Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4430/TCT-DNL
V/v chính sách thuế GTGT.

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trả lời công văn số 2035/EVN-TCKT ngày 27/5/2014 và công văn số 3187/EVN-TCKT ngày 15/8/2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị hướng dẫn kê khai, nộp thuế, phát hành hóa đơn đối với hoạt động mua điện các nhà máy điện độc lập (IPP) công suất đặt đến 30MW, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định người bán hàng phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Tại Điều 14 Điều 15 Mục 1 Chương III Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc và điều kiện khấu trừ thuế GTGT.

Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính quy định về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 5 Chương II Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 31/3/2014 của Bộ Công thương quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân hướng dẫn phương pháp lập tổng chi phí phát điện, theo đó phương pháp lập tổng chi phí phát điện có hướng dẫn chi phí mua điện từ các nhà máy điện nhỏ có công suất đặt từ 30MW trở xuống được đấu nối vào lưới phân phối điện của các Tổng công ty điện lực là khoản chi phí thuộc khâu phát điện của EVN.

Tại Điều 7, 8, 9 Chương II Thông tư số 12/2014/TT-BCT nêu trên quy định phương pháp lập tổng chi phí khâu phân phối, bán lẻ điện của các Tổng công ty Điện lực theo đó chi phí khâu phân phối không có chi phí mua điện của các IPP công suất đặt từ 30MW trở xuống.

Khoản 2 Điều 10 Chương IV Thông tư số 12/2014/TT-BCT nêu trên quy định:

“Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán chi phí mua điện từ các nhà máy điện nhỏ không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có công suất từ 30MW trở xuống cho Tổng công ty Điện lực theo đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và thuế”.

Căn cứ các quy định nêu trên và để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Công thương tại Thông tư số 12/2014/TT-BCT về chi phí ở từng khâu trong quy trình sản xuất kinh doanh điện, phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:

Trường hợp Hội đồng thành viên EVN ban hành quy chế phân cấp cho các Tổng công ty điện lực đại diện theo ủy quyền của EVN đàm phán, ký kết và quản lý việc thực hiện hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện IPP có công suất đặt đến 30MW thì các Tổng công ty Điện lực căn cứ sản lượng điện mua, giá mua và tổng số tiền mua điện theo các hóa đơn GTGT của các IPP để lập hóa đơn GTGT giao cho EVN.

Căn cứ vào hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhận của các Tổng công ty Điện lực, EVN kê khai thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí mua điện của các nhà máy IPP tại EVN theo quy định. Căn cứ vào hóa đơn GTGT các nhà máy IPP phát hành cho các Tổng công ty điện lực và hóa đơn GTGT mà các Tổng công ty Điện lực lập giao cho EVN, các Tổng công ty điện lực kê khai thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra theo quy định. Các Tổng công ty điện lực không hạch toán doanh thu, chi phí đối với hóa đơn mua điện của các IPP và hóa đơn xuất lại cho EVN đối với sản lượng điện này.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT và điều kiện hạch toán chi phí thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN.

Tổng cục Thuế trả lời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn để b/c;
- Vụ CST, PC (BTC);
- Vụ CS, PC, KK&KTT (TCT);
- Lưu: VT, TCT (VT, DNL (2b)).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn