợn như:
- Vacxin phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho lợn;
- Vacxin phòng bệnh tiêu chảy cho con (tiêm cho mẹ)
- Vacxin viêm phổi màng phổi do Actinobacillus pleuropneumoniae
- Vacxin phòng bệnh thối loét da thịt do Staphylococcus
- Vacxin phòng bệnh do Streptococcus
- Vacxin giải độc tố phòng bệnh tiêu chảy ở lợn do Clostridium perfringens.
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực Lâm nghiệp có 204 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí là 253,678 tỷ đồng, trong đó về chính sách lâm nghiệp có 10 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 12,750 tỷ đồng; công nghiệp rừng có 30 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 53,500 tỷ đồng; giống và trồng rừng có 46 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 112,988 tỷ đồng; môi trường rừng có 8 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 15,47 tỷ đồng; rừng tự nhiên có 9 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 17,65 tỷ đồng và lâm sản ngoài gỗ có 11 nhiệm vụ với tổng kinh phí 41,320 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 5).
Sau đây là một số kết quả nổi bật giai đoạn 2008-2013 của lĩnh vực lâm nghiệp:
4.1. Về chọn tạo giống
Chọn lọc, lai tạo các giống mới có năng suất cao và/hoặc chất lượng tốt cho rừng trồng nguyên liệu giấy và cung cấp gỗ xẻ là hướng đi hứa hẹn nhiều triển vọng. Đến nay, 158 giống mới của các loài cây trồng chủ lực (Keo, Bạch đàn, Tràm, Thông) có năng suất cao, trong đó một số giống có khả năng chống chịu bệnh, điều kiện khô hạn, nóng, cát bay một số giống có chất lượng gỗ phù hợp với gỗ giấy và gỗ xẻ, đã được công nhận và đang phát huy tác dụng tốt cho trồng rừng sản xuất, phòng hộ.
4.2. Về biện pháp kỹ thuật trồng rừng
- Đã phân chia lập địa, xác định điều kiện và kỹ thuật gây trồng rừng cho các loài Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn nâu, Luồng, Thông caribê, Thông mã vĩ, Thông nhựa, Thông ba lá, Dầu nước, Sao đen, Vối thuốc, Giổi bắc, Lát Mexico, Tống quá sủ, Xà cừ lá nhỏ, Chiêu liêu, Thúi, Thanh thất, Mỏ chim, Lò bo, Dầu cát, Gáo trắng, Soi phảng, Dà vôi, Mắm trắng, Vẹt tách, Su MeKong, Tràm.
- Đã xác định được các giải pháp kỹ thuật quản lý lập địa cho trồng rừng Bạch đàn, Keo bền vững có năng suất cao.
- Xác định được kỹ thuật chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn và kỹ thuật trồng rừng cung cấp gỗ lớn cho các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm và Keo lai với chu kỳ kinh doanh dài (>15 năm), năng suất đạt trên 20m3/ha/năm, kỹ thuật trồng rừng cung cấp gỗ lớn chu kỳ trên 30 năm với các loài cây bản địa như Dầu rái, Giổi xanh, Re gừng... năng suất đạt >10m3/ha/năm, hướng tới đạt các tiêu chuẩn về môi trường và chứng chỉ rừng FSC.
4.3. Về quản lý bảo vệ rừng
- Đã nghiên cứu, xây dựng quy trình và sản xuất các chế phẩm vi sinh hỗn hợp dạng viên nén MF1 cho cây Thông và MF2 cho cây Bạch đàn, trồng trên lập địa thoái hóa có tác dụng tăng mức sinh trưởng 13-65%, giảm tỷ lệ bị bệnh từ 70-89% đối với Bạch đàn; làm tăng sinh trưởng 12-72%, giảm tỷ lệ bị bệnh từ 64-89% đối với Thông,…
- Đã xác định được 22 loài sinh vật gây bệnh cho bạch đàn và keo. Tuyển chọn được 186 cây trội cho 2 nhóm loài, công nhận được 20 giống kháng trong đó có 16 giống tiến bộ kỹ thuật và 2 giống Quốc gia.
- Đã tuyển chọn được 03 loại thuốc Lenfos, Lentreck, Termidor có hiệu lực phòng trừ mối và kỹ thuật sử dụng để bảo vệ rừng trồng keo và bạch đàn. Đề xuất 02 quy trình phòng trừ tổng hợp mối hại bạch đàn và keo.
- Đã nghiên cứu và hoàn thiện được phương pháp dự báo và phần mềm cảnh báo cháy rừng ở Việt Nam. Trong đó, đã cải tiến được phương pháp dự báo cháy rừng có tính đến các yếu tố khí tượng và kiểu rừng, đồng thời hệ số K có nhiều giá trị tương ứng với lượng mưa ngày.
- Đã thiết kế, chế tạo thành công máy phun đất cát chữa cháy rừng (cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 936), xe chữa cháy rừng đa năng (được cấp bằng độc quyền sáng chế số 994) và máy chữa cháy rừng bằng sức gió cho năng suất và hiệu quả dập lửa cao, góp phần hạn chế diện tích rừng bị cháy, giảm nhẹ sức lao động của người chữa cháy rừng, từ đó giảm thiệt hại kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
4.4. Về rừng tự nhiên
- Đã xây dựng được phương pháp lập biểu thể tích gỗ thân, cành, ngọn cây đứng cho một số loài cây khai thác chủ yếu trong rừng tự nhiên ở Việt Nam; Đồng thời đã lập được 72 biểu thể tích hai nhân tố, trong đó có 1 biểu thể tích chung, 5 biểu thể tích theo tổ hình dạng và 66 biểu thể tích theo loài cây trên phạm vi toàn quốc cho rừng tự nhiên Việt Nam. Đã xây dựng được phần mềm sử dụng biểu cho 72 biểu thể tích hai nhân tố nêu trên. Kết quả này nhằm phục vụ công tác thiết kế khai thác tại các địa phương được cấp phép khai thác rừng tự nhiên.
- Đã xây dựng được chương trình phục vụ quản lý, giám sát và tìm kiếm diện tích rừng và đất rừng, khoán cho hộ gia đình, chương trình hỗ trợ công tác quy hoạch trồng rừng sản xuất với mục đích quản lý, giám sát lâm phận sau giao khoán dựa trên công nghệ thông tin và kỹ thuật GIS.
4.5. Về công nghiệp rừng
- Đã thiết kế, chế tạo thành công nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến quy mô sản xuất công nghiệp, có hệ thống che sáng, tưới phun thông gió được điều khiển tự động hoàn toàn hoặc bán tự động. Nhà Giâm hom này có thể giâm hom được cả các loài cây bản địa khó ra rễ và sản xuất được cây giống chất lượng cao trong mùa đông lạnh, mây mù kéo dài và mùa gió Lào, đảm bảo có cây giống kịp thời vụ trồng rừng và giảm giá thành sản xuất cây giống;
- Thiết kế và chế tạo thành công các thiết bị chuyên dụng phục vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng: Thiết bị nhổ gốc cây, cày ngầm làm đất trồng rừng, cải tiến cày không lật chăm sóc rừng; máy phun thuốc trừ sâu cho độ cao phun trên 10 m; máy phun thuốc diệt cỏ cho rừng trồng.
- Đã tập trung nghiên cứu đặc điểm, tính chất cơ lý gỗ, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hơn 300 loại gỗ, xây dựng cơ sở khoa học cho phân chia các nhóm gỗ phục vụ chế biến, sử dụng gỗ.
- Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình công nghệ bảo quản gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất ván ghép thanh, ván dán; gỗ dùng trong xây dựng; gỗ cột cọc thay thế gỗ rừng tự nhiên sử dụng ngoài trời để làm trụ chống cho Hồ tiêu, Thanh long; gỗ đóng tàu thuyền đi biển. Xây dựng quy trình công nghệ bảo quản tre, nứa, song, mây phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
- Đã nghiên cứu đề xuất được nhiều loại thuốc bảo quản lâm sản và thuốc phòng trừ mối. Đã nghiên cứu thành công các loại thuốc bảo quản lâm sản sinh học có hiệu lực tốt, an toàn với môi trường.
- Đã xác định được các thông số công nghệ để sản xuất ván sàn gỗ công nghiệp từ 05 loại gỗ: Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lai, Bạch đàn, Mỡ; xây dựng được 5 quy trình công nghệ sản xuất ván sàn gỗ công nghiệp cho 5 loại gỗ trên.
4.6. Về Môi trường rừng
- Đã đề xuất 11 giải pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường cho rừng trồng cao su trên đất dốc, trong đó có 8 giải pháp tăng cường bảo vệ đất và nước và 4 giải pháp tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học.
- Đã xây dựng được bảng tra khối lượng thể tích gỗ các loài của 3 kiểu rừng (rụng lá, lá rộng thường xanh và bán thường xanh) ở Tây Nguyên, xác định được trữ lượng các bon của 3 kiểu rừng trên và xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định lượng các bon tích lũy đối với rừng tự nhiên ở Tây Nguyên, góp phần phục vụ kiểm kê khí nhà kính, các hoạt động liên quan đến giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng....
- Đã xác định được các giải pháp sử dụng rừng để chắn sóng ven biển và giảm lũ ở Việt Nam; xác định diện tích và phân bố rừng cần thiết cho giảm lũ ở lưu vực; Bản đồ phân bố rừng phòng hộ chắn sóng ven biển; Xác định vị trí cần bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng ven biển; Thống kê diện tích rừng phòng hộ chắn sóng ven biển; Các giải pháp tổng thể cho quản lý rừng chắn sóng.
- Đã xây dựng được bản hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp. Bản hướng dẫn trình bày cụ thể các bước và phương pháp tiến hành kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp dựa trên các yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính của Ủy ban liên chính phủ (IPCC); Xây dựng được phần mềm kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp và Đề xuất và phân tích 9 phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lâm nghiệp.
4.7. Về kinh tế lâm nghiệp và lâm nghiệp xã hội
- Đã nghiên cứu xác định giá trị cây đứng, giá trị quyền sử dụng của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng Keo lai, Keo tai tượng, Bạch đàn nâu, Thông mã vĩ, Thông nhựa; Xác định giá trị bảo vệ đất chống xói mòn, điều tiết nguồn nước; giá trị phòng hộ ven biển của rừng ngập mặn; Xác định giá trị hấp thụ các bon của rừng một số kiểu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, của rừng trồng Keo lai, Keo tai tượng, Bạch đàn nâu, Thông mã vĩ, Thông nhựa.
- Đã xây dựng được khung giá trị kinh tế môi trường rừng phòng hộ vùng ven biển cho 2 vùng sinh thái: Duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ dựa trên tổng giá trị kinh tế của rừng, cung cấp cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách về quản lý rừng phòng hộ ven biển, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia vào quản lý và phát triển rừng phòng hộ; các chính sách đầu tư phù hợp cho rừng phòng hộ ven biển; chính sách chi trả dịch vụ môi trường đối với rừng phòng hộ ven biển...; Xây dựng được hướng dẫn lượng giá giá trị kinh tế môi trường rừng phòng hộ ven biển. Hướng dẫn này cung cấp phương pháp và các bước tiến hành lượng giá giá trị kinh tế - môi trường của rừng phòng hộ ven biển phù hợp với quan điểm quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực thủy sản có 132 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN và chuyển giao công nghệ và TBKT với tổng kinh phí là 109,105 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 6). Sau đây là một số kết của nổi bật của lĩnh vực thủy sản:
5.1. Nuôi trồng Thủy sản
Đã tạo ra và từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực: tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá rô phi, cua biển, ốc hương, cá giò, cá song, tôm càng xanh,... và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh. Bước đầu ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến để chọn tạo đàn bố mẹ có đặc tính kháng bệnh, tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, hàu, tôm sú, hàu, cá chẽm, cá giò... Làm chủ công nghệ sản xuất giống và công nghệ nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống như: cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá điêu hồng, cá lóc,.... Nghiên cứu đặc điểm sinh học và bước đầu đưa ra được công nghệ sản xuất giống một số đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao và bảo tồn nguồn gen: cá hô, cá chiên, cá lăng, hải sâm cát, tu hài, bào ngư, ngán, tôm tít, mực nang, tôm mũ ni...
Di nhập, thuần hóa và bước đầu tạo ra công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số đối tượng có giá trị kinh tế như: cá hồi vân, cá tầm Sibiri, cá tâm Nga, cá măng biển, hàu Thái Bình Dương, cá chim vây vàng, tôm hùm nước ngọt... góp phần hình thành nghề nuôi cá tầm, cá hồi ở Việt Nam. Tạo ra công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm he chân trắng, cá tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các công nghệ nuôi tiên tiến tôm sú, tôm càng xanh, cá rô phi, cá giò, cá hồng Mỹ, cá vược, cá song... Bước đầu tạo ra công nghệ và thiết bị nuôi cá biển trong lồng ở vùng biển hở.
Nghiên cứu thành công tác nhân và cơ chế gây bệnh một số bệnh phổ biến trên thủy sản nuôi như: bệnh đốm trắng, đầu vàng, tôm còi, phấn trắng trên tôm nuôi; bệnh gan thận mủ trên cá tra, bệnh trắng sữa trên tôm hùm,... Đã xác định được các nguyên nhân chủ yếu gây hội chứng tôm chết sớm và đang thử nghiệm các giải pháp phòng, trị tổng hợp ở qui mô thực tế. Tạo ra được các bộ KIT và tổ hợp mồi trong phát hiện và chẩn đoán một số bệnh chủ yếu trên tôm, cá nuôi. Nghiên cứu chiết xuất các hợp chất thiên nhiên và sản xuất thành công một số chế phẩm trị bệnh cho tôm nuôi và cá tra. Tạo ra các giải pháp quản lý nguồn nước, môi trường để giảm các tác nhân gây bệnh và hạn chế sự lây truyền dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản. Tạo ra các công nghệ tẩy, rửa, xử lý các chất thải trong ao nuôi và cơ sở chế biến thủy sản.
5.2. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch
Tạo ra công nghệ chế biến thức ăn thô, thức ăn tổng hợp nuôi một số đối tượng thủy sản nuôi truyền thống như: cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép... Nắm được nhu cầu dinh dưỡng của các đối tượng nuôi quan trọng và bước đầu tạo ra công nghệ sản xuất thức ăn tổng hợp nuôi cá tra, tôm sú, cá rô phi, cá giò, cá hồng Mỹ, tôm càng xanh, ốc hương, cá trắm đen,...
Tạo ra quy trình kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác theo các phương pháp khác nhau phù hợp điều kiện tàu cá Việt Nam đối với một số sản phẩm chính như: cá ngừ đại dương, mực, cá thu, cá ngừ, cá nổi nhỏ... Hoàn thiện quy trình lưu giữ và vận chuyển một số đối tượng thủy sản nuôi quan trọng như: tôm sú, tôm hùm, ốc hương, cá song.... Chiết xuất thành công một số hoạt chất như: TTX từ cá nóc, Collagen từ xương cá, chitin từ vỏ tôm... Tạo ra công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng: surimi, bao bột, xông khói, chả cá... từ cá mè, cá tra, cá giò, tôm sú, cá thát lát....
Thiết kế và chế tạo một số loại máy móc, thiết bị phục vụ trên tàu khai thác thủy sản như: máy tời thu, thả dây câu; tời thu lưới vây; tời thu lưới kéo; máy bắn câu; hệ thống trích lực từ máy chính. Tạo ra công nghệ sản xuất vỏ tàu composite bằng khuôn rời; công nghệ tráng, phủ composite cho tàu vỏ gỗ. Thiết kế được giàn phơi mực tháo, lắp nhau cho tàu câu mực đại dương để tăng độ an toàn cho tàu. Hệ thống sấy khô trên tàu. Thiết kế và chế tạo thành công hệ thống thiết bị phục vụ ao nuôi, phân loại, sơ chế, chế biến tôm sú, cá tra, mực...
5.3. Nguồn lợi và khai thác thủy sản
Nghiên cứu thành công mối quan hệ giữa môi trường và một số đối tượng khai thác chủ lực: cá ngừ đại dương, mực đại dương, cá ngừ, mực ống, sứa, trai tai tượng và một số đối tượng khác làm cơ sở cho dự báo ngư trường phục vụ sản xuất. Bước đầu ứng dụng công nghệ viễn thám để dự báo ngư trường có hiệu quả.
Thiết kế mới và cải tiến công nghệ khai thác mực bằng lưới chụp mực bốn tăng gông, công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới vây ở vùng biển xa bờ, công nghệ khai thác cá đáy bằng lưới kéo đôi xa bờ, lưới rê hỗn hợp khai thác ở vùng biển xa bờ, công nghệ khai thác cá ngừ đại dương, kỹ thuật sử dụng ánh sáng cho nghề lưới vây xa bờ, lưới rê tầng đáy khai thác tại các vùng rạn xa bờ...
5.4. Kinh tế và chính sách thủy sản
Đánh giá được tác động của một số yếu tố đầu vào cho sản xuất thủy sản góp phần xây dựng chính sách và biện pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản hiệu quả. Tổng kết và đề xuất được mô hình hợp tác xã thủy sản phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo ra được một số mô hình làng nghề thủy sản phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và tập quán sản xuất của các địa phương. Tạo cơ sở khoa học, thực tiễn cho xây dựng chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 và một số đề án phát triển ngành, nghề thủy sản khác.
Cung cấp dữ liệu, đánh giá rủi ro và lợi thế so sánh hệ thống sản xuất nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ cá tra, tôm nước lợ để đề xuất các chính sách phát triển và quản lý bền vững ngành hàng cá tra, tôm sú.
6. Cơ điện, bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực cơ điện, bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch có 25 đề tài với kinh phí 35,518 tỷ đồng trong đó: Cơ điện Nông nghiệp có 14 đề tài với tổng kinh phí 17,288 tỷ đồng và Công nghệ sau thu hoạch có 11 đề tài với kinh phí 16,230 tỷ đồng. Một số kết quả nổi bật sau:
6.1. Cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng một số cây trồng chính
Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa: Triển khai cơ giới hóa chăm sóc lúa như máy phun thuốc trừ sâu có năng suất và độ an toàn cao cho người sử dụng; Triển khai các loại máy đập và gặt đập lúa liên hợp với các công suất khác nhau cho hộ gia đình và trang trại, đặc biệt cho các nhà cung cấp dịch vụ để giảm tổn thất và giảm chi phí đập lúa vì thiếu nhân lực lao động, và cũng tiến tới giảm các máy nhập khẩu.
Cơ giới hóa sản xuất mía: Hệ thống máy móc và trang thiết bị phục vụ làm đất, chăm sóc như máy kéo nhỏ, lên luống, phay đất, rải phân giữa hàng, băm lá dạng phay, cày xới sâu không lật đất, v.v... nhằm nâng cao năng suất, giảm cường độ và chi phí lao động.
Cơ giới hóa sản xuất ngô và đậu đỗ: Thiết kế, chế tạo và chuyển giao các loại máy tẽ hạt ngô làm giống và ngô thương phẩm với tỷ lệ sót và vỡ hạt nhỏ và chi phí năng lượng riêng thấp. Đặc biệt, máy bóc bẹ tẽ hạt có thể bóc bẹ và tẽ được hạt từ ngô bắp có độ ẩm cao trên 25%. Các loại máy nêu trên được sử dụng tại các trạm, trại sản xuất ngô giống và ngô thương phẩm. Triển khai các trang thiết bị tuốt và làm sạch đậu tương hiệu suất cao, phù hợp với các hộ gia đình và trang trại theo quy mô công nghiệp.
Cơ giới hóa tưới tiêu: Xây dựng các mô hình hệ thống tưới phun, tưới nhỏ gọt và tưới thấm cho các loại cây trồng cho các vùng đất khác nhau ở đồng bằng, cao nguyên và miền núi, v.v.. Xây dựng các mô hình hệ thống bơm nước dạng hướng trục, trục đứng và ly tâm. Hoàn thiện thiết kế, chế tạo và chuyển giao các hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng tại các vùng đất khô địa hình đồi núi dốc, góp phần phát triển kỹ thuật và công nghệ thân thiện với môi trường.
6.2. Công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản và hạt giống
Dây chuyền đồng bộ chế biến các loại hạt giống cây trồng chất lượng cao: Triển khai các dây chuyền chế biến hạt giống lúa, ngô, đậu với hệ thống kiểm soát bán tự động bao gồm công nghệ và thiết bị theo cấp độ công nghiệp nhằm đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao và đảm bảo an ninh hạt giống cho Việt Nam.
Các máy sấy hạt nông sản quy mô đến 40 tấn/mẻ: Thực hiện thành công các công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai các loại máy sấy như máy sấy tĩnh theo từng mẻ, máy sấy dạng đứng, máy sấy thùng quay, máy sấy tháp, máy sấy hồi lưu, máy sấy dạng buồng, v.v..thiết lập một số dây chuyền sản xuất mới và các quy trình công nghệ liên quan phù hợp với yêu cầu thực tế của nông nghiệp.
Triển khai các loại máy sấy hạt, với các nguyên liệu chế tạo rẻ, sẵn có ngay tại địa phương, góp phần giảm tổn thất và đảm bảo chất lượng, nhất là cho vụ hè-thu và thời vụ có mưa.
Công nghệ và thiết bị sấy bơm nhiệt ứng dụng cho một số nông sản thực phẩm chất lượng cao: Triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy bơm nhiệt, khai thác tính cải thiện chất lượng sản phẩm nhờ cơ chế sấy nhiệt độ thấp và tính hiệu quả về nhiệt để tiết kiệm năng lượng sấy. Đã xây dựng được nhiều quy trình công nghệ sấy ứng dụng cho các nông sản chất lượng cao, hạt giống, rau gia vị, chế phẩm sinh học... chủ động thiết kế chế tạo đa dạng các quy mô thiết bị sấy bơm nhiệt đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Công nghệ và thiết bị bảo quản hạt giống nông sản: Các quy trình công nghệ khử trùng kết hợp kho lạnh đa chức năng điều tiết nhiệt ẩm, đảm bảo yêu cầu bảo quản các loại hạt giống khác nhau với chất lượng hạt giống (lúa, ngô, lạc): tỷ lệ nảy mầm 90 - 97%, sức nảy mầm > 87%; tỷ lệ hư hỏng < 3%;
6.3. Công nghệ và thiết bị sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi
Đã triển khai nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nhiều chế phẩm phục vụ bảo quản rau quả tươi ở các giai đoạn cận và sau thu hoạch, nhằm kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm.
Công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm tạo màng dùng cho bảo quản các loại rau quả tươi: Đã nghiên cứu tạo ra được 8 loại chế phẩm phủ màng. Các chế phẩm đã đăng ký chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. Thời hạn sử dụng (chưa mở nắp): 24 tháng. Có thể kéo dài thời gian bảo quản 2 - 3 lần ở nhiệt độ thường, chi phí bảo quản thấp phù hợp với đa dạng quy mô nhỏ, vừa và công nghiệp.
Công nghệ xử lý chế phẩm sinh học Retain trong giai đoạn cận thu hoạch, nhằm kéo dài thời gian bảo quản trên cây cho một số loại trái cây: Đã nghiên cứu ứng dụng và đánh giá hiệu quả của chế phẩm Retain chỉ cần xử lý 01 lần vào giai đoạn trước thu hoạch 01 lần/vụ, tiết kiệm thời gian và công xử lý. Không cần cách ly sau khi phun chế phẩm lên cây. Đạt hiệu quả cao chỉ cần thời gian sau 7 ngày xử lý biện pháp kỹ thuật. Giảm tỷ lệ rụng quả là 10-15%.
Các mẫu kho lạnh bảo quản theo các quy mô khác nhau để bảo quản các loại rau, quả tươi: Các kho lạnh đa năng có điều tiết nhiệt, ẩm được điều khiển giám sát tự động phù hợp với yêu cầu công nghệ bảo quản cho các các đối tượng rau quả khác nhau. Chuyên nghiệp hóa trong công tác chế tạo và lắp ráp kho bảo quản với mọi quy mô với giá thành chỉ bằng 50% so với nhập ngoại.
6.4. Công nghệ và thiết bị chế biến đa dạng hóa sản phẩm nông, lâm, thủy sản
Máy sấy và xông khói cá XKC 50: Chế tạo trong nước với trang bị hiện đại tiên tiến tạo ra được chất lượng sản phẩm cao đảm bảo các điều kiện xông khói, có giá thành bằng 30% so với của Trung Quốc, Đài Loan và chỉ bằng 15-20% so với các nước Châu Âu.
Công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất mứt khô, năng suất 5 tấn nguyên liệu/ngày: Đã hoàn thiện công nghệ sản xuất với quy mô công nghiệp, chế tạo được một số thiết bị chuyên dụng để tạo ra các loại mứt mơ khô, mứt sấu khô, mứt táo khô, mứt mận khô, mứt trám khô đều có chất lượng cảm quan tốt, hàm lượng đường cao, giá trị dinh dưỡng và năng lượng lớn. Đồng thời có độ ẩm thấp, áp suất thẩm thấu lớn nên có thể bảo quản lâu dài, đảm bảo an toàn VSTP, có khả năng bảo quản 12 tháng ở nhiệt độ phòng.
6.5. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Nhiều loại phân bón sinh học và chế phẩm đã được nghiên cứu và sản xuất: phân bón vi sinh; thuốc diệt các loài dịch bệnh và nấm; các chế phẩm sinh học dùng trong bảo quản và chế biến; hợp chất có hoạt tính sinh học dùng thức ăn chăn nuôi.
6.6. Cơ giới hóa chăn nuôi và thủy sản
- Các dây chuyền giết mổ gia cầm và lợn với quy mô tương ứng 500 và 50 con đã được ứng dụng một cách hiệu quả và đảm bảo vệ sinh và an toàn.
- Các dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi tiên tiến, đồng bộ, điều khiển tự động với các giải công suất: 2-3 tấn/giờ; 5-6 tấn/giờ; 10-12 tấn/giờ; 15-16 tấn/giờ và 25-30 tấn/giờ đã chuyển giao cho sản xuất mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp.
- Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản công suất: 300 - 400 kg/giờ và 1.000 - 1.500kg/giờ. Chất lượng thức ăn viên sản xuất ra đạt chất lượng cao, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường và giá thành dây chuyền chỉ bằng 50 - 60% dây chuyền cùng loại của nước ngoài.
6.7. Sản xuất muối theo công nghệ phơi cát
Đã cải tiến và đưa ra mô hình lọc nước chát ra giữa sân phơi cát, thiết bị lọc nước chát di động, phương án xử lý chống khô sân phơi cát cùng thiết bị xới tạo rãnh nâng cao sự thẩm thấu của nước biển vào sân phơi cát. Nhờ các phương pháp sản xuất này, đã giảm được gần 30% sức lao động và tăng năng suất và chất lượng muối đến 10-12%.
7. Về thủy lợi, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực Thủy lợi có 148 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí là 387,685 tỷ đồng. Trong đó cấp thoát nước và môi trường có 42 nhiệm vụ với tổng kinh phí 113,940 tỷ đồng; xây dựng các công trình thủy lợi có 35 nhiệm vụ với tổng kinh phí 90,65 tỷ đồng; phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu có 28 nhiệm vụ với tổng kinh phí 69,12 tỷ đồng; ứng dụng và phát triển KHCN thủy lợi phục vụ nông lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp và phát triển nông thôn có 26 nhiệm vụ với tổng kinh phí 85,05 tỷ đồng; các nghiên cứu khác có 17 nhiệm vụ với tổng kinh phí 28,925 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 6). Sau đây là một số kết quả nổi bật:
- Về đê biển, cửa sông ven biển: Đã ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển.
- Về chống úng ngập cho các thành phố: Đã đề xuất cơ sở khoa học cho việc quy hoạch chống úng ngập cho Tp Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt. Đã nêu ra được các nguyên nhân chính gây ra úng ngập thành phố Hồ Chí Minh như nước lũ và từ điều tiết các hồ chứa sông Đồng Nai; triều cường; nước mưa và nước thải thành phố.
- Công nghệ công trình ngăn sông vùng ven biển: Hai loại công trình đập xà lan, đập trục đỡ đã được hoàn thiện, được cấp bằng độc quyền sáng chế, hiện đã áp dụng cho đập Thảo long, đập Đò điểm và hàng loạt công trình vùng phân ranh mặn ngọt vùng bán đảo Cà Mau. Đã đề xuất được công nghệ mới (đập trụ phao liên hợp) để ngăn các cửa sông lớn tại ĐBSCL và ĐB Sông Hồng. Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch chống ngập lụt vùng đồng bằng Sông Cửu long theo các kịch bản nước biển dâng.
- Xây dựng và bảo vệ công trình: Đã xác định được tỷ lệ thành phần hạt hợp lý, độ ẩm thích hợp để đắp đập bằng vật liệu địa phương cho các công trình hồ chứa Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đã đưa ra được cấp phối hợp lý, tỷ lệ tro bay hợp lý, giải pháp không chế nhiệt thi công để đảm bảo chất lượng và độ bền thấm cho bê tông đầm lăn, áp dụng thành công cho công trình đập Định bình, đang áp dụng cho đập Nước trong. Đã đề xuất được giải pháp nâng cao độ chống thấm của tường hào Bentonite. Đã hoàn thiện việc ứng dụng mô hình toán MIKE 21 C, MIKE 11 vào việc dự báo, tính toán xói lở các sông ba miền Bắc, Trung, Nam và đề xuất các giải pháp công nghệ chỉnh trị chống sạt lở bờ sông. Công nghệ Jet-grouting đã được ứng dụng khá rộng rãi để xử lý nền móng và chống thấm cho nhiều công trình trong điều kiện dòng thấm mạnh, địa chất phức tạp. Công nghệ túi địa kỹ thuật, công nghệ Neoweb để xây dựng đường giao thông nông thôn với kinh phí xây dựng thấp đã được ứng dụng thành công tại nhiều địa phương, mở ra triển vọng ứng dụng rất lớn phục vụ chương trình nông thôn mới.
- Quy hoạch quản lý tài nguyên nước và khai thác công trình thủy lợi: Đánh giá được thực trạng và đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng DBS Hồng xét đến các kịch bản nước dâng do biến đổi khí hậu. Đánh giá được thực trạng và nhu cầu hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu vùng DBS Hồng. Đánh giá được thực trạng và đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình để giảm thiểu tổn thất trên hệ thống kênh tưới ở duyên hải miền trung. Nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ về thiết bị SCADA phục vụ cho quan trắc, điều hành hệ thống công trình đầu mối và hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn vận hành công trình và phân phối nước có hiệu quả cao áp dụng tại hệ thống Dầu tiếng - TP. HCM, HTTL Nam hồng - Hà Nội, Nam tiền hải - Thái Bình, Nam Thạch hãn - Quảng Trị... Nghiên cứu ứng dụng các mô hình cảnh báo lũ quét, mô hình dự báo hạn hán. Xây dựng quy trình điều hành liên hồ chứa trên một số hệ thống sông để đảm bảo an toàn ngập lụt hạ du. Đánh giá thực trạng nguồn nước và đề xuất các mô hình thu gom, trữ nước cho 8 tỉnh vùng biên giới phía Bắc. Xây dựng quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng khan hiếm nước, tưới hiệu quả, hiện đại cho vùng cây ăn trái tập trung ở ĐBSCL.
- Vật liệu, thiết bị cơ khí thủy lợi: Áp dụng các công nghệ mới về vật liệu như bê tông tự đầm, bê tông đầm lăn, công nghệ lưới thép 3D, vật liệu tổng hợp (Composite, epoxy...) vào xây dựng và sửa chữa công trình thủy lợi. Nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ công nghệ chế tạo trạm thủy điện nhỏ công suất đến 200 KW và bơm thủy luân thay thế nhập ngoại, áp dụng cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chế tạo thành công thiết bị vớt rác tự động cho các hệ thống bơm lớn với giá thành đầu tư chỉ bằng 40 - 50% so với thiết bị cùng loại nhập ngoại.
- Kinh tế chính sách thủy lợi: Đề xuất được mô hình quản lý thủy lợi hợp lý và hiệu quả, khả thi cho các vùng với tiêu chí đáp ứng được yêu cầu về thời gian, số lượng và chất lượng dịch vụ. Đánh giá thực trạng phân cấp quản lý công trình thủy lợi điển hình ở 4 vùng, miền (Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng SCL). Đã ban hành Thông tư 56/TT-BNNPTNT ngày 1/10/2010 về quy chế đặt hàng quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Thông tư 40/TT-BNNPTNT ngày 27/5/2011 về quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân được tham gia quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi
8. Về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn
Bộ đã triển khai thực hiện Chương trình sản xuất khí sinh học (KSH) nhằm góp phần xử lý chất thải trong chăn nuôi. Dự án Khí sinh học do Hà Lan tài trợ và tiếp theo là Hợp phần phát triển Chương trình khí sinh học bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã được triển khai trên 16 tỉnh, thành phố. Đến cuối năm 2010 đã có khoảng hơn 600.000 công trình khí sinh học đã được xây dựng và có tới 10% số hộ nông dân sử dụng khí sinh học phục vụ cho nhu cầu cuộc sống đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra Bộ đã ban hành 2 thông tư, 11 quy chuẩn quốc gia, 2 hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát và đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc và vệ sinh thú y.
Bộ đã chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn phục vụ sản xuất các sản phẩm an toàn theo VietGAP đối với các sản phẩm rau, quả, chè và thủy sản. Đồng thời, xây dựng các văn bản hướng dẫn về việc sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng đất hợp lý và kiểm soát tốt vật tư đầu vào nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về xử lý ô nhiễm triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo kế hoạch. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg thuộc lĩnh vực của ngành quản lý. Cụ thể, đối với 24 cơ sở phải thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường triệt để do Bộ Nông nghiệp quản lý trực tiếp, có 20/24 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định 64, chiếm 83,33%; có 4/24 cơ sở đang thực hiện các yêu cầu của Quyết định 64, chiếm 16,67%.
Về xử lý thuốc bảo vệ thực vật: Đã chỉ đạo, phối hợp với 63 Chi cục BVTV điều tra, thống kê các loại kho lưu chứa thuốc BVTV, khối lượng các loại thuốc BVTV, bao bì chứa thuốc BVTV cần tiêu hủy trên phạm vi cả nước. Qua nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Bộ đã giao cho Viện Môi trường nông nghiệp nhiệm vụ "Xử lý thí điểm triệt để một vùng đất bị ô nhiễm nghiêm trọng thuốc bảo vệ thực vật.
Hoạt động áp dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn cũng đã được tuyên truyền và tổ chức triển khai rộng khắp thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của quốc tế và trong nước; đi đầu là ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản, sau đó đến các nhà máy đường, chế biến lâm sản và chế biến cà phê. Đến hết năm 2009, đã có 114 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý chất thải, gắn với sử dụng công nghệ sạch, có 16 doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 và 31 cơ sở đang xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn này. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015 sẽ có 59 cơ sở doanh nghiệp đầu tư xây dựng áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001.
Hoạt động của các nhiệm vụ môi trường thuộc Đề án 47
- Tiểu dự án I-3: Dự án đã xây dựng được bản đồ hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam; các báo cáo kết quả điều tra, phân tích về hệ thủy sinh vật, thực vật, trứng cá, cá con.
- Tiểu dự án I-5: Xây dựng được bản đồ hiện trạng hệ sinh thái bãi bồi ven biển Việt Nam.
- Tiểu dự án I-6: Tiểu dự án I-6 đã đánh giá tổng hợp được tình hình điều tra đa dạng sinh học các hệ sinh thái cửa sông ven biển; xây dựng báo cáo đánh giá tổng hợp về tình hình điều tra nghiên cứu đặc điểm một số yếu tố môi trường cơ bản tại các hệ sinh thái cửa sông ven biển; và có được bộ số liệu về động vật đáy, cá, giáp xác, nhuyễn thể, trứng cá, cá con; xây dựng được bản đồ về phân bố của các nhóm sinh vật đã thu được.
- Tiểu dự án I-7: Đã thu thập các số liệu về môi trường, thủy sinh vật; xây dựng được bản đồ hiện trạng các hệ sinh thái đầm phá.
9. Về xây dựng chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn
Giai đoạn 2008-2013 lĩnh vực xây dựng chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được giao thực hiện 126 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 80,42 tỷ đồng. Sau đây là một số kết quả nổi bật giai đoạn 2008-2013:
- Đề xuất hướng hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam (Luật kinh doanh bảo hiểm, Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 121/2011/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg) và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam: Chính sách hỗ trợ thông tin tuyên truyền; Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm; Chính sách hỗ trợ người sản xuất.
- Đề xuất được hướng xây dựng chính sách về việc nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp nông lâm nghiệp và hướng hoàn thiện một số các chính sách khác có liên quan như Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và luật đất đai, v.v... Đồng thời đề xuất hướng xây dựng các mô hình thí điểm phù hợp với đặc thù trong sản xuất nông lâm nghiệp là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn với 02 phương án xử lý góp vốn giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp nông lâm nghiệp.
- Đề xuất phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp lâm nghiệp từ đó áp dụng để tính giá trị doanh nghiệp cho 04 doanh nghiệp nông lâm nghiệp.
- Đề xuất chính sách thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn Việt Nam theo nhóm chính sách gồm: Chính sách hút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nông thôn đến các khu ngành nghề phi nông nghiệp ở thành thị và khu công nghiệp và chính sách thúc đẩy lao động dời khu vực nông thôn và nông nghiệp đến các ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực thành thị và khu công nghiệp.
- Đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách và các giải pháp thực hiện bảo hộ cho nông nghiệp trong nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phù hợp với các quy định của quốc tế và WTO. Đồng thời đưa ra mức độ ưu tiên bảo hộ cho một số ngành hàng nông nghiệp: bảo hộ ở mức thấp (lúa gạo, ngô, chè, cà phê...), bảo hộ mức trung bình (cao su thiên nhiên, rau quả...), bảo hộ ở mức cao (sữa, mía đường).
- Đề xuất định hướng chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn đến 2020 và những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Đưa ra cơ sở khoa học đóng góp một phần cho việc xây dựng Đề án Phát triển nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nông nghiệp nông thôn: Môi trường pháp lý chậm chuyển đổi; Môi trường kinh tế: Giao thông, thông tin, dịch vụ đầu vào, đầu ra,… chưa tương xứng; mặt bằng kinh doanh vẫn khó khăn; khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế…
Một số tồn tại và kiến nghị về nghiên cứu và chuyển giao
- Cơ chế tài chính và đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ là vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hoạt động KH&CN. Từ việc xây dựng nhiệm vụ, tiến độ cấp vốn, định mức và đánh giá việc chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần sửa đổi cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ KHCN (từ định mức chi tiêu, cơ chế nghiệm thu, tiến độ cấp vốn).
- Cần đánh giá được hiệu quả đồng vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN theo từng lĩnh vực, ngành, địa phương thì KH&CN mới có thể trở thành lực lượng sản xuất chính trong xu thế nền kinh tế trí thức.
- Miễn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại, rủi ro do khách quan gây ra trong quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gây ra.
- Cần áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động KH&CN.
- Cần có cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân tài, vinh danh các nhà khoa học theo quy định hiện hành và luật thi đua khen thưởng của nhà nước và chính sách khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh chuyển giao TBKT vào sản xuất.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp rất đặc thù, vì đối tượng chuyển giao là nông dân. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cho việc tuyên truyền, quảng bá chuyển giao các kết quả nghiên cứu về Nông nghiệp vào sản xuất.
- Xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, chuyển giao và những người sử dụng kết quả nghiên cứu. Xây dựng và củng cố hệ thống thông tin về nghiên cứu.
- Sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định. Do vậy khả năng tích lũy để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, kết hợp hỗ trợ nhập khẩu máy móc tiên tiến, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch;
- Khuyến khích nông dân cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân;
- Một số nhà khoa học đưa ra được tiến bộ kỹ thuật nhưng không chú ý tới việc hoàn thiện, nâng cấp, đăng ký bản quyền, đăng ký tiến bộ do vậy tuổi đời của công nghệ ngắn, phạm vi ứng dụng bị hạn chế.
- Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, Ngành; giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 về hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường theo hướng bổ sung những nội dung chi về xây dựng mô hình quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường và đầu tư các công trình xử lý môi trường.
10.1. Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp
Chương trình CNSH Nông nghiệp đã và đang triển khai 120 nhiệm vụ khoa học công nghệ, gồm 100 đề tài và 20 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí được cấp đến năm 2012 là 265,217 tỷ đồng, trong đó: kinh phí cho lĩnh vực cây nông nghiệp - lâm nghiệp là 189,270 tỷ đồng; lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y là 21,132 tỷ đồng; lĩnh vực vi sinh - enzyme là 54,815 tỷ đồng. Sau đây là một số kết quả nghiên cứu triển khai của Chương trình:
10.1.1. Cây trồng nông, lâm nghiệp
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen: Đã tạo được các dòng đậu tương chuyển gen kháng sâu thế hệ T4, dòng đậu tương chuyển gen chịu hạn thế hệ T1, các dòng ngô T2 và T3 mang gen kháng sâu Cry1Ac, các dòng bông kháng sâu thế hệ T4 và dòng bông chịu hạn thế hệ T2. Hiện tại, các dòng bông, ngô và đậu tương chuyển gen đang được đánh giá trong điều kiện nhà kính, nhà lưới. Đối với cây công nghiệp và các loại cây trồng khác cũng đã tạo được một số dòng mang gen đích tuy nhiên kết quả còn hạn chế ở điều kiện phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử: Đã chọn tạo và công nhận được 12 giống lúa và 1 giống ngô lai bao gồm: 2 giống lúa chống chịu khô hạn chính thức được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; 3 giống lúa chịu hạn sản xuất thử; 2 giống lúa sản xuất thử kháng rầy nâu; 1 giống lúa thơm sản xuất thử; 1 giống lúa sản xuất thử kháng đạo ôn; 3 giống lúa sản xuất thử kháng bệnh bạc lá; 1 giống ngô lai đơn sản xuất thử.
- Ứng dụng công nghệ tế bào trong chọn tạo và nhân nhanh giống cây trồng: Đã tạo được 1 giống cam C36, 1 giống quýt QS1 triển vọng, 02 giống cẩm chướng và 02 giống cúc đột biến công nhận sản xuất thử và đang triển khai dự án sản xuất thử nghiệm, 1 giống hoa lily, 01 giống loa kèn, 2 dòng khoai tây kháng vi rút triển vọng.
Đã sản xuất được gần 30 triệu cây giống bạch đàn, keo bằng công nghệ mô, hom; 2,35 triệu cây giống hoa cúc, 350.000 cây giống hoa lan, 200.000 cây giống hoa hồng môn, 150.000 cây giống hoa đồng tiền và 200.000 củ giống hoa lily, layơn bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất thử 650.000 cành cẩm chướng và 600.000 cành cúc.
- Nghiên cứu ứng dụng để sản xuất KIT chẩn đoán một số bệnh của cây trồng: Đã nghiên cứu được qui trình sản xuất và sản xuất thử, thử nghiệm thành công 50.000 Kit ELISA virus lúa lùn xoăn lá và 50.000 Kit ELISA virus lúa cỏ.
10.1.2. Vật nuôi
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen và chỉ thị phân tử: Đã xác định được nguồn giống bố mẹ địa phương phục vụ lai tạo giống cho năng suất, chất lượng cao, một số chỉ thị liên quan đến tính trạng mong muốn phục vụ chọn tạo giống vật nuôi (gà, lợn, bò) trong giai đoạn 2013-2015. Đã xác định được phương pháp chọn lọc kiểu gen ở bò liên quan đến tính trạng mềm thịt và độ mỡ giắt dựa trên các kỹ thuật di truyền phân tử. Đã phân lập, giải trình tự và đăng ký được 18 trình tự ADN vùng D-loop ty thể của bò vàng Việt Nam trên Genbank.
- Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản vật nuôi, lưu giữ, bảo quản và bảo tồn lâu dài quỹ gen bản địa, quý hiếm ở vật nuôi: Đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng đảm bảo hoạt lực trên 60% ở ngày thứ 7, sản xuất được 16.700 lít môi trường LVCN và 220.000 liều tinh dịch lợn có sử dụng môi trường pha loãng; hoàn thiện kỹ thuật đông lạnh tinh dịch dạng cọng rạ đảm bảo hoạt lực sau giải đông > 30% và cải tiến được các qui trình công nghệ tạo phôi, cấy truyền phôi, đông lạnh phôi lợn và bò và thụ tinh ống nghiệm.
- Nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi và thức ăn chức năng: Đã tạo được 02 chế phẩm probiotic cho lợn và gà có tác dụng giảm tiêu tốn thức ăn 7,2%, giảm tỷ lệ bệnh đường tiêu hóa 31,2%; 01 chế phẩm đa enzyme tiêu hóa có tác dụng giảm tiêu tốn thức ăn 8,9-10,7% và đồng thời tạo được 5 chủng vi sinh vật tái tổ hợp sinh các enzyme xylanase, protease, mannanase, glucanase (Bacillus, P. pastoris, A. niger) và sản xuất được 01 chế phẩm đa enzyme có tác dụng tăng trọng lượng của gà và lợn hơn 10% và giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trên 15%. Kết quả đã sản xuất thử nghiệm chế phẩm probiotic dùng trong chăn nuôi PRO TM Swine và PRO TM Avian và đăng ký quyền sở hữu 02 tên thương mại của sản phẩm. Đã sản xuất 3550 kg chế phẩm probiotic, đã và đang được tiêu thụ trên thị trường. Sản xuất và phân phối 270 tấn TACN đậm đặc có bổ sung chế phẩm probiotic cung cấp cho 03 mô hình nuôi lợn, 02 mô hình nuôi gà sử dụng chế phẩm.
10.1.3. Vi sinh vật
- Nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật, các chế phẩm bảo vệ thực vật có hiệu quả kinh tế cao. Các chế phẩm này đã được tiếp tục triển khai ứng dụng trong sản xuất bằng các dự án sản xuất thử nghiệm hoặc được chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất ở địa phương. Trong đó có 02 chế phẩm kiểm soát tuyến trùng, nấm bệnh vùng rễ hồ tiêu và cà phê, 01 chế phẩm gốc vi sinh vật đối kháng nấm bệnh cà phê, bông, 02 chế phẩm vi sinh vật đối kháng vi khuẩn gây bệnh héo xanh lạc và trên vừng, 02 chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dùng cho thông và bạch đàn, 01 chế phẩm sinh học BIOFUN phòng chống rệp sáp hại cà phê, 01 chế phẩm BCF phòng trừ nấm bệnh Fusarium sp. và Rhizoctonia solani cây đậu tương, cây ngô và cây hồ tiêu.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt; xử lý ô nhiễm môi trường: nghiên cứu chế tạo 02 loại chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong xử lý nhanh phế thải chăn nuôi rắn, nước thải sau biogas và 01 chế phẩm vi sinh vật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, trong đó chế phẩm vi sinh vật xử lý phế thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp đang được ứng dụng có hiệu quả trên diện rộng tại địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.
10.2. Đề án công nghệ sinh học thủy sản
Đề án Công nghệ sinh học thủy sản chính thức được cấp kinh phí và bắt đầu triển khai năm 2008. Trong giai đoạn 2008-2012, Chương trình CNSH thủy sản đã và đang triển khai 54 nhiệm vụ khoa học công nghệ, gồm 53 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí được cấp đến năm 2012 là 114,946 tỷ đồng. Sau đây là một số kết quả của Chương trình như sau:
10.2.1. Nghiên cứu chọn giống và sản xuất giống thủy sản:
Trong giai đoạn 2008-2012 chương trình đã thực hiện được 17 đề tài nghiên cứu chọn giống thủy sản được định hướng tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực và được xác định là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
- Các đối tượng nuôi nước ngọt: Đã lựa chọn được 11.350 cá tra hậu bị; 17.500 cá thể nuôi cộng đồng và đánh giá hiệu quả chọn giống; 27.500 cá thể phát tán nuôi thương phẩm; Chọn giống cá rô phi vằn chịu mặn bước đầu đã chọn lọc được 2000 cá thể theo tính trạng tăng trưởng và sinh sản tốt trong điều kiện nước lợ độ muối 10‰. Đã lai tạo được 5.800 cá thể rô phi vằn được chọn giống theo tính trạng chịu lạnh từ các nguồn Đài Loan, Novit và Israel đang được nuôi thử nghiệm khả năng chịu lạnh. Trong chọn giống các rô phi đỏ đã tập hợp được 4500 cá thể từ Malaysia, Đài Loan; Thái Lan, Israel làm nguồn vật liệu, Hiện tại đã cho lai tạo được 1.500 cá thể đang nuôi đánh giá sinh trưởng ở 2 thủy vực nước lợ và nước ngọt.
- Các đối tượng nuôi nước lợ, mặn: Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về gen tôm sú với 2.060 dòng tế bào mang các trình tự cDNA/EST đã được kiểm tra trình tự. Lập được 14 vector mang các cDNA của các gen để nghiên cứu biểu hiện chức năng của gen và 04 chỉ thị phân tử phục vụ chọn tạo giống tôm sú. Đã gia hóa thành công tôm sú tạo được 600 cặp tôm bố mẹ sạch bệnh cho sinh sản thử được 3 triệu tôm giống đây là cơ sở cho chủ động nguồn tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống hiện tại đang tiếp tục tập hợp nguồn vật liệu để phục vụ chọn giống tôm sú. Đối với tôm chân trắng đã tập hợp và sàng lọc được nguồn vật liệu phục vụ chọn giống từ Mêxico 200 cặp, Ecuado 100 cặp và Hawaii 100 cặp.
Quy trình công nghệ tạo tam bội thể trên hầu cửa sông và hầu Thái Bình Dương có thể áp dụng vào sản xuất quy mô lớn đạt hiệu suất 90% tam bội, tỷ lệ sống 80%.
- Các đối tượng nuôi mới (nuôi nước lạnh): Đã chủ động sản xuất giống cá hồi vân đơn tính cái. Kết quả nghiên cứu đã tạo được 310.000 cái đơn tính cái cỡ 1- 2,5g/con, 700 con hồi vân giả đực, tuổi 2+, kích cỡ 1,5 - 1,8kg/con và 500 cá Hồi vân lưỡng tính cỡ 1,5-2kg/con có khả năng sinh sản tốt, tuổi 3+.
10.2.2. Bảo tồn, khai thác nguồn gen thủy sản: Bảo quản lạnh 980 cọng tinh cá chép, 525 cọng tinh cá tra, 170 cọng tinh cá giò và 180 của hầu Thái Bình Dương. 3.000.000 trứng cá tra đông lạnh tỷ lệ sống sau 2 năm là 1-2%, 200.000 phôi cá tra đông lạnh tỷ lệ sống 3%; 300.000 trứng tôm sú đông lạnh và 21.000 phôi tôm sú đông lạnh đạt tỷ lệ sống 9%.
10.2.3. Quản lý môi trường và bệnh động vật thủy sản
- Vắc xin cá: đã sản xuất được 85.000 liều vắc xin cho cá Giò có khả năng bảo hộ > 70%; xây dựng được 01 Bộ sưu tập của 60 chủng vi khuẩn thuộc 3 loài gây bệnh trên cá Giò; 50.000 liều vắc xin bất hoạt từ vi khuẩn được sốc nhiệt đang được thử nghiệm và đánh giá hiệu quả bảo hộ trên cá tra; đã tạo được chủng vi khuẩn E. ictaluri đột biến gen aroA và gen CH dùng làm vắc xin nhược độc phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra; bộ sưu tập các chủng vi khuẩn thuần gây bệnh Streptococcosis cho cá rô phi và vắc xin phòng bệnh Streptococcosis cho cá rô phi vằn và cá rô phi đỏ được thử nghiệm trên 2,8 triệu con cá rô phi nuôi lồng tại Tiền Giang (tỷ lệ bảo hộ đạt 87%, không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của cá).
- KIT kiểm tra bệnh động vật thủy sản: xây dựng quy trình và bộ thử nhanh virus gây bệnh đốm trắng WSSV bằng phương pháp Loop-mediated Isothermal Amplification và lần đầu xác nhận sự hiện diện Laem-Singh virus trong tôm sú nuôi ở Đồng bằng SCL. Đã thiết kế 4 mồi nhận biết 6 vùng đặc hiệu trên gen eip18 của vi khuẩn E. ictaluri dùng trong phản ứng LAMP ứng dụng trong chẩn đoán bệnh gan thận mủ ở cá tra.
Xác định được 05 bộ gen của IHHNV type lây nhiễm trên tôm sú nuôi của Việt Nam và xây dựng được qui trình PCR để chẩn đoán bệnh IHHNV trên tôm sú, tôm chân trắng. 01 bộ gen đã được công bố trên ngân hàng gen thế giới mã số JX840067. Bộ chủng Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá tra với các thông tin về đặc điểm di truyền và gen gây độc phục vụ nghiên cứu và cơ sở để sản xuất KIT kiểm tra và vắc xin.
- Chế phẩm vi sinh: sản xuất được 30.200kg chế phẩm phục vụ nuôi tôm thâm canh.
- Ứng dụng công nghệ vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản: Thiết kế công nghệ tuần hoàn lọc vi sinh trong nuôi cá tra đạt năng suất 300 tấn/ha, hiệu suất sử dụng nước tăng 200%, giảm 5% chi phí thức ăn, 30% chi phí phòng chữa bệnh, hạn chế được ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Phát triển công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 15 tấn/ha, giảm được 20-25% lượng thức ăn tiêu thụ và đang thử nghiệm trên diện tích 6.000 m2; trong nuôi cá rô phi đạt năng suất 25 tấn/ha thử nghiệm trên diện tích 10.000 m2.
10.2.4. Thức ăn, công nghệ chế biến sau thu hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Chế biến sản phẩm thủy sản: Phân lập và tuyển chọn được 2 chủng vi khuẩn Bacillus subtilis CH36 và Bacillus amyloliquefaciens CH39 sử dụng trong chế biến thu nhận bột thủy phân chitin từ phế liệu tôm và đăng kí trình tự trên ngân hàng gen quốc tế là HM135529 và HM135530; Phân lập và tuyển chọn được 02 chủng vi sinh vật là M30 và M37 có khả năng sinh Tetrodotoxin (TTX) hàm lượng cao và xây dựng được quy trình thu nhận TTX đạt chỉ tiêu ứng dụng trong y tế.
- Phát triển các công nghệ vi sinh làm thức ăn, bổ sung thức ăn: Công nghệ điều khiển quá trình sinh tổng hợp có định hướng astaxanthin đối vi tảo Haematococcus pluvialis và công nghệ chiết xuất astaxanthin. Đăng ký bằng độc quyền sáng chế về điều kiện nuôi tảo Haematococcus pluvialis đạt trên 4 triệu tế bào/ml. Thiết kế, vận hành thành công hệ thống nuôi tảo dạng tấm, dạng ống các loài tảo N. oculata đạt 300 triệu tb/mL và I. galbana đạt 300 triệu tb/ml làm thức ăn tự nhiên phục vụ sản xuất giống thủy sản.
10.3. Đầu tư trang thiết bị
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chủ trương đầu tư tăng cường trang thiết bị và tổ chức triển khai đầu tư cho 10 phòng thí nghiệm công nghệ sinh học của các Viện. Đây là các tổ chức khoa học công nghệ đang thực hiện các đề tài, dự án của Chương trình nên các thiết bị, máy móc đầu tư đều đã được đưa vào sử dụng hiệu quả.
Một số kiến nghị về công nghệ sinh học
- Cho phép tiếp tục triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2020;
- Cho phép xây dựng kế hoạch riêng cho nội dung đào tạo chuyên gia công nghệ sinh học trong khuôn khổ của Chương trình “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước";
- Cho phép điều chỉnh mục tiêu Chương trình tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2006 và Quyết định số 97/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" và "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020" để phù hợp với hiện trạng về tiềm lực nghiên cứu ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của nước ta hiện nay.
10.3. Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia
10.3.1. Phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào thực vật
Giai đoạn 2011 - 2012, Phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào thực vật đã và đang triển khai 21 đề tài, trong đó 3 đề tài thuộc Chương trình CNSH, 3 đề tài độc lập cấp nhà nước, 3 nhiệm vụ Hợp tác theo Nghị định thư, 5 dự án Hợp tác quốc tế với tổng kinh phí 32,950 tỷ đồng, 1.000.000 EURO, 775.400 USD và 7 nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở là những nghiên cứu cấp thiết, ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Sau đây là một số kết quả nổi bật giai đoạn 2008-2013:
- Bước đầu tuyển chọn được 2 dòng, cam quýt chất lượng cao có triển vọng, thích hợp cho một số vùng sinh thái ở Miền Bắc.
- Đã xây dựng được hệ thống sản xuất cây giống đầu dòng sạch bệnh, quy mô 3 điểm (500 cây/năm/điểm).
- Đã xây dựng được các vườn cây mẹ cách ly không gian phục vụ nhân giống sạch bệnh ở một số địa phương, quy mô 3 vườn, mỗi vườn tối thiểu 1,0 ha.
- Đã xây dựng được các mô hình trồng cam, quýt không hạt sạch bệnh ở 3 điểm mang tính đại diện vùng, mỗi điểm khoảng 3-5 ha trở lên.
- Đã xác định trình tự cDNA của 10 gen nghiên cứu dựa trên dữ liệu trên trang web http://orygenesdb.cirad.fr/. Đã thiết kế và mua cặp mồi đặc hiệu để phân lập cDNA của từng gen tương ứng sử dụng phần mềm Primer3 Plus.
10.3.2. Phòng thí nghiệm tế bào động vật
Giai đoạn 2008-2013 Phòng thí nghiệm tế bào động vật thực hiện 03 nhiệm vụ cấp Nhà nước với tổng kinh phí 6000 triệu đồng, 03 nhiệm thuộc chương trình CNSH với tổng kinh phí là 7,0 tỷ đồng và 19 nhiệm vụ thường xuyên từ kinh phí hỗ trợ hoạt động phòng TNTĐ với tổng kinh phí là 3,8 tỷ đồng. Nhờ vào hệ thống thiết bị, máy móc đã được đầu tư Phòng TNTĐ Công nghệ tế bào động vật đã tạo ra một số kết quả nổi bật sau:
- Phân tích đa hình các gen ứng cử liên quan đến các tính trạng sản xuất của vật nuôi như: Năng suất và chất lượng sữa của bò, tốc độ tăng trọng và chất lượng thịt của lợn.
- Giải trình tự một số gen có khả năng kháng bệnh của các giống gà nội.
- Lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện thành công việc tách chiết ADN của bò hoang dã từ mẫu phân và bước đầu phân tích tính đa dạng di truyền của quần thể bò hoang dã. Đây là kỹ thuật không nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới có thể thực hiện được trên các đối tượng động vật hoang dã.
Đã đăng ký một số đoạn gen vật nuôi của Việt Nam trên ngân hàng gen Quốc tế
- Đã nghiên cứu thành công thụ tinh ống nghiệm ở bò và lợn
- Xây dựng được phương pháp xác định mối quan hệ huyết thống ở quần thể bò dựa trên chỉ thị ADN.
- Sử dụng kỹ thuật PCR để xác định loài trong bột thịt xương sử dụng trong chăn nuôi, cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn được việc nhập khẩu các loại bột thịt xương có chứa các loại mô của bò từ các nước có bò điên, đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi.
10.3. Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học Sông Biển
Phòng TNTĐ sông biển đã hoàn thành, đang tiếp tục chủ trì triển khai: 08 đề tài cấp Nhà nước, 06 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp tỉnh và trên 20 đề tài cấp cơ sở. Nhiều nhiệm vụ thuộc các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà Nước, cấp ngành.
Một số kết quả khoa học công nghệ nổi bật
- Trong lĩnh vực thủy lực công trình: thực hiện hầu hết các thí nghiệm mô hình thủy lực công trình lớn của ngành thủy lợi và thủy điện (gần 70%), góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật và hiệu quả kinh tế trong việc tư vấn thiết kế và xây dựng các công trình này.
- Trong lĩnh vực sông ngòi - đê điều: kết quả nghiên cứu hoàn thiện hành lang thoát lũ đã được áp dụng trong việc thực hiện các dự án quy hoạch lũ chi tiết trên các tuyến sông có đê ở nhiều tỉnh Bắc Bộ và hiện được Tổng cục Thủy lợi cho xây dựng thành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Trong lĩnh vực cửa sông - biển: tham gia chính trong việc nghiên cứu và lập quy hoạch, biên tập tiêu chuẩn thiết kế làm căn cứ để xây dựng và thực hiện các chương trình củng cố - nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh - Quảng Nam và Quảng Ngãi - Kiên Giang.
Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích)
Đã đăng ký sở hữu trí tuệ sáng chế: "kết cấu đảo chiều hoàn lưu".
Đang tiến hành thủ tục đăng ký 2 sáng chế: "giải pháp mũi phun hai tầng" để áp dụng cho các tràn xả lũ công trình thủy lợi, thủy điện và “Cấu kiện bê tông TS1 tiêu tán năng lượng sóng và dòng chảy.”
Một số kiến nghị về phòng thí nghiệm trọng điểm
- Đề nghị sớm có chủ trương cụ thể cho việc duy trì đầu tư tiếp tục cho các phòng TNTĐ có tiềm năng phát triển, đã hoạt động có hiệu quả bước đầu và có vai trò trong hoạt động KHCN của ngành.
- Cần xem xét việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ tiếp tục cho công tác duy tu bảo dưỡng cũng như 1 số nhiệm vụ khoa học đặt hàng cho các phòng TNTĐ có khả năng phát triển và bước đầu hoạt động có hiệu quả, việc hỗ trợ đầu tư này cần không dàn trải, không nên theo tỷ lệ % như hiện nay.
- Về công tác đào tạo: cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ khoa học chuyên sâu cho loại tổ chức khoa học đặc thù này.
11. Chuyển giao công nghệ, nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài
11.1. Lĩnh vực thủy lợi:
Lĩnh vực Thủy lợi có 37 công nghệ trong 6 lĩnh vực, trong đó có 21 công nghệ được cấp bằng độc quyền sáng chế, bản quyền tác giả và nhiều công nghệ đang được chuyển giao vào sản xuất, tạo thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu từ hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ hàng năm.
11.2. Lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp:
- Đã tổ chức công nhận được 01 tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về công nghệ san phẳng đồng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser;
- Sản xuất muối: Số lượng công nghệ được chuyển giao: 02, tổng kinh phí 84,13 tỷ đồng, trong đó kinh phí SNKH 2,08 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 82,05 tỷ đồng;
- Về chế biến muối: Số lượng công nghệ được chuyển giao: 02, tổng kinh phí 79,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí SNKH 4,2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 75 tỷ đồng;
11.3. Lĩnh vực Thủy sản
11.3.1. Công nghệ được chuyển giao, nhập khẩu sản xuất giống thủy sản
Giai đoạn 2006-2010: Trong 5 năm (2006-2010) đã nhập và chuyển giao 20 công nghệ sản xuất giống của 21 loài thủy sản cho hơn 100 đơn vị với đối tượng cá chép V1, rô phi đơn tính, nghêu, lóc bông, rô đồng, bống bớp, cá tra, tôm rảo, cá chim vây vàng, baba gai và 1 số loài thủy sản khác.
Giai đoạn 2011-2013: đã nhập 01 công nghệ và chuyển giao 07 công nghệ cho các đối tượng: cá sủ đất, tôm thẻ chân trắng, cá chày mắt đỏ, nghêu bến tre và giống cá chép.
11.4. Lĩnh vực Chăn nuôi
Về giống lợn: Từ đầu năm 2013, số lượng lợn giống nhập đã đang ký là 390 con lợn giống;
Về số lượng tinh lợn: nhập 54 liều tinh lợn giống; môi trường pha tinh: 10.100 liều môi trường pha tinh dịch lợn.
Về giống gia cầm: số lượng gà giống nhập khẩu từ năm 2007-2012 là 9.416.597 con.
11.4. Lĩnh vực Lâm nghiệp
Phần lớn các đơn vị nhận chuyển giao hiện nay đã làm chủ công nghệ để sản xuất giống thứ cấp làm vườn vật liệu và sản xuất cây giống cho trồng rừng ở quy mô 200.000 đến 2.000.000 cây/năm;
Đã nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp kỹ thuật cơ giới hóa trong lâm nghiệp, chế biến và bảo quản lâm sản và bảo vệ rừng phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế của các cơ sở sản xuất lâm nghiệp trong nước.
12.1. Về tổ chức triển khai thực hiện Chương trình thành phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020
- Về tổ chức: lãnh đạo Bộ giao cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai thực hiện Chương trình thành phần theo các nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-BNN-KHCN ngày 17/12/2013.
- Thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình thành phần Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm và Thành lập Văn phòng Chương trình thành phần Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định 1277/QĐ-BNN-TCCB và Quyết định 1275/QĐ-BNN-TCCB của Bộ Nông nghiệp & PTNT).
- Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào ngày 15/12/2011 tại TP. Hồ Chí Minh.
12.2. Bộ Nông nghiệp & PTNT đã và đang tích cực hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật
- Đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 3/11/2010 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Bộ đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thành phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
- Đã xây dựng và ban hành Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 7 năm 2011 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tích cực phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ, Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn quản lý và thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao (Thông tư số 02/2012/TT-BKHCN ngày 18/01/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tư liên tịch số 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN ngày 20/12/2012 liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ).
12.3. Về chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
- Tạo và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Bộ đã và đang tiến hành các thủ tục cần thiết phê duyệt Danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đưa vào tuyển chọn/ xét chọn thực hiện từ năm 2014.
- Về việc xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
+ Bộ Nông nghiệp & PTNT đã thẩm định và công nhận được 05 doanh nghiệp là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
+ Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (Quyết định số 1152/QĐ-TTg ngày 27/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện lập quy hoạch tổng thể vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2013.
+ Một số địa phương đã triển khai quy hoạch vùng và khu nông nghiệp ứng dụng CNC hoặc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Phú Yên. Một số địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nghệ An, Bình Dương, Gia Lai...
+ Một số địa phương đã bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Tp. HCM; mô hình trồng hoa, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại ĐBSCL...
Tồn tại
- Việc tổ chức triển khai giới thiệu và hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 còn chậm, chưa kịp thời;
- Chưa có nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp, chưa đánh giá tổng kết các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả có thể áp dụng rộng rãi trong sản xuất;
- Chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Chưa có hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Thiếu kinh phí từ NSNN để thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đề nghị
Hiện nay việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh phí thực hiện. Vì vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan bố trí nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2013-2015.
13.1. Hệ thống tổ chức khuyến nông được xây dựng, phát triển tương đối đồng bộ và rộng khắp từ trung ương đến địa phương
Ở Trung ương: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đầu mối quản lý nhà nước về công tác khuyến nông; các Tổng cục, Cục chuyên ngành phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông thuộc lĩnh vực chuyên ngành; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là cơ quan chuyên trách về khuyến nông, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với hệ thống khuyến nông cả nước.
Ở địa phương: Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trạm khuyến nông của 596 huyện, thị xã có.
13.2. Về lực lượng cán bộ khuyến nông: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, hệ thống khuyến nông nhà nước đã tăng khoảng xấp xỉ 4.000 người, trong đó tập trung tăng cường lực lượng cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, thôn bản để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
13.3. Kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông giai đoạn 2008 - 2013
- Ngân sách trung ương đầu tư 1.275 tỷ đồng
- Ngân sách địa phương: khoảng trên 3 tỷ đồng/tỉnh/năm
13.4. Kết quả đạt được giai đoạn 2008 - 2013
- Hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông: Tuyên truyền trên trang Web Khuyến nông Việt Nam: đăng tải trên 15.000 tin, bài; Tuyên truyền trên các báo đài trung ương: đăng tải trên 10.000 tin, bài, ảnh; Tổ chức tổ chức được 91 Diễn đàn @ Nông nghiệp quy mô vùng, miền; Tổ chức 35 hội chợ cấp vùng, miền với 2.450 gian hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, mỗi hội chợ thu hút trên 20.000 lượt người tham gia, trong đó trên 90% là nông dân; Phát hành 20-36 số Bản tin Khuyến nông Việt Nam với gần 1.200 tin, bài, ảnh, số lượng phát hành 80.000 cuốn/năm.
- Hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông: chuyển giao biên soạn 40 bộ tài liệu và 30 bộ công cụ tập huấn mẫu về khuyến nông và hàng trăm đĩa hình chuyển giao kỹ thuật để cấp cho các cán bộ khuyến nông địa phương và phát trên truyền hình (VTV2, VTC16,...), trên internet để mọi đối tượng quan tâm có thể truy cập hoặc theo dõi trực tiếp; tổ chức được trên 600 lớp tập huấn tiểu giáo viên TOT về nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành cho khoảng hơn 20.000 lượt cán bộ, khuyến nông viên.
- Kết quả xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông
Lĩnh vực khuyến nông trồng trọt:
Các chương trình, dự án khuyến nông rất đa dạng và gắn với chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng giai đoạn, từng vùng, miền cụ thể. Nhiều chương trình, dự án khuyến nông trồng trọt đã phát huy hiệu quả to lớn đối với sản xuất, điển hình như: Chương trình khuyến nông lúa lai, ngô lai; Chương trình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở các vùng; Chương trình phát triển cây đậu đỗ và rau hoa; Chương trình phát triển cây ăn quả; Chương trình phát triển cây công nghiệp dài ngày.
Lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi:
Các chương trình, dự án khuyến nông chăn nuôi tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao; chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi gia trại, trang trại thâm canh; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số chương trình, dự án khuyến nông tiêu biểu trong lĩnh vực này là: Chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia súc ăn cỏ gắn với trồng cỏ, chế biến thức ăn chăn nuôi; Chương trình phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, đảm bảo vệ sinh môi trường và áp dụng VietGAHP; Chương trình phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và áp dụng VietGAHP; Chương trình phát triển các loại vật nuôi bản địa có hiệu quả kinh tế cao.
Các chương trình, dự án khuyến nông chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh, tận dụng là chính sang chăn nuôi tập trung có đầu tư thâm canh; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.
Lĩnh vực khuyến lâm:
Các chương trình, dự án khuyến lâm được triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, với trọng tâm là ứng dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất cao, chất lượng phù hợp, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu, làm thực phẩm; đẩy mạnh canh tác nông lâm kết hợp, gắn việc trồng rừng với tạo thu nhập, nâng cao đời sống và giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng.
Một số chương trình, dự án khuyến lâm tiêu biểu trong lĩnh vực này là: Chương trình trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu (keo, bạch đàn); Chương trình trồng rừng thâm canh cây Lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; Chương trình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ và xây dựng.
Thông qua các chương trình khuyến lâm đã góp phần thay đổi được nhận thức của người nông dân từ sản xuất lâm nghiệp tự nhiên, quảng canh, dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang phát triển vốn rừng theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, tăng độ che phủ rừng từ 35% trong thập kỷ 90 lên đến 39,7% vào năm 2011, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở các vùng biên giới, hải đảo.
Lĩnh vực khuyến ngư:
Các chương trình, dự án khuyến ngư cũng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần rất quan trọng thúc đẩy ngành Thủy sản phát triển vượt bậc trong 2 thập niên gần đây. Một số chương trình, dự án khuyến ngư trọng điểm như: Chương trình nuôi thủy sản nước ngọt; Chương trình khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Chương trình phát triển nuôi thủy sản mặn lợ; Chương trình phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; Các chương trình, dự án khuyến ngư đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân, thay đổi sâu sắc về phương thức sản xuất thủy sản từ chỗ chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi thả quảng canh sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh, từ nuôi tự phát phân tán sang nuôi trồng tập trung theo quy hoạch, gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu, tạo nguồn thu xuất khẩu ngoại tệ đáng kể cho đất nước: năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2011 đạt trên 6,1 tỷ USD.
Lĩnh vực cơ giới hóa, bảo quản chế biến nông lâm sản, ngành nghề nông thôn và nghề muối (gọi chung là lĩnh vực khuyến công):
Các chương trình, dự án cũng được triển khai và đạt kết quả tích cực nhằm giúp nông dân tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Một số chương trình, dự án tiêu biểu thuộc lĩnh vực này: Cơ giới hóa sản xuất lúa, chè, ngô, mía; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây chè, cà phê, cây ăn quả, rau.
Thông qua các chương trình, dự án đã góp phần đưa nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển. Hiện nay trong sản xuất lúa ở các vùng đồng bằng tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, vận chuyển đạt trên 85%, trong khâu tưới tiêu trên 90%, khâu thu hoạch trên 60%, tạo điều kiện giải phóng lao động nặng nhọc và nâng cao năng suất lao động; khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động lúc thời vụ căng thẳng, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, rút ngắn thời gian gieo cấy và thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
- Chương trình bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản:
+ Về bảo quản chế biến nông sản: xây dựng các mô hình máy sấy thóc, ngô, cà phê,... ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mô hình chế biến chè xanh quy mô hộ gia đình; bảo quản chế biến hoa, quả tươi... Từ các mô hình trình diễn đã giúp bà con nông dân thấy rõ được hiệu quả kinh tế của công tác bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, khắc phục được những điều kiện thời tiết bất thuận khi thu hoạch, giảm tỷ lệ sản phẩm bị hư hao, các mô hình đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế từ 15-25%.
+ Bảo quản sản phẩm trên biển (thủy sản): triển khai ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ đã giúp cho các tàu khai thác xa bờ kéo dài thời gian đi biển từ 5-7 ngày, giảm tiêu hao đá lạnh từ 30% xuống còn 5-10%, chất lượng cá đảm bảo, góp phần hạn chế sử dụng hóa chất trong bảo quản hải sản, đảm bảo chất lượng cá và vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán tăng hơn trước từ 5.000 - 10.000 đ/kg.
- Chương trình ngành nghề nông thôn và nghề muối:
+ Về ngành nghề nông thôn: triển khai xây dựng các mô hình phát triển ngành nghề nông thôn như: nghề mây tre đan, nghề thủ công mỹ nghệ, nghề mộc dân dụng,... Các mô hình ngành nghề nông thôn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Việc ứng dụng các máy móc thiết bị vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế từ 20-50% so với sản xuất truyền thống.
+ Về nghề muối: chương trình đã chuyển giao các công nghệ sản xuất muối sạch trên nền xi măng chịu mặn, sản xuất muối sạch bằng phương pháp phơi nước, sản xuất muối sạch bằng phương pháp phơi cát và mới đây là công nghệ sản xuất muối sạch bằng việc chuyển vị trí chạt lọc ra giữa ruộng và phủ bạt HDPE sân phơi. Việc ứng dụng các công nghệ sản xuất mới đã giúp tăng năng suất muối từ 10-15%, chất lượng muối đạt tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng thu nhập cho diêm dân.
+ Các chương trình, dự án khuyến nông ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và khuyến nông đô thị góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau hoa trong nhà lưới, nhà kính, công nghệ thủy canh, khí canh...). Đồng thời xây dựng và phổ biến các mô hình khuyến nông đô thị như: sản xuất hoa, cây cảnh, cá cảnh, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng giá trị và thu nhập cho nông dân.
Đã thẩm định và công nhận được 05 doanh nghiệp là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (Quyết định số 1152/QĐ-TTg ngày 27/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
Đang triển khai thực hiện lập quy hoạch tổng thể vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2013.
Một số địa phương đã bước đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Tp. HCM; mô hình trồng hoa, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Ninh, Lâm Đồng; mô hình sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại ĐBSCL...
Tồn tại
- Việc tổ chức triển khai giới thiệu và hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 còn chậm, chưa kịp thời;
- Chưa có nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp và mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả có thể áp dụng tại Việt Nam;
- Chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa đầu tư cho công tác quy hoạch và xây dựng vùng nông nghiệp và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Chưa có hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Thiếu kinh phí từ NSNN để thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Kiến nghị:
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan bố trí nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2013-2015.
15. Hợp tác quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
15.1. Hỗ trợ của Trung Quốc: 8 khóa đào tạo ngắn hạn với các nội dung cụ thể như sau: kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn; kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn; kỹ thuật trồng cây hạt dầu và sử dụng hệ thống thủy lợi tổng hợp; kỹ thuật nuôi trồng lúa lai; quản lý và nuôi trồng dâu tằm; kỹ thuật nuôi ong và chế biến mật ong; kỹ thuật chế biến nông sản mới
15.2. Hỗ trợ của Nhật Bản: đang chuẩn bị chương trình đào tạo ngắn hạn cho 4 cán bộ trong lĩnh vực trồng trọt và thủy lợi.
15.3. Hỗ trợ của Israel: 4 khóa đào tạo ngắn hạn về: quản lý nước; quản lý nước hiệu quả cho nông nghiệp bền vững; sản xuất rau trong môi trường kín; an ninh lương thực và bảo quản ngũ cốc.
15.4. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp
- Dự án hợp tác phát triển hệ thống canh tác rau ở Việt Nam do Hàn Quốc tài trợ.
- Dự án Phát triển sản xuất lúa gạo để gia tăng sự tự cung tự cấp lương thực bền vững ở Việt Nam do Hàn Quốc tài trợ
- Dự án Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới lưu vực sông Hồng và hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu tưới thí điểm của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ viện trợ không hoàn lại.
- Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp (ACP) được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDAAVB) và Chính phủ Việt Nam trong đó có một hợp phần tăng cường công nghệ.
- Dự án “Hỗ trợ trực tiếp nhằm nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp để ứng phó với cúm gia cầm độc lực cao (HPAI)” (OSRO/RAS/604/USA) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO).
- Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án kết thúc 6/2013.
15.5. Thỏa thuận quốc tế riêng về KH&CN: Cho đến nay chưa có các Thỏa thuận quốc tế riêng về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Để thông tin tuyên truyền đến người dân nông thôn nâng cao nhận thức về Nghị quyết 26-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các thành tựu nghiên cứu KHCN ứng dụng vào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều hình thức thông tin tuyên truyền được triển khai, như:
- Thông tin qua các ấn phẩm: tạp chí, bản tin: Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, bản tin KHCN và kinh tế NN-PTNT, các bản tin chuyên ngành của các viện, trường...
- Qua báo chí: Báo nông nghiệp Việt Nam, báo Nông thôn ngày nay...
- Qua truyền thanh, truyền hình: VTV2, VTC16, Đài tiếng nói VN...
- Qua cổng thông tin điện tử của Bộ, các báo điện tử chuyên ngành...
Trên cổng thông tin điện tử của Bộ có chuyên mục hỏi đáp. Hàng ngày có nhiều câu hỏi về kỹ thuật nuôi trồng cây, con được gửi đến yêu cầu giải đáp. Ban biên tập đã cùng với các chuyên gia đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nông dân. Trên hệ thống điện thoại di động Viettel cũng có chuyên mục hỏi đáp qua hình thức nhắn tin, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người không có điều kiện tiếp cận với mạng Internet.
- Nội dung thông tin tuyên truyền bao gồm: Giới thiệu tình hình hoạt động, kết quả những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kinh tế, mô hình sản xuất giỏi, công nghệ và sản phẩm mới. Các thông tin về sản xuất, khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa liên quan đến lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi... ở trong và ngoài nước; khuyến nông, khuyến ngư. Giới thiệu các văn bản mới liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Một số kết quả nghiên cứu KHCN ứng dụng vào nông thôn và Xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 Thế giới. Việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn, tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác đã góp phần nâng hàm lượng KH&CN tăng dần trong sản phẩm hàng hóa.
Những thành tựu mọi mặt nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học trong công tác chọn giống, hiện nay cơ cấu giống cây trồng của Việt Nam đã được chuyển đổi theo hướng sử dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Tỷ lệ sử dụng các giống mới đạt cao nhất ở cây lúa, ngô và rau với trên 60% diện tích gieo trồng. Các loại cây trồng khác tỷ lệ sử dụng giống mới đều chiếm khoảng 30-40% diện tích.
Trong chăn nuôi, nhờ những tiến bộ của KH&CN, nhiều giống gia súc địa phương như bò vàng, gà Mông, lợn Móng Cái đã được phục tráng, phát triển, tạo nên những sản phẩm hàng hóa đặc sản, giá trị cao được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước quan tâm. Việc thực hiện chương trình cải tạo đàn giống như Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn đang đem lại những thay đổi lớn về chất lượng tổng đàn. Hiện nay, đàn bò lai mới giống bò chiếm khoảng trên 75% so với tổng đàn. Đàn lợn lai 2-3 máu chiếm khoảng trên 80% so với tổng đàn.
Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều giống tôm, cá mới được nghiên cứu, đưa vào nuôi trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt việc chuyển giao công nghệ về giống, nuôi thả, thức ăn và công nghệ chế biến thủy hải sản với cá da trơn và tôm đông lạnh đã trở thành yếu tố quyết định đảm bảo lợi thế cạnh tranh của tôm, cá xuất khẩu ở thị trường Mỹ và EU. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, từ 47,4 triệu/ha năm 1995, năm 2011 đã đạt 135,2 triệu/ha.
Nhiều giống cây lâm nghiệp có giá trị đã được chọn tạo. Kỹ thuật nhân giống vô tính như kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, kỹ thuật giâm cành đã cung cấp hàng triệu cây trồng chất lượng cao phục vụ cho công tác phát triển rừng hàng hóa, làm phong phú thêm các nguồn nguyên liệu cho nhà máy và cho thương mại. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là trong khâu làm đất.
Hạn chế lớn nhất được đánh giá trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là chế biến sau thu hoạch. Tình trạng mất mùa trong kho ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê, thất thoát sau thu hoạch với lúa từ 11 đến 13%, ngô 13-15% chưa kể sự suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản cũng làm giảm giá thương phẩm 20-25%. Ngành thủy sản và rau quả tổn thất 20-25% về sản phẩm và chất lượng. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, manh mún, chưa quy hoạch được những vùng sản xuất tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu. Vì vậy, dù có lợi thế một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm phong phú đa dạng nhưng khối lượng của từng chủng loại còn ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Để đẩy mạnh chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 05 tháng 1 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 27/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015”. Tiếp đó, ngày 05 tháng 12 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra Quyết định số 3037/QĐ-BNN-KHCN “Phê duyệt Danh mục đề tài, dự án xét chọn bổ sung thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 thực hiện từ 2012”.
Một số kết quả nghiên cứu KH&CN tiêu biểu đã được áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới. Các kết quả nghiên cứu trong nông nghiệp đã được tặng trên 40 giải thưởng bông lúa vàng lần thứ nhất trong năm 2012 gồm: các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cơ điện, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp.
1. Nguồn nhân lực KH&CN và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trong nông nghiệp
Trong những năm gần đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư đào tạo nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao cho các viện, các trường từ các nguồn kinh phí khác nhau (kinh phí ngân sách nhà nước, chương trình công nghệ sinh học, các chương trình học bổng từ các tổ chức quốc tế...). Hiện tại có hơn 1.000 cán bộ khoa học trẻ từ các viện và trường đại học thuộc Bộ đang được đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài.
- Các viện: 789 cán bộ đang được đào tạo sau đại học: 468 đào tạo thạc sĩ (51 ở nước ngoài và 417 ở trong nước); 321 đào tạo tiến sĩ (127 ở nước ngoài và 194 ở trong nước).
- Các trường đại học: 298 cán bộ đang được đào tạo sau đại học: 101 đào tạo thạc sĩ (29 ở nước ngoài và 72 ở trong nước); 197 đào tạo tiến sĩ (154 ở nước ngoài và 43 ở trong nước).
2. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định sổ 1956/QĐ-TTg .
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối kết hợp với các Bộ, Ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1956/QĐ-TTg và các thông báo của Văn phòng Chính phủ, cụ thể:
- Tổ chức xây dựng danh mục nghề và chương trình, giáo trình dạy nghề các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức xây dựng và nghiệm thu chương trình, giáo trình của 101 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, năm 2010 là 41 nghề; năm 2011 là 30 nghề và năm 2012 là 30 nghề. Năm 2013, đang chỉ đạo xây dựng tiếp 31 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề.
- Thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn: Trong ba năm (2010-2012), công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã đạt được kết quả nhất định, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện qua các kênh thông tin lớn (VOV1, VTV2, VCTV16..), đây là các chương trình có số lượng độc giả đông, phủ sóng cả nước, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có cơ hội tiếp cận chương trình. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã kết hợp giữa báo hình và báo viết (Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp) kết hợp với việc phát hành các ấn phẩm, tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi mới cho lao động nông thôn. Một số chuyên mục như: Xây dựng chuyên trang “Tư vấn - dạy nghề” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam; Phối hợp sản xuất và phát sóng các phóng sự ngắn trong chuyên mục “Bản tin thị trường nông sản” trên kênh VTC16, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Chuyên mục: “Mách nghề nông nghiệp’’ ...
- Thí điểm triển khai hình thức cấp Thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chọn 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre để triển khai thí điểm nhằm rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Sau hai năm thực hiện mô hình thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp tại hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre đã cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho 10.299 LĐNT và đào tạo được 9.758 LĐNT học nghề nông nghiệp theo hình thức cấp Thẻ. Đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp tại Bến Tre và có công văn số 1436/BNN-TCCB ngày 2/5/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các địa phương: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các địa phương, bao gồm: Kiểm tra, giám sát công tác thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp; tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại một số tỉnh trên cả nước.
- Chỉ đạo triển khai đào tạo nghề nông nghiệp tại các địa phương: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo thông báo số 28/TB-VPCP ngày 30/01/2012 của Văn phòng Chính phủ, với phương châm “khẩn trương nhưng chắc”; đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Năm 2012-2013, các Sở Nông nghiệp và PTNT đã được giao kinh phí và tiến hành đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo đều tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo nhu cầu của địa phương, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển nông nghiệp xã.
III. ĐÁNH GIÁ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KH&CN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 26
1. Chuyển biến về nhận thức và tư tưởng của các tầng lớp xã hội, nhất là nông dân về chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 26.
Sau khi có Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều Hội nghị, Hội thảo, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến Nghị quyết 26 đến các cấp, các ngành và cơ sở. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới và thực sự đã trở thành một phong trào rộng rãi trong cả nước, từ đó đã tạo ra một sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, đặc biệt là nông dân.
2. Công tác quy hoạch làm cơ sở để phát triển ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp (nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy hoạch vùng sản xuất, lợi thế so sánh...), phát triển nông thôn theo hướng hiện đại (công nghiệp, văn hóa, đời sống, kinh tế.... nông nghiệp, nông thôn).
Đến nay nhiều địa phương đã tiến hành quy hoạch nông thôn mới cấp xã, trong đó có nội dung phát triển nông nghiệp, làm cơ sở cho việc ứng dụng, chuyển giao các TBKT trong nông nghiệp.
Hầu hết các tổ chức KHCN của Bộ đã được quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật làm cơ sở để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật tạo điều kiện tốt cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm, chuyển giao.
Trong 10 năm qua, nhà nước đã đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp nhà làm việc và nghiên cứu thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm, nhân giống cho 19 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó 11 tổ chức thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, v.v, Trung tâm khuyến nông quốc gia và 3 phòng thí nghiệm trọng điểm (tế bào thực vật, tế bào động vật và động lực sông biển).
Trang thiết bị nghiên cứu thí nghiệm và phòng thử nghiệm bước đầu đã phát huy tác dụng, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, thí nghiệm trong các lĩnh vực tế bào động thực vật, động lực sông biển, di truyền và chọn giống cây trồng, vật nuôi, phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, v.v. Ngoài 3 phòng thí nghiệm trọng điểm, đã có 12 phòng thí nghiệm của các tổ chức KHCN được công nhận là phòng thí nghiệm cấp ngành và 4 phòng thí nghiệm được công nhận là phòng thí nghiệm quốc gia về kiểm nghiệm chất lượng phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ thực vật, vệ sinh thú y. Tuy nhiên, nhiều tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Thú y, các Viện nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật nên thiếu trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, chuyển giao. Nhiều phòng thí nghiệm thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, thiếu nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho nghiên cứu trong một số lĩnh vực về công nghệ sinh học, vắc xin, bảo vệ môi trường, v.v.
Một số tổ chức khoa học công nghệ thiếu đất đai để triển khai thí nghiệm, thực nghiệm, thiếu trại nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nên phải thuê đất, thuê gia súc, gia cầm của các trang trại và nông dân để triển khai thí nghiệm. Một số tổ chức khoa học công nghệ bị thu hồi đất dùng cho nghiên cứu thí nghiệm để chuyển sang làm việc khác (Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Chăn nuôi,...), Do vậy, không chủ động được triển khai thí nghiệm, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm của các tổ chức khoa học công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phần kinh tế ngoài công lập và một số tổ chức nghiên cứu thuộc các trường Đại học, Cao đẳng còn rất nghèo nàn.
Cơ sở vật chất phục vụ chuyển giao TBKT của hệ thống khuyến nông công lập chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho việc đào tạo, tập huấn nông dân ở các địa phương. Các tổ chức khuyến nông ngoài công lập cơ sở vật chất cũng nghèo nàn, do thiếu vốn nên không có khả năng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị.
3. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn:
- Chọn tạo và phát triển được các giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản có năng suất và chất lượng cao, chống chịu với các điều kiện bất lợi, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau.
- Nghiên cứu phát triển các quy trình sản xuất nông lâm thủy sản và diêm nghiệp, sử dụng hiệu quả vật tư để đạt năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính; chú trọng ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên các loại cây con có lợi thế của Việt Nam.
- Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chủng vi sinh vật, các chế phẩm sinh học mới phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản nông sản, thủy sản, lâm sản.
- Nghiên cứu ứng dụng và nội địa hóa công nghệ, thiết bị có hiệu quả, thân thiện môi trường trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
- Nghiên cứu các bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản phổ biến ở Việt Nam; quy trình phòng chống có hiệu quả; chế tạo các loại vác-xin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm phục vụ chẩn đoán, điều trị và khống chế dịch bệnh đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản và an toàn thực phẩm.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch, tái cơ cấu sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đổi mới quản lý nhà nước về nông nghiệp và nông thôn.
- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển và ứng dụng các quy trình công nghệ thiết bị sử dụng nước tiết kiệm.
- Phát triển và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến, làng nghề, sử dụng phụ phế phẩm, chất thải sinh hoạt trong nông nghiệp, nông thôn.
4. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị.
Song song với việc quy hoạch nông thôn mới, trong thời gian qua Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực nông thôn. Đến nay cơ sở vật chất của nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể.
5. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn
Đời sống vật chất, tinh thần của các cư dân nông thôn cũng đã được cải thiện đáng kể. Nhiều địa phương đã xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm xá... Nhiều địa phương đã khôi phục văn hóa làng xã trong khu dân cư, tạo nên đời sống tinh thần phong phú.
6. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng trong việc nghiên cứu, chỉ đạo, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả như: cổ phần hóa các doanh nghiệp, đổi mới kinh tế hợp tác xã, xây dựng nghiệp đoàn đánh cá, liên kết bốn nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang được phát triển rộng rãi ở các vùng sản xuất hàng hóa.
IV. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ NHÓM GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ
- Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức KHCN thuộc Bộ để phát huy tối đa tiềm lực KHCN và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để tiến hành quy hoạch lại hệ thống KHCN theo Nghị quyết TW VI khóa XI.
- Xây dựng chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành, tâm huyết, có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Ngân sách nhà nước đầu tư thích đáng để phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, lựa chọn một số tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm để đầu tư phát triển thành các trung tâm khoa học đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Khuyến khích tạo điều kiện và môi trường để thu hút nguồn đầu tư xã hội, đặc biệt đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Thí điểm thực hiện và đưa vào áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập. Đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN của Bộ trên cơ sở các định mức, chế độ tài chính theo hướng quản lý sản phẩm, đầu ra của nhiệm vụ KHCN. Trước mắt thực hiện tốt Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 2/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tăng cường đầu tư để nâng cao tiềm lực khoa học của các tổ chức KHCN thuộc Bộ. Bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, chuyên ngành phục vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.
- Đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với đổi mới cơ chế quản lý nhân lực KHCN theo hướng tạo lập thị trường lao động trong hoạt động khoa học và công nghệ; tạo động lực vật chất và tinh thần, thực hiện chế độ thù lao, đãi ngộ phù hợp với mức độ cống hiến và trách nhiệm của cá nhân nhà khoa học. Tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh liên kết các địa phương, liên ngành, thúc đẩy xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ KHCN để huy động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho sản xuất các đối tượng chủ lực.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cho chính doanh nghiệp mình cũng như mua công nghệ của các đơn vị nghiên cứu. Giành một phần kinh phí Nhà nước cho việc hoàn thiện công nghệ trước khi chuyển giao vào sản xuất.
- Đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, xây dựng mối liên kết đào tạo giữa Viện và các Trường. Tổ chức nghiên cứu phải tạo tiền đề cho việc tập hợp lực lượng trong và ngoài Bộ; tăng cường liên kết nghiên cứu liên ngành để tăng cường hiệu quả, bền vững lâu dài.
- Hình thành và duy trì hoạt động hệ thống thông tin KHCN. Xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu KHCN trong nước và quốc tế. Tăng cường kinh phí và tạo điều kiện tiếp cận thông tin KHCN cho các tổ chức KHCN. Đăng ký mua các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.
- Đề nghị Nhà nước tăng đầu tư cho KHCN, kể cả đầu tư phát triển, nghiên cứu chuyển giao KHCN, đào tạo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;
- Nhà nước sớm đổi mới cơ chế tài chính cho nghiên cứu, chuyển giao KHCN và TBKT, nhập khẩu công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, cần nghiên cứu cơ chế tài chính cho nghiên cứu, chuyển giao TBKT phù hợp với sản xuất mùa vụ, chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp;
- Nhà nước cần ban hành các chính sách phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao TBKT, liên doanh, liên kết vào sản xuất nông nghiệp;
- Nhà nước sớm ban hành các chính sách đãi ngộ cán bộ khoa học, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, chế độ nhà công vụ để thu hút lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu, chuyển giao, chỉ đạo sản xuất trong sản xuất nông nghiệp.
- Nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thành lập tổ chức tư vấn độc lập đánh giá nghiệm thu đề tài, dự án theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 3510/BKHCN-KHTH năm 2014 xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020 (Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 của ngành khoa học và công nghệ) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2 Công văn 18228/BTC-CST năm 2013 thực hiện Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 2954/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công văn 2514/BXD-KHTC năm 2013 báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 do Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Công văn 5851/VPCP-KGVX quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 1258/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8 Quyết định 1259/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 phê duyệt Chương trình khung nghiên cứu khoa học công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9 Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT quy định thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10 Quyết định 24/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc “Chương trình trọng điểm và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”
- 11 Thông tư liên tịch 66/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHCN hướng dẫn thực hiện Quyết định 846/QĐ-TTg thí điểm đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 12 Quyết định 3246/QĐ-BNN-KHCN năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020
- 13 Thông tư liên tịch 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 14 Quyết định 1895/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 3037/QĐ-BNN-KHCN năm 2012 phê duyệt Danh mục đề tài, dự án xét chọn bổ sung thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 20112015 thực hiện từ 2012 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 16 Quyết định 1152/QĐ-TTg năm 2012 thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Công văn 2499/BGDĐT-KHCNMT đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho Chương trình Tây Nguyên 3 thực hiện từ năm 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 18 Quyết định 418/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19 Thông báo 28/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 20 Thông tư 02/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 21 Quyết định 27/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 22 Thông tư 121/2011/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 do Bộ Tài chính ban hành
- 23 Thông tư 50/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn Quyết định 69/2010/QĐ-TTg về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 24 Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định 315/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 25 Quyết định 846/QĐ-TTg năm 2011 về thực hiện thí điểm đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 26 Thông tư 40/2011/TT-BNNPTNT về quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 27 Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 28 Thông tư 67/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 29 Quyết định 69/2010/QĐ-TTg quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 30 Thông tư 56/2010/TT-BNNPTNT quy định hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 31 Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 32 Thông tư liên tịch 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường do Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 33 Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 34 Quyết định 176/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 35 Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông
- 36 Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 37 Thông tư 54/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 38 Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 39 Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 40 Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 41 Quyết định 97/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 42 Luật Chuyển giao công nghệ 2006
- 43 Nghị định 104/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng
- 44 Quyết định 11/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 45 Luật Đất đai 2003
- 46 Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 47 Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 48 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
- 1 Công văn 3510/BKHCN-KHTH năm 2014 xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020 (Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 của ngành khoa học và công nghệ) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2 Công văn 18228/BTC-CST năm 2013 thực hiện Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Quyết định 2954/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Công văn 2514/BXD-KHTC năm 2013 báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 do Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Công văn 5851/VPCP-KGVX quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 24/QĐ-BNN-KHCN năm 2013 công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc “Chương trình trọng điểm và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”
- 7 Công văn 2499/BGDĐT-KHCNMT đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho Chương trình Tây Nguyên 3 thực hiện từ năm 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành