Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 381/BYT-BM-TE
V/v triển khai mở rộng sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016

 

Kính gửi: Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Sổ TDSKBMTE) được triển khai đầu tiên tại Nhật Bản từ năm 1948 đến nay. Việc sử dụng Sổ được quy định rõ ràng trong hệ thống luật pháp về chăm sóc sức khỏe Bà mẹ trẻ em của Nhật Bản.

Ở Việt Nam Sổ TDSKBMTE đã được triển khai thí điểm trong nhiều năm dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Kết quả thí điểm cho thấy Sổ TDSKBMTE là công cụ tiện dụng, hữu ích trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục của bà mẹ và trẻ em, từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi cũng như chăm sóc liên tục từ các cơ sở y tế xã đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Việc sử dụng Sổ TDSKBMTE cũng đã giúp cho bản thân người phụ nữ, thành viên gia đình, các cán bộ y tế thay đổi rõ rệt kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nuôi con nhỏ. Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra là để triển khai Sổ đồng bộ, bền vững cần phải có sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể ở địa phương và đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ chỉ đạo của chính quyền các cấp.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm Sổ TDSKBMTE, tháng 8/2015, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE do Bộ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chủ trì (với sự tham dự của các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo UBND và Sở Y tế của 22 tỉnh/thành phố). Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đánh giá cao về tính nhân văn, khoa học cũng như hiệu quả của Sổ TDSKBMTE và mong muốn việc mở rộng triển khai nhân rộng Sổ.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; góp phần củng cố và nâng cao chất lượng mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đặc biệt tại tuyến cơ sở; việc mở rộng triển khai áp dụng Sổ TDSKBMTE trên phạm vi toàn quốc là hết sức cần thiết. Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố:

1. Thống nhất chủ trương và có văn bản chỉ đạo Ngành Y tế, các sở, ban, ngành có liên quan xem xét triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE tại địa phương theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế (xin gửi kèm theo hướng dẫn triển khai);

2. Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương;

3. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với Ngành y tế tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về lợi ích sử dụng sổ và vận động người dân, đặc biệt là các bà mẹ mang thai và phụ nữ sau sinh sử dụng Sổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế;

4. Tăng cường huy động nguồn lực của trung ương, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác cũng như xem xét tạo cơ chế để xã hội hóa việc triển khai sử dụng Sổ.

Trong quá trình triển khai sử dụng sổ, nếu phát sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế các tỉnh tập hợp ý kiến, phản ánh về Bộ Y tế (Ths. Đỗ Thu Thủy, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, ĐT/Fax: 043.8464060) để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- JICA (để phối hợp);
- Sở Y tế 63 tỉnh/Tp (để thực hiện);
- TT CSSKSS 63 tỉnh/Tp(để thực hiện);
- Lưu: VT, BMTE.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI SỔ THEO DÕI SỨC KHỎE BÀ MẸ VÀ TRẺ EM
(Kèm theo công văn số 381/BYT-BM-TE ngày 21 tháng 01 năm 2016)

I. Giới thiệu Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em

1. Mục đích

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Sổ TDSKBMTE) là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi.

2. Cấu trúc

Sổ TDSKBMTE gồm có 4 phần:

Phần I: Các thông tin cơ bản

Phần II: Chăm sóc thai nghén

Phần III: Chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh

Phần IV: Chăm sóc sức khỏe trẻ em

Trong các phần II, phần III, phần IV, mỗi phần đều có 2 mục lớn, sắp xếp theo thứ tự: Cung cấp thông tin, kiến thức trước và Ghi chép sau.

Mặt sau trang bìa là hướng dẫn cách sử dụng sổ. Trang tiếp theo có các thông điệp gửi cho bố mẹ và cho con.

3. Đối tượng sử dụng

a) Bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình: để tìm hiểu thông tin góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết để tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại nhà, ghi chép kết quả theo dõi vào sổ và chủ động đến hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời

b) Cán bộ y tế: để tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; áp dụng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật; ghi chép kết quả khám và điều trị cho bà mẹ trẻ em vào sổ; tham khảo kết quả khám, điều trị các lần trước và các thông tin do gia đình tự ghi trong sổ khi cung cấp dịch vụ.

Bà mẹ nhớ luôn mang theo Sổ TDSKBMTE khi đi khám thai, khám bệnh, khi đi sinh em bé, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, khám sức khỏe hoặc khám bệnh.

4. Cấp sổ cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi

Phụ nữ mang thai khi đến trạm y tế xã/cơ sở y tế đăng ký quản lý thai, khám thai và đưa trẻ em dưới 1 tuổi đến khám bệnh hoặc kiểm tra sức khỏe (nếu chưa có Sổ TDSKBMTE) đều được cấp sổ này.

Trường hợp làm mất sổ, bà mẹ và gia đình cần báo ngay cho trạm y tế xã và cán bộ y tế nơi cấp sổ để được cấp lại và điền các thông tin cần thiết vào sổ.

Nếu sinh đôi, bà mẹ được cấp 2 sổ, sinh ba sẽ được cấp 3 sổ để theo dõi và ghi chép riêng cho từng trẻ. Thông tin trong thời kỳ mang thai của mẹ được chép lại vào sổ của từng trẻ.

Phụ nữ mang thai, bà mẹ cần có sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ y tế để ghi chép vào sổ khi mới được cấp sổ, trong các lần khám thai và theo dõi sức khỏe cho mẹ và con.

5. Ghi chép, sử dụng và theo dõi

Trong Sổ TDSKBMTE có các trang dành cho gia đình ghi và các trang dành cho cán bộ y tế ghi, cụ thể:

a)

Biểu tượng các thành viên gia đình (ở góc trên bên trái và bên phải) là trang dành cho thai phụ, bà mẹ và gia đình tự theo dõi và ghi chép tại nhà.

b)

Biểu tượng cán bộ y tế (ở góc trên bên trái và bên phải) là trang dành cho cán bộ y tế, y tế thôn bản ghi chép kết quả chăm sóc và khám sức khỏe.

Sổ TDSKBMTE có các ô màu trắng và ô màu vàng

- Khi thông tin được ghi vào ô màu trắng, sức khỏe của bà mẹ hoặc của trẻ bình thường.

- Khi thông tin được ghi vào ô màu vàng, không hoàn toàn có nghĩa là bà mẹ hoặc trẻ có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, bà mẹ và gia đình cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn hoặc thăm khám.

Gia đình, cán bộ y tế khi thực hiện tiêm chủng theo lịch, theo dõi tăng trưởng cho trẻ cần ghi chép thông tin vào sổ theo hướng dẫn. Nếu trẻ có phiếu tiêm chủng riêng, nên ghim vào trang cuối của sổ để tiện theo dõi.

Nếu phụ nữ mang thai, bà mẹ không biết chữ, cán bộ y tế, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế (giáo viên, học sinh) cần thường xuyên đến thăm nhà để tư vấn, hỗ trợ bà mẹ và gia đình theo dõi, ghi chép và tìm hiểu nội dung của sổ tại nhà.

II. Các bước triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE tại địa phương

1. Xây dựng kế hoạch hoạt động, ngân sách

Trung tâm CSSKSS tỉnh là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thu thập thông tin về thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là các sổ, phiếu... theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, xác định vấn đề ưu tiên làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE. Kế hoạch cần xác định mục tiêu, hoạt động, giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đạt được những kết quả đầu ra phù hợp, dự kiến ngân sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp hạn chế về nguồn lực, các đơn vị cần chủ động lồng ghép với các chương trình dự án ở địa phương hoặc vận động từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác. Lưu ý bảo đảm các hoạt động cơ bản gồm tập huấn, truyền thông, in ấn và cấp phát Sổ TDSKBMTE.

2. Hội thảo khởi động

Sở Y tế tỉnh tổ chức Hội thảo khởi động với sự tham gia của cán bộ lãnh đạo các đơn vị đầu mối và các đơn vị liên quan của địa phương để định hướng về Kế hoạch triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE, giới thiệu về nội dung, mục đích sử dụng Sổ TDSKBMTE trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại cộng đồng và kêu gọi sự tham gia, phối hợp của các ban ngành, các cơ sở y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Hội thảo khởi động nên tổ chức như Sự kiện truyền thông tuyến tỉnh, có thể mời một số phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi tại địa bàn tham gia hoặc có thể kết hợp với Họp sơ kết 6 tháng, tổng kết hàng năm.

3. Đào tạo - tập huấn

Để triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE có hiệu quả, cán bộ y tế, y tế thôn bản cần được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ về nội dung chuyên môn, được phổ biến kế hoạch triển khai và giám sát hỗ trợ tại địa phương. Cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện hướng dẫn cán bộ y tế xã, thôn bản về nội dung, cách sử dụng sổ thông qua hội thảo, tập huấn hoặc lồng ghép trao đổi tại các cuộc họp tuần, tháng hoặc những đợt kiểm tra, giám sát tại địa phương.

4. Triển khai tại các tuyến

a) Sở Y tế

- Chỉ đạo cơ sở y tế các tuyến của địa phương đề nghị triển khai, sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em kèm theo kế hoạch hoạt động, hướng dẫn chuyên môn, cách cấp phát sổ.

- Chỉ đạo, giao Trung tâm CSSKSS tỉnh làm đầu mối, chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE, tích cực phối kết hợp với các sở, ban ngành liên quan nhằm bảo đảm lồng ghép và tận dụng tốt nhất các nguồn lực từ các hoạt động, chương trình/dự án liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương hoặc từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác, đồng thời tham mưu và báo cáo Sở Y tế về tình hình triển khai, sử dụng Sổ.

b) Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện bao gồm cả bệnh viện, phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ CSSKBMTE có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin về khám thai, đỡ đẻ, tình trạng sức khỏe của mẹ và trẻ sau sinh; kết quả khám và điều trị cho trẻ em vào Sổ TDSKBMTE.

c) Trung tâm y tế tuyến huyện (Khoa CSSKSS) có trách nhiệm triển khai sử dụng và ghi chép thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vào Sổ TDSKBMTE theo chỉ đạo của Sở Y tế.

d) Khoa sản, khoa nhi bệnh viện tỉnh, huyện có thể cấp phát sổ nếu xác định thai phụ, trẻ nhỏ chưa được cấp sổ tại trạm y tế xã/phường. Tránh cấp trùng lặp nhiều sổ.

e) Trạm y tế xã/phường lập danh sách phụ nữ có thai, trẻ em dưới 1 tuổi theo từng thôn/bản, phường, xã gửi báo cáo lên Trung tâm y tế huyện và Trung tâm CSSKSS tỉnh để tổng hợp, báo cáo Sở Y tế tỉnh để có căn cứ xây dựng kế hoạch in và cấp Sổ đầy đủ. Sắp xếp lịch cấp phát sổ cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 1 tuổi tại trạm y tế hoặc tại nhà kết hợp tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng sổ. Không nên tổ chức cấp phát sổ vào ngày khám thai hoặc ngày tiêm chủng hàng tháng.

5. Thông tin - giáo dục - truyền thông

Đối với tuyến tỉnh, huyện: tổ chức ít nhất một chiến dịch truyền thông hàng năm nên kết hợp với những chiến dịch truyền thông của dự án MTQG về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... Có thể kết hợp khám thai, khám phụ khoa, khám sức khỏe trẻ em dưới 6 tuổi và ghi thông tin vào sổ.

Đối với tuyến xã, phường: chuẩn bị và phát các bài về nội dung và hướng dẫn cách sử dụng sổ trên đài truyền thanh; tổ chức tư vấn theo nhóm tại cộng đồng, phát tờ rơi, tranh treo tường về nội dung và khuyến khích sử dụng Sổ TDSKBMTE. Trạm y tế có thể xây dựng mô hình câu lạc bộ bà mẹ có sổ hoặc kết hợp với hoạt động của các câu lạc bộ sức khỏe bà mẹ, câu lạc bộ sức khỏe trẻ em và dinh dưỡng, câu lạc bộ phụ nữ... hiện có tại địa phương.

6. Hậu cần

Các cơ sở y tế định kỳ ước tính và báo cáo nhu cầu cấp phát sổ, tài liệu truyền thông, sổ theo dõi hậu cần lên Trung tâm CSSKSS tỉnh.

Trung tâm CSSKSS tỉnh tổng hợp nhu cầu từ các cơ sở y tế đối chiếu với báo cáo thống kê số phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 1 tuổi để lập kế hoạch in và cấp phát sổ, trình Sở Y tế tỉnh phê duyệt.

7. Theo dõi - giám sát

Trung tâm CSSKSS tỉnh chịu trách nhiệm nhận, tổng hợp số liệu về việc cấp phát, sử dụng sổ từ các tuyến và báo cáo Sở Y tế để bổ sung, chấn chỉnh kịp thời. Trung tâm CSSKSS tỉnh phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn, cập nhật về nội dung sổ cho đội ngũ giám sát viên và tiến hành giám sát tuyến dưới, nên kết hợp với công tác giám sát định kỳ, thường quy về CSSKSS tại địa phương.

III. Tổ chức triển khai

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố

- Thống nhất chủ trương và có văn bản chỉ đạo Ngành Y tế và các sở, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong địa bàn tỉnh theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế

- Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương;

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với Ngành Y tế tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về lợi ích và vận động người dân, đặc biệt là các bà mẹ mang thai và phụ nữ sau sinh sử dụng Sổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế;

- Tăng cường huy động nguồn lực của trung ương, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác cũng như xem xét tạo cơ chế để xã hội hóa việc triển khai sử dụng Sổ.

2. Sở Y tế

- Chỉ đạo toàn diện việc triển khai sử dụng Sổ TDSKBMTE tại địa phương. Định kỳ tổ chức các buổi giao ban, đối thoại giữa các cơ sở y tế trong việc ghi chép, theo dõi, sử dụng Sổ TDSKBMTE và giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

3. Trung tâm CSSKSS

- Làm đầu mối thay mặt Sở Y tế trong các vấn đề liên quan đến triển khai, sử dụng Sổ TDSKBMTE.

4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

- Ngoài việc ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ cần nhắc nhở các bà mẹ khi đến nhận dịch vụ hoặc đưa con đến khám bệnh, tiêm chủng... cần mang theo Sổ để ghi chép, đồng thời tham gia đầy đủ, có trách nhiệm trong các buổi giao ban đối thoại giữa các cơ sở y tế.

5. Trung tâm Y tế huyện (Khoa CSSKSS)

- Là đầu mối phối hợp với các phòng ban liên quan như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh Xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, v.v... để tổ chức triển khai sử dụng sổ hiệu quả.

6. Trạm y tế xã

- Trưởng trạm y tế và cán bộ chuyên trách về sức khỏe bà mẹ trẻ em làm đầu mối, phối hợp với các ban, ngành liên quan và hướng dẫn y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để triển khai sử dụng sổ có hiệu quả tại địa bàn.

Bộ Y tế giao Vụ SKBMTE là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện đầu ngành sản khoa, nhi khoa hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn các địa phương triển khai sử dụng Sổ./.