Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3708/TCT-HTQT
V/v chính sách thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 6718/CT-TTHT ngày 12/9/2013 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn về chính sách thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào (sau đây gọi là Hiệp định) đối với trường hợp của Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào (sau đây gọi là Công ty Việt Lào). Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về việc áp dụng nội luật

1.1. Quy định về đầu tư ra nước ngoài tại Luật Đầu tư

- Khoản 8 và 14, Điều 3, Chương I, Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 quy định như sau:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

8. Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

14. Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư đưa vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác từ Việt Nam ra nước ngoài để tiến hành hoạt động đầu tư."

- Điều 21, Chương IV, Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 quy định về các hình thức đầu tư trực tiếp như sau:

"Điều 21. Các hình thức đầu tư trực tiếp

1. Thành lập các tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

…"

- Điều 25 và 27, Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài quy định như sau:

"Điều 25. Chuyển lợi nhuận về nước

1. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có quyến toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ dự án đầu tư về Việt Nam

…"

"Điều 27. Nghĩa vụ tài chính

1. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đối với phần lợi nhuận chuyển về nước được áp dụng như mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với dự án đầu tư trong nước trong cùng lĩnh vực đầu tư.

3. Trường hợp nước tiếp nhận đầu tư là quốc gia hoặc thuộc vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam thì nghĩa vụ về thuế của nhà đầu tư đối với Nhà nước Việt Nam thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

…"

Căn cứ các quy định nêu trên, trong trường hợp này, mục đích thành lập Công ty con tại Lào (Công ty TNHH Cổ phần Cao su Việt Lào) của Công ty Việt Lào là để thực hiện dự án đầu tư tại Lào. Do đó, khoản lợi nhuận Công ty con tại Lào chuyển về cho Công ty Việt Lào chính là khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại Lào của Công ty Việt Lào. Theo đó, Công ty Việt Lào ngoài việc phải chuyển toàn bộ lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ dự án đầu tư tại Lào về Việt Nam trong thời hạn quy định, còn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

1.2. Quy định tại Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn:

Khoản 21, Điều 7, Chương II, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu nhập khác như sau:

"Điều 7. Thu nhập khác

Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:

21. Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài.

- Trường hợp khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (hoặc một loại thuế có bản chất tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp) ở nước ngoài, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài hoặc đã được đối tác nước tiếp nhận đầu tư trả thay (kể cả thuế đối với tiền lãi cổ phần), nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Số thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được miễn, giảm đối với phần lợi nhuận được hưởng từ dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp của nước doanh nghiệp đầu tư cũng được trừ khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt nam.

Đối với khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư tại nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài kê khai và nộp thuế theo quy định tại Hiệp định."

Theo hướng dẫn nêu trên, trường hợp khoản thu nhập của Công ty Việt Lào từ dự án đầu tư tại Lào (Công ty TNHH Cổ phần Cao su Việt Lào) đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Lào, khi tính thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam, Công ty Việt Lào được trừ số thuế đã nộp ở Lào, nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo quy định của Luật thuế TNDN của Việt Nam. Đồng thời, số thuế thu nhập đối với phần lợi nhuận Công ty con tại Lào được miễn thuế TNDN tại Lào và chuyển về cho Công ty Việt lào cũng được trừ khi xác định số thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam.

Căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư số 2474/GP ngày 27/4/2005, thu nhập của Công ty Việt Lào nhận được từ Công ty con tại Lào là thu nhập từ dự án đầu tư tại Lào (được coi như thu nhập khác nêu trên), không được coi là thu nhập được miễn thuế TNDN theo hướng dẫn tại Khoản 6, Điều 8, Thông tư số 123/2012/TT-BTC.

2. Về việc áp dụng Hiệp định

Khoản 1, Điều 22 (Các biện pháp xóa bỏ việc đánh thuế hai lần) của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào quy định:

"1. Tại Việt Nam, việc đánh thuế hai lần sẽ được xóa bỏ như sau:

Khi một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập mà theo các quy định của Hiệp định này, có thể bị đánh thuế tại Lào, Việt Nam sẽ cho phép trừ vào số thuế phải nộp trên thu nhập của đối tượng cư trú đó một khoản thuế tương đương số thuế thu nhập đã nộp tại Lào.

Tuy nhiên, số thuế được khấu trừ như vậy trong từng trường hợp sẽ không vượt quá phần thuế thu nhập của Việt Nam, được tính trước khi cho phép khấu trừ thuế thu nhập, phù hợp với các luật và quy định về thuế của Việt Nam."

Theo quy định nêu trên, khi Công ty Việt Lào - với tư cách là đối tượng cư trú của Việt Nam - nhận được thu nhập do Công ty con tại Lào chuyển về, Việt Nam sẽ cho phép trừ vào số thuế phải nộp trên thu nhập của Công ty Việt Lào một khoản thuế tương đương số thuế thu nhập đã nộp tại Lào. Tuy nhiên, số thuế được khấu trừ như vậy trong từng trường hợp sẽ không vượt quá phần thuế thu nhập của Việt Nam, được tính trước khi cho phép khấu trừ thuế thu nhập, phù hợp với các luật và quy định về thuế của Việt Nam.

Do thu nhập Công ty con chuyển cho Công ty Việt Lào được miễn thuế TNDN theo quy định của pháp luật tại Lào và tại Điều 22 của Hiệp định không quy định biện pháp khấu trừ đối với số thuế được miễn này, nên sẽ áp dụng theo quy định của nội luật nêu tại điểm 1 của công văn này: số thuế thu nhập đối với phần lợi nhuận của công ty con tại Lào được miễn thuế TNDN tại Lào và chuyển về cho Công ty Việt Lào cũng được trừ khi xác định thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết và hướng dẫn Công ty Việt Lào thực hiện. Yêu cầu Cục Thuế thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và hướng dẫn tại công văn này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Vụ: CS, PC;
- Lưu: VT, HTQT (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lê Hồng Hải