Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3402/BNN-TCLN
V/v báo cáo nhanh kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương.

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2012

 

Kính gửi: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 6926/VPCP-KTN ngày 5/9/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2177/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/9/2012 về việc thành lập đoàn công tác liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, kiểm tra tình hình triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương gồm: Yên Bái, Hà Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình; và các đoàn công tác khác, đã kiểm tra tại 05 tỉnh, gồm: Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo nhanh kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG NĂM 2012

1. Thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch

Các tỉnh đều cố gắng thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân giao cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thấp, nên các địa phương đều giao chỉ tiêu nhiệm vụ thấp hơn chỉ tiêu nhiệm vụ theo Quyết định số 500/QĐ-BNN-TCLN. Đến nay hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều không hoàn thành, đặc biệt chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ đạt thấp (25% kế hoạch), thậm chí một số địa phương không giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ như Hà Giang, Hải Phòng, Yên Bái (Chi tiết tại Phụ lục 01 đính kèm).

2. Tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012

Nhiều tỉnh đã sử dụng tỷ lệ lớn vốn ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012 hỗ trợ các nhà máy chế biến gỗ (MDF, ghép thanh), làm đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng, thanh toán các hạng mục đã thực hiện từ năm 2011,... cụ thể:

- Tỉnh Yên Bái: Sử dụng 30,55 tỷ để thanh toán trả nợ 1.600 ha rừng phòng hộ trồng năm 2011 (năm 2011 không giao chỉ tiêu nhưng tỉnh đã trồng). Bố trí 34,845 tỷ vốn ngân sách Trung ương còn lại và 12,024 tỷ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm 2012.

- Tỉnh Hà Giang: Phân bổ 60 tỷ đồng trong tổng số 77 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012 (chiếm 80%) để hỗ trợ đầu tư xây dựng (20 tỷ đồng) và hỗ trợ vận chuyển sản phẩm chế biến (40 tỷ đồng) của nhà máy MDF tại huyện Vị Xuyên trong khi nhà máy này chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn thi công xây dựng, nhà xưởng chưa có thiết bị và quy hoạch vùng nguyên liệu.

- Tỉnh Thanh Hóa:

+ Phân bổ 25 tỷ đồng trong tổng số 75 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (chiếm 33%) để hỗ trợ vận chuyển sản phẩm cho nhà máy MDF trong khi nhà máy này chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn thi công xây dựng.

+ Sử dụng vốn cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để xây dựng công trình thủy lợi (kênh mương, trạm bơm).

- Tỉnh Quảng Bình phân bổ 18 tỷ đồng trong tổng số 35 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (chiếm 51,4%) để hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp tại khu vực rừng phòng hộ là rừng tự nhiên do Công ty TNHH 1 thành viên Long Đại quản lý.

- Thành phố Hải Phòng phân bổ 18,5 tỷ đồng trong tổng số 20 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (chiếm 92,5%) để đầu tư xây dựng trụ sở Vườn Quốc gia Cát Bà.

- Tỉnh Lào Cai phân bổ 15 tỷ đồng trong tổng số 55 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (chiếm 27,3%) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

(Chi tiết tại Phụ lục 02 đính kèm)

II. VỀ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ KHÁC

1. Về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020

Các địa phương đều đã thành lập Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh ngay sau khi có Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

Tuy vậy, một số tỉnh chưa ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nên công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch còn lúng túng, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nắm được tình hình bố trí vốn cũng như giải ngân các khoản ngân sách cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012 đối với các hạng mục hỗ trợ nhà máy MDF và xây dựng cơ sở hạ tầng.

2. Về xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 để làm căn cứ triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, một số địa phương chậm triển khai như: Yên Bái, Hà Giang, Hải Phòng.

3. Tình hình xây dựng Kế hoạch trung hạn 2013 - 2015 và năm 2013; phê duyệt các đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 1477/BNN-TCLN ngày 21/5/2012 hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trung hạn 2013-2015 nhằm thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch theo dự án theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch vốn đầu tư phát triển từng Dự án và giao vốn đến từng dự án thành phần.

Các địa phương xây dựng Kế hoạch 2013 - 2015 và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đồng thời xây dựng các Dự án gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định và cấp vốn theo dự án. Tình hình này, nếu không có sự chỉ đạo thống nhất giữa các Bộ, có thể làm cho việc điều phối Kế hoạch 2013 - 2015 và năm 2013 có sự không thống nhất giữa chỉ đạo thực hiện toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ với nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương tương tự như năm 2012, các địa phương lúng túng trong việc chủ động lập và tổ chức thực hiện.

III. NHẬN XÉT CHUNG

Để thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng năm 2012, trong 9 tháng qua, Ban chỉ đạo nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tiến hành tổ chức hội nghị, hội thảo tại các vùng tại Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, nhưng nhìn chung các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm đều đạt thấp, đặc biệt là chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và khoán bảo vệ rừng tại các huyện thuộc chương trình 30a.

Bước đầu kiểm tra và làm việc với các tỉnh cho thấy, nguyên nhân chủ yếu không hoàn thành được các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2012 là:

1. Việc bố trí nguồn vốn không tương ứng với các chỉ tiêu nhiệm vụ, hơn nữa một số địa phương lại phân bổ tỷ lệ lớn vốn ngân sách Trung ương cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nhà máy MDF.

2. Việc rà soát, xây dựng và thẩm định phê duyệt dự án chậm, nên mặc dù có vốn nhưng không thể phân giao để triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng kịp thời vụ.

3. Nhằm triển khai các nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ rừng, thời gian qua đã tạm dừng triển khai các dự án chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp để rà soát theo Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Tây Nguyên có 824 dự án, đến nay đã thu hồi và đình chỉ 124 dự án, còn 700 dự án với diện tích trên 203 ngàn ha) cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng, khoán bảo vệ rừng.

4. Suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ thấp không phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật, do đó các địa phương đều báo cáo không thể triển khai trồng rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn với mức tối đa 15 triệu/ha trong 3 năm.

5. Thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu nguyên liệu ván dăm, nên việc khai thác rừng trồng sản xuất để trồng rừng đạt thấp. Việc huy động vốn và vay vốn để trồng rừng sản xuất của các doanh nghiệp khó khăn.

6. Hầu hết các địa phương còn thụ động, chưa chủ động huy động và phối hợp các nguồn lực đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, nặng tâm lý trông chờ vào ngân sách Trung ương cấp.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Kiến nghị của các địa phương

Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan:

- Tăng vốn đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đơn giản hóa thủ tục về xây dựng và thẩm định các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

- Thống nhất cơ chế quản lý điều hành kế hoạch theo các chỉ tiêu nhiệm vụ tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ và phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương.

- Sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật.

2. Kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo:

a) Về thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2012

- Chỉ đạo các địa phương rà soát vốn đã phân bổ cho các nhà máy MDF sử dụng dây chuyền sản xuất của Trung Quốc và thiết bị đã qua sử dụng hoặc nhà máy mới khởi công, đầu tư xây dựng nhà cửa, đường giao thông, thủy lợi để chuyển vốn cho các hạng mục chăm sóc rừng, trồng rừng phòng hộ, khoán bảo vệ rừng cho các huyện nghèo 30a và trả nợ cho năm 2011.

- Đặc thù của công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, do đó cần rà soát, sắp xếp các Dự án cơ sở từ Dự án 661 sang thực hiện các Dự án bảo vệ và phát triển rừng 2011-2020 theo Quyết định 57/QĐ-TTg , không áp dụng như các dự án khởi công mới. Vì vậy, không yêu cầu phải trình các Bộ thẩm định mà giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện theo Quyết định 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh. Các Bộ, ngành hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến định mức đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng quy định trong Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg như đề nghị của các địa phương.

b) Từ năm 2013, chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương:

- Tạm dừng việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ các hoạt động không thuộc diện ưu tiên bố trí vốn Ngân sách theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

- Các địa phương chỉ sử dụng tối đa 10% ngân sách Trung ương cấp cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm để xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn