Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4043/BTNMT-TCQLĐĐ
V/v hướng dẫn xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh.

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1019/TTg-ĐMDN ngày 24 tháng 6 năm 2011 về việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung, phương pháp thực hiện, áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trong việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc và đường ranh giới sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Xác định rõ phạm vi sử dụng đất, để quản lý chặt chẽ quỹ đất đã giao, đã cho thuê sử dụng; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai của nông trường, lâm trường quốc doanh, tạo điều kiện sử dụng đất ngày càng có hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

1.2. Làm cơ sở để đo đạc lập bản đồ địa chính; kiểm kê, thống kê hiện trạng sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của nông, lâm trường quốc doanh, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai đối với nông, lâm trường quốc doanh.

1.3. Phát hiện các vướng mắc, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh; trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh hiện nay.

1.4. Là cơ sở pháp lý để các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu

2.1. Việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh phải được thực hiện trên cơ sở kết quả rà soát, sắp xếp đổi mới nông, lâm trường và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, giao đất cho nông, lâm trường theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh và Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh.

2.2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi hoàn thành xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường phải thực hiện ngay việc đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính đối với các nông, lâm trường chưa được cấp giấy chứng nhận. Đối với các nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tiến hành rà soát, cập nhật chỉnh lý biến động, hoàn thiện hồ sơ địa chính.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đất nông, lâm trường quốc doanh; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có liên quan;

2. Các nông trường quốc doanh, các Công ty, Tổng công ty nông nghiệp; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Tổng đội Thanh niên xung phong và các tổ chức khác đang quản lý, sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp có nguồn gốc từ đất của nông trường quốc doanh (gọi chung là nông trường quốc doanh);

3. Các lâm trường quốc doanh; các Công ty, Tổng công ty lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Tổng đội Thanh niên xung phong và các tổ chức khác đang quản lý, sử dụng đất vào mục đích sản xuất lâm nghiệp có nguồn gốc từ đất của lâm trường quốc doanh (gọi chung là lâm trường quốc doanh);

4. Các đơn vị An ninh, Quốc phòng sử dụng đất không phải là đất an ninh quốc phòng, có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh cũng nằm trong đối tượng thực hiện.

Các tổ chức quản lý sử dụng đất nêu tại các điểm 2, 3 và 4 mục II này gọi chung là nông, lâm trường quốc doanh.

III. NHIỆM VỤ

1. Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất của từng nông, lâm trường quốc doanh;

2. Đo đạc mốc và đo đạc đường ranh giới, lập bản đồ ranh giới sử dụng đất, xác định diện tích của từng nông, lâm trường quốc doanh;

3. Lập hồ sơ mốc ranh giới, ranh giới sử dụng đất của từng nông, lâm trường quốc doanh.

IV. SẢN PHẨM

1. Đường ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của từng nông, lâm trường quốc doanh được xác định và chôn (cắm) mốc trên thực địa;

2. Hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của từng nông, lâm trường quốc doanh được lập và quản lý tại từng nông trường, lâm trường quốc doanh, tại Ủy ban nhân dân xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có nông trường, lâm trường quốc doanh;

3. Báo cáo kết quả thực hiện việc xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của từng nông trường, lâm trường quốc doanh;

4. Báo cáo tổng kết việc xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

V. THỜI HẠN HOÀN THÀNH

Việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc và đường ranh giới, lập hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh phải hoàn thành trong năm 2012.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

VII. HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

1. Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc ranh giới và đường ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh

Việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc ranh giới và đường ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh được thực hiện theo trình tự sau:

1.1. Thu thập tài liệu và bản đồ, thực hiện các công việc nội nghiệp

1.1.1. Thu thập các văn bản pháp lý

Tiến hành thu thập các văn bản có tính pháp lý về việc thành lập nông, lâm trường quốc doanh; đề án sắp xếp đổi mới của nông, lâm trường đã được duyệt; Quy hoạch sử dụng đất của nông, lâm trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Quyết định giao đất cho nông, lâm trường theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh và Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh; các tài liệu có liên quan đến ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất kết quả thực hiện Chỉ thị 31/2007/CT-TTg .

1.1.2. Thu thập bản đồ

- Các loại bản đồ địa chính (gồm cả bản đồ địa chính chi tiết đất lâm nghiệp, bản đồ địa chính cơ sở); bản trích đo thửa đất thực hiện theo Chỉ thị 31/2007/CT-TTg , bản đồ nền, bản đồ địa hình và cáo loại bản đồ khác đang sử dụng để quản lý đất nông, lâm trường;

- Bản đồ địa giới hành chính (theo Chỉ thị 364/CT) của xã, huyện, tỉnh;

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, bản đồ kiểm kê rừng và bản đồ quy hoạch có liên quan đến nông, lâm trường;

- Các loại ảnh hàng không, ảnh viễn thám;

- Các loại bản đồ khác có liên quan.

1.1.3. Chuẩn bị bản đồ nền của các nông, lâm trường quốc doanh

Bản đồ nền của các nông, lâm trường quốc doanh được sử dụng từ nguồn chính cơ sở và bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 hiện có của địa phương.

Bản đồ nền phải thể hiện đầy đủ các yếu tố địa hình. Nếu bản đồ nền thiếu các yếu tố địa hình thì chuyển vẽ từ bản đồ địa hình tỷ lệ lớn nhất có trong khu vực.

Tùy theo quy mô diện tích, hình thể khu đất bản đồ nền của các nông, lâm trường quốc doanh có thể được ghép nối, biên tập theo phạm vi sử dụng đất của từng nông, lâm trường sao cho thể hiện trọn vẹn ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường hoặc thể hiện từng khu đất riêng biệt và được biên tập chờm ra ngoài đường ranh giới nông, lâm trường 3 cm trên bản đồ.

1.1.4. Chuyển sơ bộ đường ranh giới của các nông, lâm trường quốc doanh lên bản đồ nền

- Đối với những khu vực đã có các hồ sơ, tài liệu về ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh: thực hiện chuyển đường ranh giới của các nông, lâm trường quốc doanh theo kết quả thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các tài liệu, bản đồ về quản lý, sử dụng đất lên bản đồ nền. Việc chuyển vẽ đường ranh giới được tiến hành theo tọa độ hoặc các yếu tố địa hình, địa vật tương quan.

- Đối với những khu vực chưa có các hồ sơ, tài liệu về ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh thì căn cứ hiện trạng ranh giới trên thực địa, tiến hành điều vẽ sơ bộ ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường lên bản đồ nền.

1.1.5. Thiết kế vị trí mốc trên bản đồ nền

Căn cứ vào ranh giới của các nông, lâm trường quốc doanh đã được xác định trên bản đồ nền, tiến hành thiết kế sơ bộ vị trí các mốc và dự kiến đánh số hiệu mốc. Khi thiết kế, lựa chọn vị trí chôn mốc phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Các mốc ranh giới được cắm trên đường ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh. Trường hợp bất khả kháng không cắm được mốc ranh giới trên đường ranh giới thì cắm ở một bên đường ranh giới tại vị trí thuận lợi, ổn định và gần đường ranh giới nhất;

- Khi đường ranh giới sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh trùng với các yếu tố dạng địa hình, địa vật ổn định dễ nhận biết như đường giao thông, sông, suối, đường phân thủy, hợp thủy thì mô tả rõ đặc điểm chi tiết địa hình, địa vật trong hồ sơ ranh giới và chỉ cần cắm mốc tại hai đầu đoạn ranh giới đó;

- Tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới; nơi không có hoặc có ít điểm địa hình, địa vật đặc trưng khó phân định ranh giới; vị trí giao cắt của đường ranh giới với hệ thống giao thông, thủy hệ, địa giới hành chính các cấp; nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm phạm; noi dễ xảy ra tranh chấp thì nhất thiết phải cắm mốc ranh giới.

1.1.6. Số lượng và khoảng cách giữa các mốc

Tùy theo điều kiện cụ thể ở thực địa của đường ranh giới nông, lâm trường quốc doanh xác định số lượng mốc cần cắm, khoảng cách giữa các mốc liền kề đối với khu vực đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho hợp lý. Khoảng cách giữa các mốc liền kề quy định như sau:

- Đối với các nông trường (khu vực đất sản xuất nông nghiệp), khoảng cách giữa hai mốc liền kề từ 200 m đến 400 m trên thực địa;

- Đối với các lâm trường, ban quản lý rừng (khu vực đất lâm nghiệp), khoảng cách giữa hai mốc liền kề từ 600 m đến 800 m trên thực địa;

- Đối với những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, nơi dễ xảy ra tranh chấp, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các chi tiết địa hình, địa vật như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển tùy vào điều kiện thực tế để xác định khoảng cách cho phù hợp.

1.1.7. Đánh số hiệu mốc

Trong mỗi nông, lâm trường quốc doanh (bao gồm tất cả các khu đất độc lập) số hiệu mốc phải đảm bảo nguyên tắc không có số hiệu trùng nhau, số hiệu mốc gồm phần tên viết tắt của nông, lâm trường và phần số thứ tự mốc theo từng nông, lâm trường. Thứ tự mốc được đánh từ điểm cao nhất phía Bắc, theo thứ tự từ đầu đến cuối đường ranh giới theo chiều kim đồng hồ cho từng khu đất độc lập của từng nông, lâm trường. Đánh số hiệu mốc cho ranh giới bao quanh phạm vi nông, lâm trường trước, sau đó đánh tiếp cho phân ranh giới bên trong (phần ranh giới với các khu đất thuộc quyền sử dụng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác nhưng nằm bên trong phạm vi nông, lâm trường).

Thí dụ: Nông trường Quang Trung có số hiệu các mốc: QT-01;

Lâm trường Bá Thước có số hiệu các mốc: BT-01, BT-02.

1.1.8. Đúc mốc ranh giới

Mốc ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh được đúc bằng bê tông mác 200 có cốt thép, tâm mốc gắn đinh sắt có mũ và khắc dấu chữ thập và khắc số hiệu mốc ranh giới lên cột mốc theo quy cách quy định tại Phụ lục số 6.

1.2. Xác định ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh ở thực địa

1.2.1. Thành phần tham gia xác định ranh giới

- Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (chủ trì);

- Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường;

- Đại diện UBND xã;

- Đại diện nông, lâm trường quốc doanh;

- Đại diện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng sử dụng đất có liên quan;

- Đại điện đơn vị thi công.

1.2.2. Xác định ranh giới ở thực địa

Sau khi hoàn thành việc chuyển sơ bộ ranh giới nông, lâm trường và thiết kế sơ bộ vị trí các mốc ranh giới trên bản đồ nền, tiến hành khảo sát, thống nhất xác định ranh giới, vị trí mốc ranh giới của nông, lâm trường quốc doanh trên thực địa; lập biên bản xác nhận ranh giới, mốc ranh giới giữa các bên liên quan.

Trong quá trình xác định ranh giới trên thực địa, đối với những nơi không có các yếu tố địa vật ổn định hoặc không có yếu tố địa hình đặc trưng, rõ ràng thì phải đánh dấu đường ranh giới bằng dấu sơn, đóng cọc hoặc chôn đá để phục vụ đo đạc đường ranh giới.

Đối với những khu vực có tranh chấp mà không thỏa thuận được tại thực địa thì ghi nhận theo hiện trạng ranh giới đang sử dụng và ranh giới khu vực tranh chấp, chưa thực hiện cắm mốc ranh giới; đồng thời lập biên bản đối với từng trường hợp cụ thể, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giải quyết.

1.2.3. Xác định vị trí mốc trên thực địa và chôn (cắm) mốc ranh giới

Việc xác định vị trí chôn mốc phải được xem xét và quyết định trong quá trình xác định ranh giới ở thực địa. Nếu có thay đổi so với thiết kế ban đầu thì phải xác định và đánh dấu lại trên bản đồ. Căn cứ vào vị trí xác định để tiến hành chôn mốc.

Mốc được chôn cố định xuống đất đảm bảo tồn tại lâu dài, dễ nhận biết, dễ sử dụng và dễ quản lý. Mốc phải được chôn thẳng đứng, vững chắc, phần nổi trên mặt đất cao 30 cm, mặt ghi số quay ra phía ngoài đường ranh giới.

Sau khi cắm mốc phải tiến hành lập sơ đồ vị trí mốc theo mẫu quy định ở Phụ lục số 4. Mỗi vị trí cắm mốc phải được xác định từ 03 vật chuẩn (trường hợp khó khăn không chọn được 03 vật chuẩn thì tối thiểu phải 02 vật chuẩn)/ Vật chuẩn phải bảo đảm là các yếu tố địa vật dễ nhận biết và có khả năng tồn tại lâu dài ở thực địa như cột điện, các điểm (góc) đặc trưng của công trình xây dựng..., khoảng cách từ mốc đến vật chuẩn phải đo với độ chính xác đến 1 m. Các yếu tố này phải đo ngay tại thực địa. Vị trí cắm mốc, số hiệu, địa vật chuẩn được thể hiện trên sơ đồ. Ngoài các điểm đặc trưng được chôn mốc, những yếu tố địa vật, địa hình khác trên đoạn ranh giới giữa hai mốc được mô tả chi tiết trong bản mô tả ranh giới nông, lâm trường. Sau khi chôn mốc, số hiệu mốc phải được đối chiếu lại với bản mô tả.

1.2.4. Lập bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất

Bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất được lập giữa nông, lâm trường với từng người sử dụng đất lân cận ngay trong quá trình xác định ranh giới, có xác nhận của người sử dụng đất có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đối với trường hợp đất của nông, lâm trường giáp với đất chưa giao cho người sử dụng cụ thể thì lập Bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc mô tả được tiến hành từ mốc số 1 đến mốc cuối cùng của đường ranh giới và được chia ra từng đoạn giữa hai hay một số mốc tùy theo điều kiện cụ thể.

Nội dung mô tả phải chi tiết, rõ ràng, liên tục đảm bảo sự phù hợp giữa thực địa và bản đồ. Những yếu tố không biểu thị trên bản đồ thì không tham gia mô tả. Trong mô tả nói rõ đường ranh giới theo đường địa giới hành chính của xã nào hoặc trong địa phận của xã nào, khởi đầu từ mốc nào, chạy qua các yếu tố địa hình, địa vật nào (đường phân thủy, hợp thủy, đỉnh núi, sông, suối, đường...), theo hướng nào (Đông Bắc, Tây Nam...), kết thúc ở mốc nào.

Bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất là một phần của hồ sơ ranh giới đất nông, lâm trường và là tài liệu lưu trữ trong hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường quốc doanh.

Biên bản xác nhận ranh giới, mốc ranh giới lập theo Phụ lục số 1; Biên bản xác nhận mô tả đoạn ranh giới lập theo Phụ lục số 2; Biên bản xác nhận mô tả đường ranh giới của nông, lâm trường lập theo Phụ lục số 3; sơ đồ vị trí mốc lập theo Phụ lục số 4.

2. Đo đạc xác định tọa độ mốc và đường ranh giới, lập hồ sơ ranh giới nông, lâm trường

2.1. Đo đạc xác định tọa độ các mốc ranh giới nông, lâm trường

2.1.1. Yêu cầu độ chính xác

Để có thể sử dụng làm điểm khống chế phục vụ cho việc đo vẽ đường ranh giới, đo vẽ chi tiết bản đồ địa chính hoặc khôi phục đường ranh giới về sau này, các mốc ranh giới nông, lâm trường được đo đạc xác định tọa độ, độ cao với độ chính xác tương đương điểm khống chế ao vẽ trong đo vẽ thành lập bản đồ địa chính quy định tại Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200, 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/5000 và 1/10000 ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Quy phạm 2008).

2.1.2. Phương pháp đo

Tùy theo các điều kiện cụ thể, thi công trước hay cùng thời gian với việc đo vẽ chi tiết bên trong nông, lâm trường, có thể áp dụng công nghệ GPS hoặc kết hợp sử dụng phương pháp khác bảo đảm độ chính xác theo quy định mà không cần lập bổ sung điểm địa chính.

2.2. Đo đạc chi tiết đường ranh giới nông, lâm trường

2.2.1. Việc đo đạc chi tiết đường ranh giới nông, lâm trường được quy định như sau:

Đo vẽ các điểm góc thửa đất liền kề trên đường ranh giới, các điểm đặc trưng trên đường ranh giới. Đối với các nông, lâm trường đã có bản đồ địa chính thì chỉ tiến hành chỉnh lý đường ranh giới (nếu có biến động) mà không đo vẽ chi tiết đường ranh giới.

2.2.2. Yêu cầu độ chính xác

Ranh giới nông, lâm trường quốc doanh được đo vẽ với độ chính xác tương đương độ chính xác của bản đồ địa chính cùng tỷ lệ được quy định tại Quy phạm 2008.

2.2.3. Phương pháp đo

Tùy theo điều kiện trang thiết bị cụ thể của từng đơn vị để xác định phương pháp đo phù hợp. Các phương pháp đo cơ bản được quy định trong Quy phạm 2008. Trường hợp sử dụng các phương pháp khác phải tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán để đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu.

Điểm khởi đo là các điểm mốc ranh giới và các điểm tọa độ khác có độ chính xác từ điểm khống chế đo vẽ trở lên có trong khu vực

2.3. Thành lập bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường

2.3.1. Tỷ lệ bản đồ ranh giới đối với từng nông, lâm trường

- Tỷ lệ cơ bản của bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường quốc doanh được lựa chọn phù hợp tùy theo quy mỏ của nông, lâm trường, nhằm thể hiện toàn bộ ranh giới của nông, lâm trường:

+ Đối với nông trường, tỷ lệ cơ bản: 1/5000, 1/10000;

+ Đối với lâm trường, tỷ lệ cơ bản: 1/10000, 1/25000.

Tỷ lệ bản đồ ranh giới đối với từng nông, lâm trường được xác định cụ thể trong Thiết kế kỹ thuật - Dự toán.

2.3.2. Nội dung bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường

- Ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường, các yếu tố địa vật mà ranh giới đi trùng lên phải vẽ đầy đủ;

- Các yếu tố nội dung của bản đồ nền dùng để lập bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường hoặc các yếu tố được biên tập từ bản đồ địa chính như các yếu tố cơ sở địa lý liên quan, ranh giới địa giới hành chính, giao thông và các yếu tố địa danh, địa vật quan trọng có ý nghĩa định hướng;

- Bảng thống kê tọa độ các điểm mốc ranh giới, các điểm đặc trưng khác không cắm mốc (theo Phụ lục số 5).

2.3.3. Phân mảnh bản đồ ranh giới đất nông, lâm trường

Việc phân mảnh bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường thực hiện theo quy định phân mảnh bản đồ địa chính trong Quy phạm 2008.

2.3.4. Thể hiện các yếu tố nội dung bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường

Các yếu tố nội dung bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường được thể hiện theo quy định của quy phạm và ký hiệu bản đồ địa chính hiện hành. Riêng đường ranh giới đất nông, lâm trường ngoài việc thể hiện như ranh giới thửa đất còn được tô viền mầu hồng, rộng 3,0 mm về phía ngoài đường ranh giới.

Bản đồ ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh được lập theo từng nông, lâm trường, biên tập và đánh số mảnh theo đơn vị hành chính cấp xã (khi nông, lâm trường nằm trên 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên). Khi biên tập bản đồ, ngoài tên đơn vị hành chính cấp xã, cần ghi thêm tên nông, lâm trường.

2.3.5. Xác nhận trên bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường

Bản đồ ranh giới, mốc ranh giới của từng nông, lâm trường phải được các cơ quan xác nhận (ký và đóng dấu), gồm: Đơn vị thi công; Nông, lâm trường quốc doanh (đơn vị sử dụng đất); Ủy ban nhân dân cấp xã có đất nông, lâm trường; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh.

2.4. Hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường quốc doanh

- Bản đồ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất;

- Sơ đồ mốc ranh giới, bảng thống kê tọa độ các mốc ranh giới;

- Biên bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường với người sử dụng đất lân cận; Biên bản xác nhận mô tả đoạn ranh giới; Biên bản xác nhận mô tả đường ranh giới; Biên bản về các trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong;

- Bảng diện tích đất của nông, lâm trường từng khu đất và tổng diện tích (theo Phụ lục số 7);

- Hồ sơ nghiệm thu sản phẩm theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới được lập ở dạng giấy và dạng số, có giá trị pháp lý như nhau và được lưu giữ tại: nông, lâm trường; 01 bộ; Ủy ban nhân dân cấp xã 01 bộ; Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện 01 bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh 01 bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh 01 bộ; Cơ quan Chủ đầu tư 01 bộ.

2.5. Bàn giao vị trí ranh giới, mốc ranh giới và hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh

Việc bàn giao vị trí ranh giới, mốc ranh giới và hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh được lập theo hướng dẫn tại Phụ lục số 8.

3. Báo cáo kết quả

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đất nông, lâm trường chịu trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện đối với tất cả các nông, lâm trường đang sử dụng đất ở địa phương và xây dựng báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo gồm có các nội dung sau:

- Báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới các nông, lâm trường; những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đề xuất các giải pháp về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường;

- Đánh giá về hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường; tình hình động về sử dụng đất từ khi thực hiện sắp xếp đổi mới nông, lâm trường; tình trạng quản lý, sử dụng đất; các biện pháp xử lý các sai phạm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường;

- Các kiến nghị, đề xuất.

VIII. HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT

Hiện tại định mức kinh tế - kỹ thuật xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường quốc doanh chưa được ban hành. Do vậy, trên cơ sở các nội dung công việc tương đương, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn áp dụng các định mức: Định mức kinh tế - kỹ thuật phân địa giới hành chính và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTNMT ngày 23 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Định mức 03); Định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 10/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Định mức 10). Cụ thể như sau:

1. Xác định ranh giới, mốc ranh giới hành chính

1.1. Công tác chuẩn bị

Được tính bằng 2,0 mức nội dung của công việc chuẩn bị quy định tại mục I, Phần II, Định mức 03; trong đó đơn vị tính là xã được thay thế bằng đơn vị tính là nông, lâm trường; gồm các công việc sau:

- Thu thập tư liệu, tài liệu, chuẩn bị vật tư, thiết bị;

- Rà soát đối chiếu, đánh giá tài liệu, tư liệu;

- Chuẩn bị bản đồ nền;

- Chuyển vẽ đường ranh giới sơ bộ lên bản đồ, xác định các vị trí mốc ranh giới trên bản đồ.

1.2. Xác định ranh giới, mốc ranh giới

Được tính bằng 1,5 lần mức nội dung công việc tương ứng trong mục xác định đường địa giới hành chính quy định tại mục I, Phần II, Định mức 03. Gồm các công việc sau:

- Xác định ranh giới trên thực địa, lập bản mô tả ranh giới, mốc ranh giới;

- Xác định vị trí cắm mốc, các điểm đặc trưng.

1.3. Cắm mốc ranh giới

Được tính bằng mức nội dung công việc cắm mốc địa giới hành chính quy định tại mục I, Phần II Định mức 03. Riêng nội dung tìm điểm tọa độ gốc được tính như tiếp điểm có tường vây. Gồm các công việc sau:

- Đúc mốc, chôn mốc và vẽ sơ đồ vị trí mốc ranh giới;

- Tìm điểm tọa độ gốc; tiếp điểm (đối với trường hợp đo bằng toàn đạc);

- Đo tọa độ mốc, các điểm đặc trưng, tính toán tọa độ, lập bảng thống kê tọa độ mốc và các điểm đặc trưng.

1.4. Đo vẽ đường ranh giới

Được tính bằng 0,8 mức trích đo địa chính thửa đất quy định tại mục Đ, phần II, Định mức 10. Trong đó, mỗi khu đất độc lập của từng nông, lâm trường được tính là 01 thửa đất.

Trường hợp đo đạc chỉnh lý đường ranh giới được tính bằng 0,5 mức đo vẽ đường ranh giới.

1.5. Thành lập bản đồ ranh giới, mốc ranh giới

Được tính bằng 0,8 mức công việc thành lập bản đồ địa giới hành chính cấp xã quy định tại mục I, Phần II, Định mức 03.

1.6. Kiểm tra, nghiệm thu

Được tính bằng mức nội dung công việc thành lập mới hồ sơ địa giới hành chính cấp xã phục vụ định tại mục I, Phần II, Định mức 03. Gồm các công việc sau:

2. Lập hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường

Được tính bằng mức nội dung công việc thành lập mới hồ sơ địa giới hành chính cấp xã quy định tại mục II, phần II, Định mức 03. Gồm các công việc sau:

- Biên tập, nhân bản và đóng gói các tài liệu;

- Xác nhận tính pháp lý của hồ sơ.

3. Quy định khác

Các quy định về phân loại khó khăn, định biên và định mức vật tư, thiết bị... thực hiện theo các quy định tương ứng với các nội dung công việc nêu trên.

IX. LẬP VÀ TRÌNH DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - DỰ TOÁN

1. Lập, trình duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán

Cơ quan được giao làm chủ đầu tư phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường theo hướng dẫn này và các quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thiết kế kỹ thuật - dự toán có thể lập cụ thể cho từng nông, lâm trường hoặc cho một số nông, lâm trường liền kề hoặc có cùng các đặc điểm, điều kiện đất đai tương tự.

Các thiết kế kỹ thuật - dự toán do địa phương tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành.

2. Nội dung thiết kế kỹ thuật-dự toán

Thiết kế kỹ thuật - dự toán xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường phải được lập theo các quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lập dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán trong lĩnh vực quản lý đất đai. Thiết kế kỹ thuật - dự toán ngoài quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đảm bảo các nội dung quy định ở Phụ lục số 9.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Quản lý đất đai chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương có đất nông lâm trường quốc doanh xây dựng dự án, thiết kế kỹ thuật dự toán, triển khai thực hiện, tổng kết việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc ranh giới và đường ranh giới sử dụng đất, lập hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất các nông, lâm trường quốc doanh.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đất nông, lâm trường quốc doanh phối hợp với các Bộ, Ngành có nông, lâm trường chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan và các nông, lâm trường tổ chức thực hiện việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc mốc ranh giới và đường ranh giới sử dụng đất, lập hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất các nông, lâm trường quốc doanh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Quản lý đất đai, số 9/78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) để giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ: KHĐT,TC, NN&PTNT;
- Sở TN&MT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Vụ: KH, TC;
- Lưu VT, VP (TH), TCQLĐĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hiển

 

Phụ lục số 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Ngày... tháng ... năm ………

BIÊN BẢN XÁC NHẬN RANH GIỚI, MỐC RANH GIỚI
Của Nông (Lâm) trường ………………………

Tiến hành hồi.... giờ... phút, tại..................................................................................................

Chúng tôi gồm:

1. Đại diện đơn vị thi công (ghi tên đơn vị thi công):

- Ông: ………………………………………             Chức vụ...........................................................

- Ông:……………………………………….             Chức vụ:..........................................................

2. Đại diện UBND xã………………………………………………:

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ............................................................

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ:...........................................................

3. Đại diện Nông (Lâm) trường..................................................................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

4. Đại diện chủ sử dụng đất liên quan:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

Sau khi xem xét hiện trạng sử dụng đất của Nông (Lâm) trường.... và các chủ sử dụng đất liên quan, các bên đã đi đến thống nhất ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất tại thực địa và tiến hành lập biên bản xác nhận ranh giới, mốc ranh giới như sau:

1. Sơ họa đoạn ranh giới, mốc ranh giới:

2. Mô tả chi tiết ranh giới:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Biên bản kết thúc hồi.... giờ.... cùng ngày. Đại diện các bên thống nhất ký tên./.

 

Đại diện chủ A
(Ký tên)

 

Đại diện Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

Đại diện đơn vị thi công
(Ký tên, đóng dấu)

Đại diện UBND xã
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Ngày... tháng ... năm ………

BIÊN BẢN XÁC NHẬN MÔ TẢ ĐOẠN RANH GIỚI

Đoạn ranh giới số… thuộc đường ranh giới của Nông (Lâm) trường ……….

Tiến hành hồi.... giờ... phút, tại..................................................................................................

Chúng tôi gồm:

1. Đại diện đơn vị thi công (ghi tên đơn vị thi công):

- Ông: ………………………………………            Chức vụ............................................................

- Ông:……………………………………….            Chức vụ:...........................................................

2. Đại diện UBND xã………………………………………………:

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ............................................................

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ:...........................................................

3. Đại diện Nông (Lâm) trường..................................................................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

4. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ……………..:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

5. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường ……………………:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

6. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ………….:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

Sau khi đã cùng nhau xem xét trên bản đồ và thực địa dọc theo đoạn ranh giới của Nông (Lâm) trường ………… chúng tôi thống nhất mô tả đoạn ranh giới như sau:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Biên bản kết thúc hồi.... giờ.... cùng ngày. Đại diện các bên thống nhất ký tên./.

 

Đơn vị thi công
(Ký tên, đóng dấu)

 

Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

UBND xã
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phòng TN&MT huyện…
(Ký tên, đóng dấu)

Sở NN&PTNT tỉnh …
(Ký tên, đóng dấu)

Sở TN&MT tỉnh……
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 3

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

(Địa danh), Ngày... tháng ... năm ………

BIÊN BẢN XÁC NHẬN MÔ TẢ ĐƯỜNG RANH GIỚI
CỦA NÔNG (LÂM) TRƯỜNG………..

Tiến hành hồi.... giờ... phút, tại..................................................................................................

Chúng tôi gồm:

1. Đại diện đơn vị thi công (ghi tên đơn vị thi công):

- Ông: ………………………………………            Chức vụ............................................................

- Ông:……………………………………….            Chức vụ:...........................................................

2. Đại diện UBND xã………………………………………………:

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ............................................................

- Ông: ……………………………………..             Chức vụ:...........................................................

3. Đại diện Nông (Lâm) trường..................................................................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

4. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ……………..:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

5. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường ……………………:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

6. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ………….:

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

- Ông: ………………………………………           Chức vụ:............................................................

Sau khi đã cùng nhau xem xét trên bản đồ và thực địa dọc theo đường ranh giới của Nông (Lâm) trường……., chúng tôi thống nhất mô tả đường ranh giới như sau:

Đường ranh giới gồm.... đoạn,

Đoạn 1: ………………………

Đoạn 2: ………………………

Đoạn 3: ………………………

Đoạn 4: ………………….…..

Đoạn 5: ……………………..

- Tổng chiều dài ranh giới là... m.

- Tổng số mốc cắm trên đường ranh giới là:...................

Biên bản kết thúc hồi.... giờ.... cùng ngày. Đại diện các bên thống nhất ký tên./.

 

Đơn vị thi công
(Ký tên, đóng dấu)

 

Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

UBND xã
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phòng TN&MT huyện…
(Ký tên, đóng dấu)

Sở NN&PTNT tỉnh …
(Ký tên, đóng dấu)

Sở TN&MT tỉnh……
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 4

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

SƠ ĐỒ VỊ TRÍ MỐC GIỚI

Số hiệu mốc:...........................................................................................................................

Thuộc Nông (Lâm) trường:........................................................................................................

Giá trị khái lược: Độ cao: ………………. Kinh độ: …………………… Vĩ độ: .................................

Tỷ lệ: ……………………

Nơi cắm mốc: Bờ phía Bắc suối Ngọc, cách ngã ba suối Én về phía Tây Bắc 42 mét

Tại: thôn Am - xã Yên Trí - huyện Ba Vì - tỉnh Hà Tây

Số TT

Tên vật chuẩn

Số liệu đo từ mốc

Ghi chú

Góc phương vị

Khoảng cách

A

B

C

 

 

 

 

 

Đơn vị thi công
(Ký tên)

 

Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

 

UBND xã
(Ký tên, đóng dấu)

Phụ lục số 5

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

BẢNG THỐNG KÊ CÁC VỊ TRÍ MỐC RANH GIỚI

Của Nông (Lâm) trường: …………………..

TT

Tên mốc (điểm đặc trưng)

Tọa độ

Ghi chú

X

Y

H

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị thi công
(Ký tên, đóng dấu)

Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 6

QUY CÁCH MỐC RANH GIỚI NÔNG, LÂM TRƯỜNG

 

Phụ lục số 7

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

BẢNG THỐNG KÊ DIỆN TÍCH
Của Nông (Lâm) trường:…………………….

TT

Khu vực

Diện tích (m2)

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị thi công
(Ký tên, đóng dấu)

Nông (Lâm) trường
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 8

UBND TỈNH ………..
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

(Địa danh), ngày … tháng … năm ……

 

BIÊN BẢN

GIAO NHẬN KẾT QUẢ ĐO ĐẠC XÁC ĐỊNH RANH GIỚI,
MỐC RANH GIỚI SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG (LÂM) TRƯỜNG...

- Căn cứ quyết định phê duyệt số ..... ngày …. của Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) …….. về việc phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán ……..;

- Căn cứ ….. (căn cứ khác - nếu có);

Hôm nay, …. ngày ….. tháng …. năm ……., tại ……………………………………………………

Bên bàn giao kết quả:

- Sở Tài nguyên và Môi trường ……………

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………………..

- Đơn vị thi công: (tên đơn vị thi công)

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: …………………………..

Bên nhận bàn giao kết quả:

- Nông (lâm) trường ………………………….

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………………….

- Ủy ban nhân dân xã

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………………….

- Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ………………..

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………………….

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ………….

Đại diện: Ông (Bà): ………………………………………… Chức vụ: ……………………………….

Bên giao đã bàn giao cho các bên nhận khối lượng các hạng mục công việc như sau:

1. Vị trí ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất nông (lâm) trường ………………. tại thực địa, bao gồm ………… mốc ranh giới và …………… điểm đặc trưng;

2. Hồ sơ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của nông (lâm) trường ……….. bao gồm:

- Bản đồ ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất (bản giấy và bản số);

- Sơ đồ mốc ranh giới, bảng thống kê tọa độ các mốc ranh giới, điểm đặc trưng (bản giấy);

- Biên bản mô tả, xác định ranh giới sử dụng đất của nông, lâm trường với người sử dụng đất lân cận; Biên bản xác nhận mô tả đoạn ranh giới; Biên bản xác nhận mô tả đường ranh giới (bản giấy);

- Bảng thống kê và Biên bản về các trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong (bản giấy);

- Bảng diện tích đất của nông, lâm trường từng khu đất và tổng diện tích (bản giấy);

- Báo cáo kết quả thực hiện việc xác định, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới sử dụng đất của nông (lâm) trường (bản giấy).

Biên bản lập thành 07 bản; Nông (Lâm) trường ... 01 bản; Đơn vị thi công 01 bản; UBND xã ... 01 bản; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ... 01 bản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, thôn ... 01 bản; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ... 02 bản (một bản đưa vào hồ sơ quyết toán công trình, một bản lưu hồ sơ gốc)./.

 

Nông (Lâm) trường ……..
(Ký tên, đóng dấu)

 

Đơn vị thi công: (tên đơn vị thi công)
(Ký tên, đóng dấu)

UBND xã …..
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phòng TN&MT huyện…
(Ký tên, đóng dấu)

Sở NN&PTNT tỉnh …
(Ký tên, đóng dấu)

Sở TN&MT tỉnh……
(Ký tên, đóng dấu)

 

Phụ lục số 9

ĐỀ CƯƠNG DỰ ÁN, THIẾT KẾ KỸ THUẬT - DỰ TOÁN
Xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới nông, lâm trường quốc doanh

Phần thứ nhất

MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

I. MỞ ĐẦU

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

III. MỤC TIÊU

IV. PHẠM VI NHIỆM VỤ VÀ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC

1. Đối tượng thực hiện

2. Phạm vi thực hiện

3. Khối lượng các hạng mục công việc

V. SẢN PHẨM

VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN

VII. QUẢN LÝ THỰC HIỆN

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH TƯ LIỆU, TÌNH HÌNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG, LÂM TRƯỜNG

I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ TƯ LIỆU HIỆN CÓ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Tình hình tư liệu bản đồ

2. Tư liệu lưới tọa độ, độ cao

II. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh

2. Diện tích đất nông, lâm trường

III. NGUỒN NHÂN LỰC, TRÌNH ĐỘ CÁN BỘ VÀ TRANG THIẾT BỊ

1. Nguồn nhân lực, trình độ cán bộ của địa phương

2. Trang thiết bị và công nghệ thực hiện

IV. ĐÁNH GlÁ CHUNG

Phần thứ ba

NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN

1. Nhiệm vụ thực hiện ở các cơ quan cấp tỉnh

2. Nhiệm vụ thực hiện ở các cơ quan cấp huyện

3. Nhiệm vụ của các nông, lâm trường

II. GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ

1. Giải pháp xác định ranh giới nông, lâm trường

2. Giải pháp xác định vị trí mốc, đúc mốc và cắm mốc

3. Giải pháp đo đạc xác định tọa độ mốc và đường ranh giới, lập hồ sơ ranh giới nông, lâm trường

III. GIẢI PHÁP VỀ NGUỒN NHÂN LỰC, THIẾT BỊ, VẬT LIỆU

1. Giải pháp về nguồn nhân lực

2. Giải pháp về thiết bị và công nghệ

3. Giải pháp về vật liệu

IV. GIẢI PHÁP VỀ KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí thực hiện

2. Quản lý, cấp phát kinh phí

Phần thứ tư

KIỂM TRA, NGHIỆM THU, THẨM ĐỊNH VÀ GIAO NỘP SẢN PHẨM

I. KIỂM TRA, NGHIỆM THU, THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM

1. Kiểm tra, nghiệm thu các sản phẩm thực hiện

2. Thẩm định các sản phẩm

II. GIAO NỘP CÁC SẢN PHẨM

Phần thứ năm

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. CĂN CỨ LẬP DỰ TOÁN

II. DỰ TOÁN KINH PHÍ CÁC HẠNG MỤC

1. Nguyên tắc, phương pháp tính đơn giá các sản phẩm

2. Tổng hợp kinh phí dự toán

Phần thứ sáu

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN DỰ ÁN

IV. TỔNG KẾT DỰ ÁN

PHẦN PHỤ LỤC