Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4496/TCT-TNCN
V/v thuế TNCN đối với các chuyên gia nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2013

 

Kính gửi:

Công ty TNHH Sumitomo Corporation Vietnam LLC
(Địa chỉ: Hanoi Tower, 49 Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

 

Trả lời công văn không số đề ngày 23/9/2013 của Công ty TNHH Sumitomo Corporation Vietnam LLC phản ánh vướng mắc về việc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các chuyên gia nước ngoài cư trú tại Việt Nam, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Quy định hiện hành tại Luật Việt Nam:

- Tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 quy định: "Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam…"

- Tại Điều 7 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 nêu trên quy định:

"1. Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được quy định như sau:

a) Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công;"

- Tại Điều 53 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định: "Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế."

Căn cứ quy định nêu trên thì: người nước ngoài đến Việt Nam từ giữa năm và ở Việt Nam trên 183 ngày trong năm đó thì được xác định là cá nhân cư trú, có trách nhiệm khai thuế TNCN tại Việt Nam đối với thu nhập toàn cầu. Do kỳ tính thuế là theo năm và thuộc đối tượng khai thu nhập toàn cầu nên cá nhân phải khai thu nhập cho cả thời gian không có mặt tại Việt Nam trong năm tính thuế đó. Trường hợp cá nhân nước ngoài rời Việt Nam trước 31/12 thì cá nhân chỉ phải khai thu nhập toàn cầu tại Việt Nam từ 01/01 cho đến tháng rời Việt Nam. Cá nhân được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc từ 01/01 đến tháng rời Việt Nam.

Trường hợp cá nhân đã nộp thuế TNCN tại nước ngoài theo Luật nước ngoài và phù hợp với Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì Việt Nam sẽ cho phép khấu trừ vào thuế Việt Nam tương đương với số tiền thuế đã nộp tại nước ngoài nhưng không vượt quá số thuế tính theo luật Việt Nam.

2. Quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần:

Tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Nhật Bản quy định:

" ĐIỀU 4

Theo nội dung của Hiệp định này, thuật ngữ "đối tượng cư trú của một Nước ký kết" có nghĩa là bất cứ đối tượng nào, mà theo các luật của Nước ký kết đó, là đối tượng chịu thuế căn cứ vào nhà ở, nơi cư trú, địa điểm của trụ sở đầu não hay trụ sở chính hoặc các tiêu chuẩn nào khác có tính chất tương tự."

" ĐIỀU 15

1. Thể theo các quy định tại Điều 16, 18, 19 các khoản tiền lương, tiền công và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết đó, trừ phi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết kia.

2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại nước thứ nhất nếu:

a. người nhận tiền công có mặt tại Nước kia trong một khoảng thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm dương lịch liên quan, và

b. Chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia, và

c. số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động có tại Nước kia."

" 22

Tại Việt Nam việc đánh thuế hai lần sẽ được xóa bỏ như sau:

Khi một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản mà những khoản này, theo Luật của Nhật Bản và phù hợp với Hiệp định này, có thể bị đánh thuế tại Nhật Bản, Việt Nam sẽ cho phép đối tượng đó được khấu trừ vào thuế Việt Nam tính trên thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản một khoản tiền tương đương với số tiền đã nộp tại Nhật Bản. Tuy nhiên, số tiền thuế được khấu trừ sẽ không vượt quá phần thuế Việt Nam được tính trên thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản theo các luật và quy định thuế của Việt Nam"

Căn cứ quy định nêu trên thì: cá nhân Nhật Bản nếu thỏa mãn kiện cư trú theo Luật Việt Nam sẽ chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam trừ khi công việc được thực hiện tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Hiệp định cũng có quy định trường hợp công việc được thực hiện tại Nhật Bản thì cá nhân Nhật Bản vẫn phải khai thuế tại Việt Nam nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện dưới đây:

a. cá nhân Nhật Bản có mặt tại Nhật Bản trong một khoảng thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm dương lịch liên quan, và

b. chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động (công ty Việt Nam sử dụng lao động) trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nhật Bản, và

c. số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động (công ty Việt Nam sử dụng lao động) có tại Nhật Bản.

Căn cứ các quy định trên: trường hợp công ty Sumitomo Corporation ("SC") cử chuyên gia người nước ngoài từ Nhật Bản sang làm việc tại công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam LLC ("SCVN"), nếu các chuyên gia này là đối tượng cư trú của Việt Nam và không đảm bảo điều kiện được miễn thuế theo Hiệp định thì sẽ phải kê khai thuế đối với thu nhập toàn cầu từ tháng 01 năm dương lịch đến tháng rời khỏi Việt Nam.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty được biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục thuế TP. Hà Nội;
- Vụ PC (TCT), HTQT (TCT);
- Website TCT;
- Lưu: VT, TNCN.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn