BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4003/BTP-TCTHADS | Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2014 |
Kính gửi: | Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long và thành phố Hồ Chí Minh. |
Trong thời gian qua, một số Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại gặp một số vướng mắc trong việc lập, đăng ký vi bằng; tống đạt và trực tiếp tổ chức thi hành án. Nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung như sau:
1. Về việc lập vi bằng
1.1. Phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng
Điều 25 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ (gọi chung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP) quy định: “Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Để thực hiện tốt quy định trên, Sở Tư pháp, các Văn phòng Thừa phát lại cần lưu ý:
a) Thừa phát lại không lập vi bằng các trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.
b) Thừa phát lại không lập vi bằng các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng, như: Việc lập vi bằng xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu vực quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
c) Thừa phát lại không lập vi bằng các trường hợp vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự, trái đạo đức xã hội.
d) Để việc lập vi bằng không chồng chéo với hoạt động công chứng chứng thực, lợi dụng việc lập vi bằng để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cho phép, các Văn phòng Thừa phát lại cần lưu ý một số nội dung sau:
- Không lập vi bằng để chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính.
- Không lập vi bằng các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng.
đ) Không lập vi bằng các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng.
1.2. Đăng ký vi bằng
Theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì vi bằng được lập thành 03 bản chính: 01 bản giao cho người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại. Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định phải hoàn thành việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp thì mới được giao cho người yêu cầu. Người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận về việc giao vi bằng cho người yêu cầu ngay sau khi lập vi bằng hoặc sau khi vi bằng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Khi nhận được vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại gửi đến, Sở Tư pháp căn cứ vào quy định tại Điều 25, Điều 26 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP để kiểm tra về thẩm quyền, phạm vi và thời hạn gửi đăng ký vi bằng. Việc đăng ký vi bằng được coi là hoàn thành và vi bằng được coi là hợp lệ sau khi vào sổ đăng ký. Sở Tư pháp đóng dấu xác nhận “đã đăng ký” lên vi bằng được đăng ký (mẫu dấu được gửi kèm theo văn bản này)
Đối với vi bằng không được đăng ký, Sở Tư pháp lập sổ theo dõi, ghi rõ lý do không được đăng ký và phải thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng, trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.
2. Về tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự
2.1. Về phân chia địa hạt tống đạt
Trên cơ sở năng lực thực tế của Văn phòng Thừa phát lại, Cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc phân chia địa hạt tống đạt, nhằm đảm bảo việc tống đạt đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, một Văn phòng Thừa phát lại có thể ký hợp đồng tống đạt văn bản với một hoặc nhiều Cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án.
2.2. Về mức phí tống đạt
Mức chi phí tống đạt được xác định theo quy định tại Điều 13 của Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/2/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi chung là Thông tư liên tịch số 09). Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã có Văn bản số 138/TANDTC-KHTC ngày 13/8/2014 hướng dẫn về mức chi phí tống đạt để Tòa án nhân dân cấp tỉnh các địa phương thí điểm thực hiện. Do vậy Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính thỏa thuận với các Văn phòng Thừa phát lại để thống nhất thực hiện, có thể tham khảo mức chi phí tống đạt được hướng dẫn tại Văn bản số 138/TANDTC-KHTC ngày 13/8/2014 của Tòa án nhân dân tối cao.
Đối với các cơ quan thi hành án dân sự đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với Văn phòng Thừa phát lại theo mức khác với Thông tư liên tịch số 09 và hướng dẫn tại văn bản này thì thỏa thuận lại cho phù hợp.
2.3. Về chi phí tống đạt loại văn bản đương sự phải chịu hoặc ngân sách nhà nước chi trả
Khoản 4 Điều 39 của Luật Thi hành án dân sự quy định chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu. Ngoài chi phí cưỡng chế thi hành án (bao gồm cả chi phí thông báo) đã được quy định tại Điều 73 của Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTP-BTC ngày 19/12/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính. Hiện nay pháp luật chưa quy định rõ trường hợp nào đương sự hay ngân sách chịu chi phí tống đạt.
Để thống nhất thực hiện trong giai đoạn thí điểm, các Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện như sau:
a) Người phải thi bành án chịu chi phí tống đạt trong các vụ việc thi hành án theo đơn yêu cầu và chi phí tống đạt liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chủ động thi hành, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định.
b) Ngân sách chi trả chi phí tống đạt liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự và chi phí tống đạt trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chủ động thi hành án, trừ trường hợp chi phí tống đạt do người phải thi hành án chịu nêu tại điểm a mục này.
c) Trong trường hợp người được thi hành án đề nghị cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án thì phải chịu chi phí tống đạt phục vụ cho việc xác minh.
3. Về thẩm quyền tổ chức thi hành án ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và thẩm quyền thi hành án đối với những trường hợp ủy thác
3.1. Điều 34 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định:
Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đạt văn phòng.
Đối với vụ việc được ủy thác đến Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện nơi đặt Văn phòng thì không thuộc một trong các trường hợp trên, do đó Văn phòng Thừa phát lại không có thẩm quyền tổ chức thi hành.
3.2. Trong quá trình thi hành án phát sinh việc phải tổ chức thi hành ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại thì thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 09.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì Sở Tư pháp Cơ quan thi hành án dân sự và các đơn vị, tổ chức có liên quan báo cáo để Bộ Tư pháp xem xét và hướng dẫn tiếp.
(Xin gửi kèm Văn bản số 138/TANDTC-KHTC ngày 13/8/2014 của Tòa án nhân dân tối cao)./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm theo Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động Thừa phát lại)
Mẫu dấu xác nhận vi bằng đã được đăng ký
Mô tả: Chiều dài: 5cm, Chiều rộng: 3cm, Mực dấu: màu đỏ
| SỞ TƯ PHÁP TỈNH/THÀNH PHỐ ……. |
|
| ĐÃ ĐĂNG KÝ Số: ……….. Ngày ….. tháng ….. năm........ |
|
- 1 Quyết định 103/QĐ-BTP về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Sóc Trăng năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Công văn 1786/BTP-BTTP năm 2016 triển khai Nghị quyết 107/2015/QH13 về thừa phát lại do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Nghị quyết 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại do Quốc hội ban hành
- 4 Công văn 138/TANDTC-KHTC năm 2014 hướng dẫn về thực hiện thí điểm Thừa phát lại do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 5 Công văn 3064/BTP-TCTHADS năm 2014 tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại do Bộ Tư pháp ban hành
- 6 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh
- 8 Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành
- 9 Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh
- 10 Luật thi hành án dân sự 2008
- 11 Bộ luật Dân sự 2005
- 1 Công văn 3064/BTP-TCTHADS năm 2014 tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại do Bộ Tư pháp ban hành
- 2 Nghị quyết 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại do Quốc hội ban hành
- 3 Công văn 1786/BTP-BTTP năm 2016 triển khai Nghị quyết 107/2015/QH13 về thừa phát lại do Bộ Tư pháp ban hành
- 4 Quyết định 103/QĐ-BTP về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Sóc Trăng năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành