BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 372/QHLĐTL-CSLĐ | Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn TM DV Mednovum
(Số 34A Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)
Trả lời kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn TM DV Mednovum đề nghị hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến chế độ đối với người lao động do Văn phòng Chính phủ gửi kèm công văn số 460/VPCP-ĐMDN ngày 16 tháng 01 năm 2019, sau khi nghiên cứu, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương có ý kiến như sau:
1. Về trả tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong cùng kỳ trả lương đối với người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, ốm đau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
Căn cứ các quy định và nội dung kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn TM DV Mednovum thì người lao động nữ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản người lao động không hưởng lương từ doanh nghiệp nên không có căn cứ để doanh nghiệp thực hiện trả khoản tiền tương đương tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp cùng kỳ trả lương cho người lao động.
2. Chuyển địa điểm làm việc:
Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ thì nội dung hợp đồng lao động phải ghi rõ phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động phải làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính nơi người lao động làm việc.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới; trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn TM DV Mednovum, trường hợp Công ty muốn thay đổi địa điểm làm việc so với nội dung đã ghi trong hợp đồng lao động thì phải thỏa thuận với người lao động để sửa đổi hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, trường hợp không thỏa thuận được thì phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng lao động đã giao kết.
3. Về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhân sự của văn phòng đại diện và trưởng văn phòng đại diện:
Việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện được thực hiện theo quy định tại Điều 35, 36, 37 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Hợp đồng lao động giữa người lao động với văn phòng đại diện (đã chấm dứt) được chấm dứt theo quy định tại Khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động. Các quyền lợi của người lao động đã làm việc tại văn phòng đại diện được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, theo đó: thương nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định của pháp luật.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người đứng đầu văn phòng đại diện ký với thương nhân nước ngoài không thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 7 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 của Việt Nam.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trả lời để Công ty trách nhiệm hữu hạn TM DV Mednovum biết và thực hiện./.
| Q. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 3458/LĐTBXH-PC năm 2019 áp dụng quy định của pháp luật về quy trình xử lý kỷ luật lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Công văn 482/CVL-BHTN năm 2019 về chấm dứt hợp đồng lao động do Cục Việc làm ban hành
- 3 Công văn 254/QHLĐTL-CSLĐ năm 2019 hướng dẫn quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành
- 4 Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động
- 5 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
- 6 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp
- 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động
- 8 Bộ Luật lao động 2012
- 1 Công văn 254/QHLĐTL-CSLĐ năm 2019 hướng dẫn quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành
- 2 Công văn 482/CVL-BHTN năm 2019 về chấm dứt hợp đồng lao động do Cục Việc làm ban hành
- 3 Công văn 3458/LĐTBXH-PC năm 2019 áp dụng quy định của pháp luật về quy trình xử lý kỷ luật lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành