Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4168/TCT-HTQT
V/v xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bình Dương.

Trả lời công văn số 13465/CT-KTT3 ngày 28/9/2011 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề nghị hướng dẫn về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với nhà thầu nước ngoài, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về việc xử phạt chậm nộp hồ sơ kê khai thuế nhà thầu nước ngoài đối với Công ty TNHH thuộc da Sài Gòn Tantec (Công ty Tantec):

1.1. Về trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế và nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài:

Điểm 2.2, Mục I, Phần A, Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

“2. Người nộp thuế

Người nộp thuế hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm:

2.2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa, hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:

- Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) và Luật Hợp tác xã;

Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2.2 Mục I Phần A Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN hướng dẫn tại Mục III Phần B Thông tư này trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài.”

Theo hướng dẫn nêu trên, bên Việt Nam ký kết hợp đồng với tổ chức nước ngoài có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế và nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài. Cụ thể, trong trường hợp này, Công ty Tantec có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế và nộp thuế tại Việt Nam thay tổ chức Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG).

1.2. Về việc xử phạt chậm nộp hồ sơ kê khai thuế nhà thầu nước ngoài đối với Công ty Tantec:

Trường hợp bên Việt Nam ký kết hợp đồng với nhà thầu nước ngoài (Công ty Tantec) không khai thuế hoặc chậm nộp hồ sơ khai thuế sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Cụ thể:

Điều 14, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế như sau:

“a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 32 của Luật Quản lý thuế, hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 33 của Luật Quản lý thuế;

Các hành vi vi phạm quy định tại Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, giảm thì chỉ bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế.”

Căn cứ quy định nêu trên, do việc thông báo áp dụng Hiệp định của tổ chức DEG vẫn trong thời hạn 3 năm, và nếu tổ chức DEG đủ điều kiện được miễn thuế theo thông báo áp dụng Hiệp định thì việc vi phạm về thời gian nộp hồ sơ khai thuế của Công ty Tantec không làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn nên Công ty Tantec chỉ bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế, không bị xử phạt về hành vi trốn thuế.

2. Về việc tạm nộp số thuế nhà thầu từ hoạt động lãi vay trong thời gian Công ty bổ sung hồ sơ để được áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Đức:

Khoản 1, 2 và 3, Điều 11. Lãi từ tiền cho vay, Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Đức quy định:

“1. Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia có thể bị đánh thuế tại Nước kia.

2. Tuy nhiên, khoản tiền lãi này cũng có thể bị đánh thuế ở Nước ký kết nơi phát sinh lãi và theo luật của Nước đó, nhưng nếu đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng các khoản tiền lãi thì mức thuế khi đó được tính sẽ không quá 10 phần trăm tổng số khoản lãi từ tiền cho vay.

3. Mặc dù đã có những quy định tại khoản 2,

a. lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam và được trả cho Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Ngân hàng Bundesbank của Đức, tổ chức Kreditanstalt Fϋr Wiederaufbau hoặc tổ chức Deutsche Inverstitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG) và lãi từ tiền cho vay được trả có sự liên quan đến khoản tiền vay được tổ chức HERMES-Deckung bảo đảm sẽ được miễn thuế Việt Nam;

b. lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức và được trả cho Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan chính quyền cơ sở của Việt Nam sẽ được miễn thuế Đức.”

Căn cứ theo các quy định nêu trên, lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam của tổ chức DEG được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ thông báo áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Đức, Công ty Tantec không phải nộp thay thuế nhà thầu từ hoạt động cho vay tại Việt Nam của tổ chức DEG.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết và hướng dẫn Công ty Tantec thực hiện. Yêu cầu Cục Thuế thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và hướng dẫn tại công văn này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Vụ: PC, CST, HTQT- Bộ TC;
- Các Vụ: CS, KTNB, PC-TCT;
- Website TCT;
- Lưu: VT, HTQT (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ




Nguyễn Đức Thịnh